Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễHơn 3 vạn lượt người tham dự đại lễ Vu Lan tại...

Hơn 3 vạn lượt người tham dự đại lễ Vu Lan tại Thiền tôn Phật Quang

-

Trong 2 ngày 14 & 15/07/năm Đinh Dậu (nhằm ngày 04 – 05/09/2017), tại Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã diễn ra Đại Lễ Vu Lan PL.2561 – DL.2017 thật trang nghiêm, nhằm phát huy truyền thống báo hiếu tứ ân của người con Phật. Và cũng không quên nhắc nhở đến nhiều khía cạnh tình nghĩa ở trên đời, trong đó, đạo Phật đã mở ngõ đầu tiên bằng lòng hiếu đạo, tức là một người đệ tử Phật càng hướng về sự giải thoát, càng tu dưỡng đạo đức vô ngã thì lòng hiếu kính cha mẹ là điều không được quên.

Được biết, trong hai ngày diễn ra đại lễ với một chương trình Vu Lan bao gồm nhiều hoạt động như: cầu an; cầu siêu; quy y Tam Bảo; giao lưu; thuyết Pháp; tọa thiền; văn nghệ; tập khí công, v.v… Đây là dịp giúp cho phật tử gần xa về dự lễ được học hỏi đạo lý, mở mang kiến thức xã hội, kiến thức Phật học, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho giới trẻ.

Đến tham dự buổi lễ có: Chư tôn đức Tăng Ni tại Bổn tự, Chư tôn đức Tăng, Ni trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, còn có 3,3 vạn lượt người là tín đồ Phật giáo và các phật tử trực thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang trong cả nước, cùng với 2.800 em sinh viên đến từ các trường Đại học tại Tp.HCM, Thủ Đức, Tiền Giang về chùa công quả phục vụ cho lễ Vu Lan đồng tham dự.

Đặc biệt, còn có sự tham dự của: ông Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, và XIV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội; ông Nguyễn Xuân Phi – Bí thư Thành ủy thành phố Thanh Hóa; nhà báo Hà Việt Anh (Hà Nội).

Thể theo chương trình Vu Lan, sáng ngày 14/07 (al), tại ngôi Chánh điện đã diễn ra khóa lễ cầu an, cầu cho mọi người được bình an, cầu cho quốc thái dân an, thế giới được hòa bình và ông bà cha mẹ còn hiện tiền được tăng phước tăng thọ.

Tiếp đến là lễ cầu siêu, nguyện cho hương linh người thân trong gia đình, các chiến sĩ trận vong, các oan hồn uổng tử chưa siêu thoát sẽ được siêu sinh về cảnh giới an lành.

Kế đến, Chư tôn đức Tăng tại Bổn tự thay mặt Thượng tọa trụ trì tác lễ, thực hiện nghi thức quy y Tam bảo cho gần 1000 phật tử mới trong 2 ngày liên tiếp 14 – 15/07.

Đồng thời, theo thông lệ, cứ mỗi dịp lễ lớn của Phật giáo, Thiền Tôn Phật Quang đều tổ chức buổi giao lưu của các vị khách mời nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng cho các phật tử được dịp học hỏi, mở mang kiến thức, Đặc biệt là giới sinh viên có cơ hội chiêm nghiệm tấm gương của những người đi trước có lý tưởng sống cao đẹp, sống để phụng sự mọi người. Vì vậy, vào lúc 14h00’, tại Lễ đài đã diễn ra chương trình giao lưu với vị khách mời là Bác Nghiêm Vũ Khải – Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, và XIV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; cùng nhà báo Hà Việt Anh – Thư kí tòa soạn tạp chí Mẹ và bé, thư ký tạp chí Phật học, trưởng nhóm từ thiện Minh Tuệ.

Trên tinh thần giao lưu, MC Thu Quỳnh thay mặt khán giả phật tử đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự nghiệp gắn liền với tên tuổi của các vị khách mời, cũng như quan điểm về lối sống, về việc bảo vệ môi trường. Buổi giao lưu này đã mang đến cho các thính giả những quan điểm sống về tình yêu, trách nhiệm với môi trường cũng như lòng tri ân, báo ân thật thú vị, sâu sắc.

Theo Bác Nghiêm Vũ Khải, ngày nay Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường như: ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí… Đó là những hệ lụy của sự phát triển kinh tế, trong khi ý thức về môi trường chưa cao. Nếu cứ đà này, chúng ta đang tự đẩy cuộc sống của mình và của những thế hệ tương lai xuống vực thẳm.

Bác Khải cho biết: phát triển bền vững (phát triển mà không tổn hại đến môi trường) là triết lý vô cùng văn minh phù hợp với đạo Phật, phù hợp với truyền thống dân tộc ta. Nhưng bên cạnh những bộ luật được ban hành thì trách nhiệm của từng người dân, của mấy chục triệu con người trên đất nước này là vô cùng quan trọng, đặc biệt là lớp thanh niên. Ta phải xem bảo vệ môi trường là bổn phận cao quý của mỗi công dân sống trên đất nước, mỗi con người sống trên hành tinh này.

Vu Lan là dịp lễ của lòng tri ân và báo ân, không chỉ nhắc ta tưởng nhớ hai đấng sinh thành, mà còn là dịp để chúng ta nhớ đến thầy cô, ơn tổ quốc, ơn của từng con người thầm lặng đã đi qua cuộc đời, cho ta cuộc sống này với bao điều tốt đẹp.

Dịp này, Bác bùi ngùi tâm sự những ân nghĩa mà Bác nhận trong đời đã quá nhiều, cứ trĩu nặng trong trái tim Bác, mà có tri ân, cống hiến, đền đáp thì lòng ta mới thanh thản. Vì thế có những công việc mặc dù là trách nhiệm, là nghĩa vụ được phân công nhưng Bác làm với tất cả tình cảm, với lòng biết ơn của mình đối Đảng, đối với đất nước, với bao ân nhân khác. Cả hai vị khách mời đều cho rằng không phải lúc nào ta cũng tìm lại ân nhân của mình mà đền ơn được, nhưng việc ta cứ sống cống hiến, phụng sự, đó đã là sự đền ơn chân chính nhất.

Nói về lòng biết ơn, nhà báo Hà Việt Anh lại chia sẻ một câu nói mà chị rất tâm đắc: “Mỗi con người hãy khắc cốt ghi tâm hai điều: Thứ nhất là hãy quên đi những điều mà ta làm cho người khác. Thứ hai là hãy luôn biết ơn những người đã giúp đỡ ta trong cuộc đời này”. Mà không chỉ trong ngày Vu Lan, tất cả mọi ngày trong năm ta đều cho nhau sự yêu thương, tử tế, cảm thông, nên mọi ngày đều là ngày tri ân và báo ân cả.

Là người có tâm huyết mang lại những giá trị sống chân chính cho giới trẻ, nhà báo Hà Việt Anh đã trải qua nhiều năm nghiên cứu các tài liệu, giáo trình nổi tiếng trên thế giới. Nhưng chị không ngờ tại Việt Nam cũng có một bộ giáo trình về đạo đức hết sức đặc biệt, đó là bộ sách “TÂM LÝ ĐẠO ĐỨC” do TT Thích Chân Quang biên soạn. Đọc được bộ sách này, chị không chỉ tìm thấy cách để sống, để tu dưỡng bản thân, mà còn dùng làm nguồn tư liệu để biên soạn nên cuốn giáo trình của mình, nhằm định hướng những giá trị sống tốt đẹp cho các em thiếu nhi và thiếu niên.

Kết thúc buổi giao lưu, Bác Nghiêm Vũ Khải đã gửi đến phật tử một thông điệp gói trong ba từ. Thứ nhất là “cảm xúc”, tức là con tim phải biết yêu thương, chia sẻ. Thứ hai là “sáng tạo”, tức là dùng bộ óc và bàn tay để làm đẹp cho đời. Thứ ba là “cống hiến”, để tri ân tổ quốc và những người thân yêu.

Buổi giao lưu với hai vị khách mời diễn ra thật đầm ấm vui vẻ mà xúc động. Mỗi người đều đã trải qua những năm tháng khó khăn, đã vươn lên, vượt qua, đã rèn luyện, cống hiến với cái tâm vì tha nhân, vì đất nước. Quả thật đây là hai tấm gương sáng để giới trẻ học hỏi, noi theo.

Kết thúc chương trình giao lưu, TT.Thích Chân Quang thay mặt toàn thể Tặng Ni và phật tử của Bổn tự tặng hoa cho 2 vị khách mời cùng MC và trao kỷ niệm chương vinh danh Bác Nghiêm Vũ Khải là “Anh hùng sinh thái”.

Tiếp tục chương trình, đúng 18h30” cùng ngày là khai hội Vu Lan. Trong không khí trang nghiêm và thành kính nhất, ĐĐ.Thích Tánh Khoan đại diện cho BTC đọc lời khai mạc. Đồng thời hướng dẫn nghi thức tưởng niệm những vị quá cố trong Bổn tự – đó là Sư chú Thích Thông Thái, sư cô TN.Liễu Nghiêm, sư cô TN.Viên Hạnh, sư cô TN Liễu Nguyện – các vị là những tấm gương tu hành vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của đại chúng và phật tử Thiền Tôn Phật Quang.

Sau đó, tại Lễ đài, toàn thể hội chúng tọa thiền 30 phút dưới sự hướng dẫn của ĐĐ.Thích Tánh Khoan.

Để mở đầu đêm khai mạc đại lễ Vu Lan, TT.Thích Chân Quang đã chia sẻ Pháp thoại với Tăng Ni, phật tử.

Thoạt đầu, Thượng tọa tản mạn những triết lý về tình cảm. Trong cuộc sống của ta, từ những hành động rất nhỏ cho đến rất lớn, rất khôn ngoan cho đến rất ngu dại… tất cả đều bị tình cảm chi phối. Đây là điều mà Đức Phật xác quyết trong đạo lý 12 nhân duyên,

Tình cảm được tạm chia ra hai loại thương – ghét, nhưng nếu phân tích ra sâu hơn thì rất nhiều cấp độ khác nhau. Mỗi cấp độ lại cho ta một thái độ ứng xử khác nhau. Ví dụ với người ta ghét, ta không muốn nói tới, còn đối với người ta thương thì ta muốn gặp gỡ, giao tiếp, giúp đỡ. Hoặc với những bậc ta tôn kính thì ta muốn đảnh lễ, tán thán, ca ngợi, thừa sự, muốn cống hiến tất cả, thậm chí nếu sự tôn kính đó đến tột độ thì ta có thể hi sinh cả thân mạng của mình để bảo vệ, cúng dường cho bậc như thế. Ngược lại, đối với những người ta khinh thường thì ta chà đạp, phỉ nhổ, chửi bới v.v…

Dĩ nhiên, tội và phước sẽ được hình thành theo những loại tình cảm đó. Chẳng hạn thương một người là phước hay tội? Tùy vào người được thương. Nếu đó là người đạo đức, mang nhiều lợi ích đến cho đời thì ta được phước. Còn nếu đó là hạng người vô đạo đức, phá hoại thì càng thương ta càng mang tội.

Cũng vậy, đối với sự tôn kính, khi ta tôn kính bậc Thánh thật sự giữa cuộc đời, ta càng tôn kính chừng nào thì phước ta càng vượt trội lớn lao chừng ấy. Đó là lý do mà Thượng tọa hay khuyên các phật tử phải khởi lòng tôn kính Phật tuyệt đối. Vì khi ta tác ý trong tâm mình (mới tác ý thôi chứ chưa thành sự thật): “Con nguyện tôn kính Phật tuyệt đối” – niệm đó vừa khởi lên thì đã chấn động lên cõi trời, và những cái nghiệp, cái tội của mình từ vô lượng kiếp được sắp xếp lại toàn bộ. Ví dụ ta có cái nghiệp phải chết thảm giữa đường, nhưng qua mười năm tác ý tôn kính Phật tuyệt đối thì dù tai nạn vẫn xảy ra, nhưng ta không được quyền chết, hoặc có người đưa ta về đến nhà, đến bệnh viện nơi có nhiều người thương mến rồi ta mới ra đi.

Con người đã khởi tâm tôn kính Phật rồi thì phải được danh giá, danh dự, được tôn trọng, không bao giờ chết bờ chết bụi, chết trong dáng vẻ bị khinh thường được. Cái phúc của tâm tôn kính Phật khiến mọi chuyện đời ta bắt đầu thay đổi là vậy. Đó là một ví dụ rất nhỏ. Còn nhiều điều lớn lao hơn, vĩ đại hơn nữa từ tình cảm đó.

Nói về nhân quả của cái tâm ghét. Nếu ta ghét nhầm người tốt thì tất cả mọi điều tốt trong tâm ta sẽ ra đi. Tất cả những cơ hội, may mắn trong đời ta cũng từ từ biến mất. Còn nếu ghét người xấu thì sau này ta cũng sẽ xấu giống họ. Nhân quả khắt khe ở chỗ đó. Ta chỉ được quyền ghét điều xấu mà thôi, đừng ghét người xấu. Thấy người xấu phải thương xót cho họ, vì biết họ sẽ chịu khổ đau. Cho nên, sử dụng tới tình cảm tiêu cực, như sự ghét bỏ, khinh khi là ta đang chơi với lửa, rất dễ bị phỏng tay, tức là dễ tạo nghiệp.

Do đó, khi đến với đạo, Đức Phật dạy ta chắt lọc, dẹp bỏ tình cảm đi, vì khi tâm ta còn loạn động thì tình cảm nào cũng bị vướng vào tham – sân – si. Nên ta phải tập lắng lòng mình trong thanh tịnh để khởi lên được trí tuệ biết đúng sai, biết tội phước, nhân quả, và dựa trên nhân quả tội phước đó mà cư xử, mà hành động, nói năng, suy nghĩ. Tất cả đều bằng lý trí, dẹp bỏ dần tình cảm.

Tuy nhiên, nếu ta tu tập cao dần, tâm thanh tịnh dần thì lúc đó trí tuệ lui lại đứng ở phía sau, còn lại chỉ là tình cảm để sống với chúng sinh mà thôi. Tình cảm lúc đó đã được soi sáng bởi lý trí ở phía sau, không có loạn động, ích kỷ như trước kia nữa. Cuối cùng chúng ta đối xử với nhau không cần lý trí nữa, không cần khôn ngoan nữa mà cần tình cảm, cần tình yêu thương. Tột cùng của đạo lý vẫn là yêu thương.

Tình cảm phải có nhiều cung bậc, giống như một căn nhà phải phối màu thì mới đẹp, không thể tất cả đều một màu. Cũng vậy, có những người ta yêu thương, bình đẳng vui vẻ, nhưng cũng phải có những người ta tôn trọng đến mức độ tôn kính tuyệt đối. Nếu có tâm hồn có nhiều cung bậc tình cảm, đó là một tâm hồn đẹp, một con người đẹp, một xứ sở đẹp. Còn nếu một xứ sở nào đó chủ trương cào bằng hết mọi tình cảm ai cũng như ai, không ai cần kính trọng ai (học sinh không kính thầy cô, con cái không kính cha mẹ…) để được gọi là văn minh, ta gọi thẳng đó là xứ man rợ.

Ở đây, đối với bố mẹ mình hiếu kính, đối với thầy cô mình yêu thương tôn trọng, đối với ân nhân mình nghĩa tình, đối với đất nước này mình hiến trọn cả trái tim, đối với Đức Phật mình tôn kính tuyệt đối… Từ những tình cảm đó, ta khởi lên lối sống nghĩa tình. Nghĩa tình là gì? Là không bao giờ quên ơn nhau, không bao giờ quên cái tình nghĩa khi ta đã đến một lần với nhau trong cuộc đời này… Cái nghĩa tình này trở thành sự trung thành đối với những bậc mà ta đã quỳ xuống nói lời tôn kính.

Và khi sự trung thành khởi lên đến tột độ rồi tự nhiên trong tâm ta phát lên một lời thề. Lời thề là một điều rất tự nhiên, không phải là sự ép buộc, nó là một kết quả xuất hiện khi sự trung thành đã đến tột độ. Như vậy có ba điều xuất hiện nối tiếp nhau:

– Đầu tiên là sự tôn kính yêu thương vô hạn tuyệt đối.
– Kế đến là sự trung thành tột đỉnh.
– Cuối cùng là lời thề.

Để hiểu rõ hơn về lời thề, Thượng tọa đã đưa ra nhiều ví dụ minh họa. Qua đó khẳng định những ai mỗi ngày đều quỳ trước Phật phát lên những lời thệ nguyện sâu sắc thì người đó đã định hình trong tâm mình một sự trung thành tuyệt đối. Chẳng hạn:

“Nếu con phản bội quê hương
Thì con sẽ chết thảm thương hình hài
Nếu con phản bội Như Lai
Thân con thiêu đốt một vài triệu năm
Ân tình Sư Phụ cao thâm
Con mà phản bội đoạ cầm thú ngay…”

Hoặc có những lời thề đẹp hơn nữa, ví dụ: “Con xin phát nguyện đời con chỉ sống vì chúng sinh, chứ không còn sống vì cá nhân mình nữa. Nếu sống sai lời nguyện này, xin cho thân tâm con tan nát thành muôn mảnh”.

Đúng vậy, cái tuyệt đối này dẫn theo cái tột độ kia, nếu ta tôn kính Phật tuyệt đối thì bỗng nhiên từ từ ta đạt được cái vị tha tột độ.

Tóm lại, nhân ngày Vu Lan, Thượng tọa đã chia sẻ về những triết lý sống, trong đó nhấn mạnh nhiều cung bậc của tình cảm, đặc biệt là cung bậc cực điểm của tình cảm yêu kính, vị tha, sự trung thành.

Thật hạnh phúc, nhờ chúng ta đến với đạo Phật nên may mắn có cơ hội nghe được những đạo lý này. Mà nếu ai nghe rồi hiểu được, chấp nhận được thì thật sự trong tâm người đó đã gieo mầm chứng được quả Thánh. Bởi chỉ những bậc Thánh mới làm được những điều không ai làm nổi, chỉ những bậc Thánh mới tôn kính Phật tuyệt đối, chỉ những bậc Thánh mới có thể sống vị tha trọn vẹn và chỉ có những bậc Thánh mới có thể trung thành tột đỉnh mà thôi.

Sau bài Pháp thoại, BTC nhường sân khấu lại cho MC Minh Ngọc và Thảo Nguyên điều khiển chương trình văn nghệ thật hoành tráng, mang đậm màu sắc văn hóa của nơi diễn ra Lễ hội và đem đến cho người thưởng thức nhiều cảm xúc theo từng cung bậc khác nhau khi nhớ về ân cha nghĩa mẹ, về tình yêu thương giữa con người với nhau,cũng như tình yêu quê hương đạo pháp.

Sáng hôm sau (15/07.AL), đại lễ Vu Lan chính thức bắt đầu lúc 8h00’.

Mở đầu là nghi thức niệm hương, bạch Phật. Kế đến, TT Thích Chân Quang thuyết giảng về đề tài SỐ PHẬN. Theo Thượng tọa, mỗi người đều có một số phận khác nhau, mà “số phận” đó được đánh giá bởi “thái độ” của người khác khi ta xuất hiện. Ví dụ nhìn thấy ta họ lơ đi, bĩu môi, hay gật đầu mỉm cười, hay tung hô mừng rỡ… Những thái độ này đều là những số phận của cuộc đời ta. Mà cái thái độ đó tùy thuộc vào điều gì? Vào việc ta là gánh nặng, là nỗi lo lắng hay ta là niềm an vui, chỗ nương tựa cho mọi người.

Vậy ta suy ngược lại, những nguyên nhân gì khiến mình thành gánh nặng, thành nỗi lo lắng cho đời? Có bốn nguyên nhân.

1. Thiếu sức khỏe. Một người bệnh yếu thường kéo theo hai, ba người chăm sóc, cái gánh nặng đó nhiều khi lây ra cả cộng đồng chung quanh nữa.
2. Thiếu kiến thức. Khi kiến thức quá ít, ta cũng không thành chỗ nương tựa, không giúp đỡ ai được, nhiều khi còn gây họa vì sự thiếu hiểu biết của mình.
3. Thiếu đạo đức. Khi đó ta gây gổ, tham lam, ganh ghét, sân hận, phá hoại, v.v.. và trở thành gánh nặng, thành nỗi lo cho mọi người, cho cộng đồng, cho cả quốc gia, và cả thế giới này.
4. Thiếu phước. Thiếu phước làm ta thiếu tiền, thiếu sức khỏe, bệnh hoạn, khốn đốn… Vì thế luôn phải trông cậy vào sự giúp đỡ của nhiều người khác.

Như vậy, sức khỏe, kiến thức, đạo đức, phước đức – bốn điều này ta đừng bao giờ để thiếu trong cuộc đời mình, vì nếu thiếu ta sẽ thành nỗi bận tâm, lo lắng, gánh nặng, ta không đỡ đần chăm sóc, không trở thành chỗ nương tựa cho bao nhiêu chúng sinh khác được.

Đáng sợ nhất là làm gánh nặng cho đời, vì khi đã là gánh nặng rồi chắc chắn ta phải nhờ người khác hỗ trợ, chăm sóc… Thế là ta mắc nợ ân nghĩa của mọi người. Mà trong nhân quả, đã mắc nợ rồi thì chắc chắn phải trả, không biết kiếp này hay kiếp sau. Có ba cách trả:

– Trở lại làm người giàu sang để trả, khi đó ta giúp đỡ ân nhân của mình một cách thoải mái.
– Trở lại làm người nghèo hèn để trả, khi đó ta còng lưng lao động, đầu tắt mặt tối để giúp đỡ người kia.
– Thê thảm nhất là làm súc sinh để trả, có khi phải trả bằng máu thịt, thân mạng của mình.
Rất đáng sợ. Vì vậy cuộc đời ta đừng bao giờ để thiếu bốn điều: sức khoẻ – kiến thức – đạo đức – phước đức.

Để có sức khỏe ta cần tập luyện, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt hợp lý, không chơi bời hưởng thụ trác táng, tập khí công, võ thuật, lao động giúp đời.

Về kiến thức ta cũng phải học hỏi trau dồi suốt đời.

Về đạo đức ta phải sửa từng lỗi nhỏ nhặt, tăng niệm thiện lên, mà ta hoàn thiện đạo đức trong vô lượng kiếp chứ không phải mỗi kiếp này thôi.

Còn về phước đức, hãy nỗ lực giúp người giúp đời từng chút một, từ những việc rất nhỏ. Ta bòn mót từng chút phước, dần dần khi cái phước trở nên thật dồi dào thì ta mới đủ sức trả hết nợ nần ân nghĩa cũ, đồng thời gieo được ân nghĩa mới cho đời (tức là khi có nhiều phước rồi ta có mới có nhiều tiền bạc, uy tín, địa vị. Vì vậy ta giúp người thoải mái rộng rãi hơn).

Tóm lại, bài pháp thoại đã mở ra một khía cạnh mới của lòng từ bi. Vì thương yêu chúng sinh mà chúng ta không để mình trở thành gánh nặng, thành sự lo lắng bất an cho đời.

Ngược lại, suốt đời mình ta cứ lặng lẽ tu dưỡng, nỗ lực làm sao cho dần dần chính mình trở thành chỗ nương tựa, sự yên tâm, niềm bình an, hạnh phúc cho bao nhiêu chúng sinh khác. Điều này không phải để tô điểm cho bản ngã mà là vì lòng thương tưởng chúng sinh mà thôi.

Bài đạo lý này rất tinh tế, sâu sắc đến từng chi tiết nhỏ, góp phần làm đẹp cuộc sống cho mỗi người. Chúng ta hãy cảm nhận bằng tất cả trí tuệ, tình cảm của mình để thực hành và trải nghiệm theo để thấy Phật pháp đã thật sự đến gần hơn với cuộc đời mình.

Phải chăng, những lời dạy của Thượng tọa không chỉ giúp chúng ta biết tu hành, biết chuyển hóa nội tâm mình, mà còn biết sống cuộc đời tràn đầy lợi ích và trách nhiệm đối với đạo pháp, dân tộc, hay thậm chí cả thế giới bao la này.

Tiếp theo, toàn thể hội chúng tụng bài SÁM VU LAN để gửi những lời ước nguyện cao quý thiêng liêng vào đất trời mà nguyện cầu cho âm siêu dương thới, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Đồng thời, nguyện cầu cho Tam bảo trường tồn, Tăng già hòa hợp.

Sau cùng, đại lễ Vu Lan hoàn mãn bằng nghi thức lễ Phật và mỗi phật tử được quý thầy, quý sư cô tặng một huy hiệu cài áo xinh xắn tượng trưng cho sự bình an may mắn.

Có thể nói tại Thiền Tôn Phật Quang cứ mỗi kỳ lễ lớn của Phật giáo nhà chùa tổ chức rất chuyên nghiệp, hội đủ mọi điều kiện cả về nội dung và ý nghĩa, xứng đáng là một lễ hội cho tất cả mọi người cùng hướng về. Đó là lý do các lễ hội mà Thiền Tôn Phật Quang tổ chức thu hút lượng tín đồ phật tử đến chùa tham dự mỗi năm tăng lên theo cấp số nhân. Hy vọng mô hình này được nhân rộng nhiều hơn nữa tại các chùa, và phát triển khắp cả nước, để Phật giáo được truyền bá rộng rãi cho nhiều người biết đến./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là một số hình ảnh Đại lễ Vu Lan PL.2561-DL.2017 tại Thiền tôn Phật Quang:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất