Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Hộ Pháp

-

Vừa qua, vào ngày 26/05/2019 (nhằm ngày 22/04/ Kỷ Hợi), nhân Khóa tu Thiền hàng tháng tại chùa Từ Tân (90/153 Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình, Tp. HCM), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã quang lâm thuyết giảng đề tài “HỘ PHÁP” cho hơn 1.000 thiền sinh và gần 2.000 Phật tử gần xa đồng tham dự.

Hộ pháp là khái niệm quen thuộc với Phật tử từ khi bước chân vào đạo Phật. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, có một bài pháp thoại nói đầy đủ, trọn vẹn tất cả những đạo lí, nhiều khía cạnh liên quan đến khái niệm này. Từ đó, mọi người thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ đạo pháp.

Thế nhưng, từ trước đến nay chưa vị Giảng sư nào công khai nói đến cả. Vì sao vậy? Vì hộ pháp là vấn đề vừa tế nhị, vừa cực kì khó khăn nguy hiểm, vừa phải đặt trong vòng bí mật. Nhưng theo Thượng tọa, ngày nay Phật giáo thật sự đang ngày đêm đối diện với nhiều nguy cơ, thử thách, đe dọa vận mệnh Phật pháp. Vì thế Người đã nói về đề tài này với tất cả niềm trăn trở, ưu tư, nhằm mang lại sự nhận thức kịp thời, đúng đắn về vấn đề bảo vệ Phật pháp. Chúng ta phải hộ Pháp tốt thì đạo Phật mới tồn tại, chúng sinh mới vững tâm tu hành. Ngược lại, nếu hộ pháp không tốt, chúng ta đứng trước nguy cơ đánh mất đạo Phật mãi mãi.

Có thể thấy rằng từ thời Đức Phật đến nay chưa bao giờ đạo Phật được yên bình cả. Đạo Phật luôn luôn phải đối diện với những sự chống phá hoặc ngấm ngầm hoặc công khai, tàn bạo. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không ý thức về vấn đề này. Lâu nay chúng ta chỉ hiểu đạo Phật ở khía cạnh hiền lành, không có một khái niệm về hộ pháp cho sâu sắc. Kết quả là đạo Phật bị đánh phá khắp nơi trên thế giới. Lịch sử còn ghi lại, dưới lưỡi gươm hiếu sát và những đạo quân thiện chiến, Phật giáo dần biến mất trên nhiều quốc gia. Đó là lỗi của những người theo đạo Phật mà không biết hộ pháp.

Để thính chúng hiểu hơn về vấn đề hộ pháp, Thượng tọa đã giải thích về “4 chữ H” là Học – Hành – Hoằng – Hộ. “Học” đã khó, “thực hành đã khó”, “hoằng truyền chánh pháp” càng khó hơn, vậy mà vẫn không khó bằng “hộ pháp”. Vì sao vậy? Vì khi hoằng pháp, ta chỉ đối diện với người ngoan cố, người không có duyên với mình, người cang cường cố chấp… thì với hộ pháp, ta phải đối diện với người quyết phá hoại đạo Phật. Sự ác độc, thủ đoạn, cái cang trường nguy hiểm của họ cao hơn rất nhiều.

Và một nguyên nhân nữa khiến việc hộ pháp khó khăn là làm sao ta cứng rắn đẩy lùi kẻ ác tâm mà vẫn giữ lại bản chất hiền lành, không bao giờ mất lòng từ bi? Trong bài giảng, Thượng tọa đã phân tích, lấy các dẫn chứng minh họa để làm rõ vấn đề quan trọng này. Thật sự, vì hộ pháp là điều phải giữ trong vòng bí mật nên chúng ta ít ý thức về vấn đề này. Tuy nhiên, trong kinh điển đạo Phật có 3 yếu tố, 3 sự tình, 3 điều kiện làm cho ta hiểu về vấn đề hộ pháp mà phải rất thông minh ta mới nhận ra:

– Thứ nhất là từ khi bắt đầu giáo hóa, Đức Phật đã nhanh chóng hóa độ các vị Vua ở những quốc gia Ngài đặt chân đến, và vì vậy, các Vua cũng dần thiết lập những chính sách bảo vệ đạo Phật. Qua sự tình đó, chúng ta hiểu rằng đạo Phật phải nương vào luật pháp quốc gia, nương vào chính quyền để được bảo vệ.

– Thứ hai là chư Thiên, chư Bồ tát, chư Thánh trên cao luôn theo dõi, bảo vệ Phật pháp. Chỉ cần chúng ta tu cho đúng với chánh pháp, chỉ cần trước bao sóng gió khó khăn, chúng ta quay lại sám hối tìm lỗi mình thì trên cao các vị không bỏ ta.

– Yếu tố thứ ba là Mật hạnh của tôn giả La Hầu La. Không ai hiểu mật hạnh của Ngài là làm những điều gì, nhưng thật sự trong cuộc đời mình, tôn giả La Hầu La đã bí mật khéo léo sắp xếp, dọn đường, dẹp hết những nguy hiểm nạn tai, khống chế những kẻ ác tâm chống đối, chặn đứng các âm mưu phá hoại… để cuộc đời hoằng hóa của Đức Phật được suôn sẻ. Nếu không có Ngài âm thầm bảo vệ trong bóng tối thì lịch sử 45 năm của Đức Phật không thể êm ả, nghiêm trang được.

Đó là ba yếu tố trong kinh điển để lại nhắc nhở ta rằng hộ pháp là cực kì quan trọng, dù phải giấu trong sự bí mật kín đáo. Không có người hộ pháp thì sẽ không bao giờ có sự yên ổn tu hành, không bao giờ có việc giáo hóa độ sinh,… bao công lao, bao sự nghiệp tu hành cũng tan tành hết cả. Ví dụ một ngôi chùa thu hút rất đông tín đồ, nhưng chỉ cần vài ba người trà trộn vào làm Phật tử rồi bắt đầu rỉ tai trong hội chúng để nói xấu thầy Trụ trì, nói rất khéo léo, hấp dẫn, thuyết phục… thì không lâu sau, Phật tử bỏ chùa cả. Lúc đó, nếu có người hộ pháp đứng lên vạch trần âm mưu của họ, giữ lại đạo tâm của bao nhiêu người thì ngôi chùa trụ vững.

Như thế, chúng ta cũng hiểu rằng hộ pháp mang lại công đức cực kì vĩ đại. Nhờ người hộ pháp mà công lao của vị Thầy học, hành, hoằng được giữ lại không sụp đổ. Nhờ người hộ pháp mà mọi người được vững lòng tu tập.

Tuy nhiên, việc hộ pháp cực kì khó khăn và nguy hiểm, vì người hộ pháp luôn nghiễm nhiên trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ muốn phá hoại đạo Phật. Vì vậy, yêu cầu bản lĩnh của người hộ pháp là cực kì lớn, phải làm sao vừa bảo vệ Phật pháp, vừa bảo vệ được tính mạng của mình.

Đầu tiên, người này đã phải đi qua hết các bước Học – Hành – Hoằng, tức vừa hiểu đạo lý sâu sắc rõ ràng, vừa thực hành thiền định và siêng năng làm phước. Ngoài ra, phải có tâm lực đủ sức lay chuyển được lòng người… Qua đủ các bước này rồi mới chuẩn bị bước vào giai đoạn hộ pháp được.

Rồi người này phải kín đáo, giữ bí mật. Để bảo vệ Phật pháp mà không ai biết mình bảo vệ thì trước đó ta phải thực hành làm mọi công đức mà không hề chấp công. Đó chính là cái nhân của hộ pháp. Chỉ khi vào chùa, khi ra ngoài xã hội, ta làm mọi chuyện tốt lành mà không chấp công, thì khi bước vào giai đoạn hộ pháp, ta cũng làm tất cả mọi điều bảo vệ Phật pháp mà vẫn giữ được sự kín đáo, bí mật, không thể hiện.

Thượng tọa cũng lưu ý rằng, với vài trường hợp vượt ngoài khả năng xử lý của mình thì đừng khờ dại dấn sâu vào, hãy tìm cách báo cho cơ quan chức năng, vì yếu tố đầu tiên của hộ pháp là nhờ vào luật pháp quốc gia. Thứ hai là tuân thủ luật pháp quốc gia để tránh rơi vào cực đoan, nổi loạn do bị kẻ xấu kích động.

Nhân đây, Thượng tọa đặt hai câu hỏi cho thính chúng tự suy ngẫm: Người chiến sĩ có vũ khí trên tay, còn chúng ta, vũ khí của chúng ta là gì? Và nguồn chống phá đạo Phật là từ đâu?

Thật sự, từ thời Đức Phật đến nay, đạo Phật chưa bao giờ được bình yên, và nếu không có những người âm thầm trong bóng tối ngày đêm bảo vệ giữ gìn, thì chúng ta đã không còn Phật pháp như ngày hôm nay.

Đặc biệt, trong nội dung bài giảng, Thượng tọa còn nhấn mạnh đến sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp, theo đó, Thượng tọa khuyến khích mọi người hãy chiến thắng bản năng giải đãi, sợ sệt, thích hưởng nhàn của chính mình để mang chánh pháp đến nơi nơi, đến từng người chưa hiểu đạo.

Tóm lại, việc hộ Pháp quan trọng là vậy. Tuy nhiên, nó lại chưa từng được đề cập một cách cẩn thận, đầy đủ trước đó, cũng không được đưa vào đào tạo trong các trường Phật học hay các chùa. Chính sự thiếu sót này khiến người tu theo đạo Phật chưa có khái niệm sâu sắc về việc hộ Pháp, dễ bị các thế lực xấu dụ dỗ, gây mất đạo tâm.

Thiết nghĩ, thực trạng này đòi hỏi các vị lãnh đạo của Giáo hội cũng như quý Tăng, Ni cần có sự nghiên cứu lại, đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, thực hành việc hộ Pháp để nó trở thành kĩ năng tự nhiên trong mỗi người Phật tử.

Đồng thời, người Phật tử cũng phải biết siêng năng lễ Phật, tu tập thiền định, làm nhiều việc thiện lành, không chấp công để có được bản lĩnh, trí tuệ, cái nhìn đúng đắn trước mọi việc. Từ đó, có cách ứng xử thông minh, khéo léo, vừa bảo vệ được bản thân, vừa bảo vệ được đạo Pháp.

Thật vây, nhờ có bài Pháp thoại này, mọi người đã hiểu rõ hơn về khái niệm, vai trò, ý nghĩa của việc hộ pháp đối với cuộc sống của con người và sự tồn tại lâu dài của đạo Phật. Từ đó, biết cách tu hành, hộ pháp đúng đắn, thông minh, vừa tích được phước đức lớn cho bản thân, vừa góp phần bảo vệ, gìn giữ đạo Phật cho muôn đời.

Quả thực, việc khó khăn thế nào, một người không thể làm được thì nhiều người sẽ làm được. Chỉ cần những người đệ tử Phật cùng chung tay, hết lòng vì Phật pháp thì chắc chắn, công tác hộ pháp sẽ suôn sẻ, thuận lợi, xóa tan được mọi âm mưu chống phá của kẻ xấu.

Vào thời đại này, khi xung đột, cạnh tranh tôn giáo tín ngưỡng càng gay gắt thì Phật pháp càng đứng trước nhiều thử thách, hiểm nguy. Vì vậy, mỗi người con Phật xin hãy phát nguyện trước Phật từ đây là một chiến sĩ tận tụy, bí mật, hiệu quả mà âm thầm bảo vệ Phật pháp, để giữ gìn ánh sáng chân lý nhiệm mầu, làm chỗ dựa tâm linh cho chúng sinh muôn đời sau./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất