Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Khóa hè 2018: Tâm lý đua đòi

-

Ở thời đại nào trẻ cũng có tâm lý đua đòi với chúng bạn. Theo đạo Phật, đây là nguyên nhân làm phát sinh nhiều lầm lỗi gây tổn phước về sau. Để giúp các em học sinh nhìn rõ đặc điểm, tác hại, cũng như nguyên nhân hình thành và cách phòng tránh nó, vào ngày 22/06/2018, sư cô TN Vĩnh Kiến đã có bài giảng về chủ đề “Tâm lý đua đòi” cho các em khóa sinh tại khóa sinh hoạt hè Thiền Tôn Phật Quang.

Bài học này như một hồi chuông cảnh tỉnh, giúp các em biết sống chậm lại để trân trọng những gì mình đang có, thay vì chạy đua với những thứ viển vông, tầm thường rồi đánh mất bản thân. Đồng thời, biết gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương, đất nước cho muôn đời sau.

Vào đầu bài, sư cô đặt câu hỏi cho các em trả lời về hàng loạt các trào lưu đang gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.

Sau đó, sư cô định nghĩa “đua đòi” là đòi hỏi quá nhu cầu cần thiết – nhu cầu một mà ta đòi hỏi năm, mười lần; và đòi hỏi quá cái phước của mình – phước ít nhưng ta đòi hỏi nhiều món sang trọng, hào nhoáng để hưởng thụ và khoe khoang. Ngoài ra, đua đòi cũng là chạy theo những trào lưu, trong đó có những trào lưu rất tai hại.

Tiếp xúc nhiều với chúng bạn, các em không xa lạ gì với trào lưu dùng đồ hiệu, bắt chước phong cách sống, phong cách ăn mặc của các ngôi sao giải trí, dù không phù hợp với hoàn cảnh của mình, thậm chí kém văn hóa. Hoặc sống ảo, khoe khoang trên mạng xã hội (muốn được nổi bật), đi bar, uống rượu bia, thuốc lá điện tử, shisha, bóng cười…

Đua đòi không tự nhiên mà xuất hiện, đứa trẻ nào mới sinh ra cũng đều ngoan ngoan, chưa có tâm lí đua đòi. Tuy nhiên, môi trường sống và học tập đã dần làm nảy sinh tâm lí đó trong các em. Đi vào phần nguyên nhân, sư cô phân tích rằng: đua đòi phát sinh từ tâm lý sợ thua kém, sợ quê, sợ bị chê là lỗi thời, luôn muốn nổi bật, mong được chú ý; muốn hưởng thụ, chẳng cần suy xét đúng sai, chỉ cần thỏa mãn cái thích nhất thời của mình. Mà tất cả những điều càng nuôi dưỡng thì càng làm bản ngã nặng nề hơn.

Và đua đòi luôn đi kèm với phung phí, các em có thể vắt kiệt tiền bạc công sức của cha mẹ, thậm chí không ít trường hợp đã tạo tội (trộm cắp, cướp bóc, giết người).

Tóm lại, dù là lí do gì thì sâu xa cũng đều bắt nguồn từ cái “tôi”, cái bản ngã quá lớn của các em. Muốn diệt trừ được bản ngã của mình, các em phải siêng năng lễ Phật và xin Ngài gia hộ để thấy được bản thân mình nhỏ bé. Từ đó, biết yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ mọi người xung quanh.

Tiếp theo, học sinh được thảo luận về Nhân – Quả của tâm lý đua đòi.

Đầu tiên là lãng phí, đây là cái nhân của quả báo nghèo khổ.

Hơn nữa, tâm lý thích cái mới của chúng ta luôn thúc đẩy các nhà sản xuất liên tục thay đổi hình dáng, mẫu mã, khai thác cạn kiệt tài nguyên, phá hủy môi trường. Đây là cái nhân của quả báo sinh về nơi khắc nghiệt.

Lãng phí sức khỏe vào những cuộc chơi vô bổ thì quả báo là không có sức khỏe nữa, tức là nhiều tật bệnh, có khi về già phải nằm một chỗ.

Nếu tìm niềm vui trong chất gây nghiện thì quả báo còn khốc liệt hơn v.v..

Cô nhấn mạnh rằng, giá trị của con người không nằm ở vẻ bề ngoài hào nhoáng, mà nằm trong chính tâm hồn của người đó. Nếu vẻ ngoài đẹp đẽ mà tâm hồn ích kỷ, hành vi tầm thường thấp kém thì vẫn không được tôn trọng.

Và bản lĩnh không phải là thể hiện được bản thân mình. Bản lĩnh là tự kiềm chê sự ham thích của chính mình, không cần hùa theo đám đông, dám khước từ lời rủ rê, mạnh mẽ từ chối những thú vui vô ích.

Ngoài ra, hãy biết vui với những gì mình đang có, đừng đòi hỏi quá nhiều. Đây cũng là một triết lý sống cao thượng.

Cuối cùng, sư cô nhắc nhở các em về một cuộc sống phụng sự, hi sinh để đền đáp rất nhiều ân nghĩa mà các em đã được nhận trong đời mình. Các em hiểu rằng, càng tìm vui trong hưởng thụ thì càng ích kỷ, bất an và tổn phước, chỉ nên tìm vui trong cuộc sống vị tha cao thượng, biết tu tập mà thôi.

Tiết học kết thúc bằng bài thơ:

Đừng mê muội những trò vui điên đảo
Khi mẹ cha đang tần tảo sớm khuya
Đừng ăn chơi quần áo với rượu bia
Đưa cuộc sống xa lìa sự tươi sáng.

Đừng phung phí để cho đời phê phán
Đừng vì nghèo mà buồn chán tủi thân
Đừng vô tâm mà hãy sống ân cần
Mồ hôi mẹ biết bao lần rơi đổ.
Đừng trách giận khi nhà mình cực khổ
Đừng lao vào những vô bổ hão huyền
Đừng đòi hỏi rồi chỉ sống vì tiền
Để bóng tối cứ triền miên che lấp.

Hãy vui vẻ sao phải so cao thấp
Hạnh phúc luôn ở cùng khắp nơi nơi
Hãy nâng niu điều mình có trong đời
Để cuộc sống thêm ngàn lời thương mến./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi học:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất