Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápHiểu tâm của Thánh - Bài giảng sáng mùng 3 Tết Mậu...

Hiểu tâm của Thánh – Bài giảng sáng mùng 3 Tết Mậu Tuất

-

Vào sáng ngày mồng 3 tết, nắng vàng, hoa thơm vẫn điểm tô sân chùa, dòng người vẫn rộn ràng tìm đến cho hương xuân thêm nồng ấm. Hàng năm Thiền tôn Phật Quang vẫn vui theo mùa xuân của đất trời, của lòng người, nhưng khéo léo hướng mọi người về với niềm vui trong đạo lý. Đó là triết lý sống mà Thượng tọa trụ trì luôn nhắc nhở hàng đệ tử: sống hòa đồng với mọi người, nhưng có đạo lý, không bị chìm đắm trong thế tục.

Như thường lệ, vào đúng 9 giờ sáng, Thượng tọa trụ trì đã có bài pháp thoại làm món quà đầu xuân. Bài thuyết giảng mồng 3 có chủ đề “HIỂU TÂM CỦA THÁNH”, với sự tham dự của hơn 6000 phật tử xa gần.

Mở đầu, Thượng tọa cho rằng nhìn vào ngày Tết của mọi người, ta có thể biết điều gì là điều quý giá trong cuộc đời họ, từ đó đoán được phần nào nhân quả về sau của họ.

Chẳng hạn, người mà ngày tết đến chùa xin chữ thì với họ điều quý giá chính là chữ nghĩa, cái nhân là như vậy sẽ sinh ra cái quả sau này được nhiều kiến thức của cuộc đời. Hoặc ngày tết đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì đất nước, vậy điều quý giá trong cuộc đời họ là lòng yêu nước, tức là cái tâm họ lớn, mà tâm lớn thì phước phải lớn, thường những người này sẽ có ngày làm quan chức, cán bộ. Hoặc ngày đầu năm đi viếng mộ, tưởng nhớ ông bà thì điều quý giá cuộc đời là tổ tiên, nghĩa tình, lòng hiếu. Mà lòng hiếu là cái nền cho nhiều đạo đức khác, cho nên đó cũng là con người kỉ cương, nề nếp, có trách nhiệm với gia đình, rồi họ sẽ có một gia đình êm ấm, hạnh phúc, được con cái hiếu thuận trở lại.

Với những người đầu năm đi chùa thì tâm linh, Phật pháp, Đức Phật là điều quý giá trong cuộc đời, là nơi mà họ gửi lòng tôn kính, sự kính ngưỡng, gửi cả tâm hồn mình vào. Cái nhân như vậy sinh ra quả là chắc chắn sẽ có lúc người này đi xuất gia, dù chưa biết kiếp nào, vì đã dành ngày thiêng liêng nhất cho chùa. Hoặc cuộc đời họ hay được Thần Thánh che chở, những tai nạn tật bệnh qua đi nhẹ nhàng, hay có những may mắn tìm đến.

Đi vào nội dung bài pháp thoại với tựa đề “HIỂU TÂM CỦA THÁNH”, Thượng tọa nhấn mạnh thật ra những phàm phu như chúng ta chưa bao giờ hiểu được tâm của Thánh, giống như không thể nào lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử vậy.

Chẳng hạn, được ai đó tặng một trăm nghìn trong lúc mình đang túng thiếu, ta chỉ hiểu, chỉ đo lường, chỉ đánh giá thiện tâm của người kia qua con số một trăm nghìn, ta nghĩ họ cũng tốt bụng bình thường, nhưng sự thật có khi người kia là một siêu đại gia, có cả tấn vàng, không phải người thường nhưng vẫn quan tâm đến những điều rất nhỏ của mọi người chung quanh. Hoặc có vị Hòa Thượng đã cứu một con chó thoát khỏi lò mổ, ta thấy Ngài từ bi, và cũng chỉ hiểu ngài chừng đó, chứ đâu biết rằng trong tâm Ngài là cả núi châu báu, là trí tuệ, là từ bi ngập tràn.

Cũng vậy, với bậc Thánh, ta hiểu tâm các Ngài qua cái nhìn của mình, chứ chưa bao giờ hiểu hết những Thánh tính, những phẩm hạnh cao cả ẩn sâu trong lòng các vị. Vì vậy chúng ta đã không đủ lòng tôn kính bậc Thánh.

Mà theo nhân quả, càng kính trọng bậc Thánh bao nhiêu thì cái phước của chúng ta lại trùng trùng điệp điệp bấy nhiêu, không thể lường được. Hôm nay, Thượng tọa nói về đề tài “Hiểu tâm của Thánh” với mong muốn nâng lòng kính ngưỡng bậc Thánh lên, để cái phước của mọi người được vượt lên nhiều lần.

Đạo đức của Thánh thì có rất nhiều tính chất, trong phạm vi bài Pháp này, Thượng tọa cho biết chỉ nêu ra mười điều cơ bản, quan trọng nhất để mọi người chiêm nghiệm, ngưỡng mộ suốt cuộc đời mình.

– Tâm đầu tiên của một bậc Thánh là TỪ BI. Từ bi là gì? Chúng ta thường nói rằng từ bi là “yêu thương chúng sinh” – câu trả lời ngắn gọn, khô khan, và ta chưa thật sự hiểu được thế nào là lòng từ bi của một bậc Thánh thật sự. Thật ra, phải hình dung được tất cả chúng sinh là gồm những ai thì ta mới cảm nhận được phần nào lòng đại bi của một bậc Thánh.

Chúng sinh gồm những người rất có phước và những người đầy tội lỗi, gồm những loài rất cao cấp và những loài vô cùng thấp hèn trong vũ trụ này.

Ai là những chúng sinh cực kì cao cấp trong vũ trụ này? Là chư Thiên ở trên trời. Ai là những chúng sinh cực kỳ thấp hèn trong vũ trụ này? Là con giun, con dế… hay những chúng sinh đọa dưới địa ngục. Nếu nhìn thấy được tâm họ ta kinh tởm ngay, ta không biết tại sao có những chúng sinh độc ác, hèn hạ, ti tiện khủng khiếp đến như vậy. Ví dụ, gặp con chó chúng ta ôm vào lòng, nhưng nếu ta biết kiếp trước của nó là đâm cha chém chú, là cướp giật, cưỡng hiếp, làm bao nhiêu điều đê hèn xấu ác khác… ta buông tay ngay. Nhưng vì kiếp này chúng đã đọa làm súc sinh, nghiệp xưa che giấu nên ta thương yêu được.

Cho nên, với những chúng sinh cao cấp như chư Thiên trên cõi trời ta dễ kính trọng, với những chúng sinh khả ái, hiền lành nơi cõi người ta dễ quý mến, còn đến những giống loài thấp dần như loài vật, hoặc với những chúng sinh dưới địa ngục với gương mặt ghê rợn, đầy rẫy ác nghiệp, đang rên la trong cảnh đày đọa… Ta không thể nào thương nổi.

Nhưng một bậc Thánh thì phải thương được tất cả. Sự quảng đại, bao dung của bậc Thánh vượt hơn chúng ta gấp nghìn lần, triệu lần. Trước đây, hai chữ “từ bi” khô khan ngắn ngủi chẳng diễn tả được gì nhiều và cũng không làm ta ngưỡng mộ bậc Thánh bao nhiêu. Nhưng suy nghiệm thêm một chút rồi mới thấy các Ngài cực kỳ vĩ đại. Mà hiểu được như vậy thì phước của chúng ta đã vượt lên rồi.

– Tâm thứ hai của bậc Thánh là TỰ TẠI, nghĩa là bất động trước thuận cảnh êm ái hay nghịch cảnh khốc liệt.

Dù đã nghe nói nhiều về tính chất này, tuy nhiên chúng ta cũng chưa chiêm nghiệm cho kĩ. Cho đến khi gặp hoàn cảnh thật sự, so sánh mình với bậc Thánh rồi ta mới thấy sợ. Ví dụ mình là một người khá giả, một hôm viếng chùa rồi ở lại dùng cơm, nhưng có người đến nói một câu hết sức xúc phạm, hàm ý mình là kẻ đói ăn tìm đến chùa để chực ăn – khi đó ta mới thấy lòng mình sôi sục tự ái, không thể chịu đựng nổi. Cái tâm phàm phu thì dễ động, dễ giận hờn như vậy.

Chúng ta nhớ lại câu chuyện ở xứ Kosali, nơi Đức Phật bị người dân đứng chặn hai bên đường để chửi mắng, sỉ vả khi Ngài đi khất thực. Trước những lời lẽ thậm tệ bẩn thỉu nhất nhằm vào Đức Phật, những đệ tử chưa chứng đạo của Phật đã không chịu nổi và vô cùng đau lòng, liền cản ngăn, cố xô đám đông ra xa. Riêng Đức Phật vẫn bình thản lặng lẽ đi vào những nơi có người đang đứng mắng dữ dội, giống như Ngài đến để nghe kĩ hơn vậy.

Sự tự tại, bình an của bậc Thánh là như thế. Trước nghịch cảnh khủng khiếp, lòng các vị vẫn tha thứ và bất động như hư vô.

Nhìn lại mình, được một lời khen ta cứ nhớ mãi, bị một tiếng chê ta cũng không quên được, mãi ôm mối hiềm hận trong lòng. Điều gì cũng dễ dàng làm cho ta vui mừng, kiêu mạn hay giận hờn, phiền não. Khoảng cách từ cái tâm phàm phu như thế cho đến cái tâm thênh thang bất động của một bậc Thánh là xa xôi vời vợi, hiểu như vậy ta mới thấy các Ngài vô cùng vĩ đại.

– Tâm thứ ba là KHÔNG THAM DANH LỢI. Tất cả chúng ta đều tìm cầu danh lợi, hoặc sự giàu có, hoặc là chức vụ, tiếng tăm. Danh lợi có sức hút quá lớn, là sự khát khao của rất nhiều người trên đời, kể cả những người đã xuất gia. Nhiều người xuất gia ban đầu có lý tưởng rất đẹp, muốn đi tìm sự giải thoát giác ngộ. Nhưng thời gian trôi qua, khi đã tu lâu mà không có sự tiến bộ về tâm linh, họ bắt đầu xuất hiện những mục tiêu khác, như muốn trụ trì một ngôi chùa hay được một chức nào đó trong giáo hội. Trong thời đại mà lý tưởng giải thoát bị phai nhạt, chúng ta sẽ thấy cảnh người tu cứ sôi sục cạnh tranh, cầy cựa nhau mà tìm chức vụ gì đó cho có tiếng tăm.

Và bản năng thôi thúc đi tìm danh lợi là một điều khủng khiếp trong tâm con người, nhất là những người còn trẻ. Hễ còn cơ hội là người ta lại sôi sục tìm danh lợi. Còn bậc Thánh, dù lúc tràn trề năng lượng, các Ngài vẫn không màng danh lợi, lòng buông xả thênh thang. Nếu danh lợi có tìm đến, các Ngài cũng xem như một phương tiện để phụng sự chúng sinh, chứ không xem danh lợi là mục tiêu, là khát khao của cuộc đời mình.

Đó là tính chất của bậc Thánh, mà chúng ta cũng mong sau các vị xuất gia đều được cái tâm đó để Phật pháp được hưng thịnh.

– Tâm thứ tư là KHIÊM HẠ. Theo Thượng tọa, trong đạo đức khiêm hạ, thường chúng ta thường gặp một mâu thuẫn rất khó xử lý. Ví như một vị thầy khuya sớm tu tập, thường xét lỗi mình, thì trên địa vị thầy trò, trên công phu tu tập thầy phải hơn rất nhiều so với đệ tử – nhưng trên đạo đức khiêm hạ buộc thầy không được thấy mình hơn người. Vị thầy không thể gặp ai cũng quỳ lạy, bởi đang ở cương vị một người thầy, nhưng cũng không được kênh kiệu. Phải làm sao vừa giữ sự cư xử đúng mực của một vị Thầy dẫn dắt đồ chúng, vừa khéo giữ được cái tâm tôn trọng mọi người, không thấy mình hơn ai. Đó là mâu thuẫn rất khó xử lý, mà một bậc Thánh phải xử lý cho bằng được.

Khi hiểu được điểm tinh tế này chúng ta mới kính trọng các Ngài vô cùng. Sống trên đời, nếu ở địa vị lớn các Ngài vẫn phải cư xử đúng mực, nhưng thẳm sâu trong lòng là sự khiêm hạ tột cùng, xem mình như bụi đất ven đường. Đó là cái tâm thứ tư mà ta phải hiểu về bậc Thánh.

– Tâm thứ năm là SIÊNG NĂNG PHỤNG SỰ. Một bậc Thánh luôn được sự thúc đẩy tự nhiên của đạo đức là phải có tinh thần trách nhiệm rất cao với cộng đồng, từ cộng đồng cực kì nhỏ cho đến cộng đồng rất lớn. Ngồi một góc nhỏ mà các vị ôm được cả thế giới bên trong, lo lắng được cho cả thế giới này, ngồi góc nhỏ mà lúc nào tình yêu nước cũng dạt dào, ngồi ở góc nhỏ mà lúc nào cũng nặng lòng vì sự hưng long của Phật Pháp.

Làm được điều gì là tùy duyên, nhưng tinh thần trách nhiệm của bậc Thánh phải đến mức độ như vậy. Dù việc rất bé như cúi xuống nhặt một cọng rác thôi nhưng chứa được cả tình thương thế giới này, dắt một cụ già qua đường mà chứa cả tình yêu quê hương này. Cái tâm siêng năng phụng sự đến mức độ như thế mới là tâm của bậc Thánh.

– Tâm thứ sáu là TRÍ TUỆ BIẾT ĐÚNG SAI trong đường tơ kẻ tóc. Thật ra khi nói đến trí tuệ phân biệt thiện – ác, đúng – sai này là chúng ta vừa chạm tới chân lý của vũ trụ, đến giờ phút này không ai dám định nghĩa cái gì là đúng cái gì là sai.

Giống như trong âm nhạc không bao giờ có định nghĩa thế nào là một bài nhạc ‘hay’, thế nào là một bài nhạc ‘dở’. Các nhạc sĩ chỉ nói ‘thích’ bài nhạc này, ‘không thích’ bản nhạc kia, chứ ít khi dùng từ ‘hay’, vì trong âm nhạc không định nghĩa được thế nào là hay.

Cũng vậy, trên cuộc đời này chúng ta không định nghĩa được rạch ròi cái gì là ‘đúng’ cái gì là ‘sai’. Có việc ta thấy sai đấy, gây đau khổ cho chúng sinh đấy, rất tổn phước đấy, nhưng người khác lại thấy là đúng. Với vô số điều khác trong cuộc đời này cũng thế, người nói đúng, kẻ nói sai, vậy cái gì là đúng là sai, đó vẫn luôn là một bí ẩn.

Còn một bậc Thánh thì điều gì đúng các Ngài biết là đúng, điều gì sai các Ngài biết là sai, biết rất rõ ràng, biết trong từng đường tơ kẽ tóc. Chỉ bậc Thánh với trí tuệ siêu việt mới được tính chất này.

– Tâm thứ bảy của Thánh là tâm THẦN THÔNG. Một bậc Thánh thì phải biết được tâm chúng sinh; biết tiền kiếp, hậu kiếp của chúng sinh; biết luôn cái nhân quả sâu xa của chúng sinh.

Ví dụ nhìn một người giàu, bậc Thánh biết rằng cái nhân của người kia đã gieo trong quá khứ không phải là rộng rãi bố thí, mà là làm việc cực kì tận tâm. Nhận nhiệm vụ nào họ cũng làm kĩ hơn, làm vượt hơn, mang lại lợi ích cho cuộc đời nhiều hơn là yêu cầu đề ra. Suốt bao nhiêu năm trời họ tận tụy, bố thí một cách không rõ ràng như vậy. Thiện nghiệp này được tích lũy cả đời, đủ để qua đời sau họ giàu sang ngập tràn, mà cái giàu này là đến từ công đức của bổn phận nghề nghiệp, chứ không phải từ hành vi bố thí rộng rãi rõ ràng như người khác. Bậc Thánh sẽ thấy được nhân quả sai biệt của từng chúng sinh như vậy. Hoặc bậc Thánh cũng thấu suốt được tâm chúng sinh, không chỉ loài người mà còn của cả loài súc sinh.

– Tâm thứ tám của bậc Thánh là tâm THIỀN ĐỊNH bất động. Luôn luôn một bậc Thánh thì phải nhập được thiền định, tùy tầng bậc mà nhập được từ chánh niệm tỉnh giác, đến sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.

– Tâm thứ chín của bậc Thánh là tâm VÔ NGÃ hòa đồng cùng mười phương Phật. Tính chất này bắt đầu cao siêu: một bậc Thánh tuyệt đối đã diệt xong bản ngã rồi thì bỗng trở thành đồng với mười phương chư Phật, hòa đồng theo mười phương chư Phật để làm vô số điều diệu dụng trong pháp giới vũ trụ này, làm mà như không làm, làm mà như hư vô. Chúng ta chỉ nghe để cảm nhận được đôi chút làm thành cái nhân lành, còn lại ta không hiểu nổi.

– Tâm thứ mười là HIỂU ĐƯỢC NỖI KHỔ CỦA CHÚNG SINH trong mười phương pháp giới. Tính chất này chúng ta cũng không hiểu nổi, ta nghe để chiêm nghiệm mà thôi.

Cuối cùng Thượng tọa yêu cầu mọi người đọc theo một bài thơ để ghi nhớ, rồi chiêm nghiệm về mười cái tâm của bậc Thánh, ai chiêm nghiệm rất sâu sắc sẽ được cái phước vô lượng.

“Ai thường quán niệm sâu xa
Mười tâm của Thánh đấy là hiền nhân
Dù còn đi giữa bụi trần
Nhưng công đức đã rất gần cõi cao
Như người con được đón chào
Về nhà cha mẹ thế nào cũng hay
Trước là quán niệm từ bi
Tình thương của Thánh khác gì đại dương
Hai là tự tại bình thường
Dẫu đời vui khổ nhiễu nhương chẳng sờn
Ba là danh lợi ngàn lần
Chẳng tham đắm chỉ vì cần độ sinh
Bốn tâm khiêm hạ hết tình
Thấy mình cây cỏ bụi sình thế thôi
Năm là hăng hái giúp đời
Siêng năng phụng sự cùng người kết duyên
Sáu là trí tuệ diệu huyền
Biết điều sai đúng mọi miền thế gian
Bảy là túc mạng rõ ràng
Tha tâm nhân quả hiểu nhanh mọi đường
Tám là nhập định phi thường
Tọa Thiền bất động tâm dường hư không
Chín là vô ngã đại đồng
Cùng mười phương Phật tấm lòng đại bi
Mười là vô ngã toàn tri
Chúng sinh đau khổ bởi vì vô minh
Cúi đầu lạy đấng siêu linh
Mười tâm của Thánh chân thành khắc ghi”.

Quả thực trong thời đại có những bậc Thánh hiện tiền thì vô số chúng sinh khởi được tâm kính ngưỡng, vì vậy được tăng trưởng công đức, phước duyên rất lớn, rất dễ chứng đạo. Những bậc Thánh thanh cao chính là phước điền vô lượng cho chúng sinh, là cơ hội để chúng sinh gieo nhân lành giải thoát. Còn chúng ta thiệt thòi hơn vì sinh nhằm thời không có Đức Phật, cũng hiếm hoi những bậc Thánh nên lòng ta còn hời hợt, và vì vậy phước đức, thiện căn chưa vượt lên được, những Thánh tính chưa thể trỗi dậy mạnh mẽ.

Với trí tuệ và lòng từ quảng đại, qua bài pháp thoại, Thượng tọa đã gợi mở, dẫn dắt cho mọi người cảm nhận được sự siêu việt của một bậc Thánh. Lòng kính ngưỡng với những bậc Thánh thật sự chính là nhân lành vô giá cho mỗi người, cũng là điều sẽ vực dậy thế giới, cho thế giới thành một nơi thiện lương, hạnh phúc hơn./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh ngày mùng 3 Tết Mậu Tuất:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất