Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápGiá trị của Thiền trong Đạo Phật

Giá trị của Thiền trong Đạo Phật

-

Vừa qua, vào ngày 30/03/2019 (nhằm ngày 25/02/ năm Kỷ Hợi), nhận lời mời của TT Thích Phước Hạnh –  Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Vĩnh Long – Trụ trì chùa PNXL Vĩnh Long, nhân Khóa tu thiền đầu tiên của năm 2019 tại Bổn tự (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã quang lâm hướng dẫn về Thiền và chia sẻ bài Pháp thoại có chủ đề GIÁ TRỊ CỦA THIỀN TRONG ĐẠO PHẬT. Buổi Pháp thoại có sự tham dự của đông đảo thiền sinh và Phật tử thuộc các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ. 

Đây là hoạt động tu học thường niên được tổ chức từ ba năm qua, có sự tư vấn, hỗ trợ, giảng dạy trực tiếp của TT Thích Chân Quang cùng Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang trong Ban Giám thiền. Khóa tu đã nhận được sự hưởng ứng ngày càng đông của các Phật tử yêu thích thiền, đặc biệt là giới trẻ và có cả người nước ngoài tham dự.

Đúng 15h00” vào ngày thứ hai của Khóa tu, TT Thích Chân Quang đã chia sẻ đến các thiền sinh, Phật tử bài Pháp thoại mang tựa đề GIÁ TRỊ CỦA THIỀN TRONG ĐẠO PHẬT.

Bài Pháp thoại xoay quanh giá trị của Thiền trong đạo Phật. Ai cũng biết rằng, Đức Phật đắc đạo bằng con đường thiền định và suốt cuộc đời Người giảng dạy về thiền. Tuy nhiên, vì tu thiền quá khó nên cách đây vài trăm năm người ta đã bắt đầu bỏ thiền dần dần, thay bằng những lối tu được cho là đơn giản dễ dàng hơn. Và cho đến ngày hôm nay thiền trong đạo Phật đã bị mai một, dù đây là con đường duy nhất để gìn giữ, phát huy, xây dựng giá trị của đạo Phật.

Hiện nay con số người tu thiền không được bao nhiêu. Hệ quả là đạo Phật suy yếu trên rất nhiều mặt, bởi thiền là cốt lõi, là nguồn sức mạnh thiêng liêng vô hình của đạo Phật. Suốt bài giảng, Thượng tọa đã tập trung phân tích cho ý nghĩa này.

Có thể thấy rằng, mất thiền đạo Phật suy yếu ngay. Ngày nào còn những người tu thiền chân chính, ngày đó đạo Phật còn tồn tại. Ngày nào không còn người tu thiền chân chính, đạo Phật dần bắt đầu suy tàn theo lộ trình:

  • Thứ nhất, bỏ thiền
  • Thứ hai là mất đạo đức giới hạnh
  • Thứ ba là mất tín đồ
  • Thứ tư là mất chùa

Lý giải cho tiến trình ngày, Thượng tọa khẳng định, nếu mất thiền (bước thứ nhất), chúng ta không còn năng lực kiểm soát nội tâm mình, và trước nghịch cảnh hay cám dỗ (tiền tài, sắc dục, địa vị…), ta không giữ nổi đạo đức giới hạnh nữa. Đừng ai cho rằng dùng ý chí đơn thuần mà giữ được sự trong sạch. Không thiền, ta rất dễ mất đạo đức giới hạnh ngay (bước thứ hai). Vì vậy, người tín đồ thấy chùa không còn sức hút, dần dần họ không muốn tới lui nữa (bước thứ ba). Cuối cùng là mất chùa (bước thứ tư), xem như đạo Phật biến mất.  

Mà đạo Phật mất cũng tức là chân lý cao siêu Đức Phật mang đến cho hành tinh này bị tàn hoại. Đây là cái tội rất lớn cho tất cả chúng ta.

Muốn chấn hưng đạo Phật, chúng ta phải giữ lại biên giới đầu tiên không cho sụp đổ, không cho những bước tiếp theo xuất hiện. Biên giới đó chính là thiền. Thiền gắn với vận mệnh Phật pháp là vậy. Cho nên những con người lặng lẽ tu tập thiền định, nhìn khiêm cung như hạt bụi bên hiên, nhưng họ chính là những người đang gìn giữ Phật pháp, sẽ được công đức rất lớn.

Nhân đây, Thượng tọa khuyến tấn: Có thể nói, biết ngồi thiền là phước duyên rất lớn, cũng là sứ mạng mà Phật đã đặt lên vai chúng ta. Chúng ta thề với Phật, bằng tất cả trái tim, tất cả thân mạng này, sẽ quyết bảo vệ Phật pháp bằng cách tinh tấn thiền định.

Bản thân mỗi người quyết tu tập thiền định, và các Chùa hãy tạo điều kiện cho Tăng Ni sinh được thực hành thiền định, trong thời khóa tu tập phải ưu tiên cho thiền trước để thiền theo quý Tăng Ni suốt cuộc đời, trở thành hơi thở, thành cuộc sống của các vị. Vài trăm năm trước rất nhiều đệ tử Phật đã bỏ thiền khiến đạo Phật suy yếu, thì từ bây giờ chúng ta phải duy trì công phu tu thiền trong Tăng Ni Phật tử cho đến vài trăm năm sau mới mong vực dậy đạo Phật được.

Đặc biệt trong thời đại hôm nay không thiếu kẻ hiểm ác đầy dã tâm, tham vọng, sẵn sàng phá hoại đạo tâm của người Phật tử. Do đó, chỉ những ai có sức mạnh tâm linh từ thiền định mới đứng vững nổi. Có những thế lực xem tôn giáo như là công cụ thu hút quần chúng, và họ muốn thao túng Phật giáo, xóa sổ Phật giáo. Họ dùng nhiều phương cách nhằm thực hiện kế hoạch của mình, trong đó có rỉ tai nói xấu, tác động, dụ dỗ, mua chuộc từng người. Giữa thực tế đó, chỉ có những người nội tâm vững vàng trong thiền mới trụ lại nổi với Thầy tổ, với Phật pháp. Vì vậy, việc tu thiền lại càng phải được củng cố, được vực dậy khắp nơi, hơn bao giờ hết.

Trong bài giảng, Thượng tọa cũng đề cập đến vấn đề tại sao Phật tử ngày nay ít tìm đến chùa. Để dễ hình dung, Người đưa ra hình ảnh nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Cũng vậy, nếu người xuất gia có điều gì đó cao siêu hơn người thế gian một bậc, thì người ta mới tìm đến chùa để được nguồn nước tâm linh của chùa chảy tràn vào tâm hồn họ.

Cái hơn đó là gì? Có ba điểm chính, đó là: đạo đức, tri thức và tâm linh. Người ta khó lòng tìm đến chùa học hỏi nơi những người xuất gia kém đạo đức hơn họ; tri thức cũng lạc hậu kém cỏi không bằng họ; và tâm linh thì không có gì cao siêu, dễ động, dễ sân, dễ tham còn hơn họ. Do đó, chỉ khi người xuất gia rất đạo đức thánh thiện, rất hiểu biết tri thức thế gian, đặc biệt là có tâm linh từ thiền định thì Phật tử mới tự tìm về chùa. Đó là chìa khóa. 

Do vậy, ai lặng lẽ vất vả tu thiền, người ấy chính là những chiến sĩ âm thầm bảo vệ cho Phật pháp được trường tồn.

Quả thực, rất nhiều lần Thượng tọa nhắc đến thiền và vai trò của thiền trong các bài Pháp của mình, cũng như tại các Khóa tu. Nhưng đến hôm nay, mọi người mới vỡ lẽ thấu đáo hơn về vai trò cốt yếu, quan trọng của thiền trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của đạo Phật. Thiền chính là cái cốt lõi, cái giá trị của đạo Phật, mất thiền, coi như ta mất đạo Phật. Vì vậy, gìn giữ, phát huy mối thiền cũng chính là gìn giữ, phát huy giá trị của đạo Phật.

Bao năm qua, Thượng tọa Giảng sư đã kết hợp với các chùa cùng tổ chức những khóa thiền trên khắp các tỉnh thành cũng vì lý do này. Hình ảnh hàng trăm, hàng nghìn con người lặng lẽ khuya sớm tọa thiền vừa thanh tịnh hiền lành, vừa trang nghiêm rực rỡ, khiến lòng chúng ta xúc động khôn nguôi.

“Con lặng lẽ tọa thiền không ngày nghỉ

Dù những khi trăng thủ thỉ tàn canh

Hay sương tan nắng hồng rớt qua cành

Ngày đông lạnh mưa tuyết quanh đồi núi

Con lặng ngồi khi cô đơn lầm lũi

Chẳng ai nhìn một hạt bụi bên hiên

Như nghìn xưa bậc ẩn sĩ nhập thiền

Cần ai biết giữa muộn phiền nhân thế”…

Ngoài ra, bài Pháp cũng đưa ra lời cảnh báo, nhắc nhở mọi người trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực xấu. Chỉ khi tâm bất động, đạo lực thật vững vàng thì ta mới an nhiên bước qua mọi cám dỗ, thử thách. Đó cũng là những lợi ích tuyệt vời mà thiền mang lại cho ta. Nghĩa là thiền giúp ta xây dựng nội tâm, hoàn thiện bản thân. Do đó, dù khó khăn, vất vả, chúng ta cũng phải cố gắng duy trì, siêng năng tu tập thiền định. Chỉ có cách này, ta mới làm tròn trách nhiệm của mình với bản thân và với đạo Phật.

Ước mong sao một ngày hành tinh ngập tràn chánh pháp, ai ai cũng xem thiền là nơi trở về, người người cùng chung nhau đi tìm nội tâm thanh tịnh hư vô cùng sự giải thoát cao siêu tuyệt đối./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất