Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Trang ChủHội từ thiệnCác hoạt động từ thiệnHội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang thăm mẹ Việt Nam Anh...

Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang thăm mẹ Việt Nam Anh Hùng tại huyện Củ Chi

-

Vừa qua, sáng ngày 31/05/2019 Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang đã có chuyến viếng thăm các Mẹ VNAH tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, Tp.HCM. Trong năm, cứ mỗi quý (3 tháng), Hội Từ Thiện Thiền Tôn Phật Quang lại về thăm các Mẹ nhằm thể hiện tình cảm biết ơn đối với những người có công với đất nước.

Tham dự buổi thăm viếng có: Đại Đức Thích Toàn Chiếu – đại diện Thiền Thất Bảo Quang (ấp 3A, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh), cùng với các thành viên trong Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang và các phật tử Đạo tràng Phật Chi (Củ Chi).

Về phía chính quyền địa phương có: Ông Hùng Văn Họn – Công chức Văn hóa Xã hội và bà Nguyễn Thị Hồng Gấm – Cán bộ LĐTBXH, UBND xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh.

Điểm đến đầu tiên, đoàn đến thăm Mẹ Kiều Thị Nông (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng) – người có biệt danh là “Bà Pháo Binh” sinh năm 1936.  Mẹ đạt được rất nhiều huân chương của nhà nước khen tặng trong đó có huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì. Thời kháng chiến cũng như thời bình Mẹ đều đóng góp tích cực cho nước nhà, ngay cả khi tuổi già sức yếu.

Người nhà của Mẹ cho biết: hiện Mẹ đang bị đau tim, tụt huyết áp, những cơn đau từ các vết thương do chiến tranh để lại hành hạ Mẹ khi trái gió trở trời. Khi đoàn đến thăm thì Mẹ cũng vừa xuất viện được vài hôm. Sắc diện còn xanh xao, nhìn Mẹ thương vô cùng.

Dịp này, Mẹ chia sẻ: khi mới giải phóng Mẹ giữ nhiều chức vụ trong xã. Mẹ kết nạp Đảng vào ngày 1/5/1975 đến nay Mẹ đã được 45 năm tuổi Đảng. Mẹ tự lực cánh sinh với  bàn tay trắng nuôi con nên người. Hiện giờ, tuy tuổi đã cao nhưng tinh thần Mẹ vẫn minh mẫn và lạc quan.

Nhớ lại, miền ký ức mà Me chia sẻ với đoàn thì thật nhiều màu sắc: năm 1968 khi đang họp tại nhà thì bị chỉ điểm, cả nhà đều bị địch bắt ngồi tù. Chúng đánh đập dã man, tàn bạo. Chồng của Mẹ không khai bị chúng đánh đến 3 tháng bầm hết cả người. Sau đó lại bị chúng bắn trúng vào phổi và hy sinh. Mẹ nói ngày nay không còn khổ như xưa, phải ăn muối vắt, người này vụt tàn thuốc, người kia lượm hút, đời sống khó khăn, vất vả.

Tiếp theo, đoàn đến thăm Mẹ Lương Thị Miền. Ngôi nhà của Mẹ được Bộ Tư Lệnh quân khu 7 xây tặng nằm sâu bên trong, bao bọc chung quanh nhà là ruộng lúa, lũy tre, rất mát mẻ. 

Mẹ ở với cháu nội, con thì đi làm cả ngày, có khi cháu đi học Mẹ phải ở nhà một mình. Mẹ có 7 người con, 3 người hy sinh trong chiến tranh, giờ các con của Mẹ có gia đình, bận nhiều việc, không ở cùng chăm sóc thường xuyên cho Mẹ được. Mẹ kể, xưa Mẹ hoạt động ở Ấp, chồng đi bộ đội. Lúc bị thương ở chân được anh em đưa vào quân khu 7 chữa trị. Nay già yếu, phải châm cứu thường xuyên.

Năm nay Mẹ 84 tuổi mà tóc vẫn đen. Mẹ nói Mẹ không biết xài dầu gội, chỉ gội bồ kết rồi thoa dầu dừa. Mẹ còn minh mẫn lắm, đôi mắt sáng dõi theo từng người trong đoàn như đang tìm điều gì đó.

Ngắm nhìn Mẹ, Đại Đức Thích Toàn Chiếu ân cần nói: chúng con may mắn khi được đến thăm và trò chuyện cùng Mẹ – Mẹ là người đã góp một phần công sức của mình trong cuộc chiến tranh năm xưa để đem lại cuộc sống bình yên cho chúng con hôm nay. Chúng con, những thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên trong thời bình, chưa thực sự hiểu hết những gian khổ, hi sinh của các thế hệ đi trước. Nhưng ngày hôm nay được nhìn thấy Mẹ còn khỏe, còn minh mẫn là chúng con cảm nhận một niềm hạnh phúc vô cùng. Mong Mẹ luôn khỏe, để còn là nhân chứng hiện hữu thắp lên ngọn lửa tin yêu cho thế hệ trẻ hôm nay.

Rời khỏi nhà Mẹ Lương Thị Miền, men theo các con kênh đi vào giữa cánh đồng lúa xanh, đoàn đến nhà Mẹ Trương Thị Trắng, 85 tuổi. Vừa bước vào nhà đã thấy Mẹ đợi từ khi nào. Mẹ bảo: chúng con đi đường xa vất vả quá, rồi mời nước từng người, và Mẹ nói chuyện huyên thuyên. 

Cũng như những bà Mẹ Việt Nam anh hùng khác, Mẹ kể: hồi xưa đi toàn ban đêm, không dám đi ban ngày. Lúc chiến tranh Mẹ đi liên tiếp 5,6 đêm liền, súng đại liên cứ bắn liên tục bên tai. Mọi người thì núp vào hầm hết, hầm cũng chật không có chỗ, Mẹ ra ruộng nằm sát bờ, đạn bắn nhão cả đất thế mà Mẹ đi đường mẹ, đạn bay đường đạn. Đến bây giờ Mẹ cũng không hiểu sao đạn không trúng. Rồi bọn giặc đốt nhà Mẹ, không có chỗ ở Mẹ ở nhờ nhà bà con làng xóm. Sau đó, chồng và con trai hy sinh, Mẹ không còn biết nương tựa vào ai, thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn rất kiên cường phục vụ cho đến ngày giải phóng.

Nghe Mẹ kể ai cũng cảm động, Đại Đức Thích Toàn Chiếu thay mặt đoàn hỏi thăm, động viên và trao một chút quà thể hiện tấm lòng của những người “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, dù rằng bao nhiêu đó làm sao nói hết được những hy sinh của Mẹ cho đất nước. Mọi người mong Mẹ vẫn giữ được tinh thần thép ấy để mỗi lần chúng con ghé thăm đều thấy Mẹ vui khỏe cũng là động lực cho chúng con noi theo và học hỏi.

Mẹ bảo Mẹ vui lắm, ai đến thăm mẹ cũng mừng, Mẹ nhớ từng người đến thăm mẹ. Nay chân Mẹ yếu lắm không đi xa được phải có cây nạn mới di chuyển, thêm cái lưng trẹo một bên phải mổ bắt 3 vít trong cơ thể, nên sức khỏe Mẹ yếu dần. Dù vậy, ở cái tuổi gần 90 mà tinh thần Mẹ vẫn mạnh mẽ và lạc quan. 

Điểm cuối cùng, đoàn ghé thăm Mẹ Nguyễn Thị Ruôi, năm nay Mẹ 92 tuổi. Chồng và 2 người con của Mẹ hy sinh trong chiến tranh. Hiện nay, Mẹ chỉ nằm trên giường, một bên chân của Mẹ bị rút gân không dãn ra được, người chỉ còn da bọc xương. Thế nhưng, khuôn mặt Mẹ vẫn toát lên vẻ phúc hậu, ánh mắt trìu mến, yêu thương của Mẹ nhìn mọi người làm cả đoàn không khỏi xúc động. Mọi quây quần bên Mẹ hỏi han, trông Mẹ vui và cười rất tươi.

Cách đây 1 năm Mẹ vẫn ngồi được, nay chỉ ngồi 10 phút là mệt và bị đau lưng. Hiện giờ, Mẹ phải dùng ống để đưa thức ăn vào cơ thể. Con gái Mẹ kể, Mẹ bảo Mẹ thèm cơm, chị tháo dây ra mớm cơm cho Mẹ, mới đầu mẹ chỉ ăn được vài muỗng, dần về sau Mẹ ăn được nửa chén, ai cũng mừng cho Mẹ. 

Lúc còn khỏe Mẹ hay đi công quả ở xa, đi mấy hôm mới về. Cách đây mấy tháng, chị hỏi Mẹ còn đọc kinh được nữa không, Mẹ bảo được, thế là chị lấy máy ra ghi âm, Mẹ đọc đến 1 tiếng đồng hồ, giọng khỏe và rõ ràng. 

Nhìn thấy Mẹ yếu dần, nằm một chỗ bỗng nhiên mọi người nghĩ đến bốn chữ: Sanh – Lão – Bệnh – Tử, ai rồi cũng đi con đường này. Đại Đức Thích Toàn Chiếu chia sẻ: nhìn Mẹ mà thấy cuộc đời vô thường là thế. Nếu giả sử người không biết đạo, đến khi tuổi già sức yếu đầu óc không minh mẫn, nói năng lung tung. Ngược lại, ai đã quy y nơi cửa Phật, biết tụng kinh, ngồi thiền về già đầu óc vẫn minh mẫn. Vì thế, khi đã gặp được Phật Pháp thì ráng làm phước, yêu thương, giúp đỡ mọi người để vượt qua được những đắng cay và khắc nghiệt cuộc sống này.

Trong năm, cứ mỗi quý (3 tháng), Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang lại về thăm bốn “Mẹ Việt Nam Anh Hùng” tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM – nơi được mệnh danh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, còn được gọi là “Vùng đất thép”, nhằm thể hiện tình cảm biết ơn đối với những người có công với đất nước.

 Vào đầu năm 2015, TT.Thích Chân Quang – Người chịu trách nhiệm quản lý Thiền Thất Bảo Quang (ấp 3A, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh) đã nhận phụng dưỡng suốt đời 5 Mẹ VNAH tại xã Trung Lập Thượng này. Tuy nhiên, cách đây hai năm, Mẹ Nguyễn Thị Dứt (SN: 1930), ngụ ấp Trung Hương, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi đã qua đời do tuổi cao sức yếu và TT Thích Chân Quang đã lo chu tất tang lễ cho Mẹ.

Như thường lệ, cứ mỗi quý, Hội gửi tặng mỗi Mẹ 6.000.000 đồng/ 3 tháng và một phần quà nhỏ (500.000 VNĐ). Tổng kinh phí cho chương trình này là 26 triệu đồng.

Nói về chiến tranh và những hậu quả nó để lại thì ai cũng thấy sự mất mát, đớn đau của những người trong cuộc. Rộng hơn nữa, nó cắt đứt sự kết nối, yêu thương lẫn nhau giữa người với người. Cho nên, từ hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã coi việc ngăn ngừa chiến tranh, dựng xây một thế giới hòa bình, yên ổn là những vấn đề cốt lõi. Thế nên trong suốt lịch sử chưa bao giờ Phật giáo gây ra chiến tranh cho bất cứ nơi nào có mặt.

Hòa bình, hạnh phúc và sự phát triển mà chúng ta đang có hôm nay là thành quả của sự hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ ngày hôm qua. Để báo đáp công ơn ấy và kế thừa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hơn ai hết chúng ta cần phải ghi sâu lời dạy năm xưa của Bác “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ là những người có công với tổ quốc, với nhân dân, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”…

Tuy thời gian đoàn đến thăm các Mẹ không bao lâu, nhưng chính tình thương yêu, sự quan tâm của cộng đồng sẽ làm cho các Mẹ được an ủi, hạnh phúc hơn. Đồng thời, thông qua nghĩa cử này TT. Thích Chân Quang muốn giáo dục cho lớp trẻ về đạo đức biết ơn và nâng dậy tinh thần yêu nước, lý tưởng sống cho các em. Từ đó, các em có động lực để sống xứng đáng, làm được nhiều việc có ích cho bản thân, xã hội./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh hoạt động: 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất