Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápKỹ năng ngoại giao theo tinh thần của Phật Pháp

Kỹ năng ngoại giao theo tinh thần của Phật Pháp

-

Vừa qua, sáng ngày 21/07/2018, tại Thiền Tôn Phật Quang, TT Thích Chân Quang đã có bài giảng về KỸ NĂNG NGOẠI GIAO THEO TINH THẦN CỦA PHẬT PHÁP, với sự tham dự của Chư tôn đức Tăng Ni và đông đảo phật tử. 

Thông qua buổi nói chuyện, thính chúng có cái nhìn sâu sắc hơn về khái niệm, đặc điểm, vai trò của ngoại giao. Đồng thời, thấy được giá trị cốt lõi trong vấn đề ngoại giao của Phật giáo là kết duyên vô lượng vô biên với chúng sinh, góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Từ đó, tận dụng các mối quan hệ tốt đẹp có tính cách nhân bản đó để tạo duyên giáo hóa chúng sinh dễ dàng. Khiến cho mỗi chúng sinh ai nấy đều rời khổ, an vui, thoát vòng sinh tử.

Đối với đạo Phật, ngoại giao là thiết lập thêm nhân duyên tốt đẹp với chúng sinh, mở đường cho sự giáo hóa về sau. Nhưng từ lâu chúng ta đã bỏ quên yếu tố này. Quan điểm giải thoát trong đạo Phật luôn phảng phất hình ảnh đời sống thanh tịnh, cô độc và bất cần. Chúng ta cứ nghĩ rằng người tu phải tránh duyên, không tạo ra nhiều mối quan hệ phức tạp, và thấy việc chiếm cảm tình, lấy lòng có gì đó mưu tính, cầu cạnh, không phù hợp với đời sống tu hành.

Tuy nhiên, Đức Phật đã từng dạy về Tứ Nhiếp Pháp (bốn phương cách để kết duyên lành với chúng sinh). Như thế từ thời xưa Phật đã truyền dạy bí quyết ngoại giao rồi. Trong kinh, Phật nhiều lần nhắc đến những người biết sống độc cư là để khen ngợi họ đủ sức mạnh, đủ đạo lực chịu đựng cô đơn cô độc mà thôi, chứ đạo Phật không hề khuyến khích đời sống cô độc mãi mãi. 

Cho nên người đệ tử Phật phải luôn luôn tìm đến chúng sinh, luôn luôn kết duyên lành với chúng sinh. Vậy kết duyên lành bao nhiêu là đủ? Vô lượng vô biên không có giới hạn. Cái tâm của Bồ tát là vậy, mãi mãi tìm cách mở ra cái duyên vô hạn với chúng sinh. Đó là lý do mà Đức Phật đã dạy bốn phương pháp kết duyên lành, gọi là Tứ Nhiếp Pháp, gồm: Bố thí – Ái ngữ – Lợi hành – Đồng sự. 

Phật xếp “Bố thí” là công hạnh hàng đầu. Phải nói rằng Đức Phật là một bậc Thầy siêu đẳng về ngoại giao. Vì sao vậy, vì đồng tiền là máu là thịt, ai cho mình đồng tiền không phải là cho những con số khô khan, mà là cho một ân nghĩa rất lớn. Đồng tiền có thể thay đổi hết đường đi của nhân quả trong cuộc sống này. 

Ví dụ, nơi một làng quê với bao đời sống hiền lành, thờ ông bà, rồi có người tìm đến cho tiền cho gạo, từ đó người trong làng dần bỏ bàn thờ tổ tiên để đi theo một đạo mới. Khủng khiếp như vậy, đồng tiền lập tức thay đổi nhân quả của họ. 

Đồng tiền có thể biến chánh thành tà, khiến cuộc đời luôn xáo trộn bất an mệt mỏi. Nếu không có bậc Thánh trụ lại trên cuộc đời thì điều ác đã tràn ngập thế gian rồi. 

Nguyên tắc đầu tiên của ngoại giao là bố thí, cả đời lẫn đạo đều như vậy, chỉ khác nhau kiểu dụng tâm. Nếu như người thế gian có thể bố thí để cầu lợi danh, để mưu đồ thì người trong đạo Phật bố thí để làm đẹp lòng nhau, kết duyên lành với nhau rồi mang đạo lý đến cho nhau. Đó là ưu tiên số một. 

Phương pháp thứ hai được gọi là “Ái ngữ”, tức là những lời nói ngọt ngào khéo léo làm đẹp lòng người. Chỉ cần lời nói mà thôi, không tốn tiền của nhưng cũng rất hiệu quả. 

Có những người thường nói lời ngọt ngào nhưng giả dối khiến ta cảm thấy e dè nghi ngại. Vì thế, điểm cốt lõi là ái ngữ mà không lòe loẹt, hình thức, từng lời mình nói lên đều bắt nguồn từ lòng yêu thương chúng sinh chân thật.

Là con Phật, chúng ta dùng ái ngữ để làm đẹp lòng mọi người, cũng tức là giúp Phật pháp được lan truyền muôn nơi. Cho nên kĩ năng sử dụng ái ngữ rất là vô cùng cần thiết. 

Kế đến, Thượng tọa đưa ra ví dụ ở từng trường hợp, hoàn cảnh để thính chúng suy nghĩ về những lời ái ngữ phù hợp cần nói. Điều quan trọng là càng cụ thể càng tốt, tránh lối nói chung chung. 

– Trường hợp đơn giản nhất là đã quen biết, đã cảm mến nhau từ lâu, ta dễ sử dụng ái ngữ nhất. Tuy nhiên đừng rơi vào cái lỗi bỗ bã, nhiều người cứ nghĩ thân nhau rồi được quyền bỗ bã xuề xòa, không ngờ đã gieo một cái nhân phá mất tình thân đi. Với những người có tình thân rồi, ta vẫn phải duy trì lời nói tế nhị đẹp lòng để giữ mãi duyên lành với nhau. 

– Trường hợp người có ác cảm với mình.Theo Thượng tọa, sống trên đời rồi chúng ta sẽ gặp những người có nghịch duyên, có ngang trái với mình từ những kiếp xưa, cho nên tự nhiên đời này gặp lại họ không thích, thậm chí chê bai chửi bới công kích mình. Nhưng một người thực hành Bồ tát đạo thì phải xóa hết những nghịch duyên như thế và thay vào bằng những mối duyên tốt đẹp. Vậy trong trường hợp này chúng ta phải sử dụng những lời ái ngữ gì?

Nhìn chung thính chúng đều tìm ra ý mấu chốt là dù người kia ghét mình thì mình không bao giờ được ghét họ. Cái tâm đó phải đi trước. Kế đến là tìm hiểu lý do gây ra ác cảm. Nhưng rồi có khi cũng chẳng có nguyên nhân nào rõ ràng, chỉ vì đời xưa có oan trái với nhau và người kia mang theo mối thù đến kiếp này. Vì vậy, ta phải kiên trì tìm đến với họ mãi, cho đến ngày mà nghịch duyên xưa mất dần và thiện duyên đời này bắt đầu nảy nở. 

Với câu hỏi này Thượng tọa nhấn mạnh, vì đang nói đến ái ngữ nên chúng ta phải nắm được cách nói thế nào là dễ hóa giải nghịch duyên nhất? Chìa khóa nằm ở chỗ “nhận lỗi về mình”, những lời khiêm cung như thế rất hiệu quả, sẽ tháo gỡ dần ác duyên xưa.

– Hoặc có người ngang tàng, bướng bỉnh, bặm trợn, mắng chửi thiên hạ, chỉ cho mình là đúng… tánh khí không khác gì Chí Phèo. Đặt trường hợp ta không phải là người đủ duyên làm họ thương mến, cũng không đủ đức độ khiến họ cảm phục, vậy ta phải nói những lời nào để đi vào trái tim họ? 

Thượng tọa dẫn dắt rằng: trước tiên phải hiểu về họ đã. Hãy nhớ rằng không dễ làm Chí Phèo, người làm Chí Phèo đời trước đã có máu hào hiệp, làm nhiều điều thiện cho cộng đồng nhưng rồi chấp công. Cho nên đời này trong tình huống bị bạc đãi họ mới phẫn uất, chửi rủa. 

Họ đều có máu anh hùng, có cái lực, cái uy, có cái phước của họ cả, ta đừng coi thường. Như mình mà đứng lên chửi đổng là có người đến nắm áo đánh ngay, còn họ chửi cả thiên hạ mà không ai dám làm gì, đó là họ có cái uy, cái phước của họ. Đời xưa có công nhưng hay kể công – đời này bị bạc đãi một chút là bất mãn hận đời. 

Chúng ta phải nắm chỗ mấu chốt đó. Gặp người như thế, hãy nói về những chuyện hào hiệp giúp đời để gợi lên cái nhân quả của họ từ những kiếp xưa. Rồi ta khuyên họ làm điều thiện nhưng đừng chấp công… Cứ lái họ đi dần dần như vậy cho bản ngã của họ mềm xuống, rồi họ sẽ thấy mình là tri kỷ, có cái tương đồng giữa tâm với tâm. Khi họ đã mở trái tim ra chúng ta mới dần đần đưa thêm những đạo lý vào lấp đầy tâm hồn họ.

– Trong trường hợp không tìm ra chủ đề để nói, không biết nói gì… thì tình cảm cũng lợt lạt. Cho nên ai cũng cần có kĩ năng bắt chuyện, nói làm sao cho người khác thấy cuốn hút thú vị chứ đừng nói lảm nhảm làm họ thấy phiền phức. 

Có thể thấy bắt chuyện là cả một nghệ thuật. Vậy lấy đâu ra chủ đề để nói, và nói như thế nào? Theo Thượng tọa, trường hợp này đòi hỏi kiến thức lớn, cho nên phải chuẩn bị trước. Mỗi người cần có một cuốn sổ tay ghi chép nhiều bài thơ, nhiều câu chuyện vui, những chuyện ý vị và đọc tới đọc lui cho nhớ. Đến khi cần bắt chuyện với ai thì lấy đó làm chủ đề. Lưu ý đừng nói dông dài, đừng quá xa với thực tế. Những câu chuyện phải vừa lý thú vừa phù hợp với hoàn cảnh lúc đó, khiến người đối diện cảm thấy dễ chịu.

– Với trường hợp cần chúc mừng hay chia buồn.Thượng tọa cho biết, chúng ta hay mắc cái lỗi là chúc một cách chung chung, nhưng từ hôm nay trong lời chúc hãy gắn thêm một điều gì đó độc đáo làm người khác vui hơn, như thế mình cũng dễ kết duyên lành hơn. 

Với lời chia buồn cũng vậy. Ví dụ khi bày tỏ sự thương tiếc với người đã khuất, ta nhắc lại những đặc tính tốt của người ấy, hoặc nói với người thân của họ rằng: “Sự mất mát của anh cũng là sự mất mát của tôi, vì từ lâu tôi đã xem bác như cha tôi..”. Những câu nói như vậy cực kì tình cảm. 

Hoặc với một người vừa thi trượt, chúng ta bày tỏ sự đồng cảm thế nào? Trường hợp này rất khó vì liên quan đến năng lực, mình nhắc lại chuyện thi trượt cũng như khơi lại nỗi buồn của họ, rất dễ làm tự ái. Chia buồn trong hoàn cảnh này cần rất tế nhị, nếu làm họ tự ái xem như ái ngữ bị phản tác dụng ngay.

– Nhân đây, Thượng tọa cho biết, trong ái ngữ có một mảng cực kì hiệu quả là “lời khen”. Lời khen thì không tốn tiền nhưng rất dễ tạo cảm tình.  Trong mười hạnh Phổ Hiền có công hạnh “xưng tán Như Lai” có nghĩa là xưng tán Đức Phật, vì lời khen dành cho một Đức Phật luôn luôn sinh ra cái phước lớn lao. Cũng vậy, phước sẽ tạo thành nếu ta dành lời khen cho những người xứng đáng. Ai không bao giờ mở lời khen, đó quả là một người kém phước, mà cũng là người không trí tuệ và cõi lòng không rộng lượng.

– Một mảng nữa của ái ngữ là những lời bày tỏ sự thông cảm với sai lầm của người. Ví dụ từng có vụ việc một ông lão 70 tuổi xâm hại đứa bé 7 tuổi, trong nhiều bài giảng Thượng tọa đã nói rằng do trước đây ông đã phạm cái lỗi công kích xúc phạm phỉ báng những bậc Thánh nên ông tổn phước rất nặng, cho đến ngày đủ duyên thì cái dục khởi lên vượt biên giới, khiến ông tấn công một đứa bé rồi phải chịu sự nhục nhã ê chề, không còn chút danh dự nào. Đó cũng là một lời thông cảm. Lầm lỗi nào cũng có nguyên nhân cả, cái lỗi ban đầu có vẻ như không quan trọng, nhưng cái lỗi kéo theo phía sau lại cực kì thê thảm.

Do vậy, biết ai có khuyết điểm, chúng ta hãy nói những lời ái ngữ cảm thông trước, sau khi người kia có cảm tình rồi mới giáo hóa sau. Rất nhiều người chưa có kĩ năng, chưa có cái hạnh này nên dễ bắt bẻ công kích hơn là bao dung, đâu ngờ đó cũng là lúc mình gây cái nghiệp để sau này phạm phải sai lầm giống như vậy.

– Kế đến Thượng tọa trình bày về việc duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền, với giáo hội và với những tôn giáo bạn.

Vào thời Đức Phật, vì đức độ của Phật trùm phủ cả trời người nên vua quan đều là đệ tử Phật. Còn vào thời nay chúng ta không đủ đức độ như thế, tuy nhiên phải ý thức rằng mối quan hệ với chính quyền vẫn rất quan trọng trong tu hành và giáo hóa. Cho nên người tu phải sống rất công khai minh bạch, và chủ động giúp họ hiểu rõ về mình trước khi họ thắc mắc về mình. 

Nếu trên địa bàn mình ở có các tôn giáo khác, chúng ta cũng thăm hỏi, có thể tạo cảm tình bằng cách khen những cái hay của họ, hay tìm những điểm tương đồng giữa hai tôn giáo… Đó là nhịp cầu nối hai bên lại gần nhau hơn, mà cũng là cơ hội để các tôn giáo bạn cũng bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật. 

Giữa các chùa với nhau thì nỗ lực xây dựng tình đồng đạo chân thật, hỗ trợ nhau giáo hóa. 

Với du khách nước ngoài (phần lớn có cái gốc Cơ đốc giáo), ta biết ngôn ngữ của họ, không phủ nhận tôn giáo của họ, chỉ khéo léo giới thiệu những điểm độc đáo của đạo Phật cho họ tự tìm hiểu. 

Đặc biệt, với những kẻ cực kì xấu ác, không phải xấu ác bình thường mà là có tổ chức đứng phía sau, quyết tâm tiêu diệt đạo Phật, quyết tâm phá chùa; có âm mưu, có tiền bạc, nó có nhân lực, đủ thủ đoạn mưu mô khủng khiếp… thì rất phức tạp, chúng ta không thể thiết lập ngoại giao, bố thí, ái ngữ gì cả. Thượng tọa cho biết, trong một dịp khác người sẽ đào sâu về chủ đề này, nhưng trước mắt thính chúng phải ý thức được đó là một vấn nạn thật sự đối với Phật giáo. Có thể nói, ngoại giao là một chủ đề rất rộng và phức tạp, đòi hỏi người phải có kiến thức mang tính chuyên môn, rộng khắp mới có thể hiểu tường tận, chi tiết được. Việc trình bày các luận chứng, luận cứ một cách tường tận, khoa học như trên cho thấy trí tuệ của Thượng tọa là vô lượng, vô biên, rất thấu đáo, biết nhìn xa trông rộng, và là một bậc Thầy truyền cảm hứng từ những bài thuyết Pháp của Người.

Bài nói chuyện về đề tài này tuy có dài nhưng lại hết sức dễ hiểu, sinh động. Dù chưa thật sự là người trí tuệ nhưng mọi người cũng rút ra được những đạo lí chính có trong bài. Từ đó, tiếp tục trau dồi, hoàn thiện bản thân, biết tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp với chúng sinh để mở đường giáo hóa về sau. 

Đồng thời, nhờ sự chỉ dạy của Thượng tọa, mọi người biết tránh quan điểm độc cư, lẻ loi bất cần. Và hiểu rằng mình luôn luôn cần chúng sinh, luôn luôn kết duyên lành với chúng sinh trong vô lượng kiếp không bao giờ dừng lại. Đó là cái tâm, cái hạnh của Bồ tát.

Và khi đã có duyên lớn, được đông người yêu mến rồi thì đạo lực cũng phải lớn theo, lòng mình cũng phải như đại dương mênh mông mà dung chứa, trân trọng, biết ơn tất cả sự yêu mến của mọi người, không hề xem thường hay bỏ sót một chúng sinh nào. 

Ngoài ra, hiện nay trên tinh thần hội nhập và chấp nhận nhau, GHPGVN đã thành công trong việc đem hình ảnh Phật giáo nước ta đến với đông đảo bạn bè thế giới qua các cuộc hội nghị, thăm viếng, hay các diễn đàn Phật giáo quốc tế, hay các buổi giao lưu về mặt hoằng pháp, giáo dục, văn hóa, v.v.. Đây là thành tựu nổi bật nhất trong sứ mệnh hội nhập quốc tế của GHPGVN. Điều này cho thấy công tác ngoại giao của Giáo hội ta rất tốt nhưng công tác ngoại giao của từng cá nhân lại tồn đọng nhiều vấn đề. Nổi bật trong đó là lối sống khép kín, ngại giao tiếp với người ngoài. Cái khác nhau trong tư duy, suy nghĩ, quan hệ khiến con người ngày càng xa cách nhau. Đây là một rào cản rất lớn trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết các tôn giáo. Trong khi con đường xuyên suốt của Phật giáo là làm cho các tôn giáo hiểu nhau hơn để xây dựng một thế giới hòa bình.

Cho nên, muốn Phật giáo Việt Nam vững mạnh thì không phải chỉ GHPGVN, mà ngay cả cá nhân mỗi người con Phật cũng tự phải làm công tác ngoại giao. Một khi chúng ta đứng được trong một khối thống nhất, yêu thương, thấu hiểu thì cuộc sống mới hạnh phúc, ý nghĩa và làm tăng thêm uy thế của Phật giáo Việt Nam với các nước Phật giáo bạn trên thế giới./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi nói chuyện:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất