Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻThiền 27 - Lộ trình

Thiền 27 – Lộ trình

-

THIỀN 27
LỘ TRÌNH 
Mục tiêu của Thiền trong đạo Phật là chứng đạt Vô ngã, chấm dứt Vô minh, Giải thoát Giác ngộ, thành tựu Tam minh Lục thông. 
– Muốn đạt được mục tiêu này thì phải đi hết con đường Chánh định gồm từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Vào được chánh định từ Sơ thiền thì gọi là Nhập định.

– Muốn Nhập định được thì phải trải qua một thời gian dài không còn vọng tưởng. Thời gian an trú chỗ không vọng tưởng đó thì tùy căn cơ mỗi người. Có người an trú trong bảy ngày thì nhập định sơ thiền luôn. Có người an trú 30 năm mới nhập định được.

– Muốn hết vọng tưởng thì phải an trú được trong Chánh niệm Tỉnh giác rất lâu. Bước được vào trạng thái Chánh niệm Tỉnh giác thường xuyên đã là rất khó, phải có phước duyên lớn. Nhiều người hay gọi giai đoạn này là Ngộ đạo Kiến tánh, vì kiến giải lý lẽ tuôn trào vô tận. Có Chánh niệm Tỉnh giác rồi thì vọng tưởng bị kiểm soát chặt chẽ, khởi lên là bị biết nên không tung hoành quậy phá lôi kéo hành giả tạo nghiệp nữa.

– Muốn bước vào Chánh niệm Tỉnh giác thì phải dụng công đúng phương pháp rất lâu (cũng rất lâu nữa). Đồng thời hành giả phải đã có rất nhiều Công đức, nội tâm đã thuần thục Đạo đức. 

Đạo đức là công phu tu dưỡng khá nhiều kiếp mới tạm có. Công đức thì cũng cần phải được tích lũy lâu dài chẳng kém. Đạo đức là cả một kho tàng trí tuệ và lý luận. Công đức là cả một đại dương công lao vất vả hy sinh phụng sự.


Phương pháp sai thì, chỉ cần sai một ly đã đi mất mười dặm rồi. Cách Phật đã xa, ta rất khó có được phương pháp đúng. Ngay cả khi một thiền sư có chứng ngộ gì đó rồi đem ra dạy, vẫn chưa chắc là đúng phương pháp. Vì sao? Bởi vì vị thiền sư đó sẽ dạy theo kinh nghiệm của riêng mình, dạy theo căn cơ của cá nhân mình, nhiều khi ngồi giảng thao thao chỉ là khoe khoang cảnh giới nội tâm chứng đạt của mình. Hội chúng ngồi nghe thấy hay mà chẳng biết làm sao thực hành.

Bây giờ ta là nói lộ trình theo chiều thuận thứ tự từ thấp đến cao như sau:
– Đầu tiên là phải phát tâm tu hành hướng về mục tiêu Giác ngộ Giải thoát, hết Vô minh, dứt Bản ngã. Muốn có sự phát tâm vô thượng bồ đề này, nghĩa là có lý tưởng Giác ngộ này, thì thông thường ta phải đã có duyên gặp gỡ, tôn kính, ca ngợi, cúng dường một bậc Thánh siêu phàm nào đó trong quá khứ. Chính vì nhìn thấy sự siêu phàm của vị đó mà ta quá sức ngưỡng mộ, rồi biến thành ước mơ tu hành cho chính mình trong tương lai.

– Khi có lý tưởng tu hành Giác ngộ rồi, ta sẽ phải vừa tu dưỡng đạo đức, vừa gây tạo công đức dần dần. Giai đoạn này rất khó khăn khổ sở vì tập khí xấu quá khứ sẽ cản trở mãi. Ta muốn hiền lành mà nghịch cảnh chọc cho ta sân. Ta muốn thanh tịnh mà người yêu cũ đến mời gọi… Rồi ta muốn làm phúc mà thiếu thốn rắc rối đủ thứ. Nhưng nếu ta cố gắng mãi thì sự tu dưỡng đạo đức và gây tạo công đức sẽ thuận lợi dần sau vài mươi kiếp (hì…)

– Khi đã có đạo đức và công đức phần nào rồi thì ta sẽ bước vào tu tập thiền định, tìm kỹ thuật phương pháp dụng công cho chuẩn xác. Muốn tìm được kỹ thuật thiền định chuẩn mực thì đành phải lễ Phật mà xin gia hộ, chứ quả thật ta chẳng biết ai dạy đúng mà đến cầu học. Đa phần ta có duyên với vị nào thì sẽ đi theo vị đó, nhưng cái vị mà ta có duyên cũng chưa chắc dạy đúng.


Ta phải tham khảo với phương pháp quán niệm hơi thở mà Phật dạy trong kinh điển Nikaya, vì đó là tạng kinh khá đúng với lời dạy của Phật thời tại thế nhất.

– Sau một thời gian dài dụng công đúng phương pháp, cộng với sự hỗ trợ ngầm của Đạo đức và Công đức, ta sẽ xuất hiện ”một ít” trạng thái Tỉnh giác. Một ít thôi, vì chưa đốn ngộ để lọt hẳn vào nội tâm Chánh niệm Tỉnh giác. Tuy nhiên, để có trạng thái Chánh niệm Tỉnh giác ngày càng mạnh thì ta buộc phải có nội lực khí công. Ta sẽ nói sau.

– Sau một thời gian dài cố gắng tu tập ”đúng phương pháp” (3 tháng hoặc 30 kiếp), ta sẽ lọt hẳn vào trạng thái nội tâm tràn đầy Chánh niệm Tỉnh giác – ta hay gọi là ngộ đạo.

Rồi sau một thời gian dài (3 tháng hoặc 30 kiếp) cố gắng tu tập với nội tâm tràn đầy Chánh niệm Tỉnh giác đó, ta sẽ đạt được một nội tâm vắng lặng hoàn toàn không còn vọng tưởng.

– Rồi sau một thời gian dài (3 tháng hoặc 30 kiếp) an trú nội tâm vắng lặng không vọng tưởng đó, ta sẽ nhập được Sơ thiền, gọi là giai đoạn Nhập định.


Nhập định cho qua hết bốn mức thiền, không biết bao lâu, ta sẽ chứng Tam minh để thành tựu mục tiêu Giác ngộ Giải thoát tối hậu cao siêu.

Cái khó vẫn là dụng công thiền định cho đúng phương pháp. May mắn cho ta là Phật dạy hơi thở, biết hơi thở vào, biết hơi thở ra. Hơi thở được tu tập đúng sẽ đem đến cho ta cả hai thứ, một là Tỉnh giác, và hai là Nội lực.

Hít vào thở ra thì không cần dạy cũng phải làm nếu muốn sống. Nhưng hít vào thở ra với ý thức biết rõ, và thở cho khéo để có được một hơi thở trơn êm mới là khó. Hoặc là ta thở mà không biết mình đang thở. Hoặc là ta biết mình thở nhưng hơi thở đó bị thô, bị vướng, bị rít, bị mạnh, vì bị điều khiển thô bạo.


Hơi thở đúng là hơi thở trơn êm. Không cần biết dài hay ngắn, miễn trơn êm là được. Hơi thở trơn êm là loại hơi thở dường như ít bị điều khiển thô bạo, không cố gắng hít cho nhiều. Lúc đó ta sẽ thông minh cho phép hơi thở vào bao nhiêu là vừa chạm ngưỡng cuối cùng của sự trơn êm đó, vì nếu hít thêm chút nữa sẽ mất sự trơn êm.
Khi thở ra phải khéo giữ cho trơn êm đều nhẹ chứ không vội vã thở nhanh ra cho rồi. Ai có tập Âm Dương khí công sẽ có bản lĩnh giữ hơi thở ra êm nhẹ dài chứ không vội vã.

Ngoài ra ta phải khéo tác ý quán thân vô thường, phải biết rõ toàn thân để không cho tâm cứ để trên đầu đưa lực lên đầu làm hư bộ não. Tâm phải biết toàn thân, phải hiểu sâu sắc thân này là vô thường. Tâm luôn biết rõ toàn thân, bám chặt vào thân, không rời khỏi thân để hướng ra ngoài. 

Trong cái biết toàn thân đó, tâm sẽ không bỏ qua phần đáy bụng dưới, nơi có các huyệt đạo quan trọng của cơ thể.

– Hơi thở trơn êm thì lập tức tạo ra sự tỉnh giác nội tâm liền. Nhưng chính cái lúc Dừng giữ hơi thở lại sẽ tạo ra Nội lực.

Hơi thở dừng giữ lại (chứ không phải nín thở) trong khi biết toàn thân sẽ tạo ra cảm giác căng phồng ở bụng và ngực. Đó là tiền đề của Nội lực.

Cả sự Tỉnh giác và Nội lực hợp lại sẽ khiến cho sức Tỉnh giác càng lúc càng sáng càng mạnh. Nếu ai có Tỉnh giác mà không khéo thở thì từ từ mất Nội lực và sức Tỉnh giác cũng mất theo. Nội lực và Tỉnh giác hỗ trợ cho nhau. Hơi thở trơn êm tạo ra sức Tỉnh giác. Hơi thở có dừng giữ sẽ tạo ra Nội lực.

Phật và nhiều vị A la hán không nói đến Nội lực vì các ngài đã thành tựu Nội lực từ khi còn bé. Bây giờ chỉ tập trung thiền định Tỉnh giác rồi nhập định luôn. Còn chúng ta chưa có nội lực nên phải thở làm sao vừa tạo ra Tỉnh giác vừa tạo ra Nội lực.
Hơi thở trơn êm và có dừng giữ sẽ cho ta cả hai điều đó.

– Ta không cố gắng dừng giữ hơi thở cho lâu, nhưng tự nhiên hơi thở sẽ dừng lâu dần và có một ít hơi cứ tiếp tục đi vào giữ cho căng phồng toàn thân. Ta sẽ nhận ra khi dụng công đúng như thế.

Khi sức Tỉnh giác và Nội lực sung mãn thì ta kiểm soát vọng tưởng càng lúc càng dễ, cho đến lúc không còn vọng tưởng nữa. 

 
An trú nội tâm không vọng tưởng lâu dài cho đến khi chín mùi thì ta sẽ bất ngờ Nhập định. Nhập định rồi thì ta sẽ bị tâm lý chủ quan, sẽ ít lễ Phật, ít chịu khó giúp đời làm phước, nên phước bị hao dần mà không đủ để tiến đến vô hạn. Hành giả phải cảnh giác tâm lý này, phải chịu cực làm phước, vẫn phải siêng lễ Phật để tích lũy phúc lành đến vô tận, dù có nhập định được rồi.

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất