Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápĐiều cốt lõi của Tứ Niệm Xứ 3

Điều cốt lõi của Tứ Niệm Xứ 3

-

Theo thông lệ hằng năm, Đại lễ Phật Đản tại Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đều được tổ chức quy mô và trang nghiêm với sự tham dự của đông đảo chư tôn đức Tăng Ni, và Phật tử cùng quý vị quan khách. Tuy nhiên, năm nay, mùa Phật Đản về trong bối cảnh cả trong nước và trên thế giới đang đối diện với đại dịch Covid–19 kéo dài, gây nguy hiểm khó lường. Theo thông tư hướng dẫn của HĐTS TƯ GHPGVN và công văn hướng dẫn của UBND tỉnh BR-VT, chương trình Đại Lễ Phật Đản PL. 2565 – DL. 2021 vào dịp rằm tháng tư ÂL tại Thiền Tôn Phật Quang đã tạm hoãn.

Trách nhiệm của mỗi người con Phật trong mùa Phật Đản giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 là cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, cho nên Thượng tọa Trụ trì khuyến khích các Phật tử dù không đến được chùa dự Lễ như mọi năm, nhưng ở nhà vẫn nghe thuyết giảng online và xem phim 3D sống động, chân thực về Cuộc đời vĩ đại của Đức Phật cùng những bậc Thánh A La Hán, cùng chia sẻ các bài viết, hình ảnh, tặng nhau những tấm thiệp chúc mừng, ca ngợi sự kiện Phật Đản sinh để dâng lên lòng tôn kính Phật, nhằm tinh tấn tu tập theo lời dạy của Ngài. Đó là việc làm thiết thực để chúng ta tri ân công đức của Đức Phật – vị Giáo chủ đã mở đường giác ngộ cho chúng sinh.

Đặc biệt, mùa Phật Đản này, Thiền Tôn Phật Quang trân trọng giới thiệu phim 3D về cuộc đời Đức Phật – tập 6: TRỞ VỀ CA TỲ LA VỆ để các Phật tử ở nhà cùng theo dõi và cùng thực hiện nghi thức tâm linh, hồi hướng cầu nguyện cho thế giới luôn hòa bình, đại dịch sớm kết thúc để mọi người được an lạc, xã hội ổn định, đất nước phồn vinh.

Vào sáng ngày 15/4/ Tân Sửu, TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết Pháp trực tuyến về chủ đề “THIÊN NHƠN SƯ” và những vấn đề cốt lõi nhất trong TỨ NIỆM XỨ – phần III, để đáp lại tấm lòng mong mỏi của các Phật tử do dịch bệnh không thể về Chùa dự Lễ.

Thượng tọa Trụ trì nhận thấy đã đến thời điểm phải chia sẻ với mọi người nội dung chính yếu trong TỨ NIỆM XỨ – phần III để mọi người có hành trang tu tập, tháo gỡ những vướng mắc, tà kiến nguy hiểm trong tâm, dù đây là nội dung mà Thượng tọa dự định sẽ giảng vào đêm giao thừa 2022.

TỨ NIỆM XỨ III đề cập đến hành trình tu tập của một người tu thiền có tiến bộ, có kết quả. Thượng tọa nhận định: “Trên đường tu hành, có một sự thật là ta vừa đạt được kết quả nào đó thì một cái sai cũng kèm theo, có thể khiến ta phải trả giá trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều kiếp”.

Đức Phật đắc đạo nhờ thiền định, cả đời Ngài dạy thiền định nên những người đệ tử của Phật đều phải tu tập thiền định. Thiền làm cho tâm chúng sinh từ động loạn trở thành yên tĩnh sâu dần… sâu dần… bỏ từng lớp chấp ngã cho đến khi đạt được vô ngã hoàn toàn.

Để nội tâm động loạn trở thành yên tĩnh, thì đừng dằn ép diệt trừ vọng tưởng. Giống như muốn một thân cây ra quả thì đừng thô bạo dùng dao khoét cành để lôi trái ra, mà chỉ cần tưới nước bón phân đúng cách thì đủ tháng đủ ngày, trái sẽ tự mọc ra từ trong thân. Cũng vậy, tâm thanh tịnh là một kết quả của thiền, và chúng ta đừng khờ dại cứ chăm chăm diệt vọng tưởng. Cứ lo dụng công đúng phương pháp, rồi sẽ đến lúc vọng tưởng tự biến mất.

Trước tiên, hãy đắp xây nền công đức cho vững vàng bằng cách lễ kính Phật, sám hối lỗi lầm, giúp người giúp đời… cộng với kỹ thuật thiền định đúng (ngồi đúng tư thế kiết già, giữ thân bất động mềm mại, biết rõ toàn thân, quán thân vô thường). Quán thân vô thường là cánh cửa đầu tiên. Quán được thân vô thường, cộng với những công đức từ trước tích lũy, tâm sẽ bắt đầu yên. Khi tâm yên rồi, hơi thở hiện ra, ta theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra, đừng điều khiển, lúc đó tự nhiên hơi thở ra dài hơn hơi thở vào, và mình biết rất rõ.

Khi ta thực hiện được đúng những điều đó, có cái nền công đức ở phía sau thì một ngày tâm bỗng nhiên sẽ được thanh tịnh. Tuy nhiên cái thanh tịnh này không duy trì mãi cho tới khi chứng Thánh quả, mà cứ thanh tịnh được vài ngày rồi động loạn lại. Vì sao như vậy?

Vì có ba điều mà ta khó buông bỏ trong tâm ý mình:

  • Thứ nhất là TÀI SẢN. Hầu hết chúng ta làm ra tài sản đều rất vất vả nên ai cũng nghĩ tài sản là của mình.

Khó ai biết tác ý rằng từ khi Quy y Phật, mọi tài sản của mình đều là của Phật, không có gì là của mình nữa. Ai dám tác ý như thế sẽ làm chư Thiên cảm động. Tác ý được như vậy là một bước thành công đầu tiên trong đạo lý, đạo đức, và trong triết học. Ai biết tác ý tài sản này không phải của ta mà là của Phật thì người đó sẽ biết dùng đồng tiền rất hợp lý, không dùng bừa bãi, không bao giờ dám hưởng thụ cho mình. Cho nên gương mặt họ thường nhẹ nhàng, hiền lành, tâm hồn thanh thản.

  • Thứ hai là TÂM CHẤP CÔNG. Khi ta hiểu đạo và năng nổ làm bao nhiêu công đức thì tâm chấp công cũng xuất hiện theo, rất đáng sợ. Cho nên phải tự nhắc mình rằng những công đức mình làm được đều bí mật có sự gia hộ của chư Phật.
  • Thứ ba, trở ngại khó vượt qua nhất là TRẠNG THÁI ĐẶC BIỆT TRONG THIỀN ĐỊNH là “tâm được thanh tịnh rỗng rang”.

Khi vọng tưởng lắng xuống, tâm thức bỗng được thanh tịnh kỳ lạ, ngang đây rất nhiều người đã nghĩ “Ta đã chứng rồi”. Ý niệm này rất sâu kín, có khi ta không thấy, chỗ chết người là ta không thấy mà nó vẫn tồn tại. Vậy nên vẫn phải biết rằng cái tâm đó là của Phật, không phải của mình.

Điều này không bao giờ Phật dạy trong kinh điển mà Phật chỉ nói trong Kinh Tứ Niệm Xứ một câu khiêm tốn thế này: “Tâm thế nào biết tâm như thế đó, tâm rỗng rang biết tâm rỗng rang, tâm thanh tịnh biết tâm thanh tịnh”, tức đừng nghĩ tâm đó là của mình, đừng nghĩ tâm đó là mình chứng. Ngày hôm nay ta phải hiểu thêm một nấc nữa: “TÂM ĐÓ LÀ CỦA PHẬT, KHÔNG PHẢI CỦA TA”. Khi tác ý như thế, ta buông cái ý là mình chứng ngay, nhờ vậy tránh được lỗi lầm, công phu không bị lui sụt.

Rất nhiều người tu thiền có kết quả đã bị lui lại vì chỗ này, hễ tâm thanh tịnh là thấy mình có chứng, dẫn đến đường tu bị trở ngại. Từ đây hãy nhớ rằng tài sản này là của Phật, mọi công đức làm được là của Phật, kể cả một cảnh giới thiền định đặc biệt hiện ra cũng là của Phật mà thôi.

Tóm lại, TT. Thích Chân Quang đã dùng ngôn ngữ thời đại ngày nay đào sâu phân tích những điều sâu sắc, tinh tế trong lời Phật dạy và giảng giải chi tiết, dễ hiểu, giúp mọi người thấy được thiền Tứ Niệm Xứ một cách rõ ràng. Đặc biệt hơn, đạo lý này dành cho những người nào tu có tiến bộ sẽ biết để điều chỉnh, tránh được những sai lầm nhờ vậy công phu tu hành không bị lui sụt.

Ngược lại, nếu không xử lý được cái sai đó ta sẽ mang họa, mà một cái sai có khi trả giá mất nhiều kiếp mới gỡ lại được. Cái mốc này cực kì quan trọng nên Thượng tọa giảng giải kỹ để người tu thiền có đủ chánh kiến, không bị lạc lối khi mới bắt đầu bước vào con đường tu.

Trong Tứ Niệm Xứ – phần III có rất nhiều lý luận, nhiều đạo lý quan trọng, Thượng tọa hứa sẽ phân tích trở lại một lần nữa vào đêm giao thừa bước sang năm mới 2022.

Quan điểm tu hành, giáo hóa của Thượng tọa là tìm lại đạo lý gốc từ thời Đức Phật, dựng lại thời Chánh Pháp khi Phật còn tại thế. Dưới sự dìu dắt của Thượng tọa và trên có Đức Phật, có các vị Thánh A La Hán, có các vị Bồ tát âm thầm gia hộ, chở che là điều may mắn lớn nhất trong đời khi ta phát tâm tu hành theo Phật.

Phải thực hành Tứ Niệm Xứ ta mới có thể chứng ngộ vô ngã, mới chấm dứt được vô minh. Không có một sự giác ngộ nào có thể có nếu chính ta không chịu thực hành chân chính. Thượng tọa đã tiếp thêm sức mạnh trí tuệ vào sự tu tập giác ngộ của mỗi người. Mong rằng sự chia sẻ này sẽ đem đến lợi ích cho nhiều Phật tử. Phải hiểu rằng Phật pháp có hưng thịnh hay không là nhờ vào những người tu thiền có chứng ngộ, có kết quả tâm linh thật sự. Cầu mong tất cả những người con Phật đều tu hành đến chỗ thành tựu  được tâm vô ngã như lời Phật dạy./.

Nguồn: Bài giảng THIÊN NHƠN SƯ – Thượng tọa Thích Chân Quang.

Link: https://www.youtube.com/watch?v=04w3RlWGJts&t=3035s

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất