Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápHành trình tu tập - Bài giảng sáng mùng 4 Tết Mậu...

Hành trình tu tập – Bài giảng sáng mùng 4 Tết Mậu Tuất

-

Bước sang mùng 4 tết, không khí mùa xuân vẫn ngập tràn tại Thiền Tôn Phật Quang, hôm ấy gần 13 nghìn lượt người du xuân đến chùa để cầu nguyện mọi điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình, quê hương đất nước trong năm mới này, đồng thời cũng để thính Pháp đầu năm. Bài Pháp thoại ngày mùng 4 có tựa đề HÀNH TRÌNH TU TẬP.

Bài Pháp đã nêu ra ba vấn đề lớn trong cuộc đời mà người phật tử nào cũng phải giải đáp cho bằng được. Đồng thời, đưa ra những gợi ý, góp phần định hướng, giúp mọi người tìm ra những câu trả lời đúng đắn nhất. Từ đó, kiên trì với con đường mình chọn, vững vàng trước những khó khăn trên bước đường tu tập đi đến sự giác ngộ, giải thoát.

Đầu tiên, các tiết mục văn nghệ do các phật tử biểu diễn đã làm ấm lên không khí ngày xuân và nói hộ cả lòng người về tình yêu đạo pháp, tình yêu quê hương đất nước.

Kế đến, sư cô TN Tường Phổ thay mặt cho Chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang chúc tết các phật tử và chia sẻ vài lời đạo lý thấm đượm nghĩa tình trong cách cư xử tử tế giữa người với người. Sư cô cho rằng mọi người đến chùa đầu năm là một sự lựa chọn hết sức tinh tế, bởi chùa chúng ta vừa có tượng Phật đẹp để chiêm bái cho thỏa lòng, được ngắm hoa với nhiều màu sắc đẹp. Sau đó là được nghe Pháp và ăn đồ chay ngon. Ngoài ra, còn được gặp gỡ, hàn huyên với huynh đệ khắp chốn trong cái tình yêu thương nồng đượm. Thật không có niềm vui nào lớn bằng niềm vui sum họp này.

Để có được niềm vui ấy, trước hết là nhờ cái tết truyền thống. Tết thì ai cũng bắt buộc phải vui. Không chỉ vui cho mình, ta còn tìm niềm vui cho người khác. Chẳng hạn, để cho phật tử về chùa hưởng không khí ngày xuân được trọn vẹn, quý thầy, quý sư cô và phật tử tại chùa phải chuẩn bị chu đáo mọi thứ từ việc trang trí bàn Phật, cho đến hoa viên, rồi làm bánh mức, dưa kiệu, các món ăn ngon, v.v… Từ việc đóng góp vào niềm vui chung đó, bản thân ta cũng nhận được niềm vui từ những người xung quanh. Thêm nữa, đem lại niềm vui cho người khác ta sẽ được cái phước, tức là đầu năm làm việc gì, cả năm ta làm việc đó. Ví dụ đầu năm đem lại niềm vui cho người khác thì cả năm ta gặp nhiều chuyện vui là vậy.

Dịp này, Thượng tọa nhấn mạnh: trong việc đem niềm vui cho người khác, mọi người đều bình đẳng. Ta đừng nghĩ người giàu chỉ ngồi hưởng còn người nghèo phải phục vụ. Như ở chùa, đã đến đây thì ai cũng như ai. Việc Phật sự là việc chung, mọi người đều phải làm.

Dù là quan chức hay người dân, người giàu hay người nghèo, người Việt hay người nước ngoài,… đến chùa rồi thì đều phải bưng bê, phục vụ. Thậm chí, họ còn rất thích làm việc này vì nó đem lại niềm vui cho người khác. Và đem lại niềm vui cho người khác mới thực sự là ý nghĩa của cuộc sống này.

Như tết này có diễn viên điện ảnh nổi tiếng LÊ BÊ LA đã chọn công việc rửa bát suốt ngày để phục vụ cho các phật tử, chỉ vì với chị đạo Phật có một giá trị sống và hướng thượng cho con người được tốt hơn, đẹp hơn, thánh thiện hơn. Cho nên, hôm nay dù đã có những thành công nhất định giữa cuộc đời, nhưng mái chùa luôn là chốn quay về của chị.

Thượng tọa nhận định, quan niệm đó rất đúng, ta cứ đem lại niềm vui cho người khác thì yên chí rằng cả năm mình sẽ được may mắn. Còn nghĩ rằng ăn thịt chó để giải xui có khi lại làm cộc sống của ta thêm khó khăn, bần túng.

Thêm nữa, đầu năm về chùa lễ Phật là ta đã kết nối được với thần Thánh trên cao, nên yên tâm rằng suốt năm ta được thần Thánh gia hộ, gìn giữ. Đây không phải là mê tín, mà nó xuất phát từ niềm tin. Cái gì ta quý trọng nhất thì ta đến với nó. Ta chọn đến chùa thì chùa là cái ta yêu quý nhất. Thành ra, cái nhân quả lớn hơn ngày thường. Nhờ đó, ta được niềm vui, sự gia hộ suốt năm. Nhân quả công bằng vậy.

Đó cũng là lí do mà trước khi làm bất cứ điều gì, Thượng tọa đều yêu cầu đệ tử mình phải niệm Phật. Nhớ đến Phật ở buổi đầu thì hành trình nào, công việc gì, ta cũng được bình an, suôn sẻ. Với chúng ta, hành trình lớn nhất là cuộc đời.

Để mọi người hiểu về hành trình này, Thượng tọa đã chia sẻ về những trải nghiệm độc đáo mà ít người biết đến trước đó. Đầu tiên, Người khẳng định, sống là một chuyến đi. Sinh ra là ta đã bị ép buộc, cưỡng bách đặt vào dòng đời này nên không có lựa chọn nào khác mà buộc phải bước đi. Đường đi của mọi người có sự giao nhau. Giống hôm nay, trong hành trình của mình, bỗng nhiên chúng ta gặp nhau tại chùa vậy. Sau đó, mỗi người lại đi theo ngả của mình. Nhưng cái quan trọng là ta chọn đi về đâu cho khôn ngoan nhất, ý nghĩa nhất, để kết thúc cuối cùng không phải là vực thẳm, khổ đau, tuyệt vọng?

Nghĩa là, ta phải chọn hành trình nào mà kết thúc là ánh mặt trời, là hạnh phúc, là niềm vui. Còn không biết cuối cùng là gì mà cứ bước đi thì rất dễ chọn nhầm đường, đi về nơi vực thẳm thì uổng phí một kiếp người. Ngược lại, nếu may mắn chọn được hành trình để cuối đời ta đứng trên đỉnh vinh quang, giống việc ta chọn về chùa ngày đầu năm, đó cũng là một cái khôn ngoan.

Bây giờ nói bố mẹ sinh ra ta thì ta phải đi cho hết kiếp này. Nhưng cuộc đời này đâu chỉ có một kiếp, ta đang sống trong luân hồi vô tận, hết kiếp này sẽ có kiếp khác. Vậy nên, sẽ có lúc ta vinh quang, làm quan làm tướng, cũng có lúc ta hèn hạ, làm người nhặt rác hay ăn mày. Ở cái luân hồi cay nghiệt này, ta đã đi qua rất nhiều vai diễn, chứ không phải một vai đâu.

Trong nhiều kiếp đã đi, kiếp này ta cũng tiếp tục đi, nhưng ta đi đâu? Đi nhanh hay chậm? Đi một mình hay đông người? Đây là 3 câu hỏi rất quan trọng và Thượng tọa lần lượt phân tích khúc chiết từng câu:

Câu đầu tiên “ta đi đâu?” Thường ta cứ để cuộc đời đẩy đi chứ chưa bao giờ xác định chọn cho mình một con đường để đi tới. Cái mà ta đang đi là cái nếp, cuộc đời đẩy ta theo cái đó. Hôm nay, ta có quyền thay đổi số phận, chọn cho mình một con đường để đi.

Chắc chắn, con đường nào cũng kết thúc là cái chết, nhưng khác nhau là chết ở đâu. Nếu ta đi tìm một cái gì đó mà khi rời khỏi cuộc đời này không mang theo được thì coi như đã chọn sai đường. Ngược lại, chọn con đường mà có những cái mang theo được sau khi nhắm mắt xuôi tay là ta đang đi đúng hướng.

Cái ta không mang theo được sau khi chết là tiền nên đừng dành cả đời để kiếm tìm nó. Kế đến là người thân. Giờ không phải là thời phong kiến, khi “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Giờ cũng không phải thời chồng chết thì vợ phải tự tử theo. Thế nên, những thứ thuộc về vật chất, ta không mang theo được. Vậy ta mang được cái gì?

Theo Thượng tọa, sau khi chết ta mang được hai cái theo. Một là tội phước. Hai là tiếng tăm. Thế nên các cụ mới nói: “Hổ chết để lại da, người chết để lại tiếng”. Ta chọn con đường nào để khi đi hết cuộc đời, ta mang theo được những điều hết sức ý nghĩa, tốt đẹp, an vui. Dù ta không cần nhưng vẫn phải để lại trong lòng mọi người niềm yêu thương, thành kính, tiếc nhớ. Đấy mới là sống một cuộc đời xứng đáng, có giá trị.

Để thành tựu được những điều đó, Người chỉ cho các phật tử hai con đường sống ý nghĩa phải đi: Một là sống phụng sự, cống hiến, đem lại lợi ích, hạnh phúc cho mọi người. Hai là đem lại đạo đức, tâm linh giác ngộ, giá trị tinh thần cao quý cho chúng sinh. Nếu chọn được hai con đường này, khi kết thúc cuộc đời, ta ở trên đỉnh vinh quang. Nếu chọn con đường hưởng thụ cho mình rồi chà đạp, làm khổ người khác thì cuộc đời ta kết thúc ở vực thẳm.

Nghĩa là, chỉ có hai con đường ý nghĩa, đáng đi trên cuộc đời này. Những con đường khác đều rất nguy hiểm, tuy thấy sung sướng nhưng kết thúc lại là đau khổ. Nên từ bây giờ, ta phải xem xét, chọn lựa lại con đường đi cho mình, quyết phụng sự, cống hiến để làm lợi cho mọi người xung quanh. Tuy nhiên, làm sao để thực hiện điều đó thì tự mỗi người phải suy nghĩ, tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Theo Thượng tọa, trong những ngày tết, mọi người có thể đến chùa phụng sự bằng cách bưng bê, quét dọn, hướng dẫn khách vãng lai để ai cũng được vui vẻ, thoải mái. Đây chính là cơ hội cho mọi người tập phụng sự. Trong chùa mà phụng sự được thì ở đâu ta cũng phụng sự được. Tức là ta mang tinh thần phụng sự ở chùa vào trong cuộc đời.

Hay chúng ta đi tìm thành công cho mình bằng cách giúp người khác thành công trước. Đừng khờ dại tìm thành công bằng cách giành thành công của người khác về mình. Tìm thành công bằng thủ đoạn thì chỉ kết thúc bằng thất bại mà thôi. Nghĩa là ta cứ đi sau hỗ trợ, lo lắng, chăm sóc, nhường thành công cho người khác. Mong họ thành công thì cuộc đời ta cũng sẽ thành công. Sống mà biết giúp đỡ, hi sinh, phụng sư, cống hiến, làm cho người khác được lợi ích thì nhân quả bù lại cho ta bội phần. Cho nên, cứ yên tâm đi theo hai con đường sống có ý nghĩa đó.

Giờ xét lại tâm mình, bao lâu nay ta cứ đi tìm niềm vui, hạnh phúc cho riêng mình là đi lầm đường. Hễ có mặt trên đời thì không phân biệt già hay trẻ, ai cũng phải chọn cho mình con đường đi tìm niềm vui, hạnh phúc cho người khác và lúc nào cũng phải đau đáu, ấp ủ, nhắc nhở điều đó trong tâm trí mình, rồi Phật sẽ cho ta cơ hội để thực hiện. Nếu ta không tác ý, sẽ không ai giao nhiệm vụ cho. Đây cũng là cách ta đền ơn cha mẹ, cuộc đời và những người đã cưu mang ta.

Còn hành trình đem lại đạo đức, tinh thần, tâm linh giác ngộ cho chúng sinh khó hơn, dành cho những người có căn cơ hơn, nhưng ta cũng phải nguyện chọn và đi theo nó. Con đường này khó vì ta phải thực hiện điều đó nơi bản thân mình trước. Tức là ta phải sống rất đạo đức, phải thực hành tu tập tâm linh, phải hướng về giác ngộ thì mới đem đạo đức, tâm linh giác ngộ thắp lên trong tim chúng sinh.

Ta phải nhớ rằng việc tu dưỡng đạo đức, thực hành công phu tâm linh, hướng về giác ngộ cực kì khó khăn, nhưng chính cái khó khăn ấy mới cứu được thế giới. Thế giới mà không có ánh sáng của tâm linh, giác ngộ; không có nền tảng của đạo đức, vô ngã thì dù tiến bộ đến đâu rồi cũng sụp đổ. Đây là điều chắc chắn.

Hôm nay, nền văn minh của nhân loại đang đứng trước ngã 3 chứ không phải một ngã rẽ vì ta bắt đầu đi đến trí tuệ nhân tạo rồi. Nếu chọn sai hướng, chính trí tuệ nhân tạo sẽ hủy diệt loài người. Những con robot thông minh do con người tạo ra sẽ quay lại khống chế, chi phối, điều khiển chúng ta. Cái đích cuối cùng của trí tuệ nhân tạo lại là con người tạo ra những ông chủ mới cho chính mình. Lúc đó, thế giới sẽ sụp đổ.

Ngược lại, nếu biết chọn đúng hướng để đi, xây dựng nền tâm linh, giác ngộ cho loài người thì ta mới đứng trên robot. Chúng không thể quay lại thống trị loài người nữa, bởi lúc đó con người đã trở thành Thánh hết rồi. Nghĩa là, khi nền văn minh bước tới giai đoạn ngã 3, hoặc loài người bị chính trí tuệ nhân tạo thống trị, hủy diệt, hoặc loài người phát triển tâm linh giác ngộ cao hơn trí tuệ nhân tạo, trở thành bậc Thánh, có thể du hành khắp vũ trụ, thoát khỏi sự điều khiển của robot.

Ta thấy, đĩa bay xuất hiện ở trái đất đều từ những hành tinh đã chọn đúng đường. Nền văn minh cao tột không hủy diệt được họ bởi họ có tâm linh vượt lên trên nền văn minh vũ trụ. Do đó, con đường thứ hai mà ta phải chọn cho cuộc đời mình rất khó khăn.

Câu hỏi thứ 2 là chúng ta đi nhanh hay chậm?

Thượng tọa khẳng định đem lại niềm vui, hạnh phúc, đạo đức, tâm linh giác ngộ là con đường đúng đắn ta phải đi, nhưng ta muốn đi nhanh hết con đường này cũng không được vì thiếu phước. Vậy nên, đành phải đi chậm. Tuy nhiên, đi chậm mà không cố gắng, nỗ lực thì ta dễ rơi vào trạng thái lười biếng, giải đãi. Kết quả, dù đi hết cuộc đời, ta cũng không làm được mấy điều có ích cho chúng sinh.

Nghĩa là, ta không thể đi nhanh nhưng cũng đừng chậm chạp mãi cho đến lúc chết. Muốn làm phước thì ta phải có phước. Giờ chưa làm được những điều phước lớn thì ta cứ làm phước nhỏ trước. Khi cái phước nhỏ bắt đầu nảy nở thì ta làm cái phước to. Phước dày đến đâu, ta cống hiến được nhiều đến đó. Ta đem phước dày đi cống hiến, phụng sự thì ta lại được cái phước dày hơn nữa. Cứ thế, cái phước lớn dần thì ta phải cống hiến, phụng sự nhiều hơn.

Chúng ta cần hiểu rõ, đi chậm ở đây nghĩa là từ cái thân phận, phước lực, mức độ khả năng, ta cố gắng cống hiến, phụng sự hết mình. Sau một thời gian, quả báo đem lại cho ta thành công lớn hơn. Đại khái, ta cứ làm phước từng bước, đừng thiết tha làm phước quá mà đi nhanh kẻo sai đường. Ta cứ tiến từng bước một, bảo đảm chậm nhưng chắc. Đến khi có khả năng thì phải đi nhanh, không được đi chậm mãi. Nếu không, dễ rơi vào ích kỉ, hẹp hòi, lười biếng, giải đãi.

Câu hỏi thứ 3 là ta đi với ai, đi một mình hay đi đông người?

Nhà Thiền có câu: “thường độc hành, thường độc bộ” hay “Đạt giả đồng du Niết bàn lộ”. Đi đâu ta cũng có thể đi một mình, nhưng đi chùa phải rủ đông người cùng đi. Tức là trên hành trình của cuộc sống, ta đi trên lí tưởng tu hành, giác ngộ, phụng sư, đừng khờ dại đi một mình bởi đi một mình thì hiệu ứng nó thấp. Ta phải đi đông người, hiệu ứng mới cao.

Theo đó, Thượng tọa giải thích, đi đông người thì người này nương tựa, khuyến khích, nhắc nhở, hỗ trợ người kia. Ngồi thiền hay đọc kinh, có thể tìm chỗ vắng vẻ, làm một mình, nhưng hầu hết việc khác ta phải tìm bạn đồng hành. Nhân quả mang lại cho ta là ở những kiếp sau, ta thành tựu được nhiều đồng đạo, đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào hỗ trợ cho sự nghiệp của mình.

Giống như việc một người lên làm vua, không bao giờ họ làm vua một mình mà xung quanh phải rất nhiều quan tướng. Đó là bởi kiếp trước, khi làm việc thiện, họ biết rủ nhiều người cùng làm. Giờ thành công, xung quanh quyến thuộc rất đông. Hoặc một vị Phật xuất hiện giữa cuộc đời thì Long Thiên Bát Bộ, các đệ tử, các vị Bồ tát chầu về hỗ trợ cho Pháp hội được trang nghiêm, long trọng. Thế nên, khi làm việc tốt, nhớ đừng làm một mình mà rủ càng nhiều người cùng làm càng tôt, đó là một cái tâm thiện. Giữ việc tốt cho riêng mình là ích kỉ.

Tuy nhiên, đôi khi có sự hi sinh khéo léo, ta phải lặng lẽ đi một mình. Còn bình thường, nhiều điều trong cuộc sống này, nhất là những điều tốt đẹp, ta đừng đi một mình, bởi đó là một sự hẹp hòi, lại không mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra, ta biết rằng hành trình mình đi không trải đầy hoa thơm, cỏ lạ mà rất nhiều gập ghềnh, gai góc, khó khăn. Con đường cống hiến, phụng sự lúc nào ta cũng có thể bị chống phá, vu oan, kết tội, hiểu lầm. Con đường mang lại đạo đức, tâm linh giác ngộ cho người khác cũng không dễ đi. Có lúc ta bị bệnh, bế tắc; có lúc ta bị nghịch cảnh bức ngặt,… không phải lúc nào cũng bình yên, suôn sẻ mà nó có nhiều cái khúc bất ngờ, khó hiểu, không biết phải giải quyết thế nào mới đúng.

Ví dụ, gặp người khó khăn, muốn cho họ tiền nhưng việc này đúng hay sai, liệu nó có giúp họ thăng tiến trên cuộc đời, tìm được niềm vui không hay lại đẩy họ xuống hố sâu, mãi không đứng lên được. Vậy nên, nhiều điều đúng sai trên cuộc đời này, ta cực kì khó đánh giá.

Hành trình ta đi cũng vậy, không phải mọi chuyện đều tốt đẹp. Có những lúc khó khăn, khó quyết định, khó xử lí và cả nhiều cái trở ngại, vất vả, cực nhọc, oan ức nữa. Thêm nữa, những cái khó nơi hoàn cảnh, nơi nội tâm, nơi thân thể, cũng là những nhân tố cản trở, khiến ta không thể đi nhanh được. Nếu không có một vị minh sư hướng dẫn, ta khó có thể đi trên con đường đúng đến cuối cùng.

Thực sự, cuộc sống này không có gì là dễ dàng, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, khôn khéo, đi qua từng bước một. Dù con đường ta chọn rất cao thượng, tốt đẹp nhưng cho đến lúc nằm xuống, hãy nhớ rằng không có con đường nào thong thả, an vui, con đường nào cũng đầy gian khó.

Tuy nhiên, cũng có những thuận lợi bất ngờ do phước báo của ta xuất hiện, khiến ta một bước lên vinh quang luôn. Nhưng trước khi thành tựu được điều đó, ta còn bị thử thách một lần nữa, xem ta có thật sự đạo đức hay không. Vậy nên hãy nhớ, lúc nào cũng phải tuân thủ đạo đức, giữ cái tâm phụng sự mà không cầu lợi. Cái đạo đức thấm sâu trong ta nhiều ngày tháng đó, giờ kết thành trái ngọt lớn, giúp con đường ta đi trở nên thuận lợi hơn.

Thêm nữa, trời Phật vẫn che chở ta, luật nhân quả vẫn vận hành một cách công bằng. Vậy nên, ta cố gắng vừa đi trên con đường của mình, vừa tạo phước, sao cho cứ mỗi bước chân ta đi qua, phước ta lại lớn thêm để kết thúc hành trình của mình, chỉ là ánh mặt trời. Thế là ta có thể mỉm cười được.

Tóm lại, bài Pháp thoại khá dài, chứa đựng rất nhiều đạo lí khó nhưng được Thượng tọa lí giải, dẫn dụ một cách cụ thể, tỉ mỉ nên ai cũng nắm được những cái sườn ý cơ bản. Để thấu đáo được hết thì đòi hỏi ý thức tu tập, thực hành nghiêm túc, lâu dài ở mỗi cá nhân người phật tử. Nếu biết vận dụng đúng những gì được học, chắc chắn con đường tu tập của mọi người sẽ dễ đi và sớm có kết quả tốt đẹp.

Ngoài ra, bài Pháp thoại còn giải quyết được ba vấn đề lớn mà rất nhiều người còn mơ hồ, thắc mắc. Thông qua những kiến giải của Thượng tọa, mọi người nhìn rõ hơn được con đường phía trước mà mình cần phải đi. Hẳn phải trí tuệ sâu rộng, phước đức dày lắm, mới có thể nhìn thấu đáo mọi chuyện trong quá khứ và tương lai như vậy. Từ đây, chúng ta yên tâm nương tựa vào Người, để tiếp tục bước tới, tu học, cống hiến, phụng sự, và làm lợi cho đời, đúng như mong đợi của Thượng tọa./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh sáng mùng 4 Tết:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất