Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangTin tức Phật QuangLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâu

Lâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâu

-

Nhận lời mời của ĐĐ.Thích Nhuận Thanh – Chánh Đại Diện Phật giáo huyện Đạ Tẻh, chiều ngày mùng 08/02/năm Quý tỵ (nhằm ngày 19/03/2013), TT.Thích Chân Quang (BRVT) đã viếng thăm và có bài Pháp thoại chia sẻ với quý Phật tử tại chùa Khánh Vân – Thị trấn Đạ Tẻ, huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng, trong không khí hân hoan kỷ niệm ngày vía xuất gia của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Chùa Khánh Vân nằm trên một khu đất rộng rãi khá khang trang, có Chánh điện lộ thiên nép mình bên vách núi dựng đứng, có Thầy Trụ trì rất năng nổ làm Phật sự. Nhìn sự hiện diện của đông đảo bà con địa phương mà đa phần là đồng bào người dân tộc đến chùa nghe thuyết Pháp rất trang nghiêm, đủ thấy lợi ích từ ngôi chùa lan tỏa ra quanh vùng, vì chùa có những sinh hoạt tinh thần bổ ích nên rất dễ thu hút mọi người đến chùa. Có thể nói Đạ Hoai và Đạ Tẻh là hai huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng, nơi có nhiều đồng bào dân tộc K’ho và Châu Mạ sinh sống, mà đa số lại rất nghèo khó, quanh năm chỉ biết cúi mặt vào bờ ao mảnh ruộng, đi làm thuê, làm mướn, chưa hiểu biết gì đến giáo lý đạo Phật. Thế nhưng, như một nhân duyên, ĐĐ.Thích Nhuận Thanh khéodùng phương tiện giáo hóa, khiến họ tin và kết duyên lành với Tam bảo. Những người dân hiền lành chất phác đó, giờ biết ngẩng lên tìm về nẻo sáng, đến chùa lễ Phật, nghe Pháp. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho Phật pháp vùng sâu vùng xa.

Cũng vậy, với tâm nguyện hoằng Pháp, Thượng tọa Giảng sư Thích Chân Quang, chẳng quản gian lao, chẳng từ khó nhọc, không câu nệ, mà nơi nào Phật pháp cần thì Người đi, nơi nào chúng sanh cần thì Người đến, để mang ánh sáng Chánh Pháp đến với mọi người và truyền dạy đạo đức, cái an lạc giải thoát cho đời. Phải chăng, quý Thầy đã góp phần xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn, tạo thành thế giới cực lạc tại cõi ta bà đau khổ này. Không chỉ có vậy, đâu đó, còn rất nhiều những vị Tăng Ni hoằng pháp chân chánh cũng đang thực hiện những hoài bão và tâm nguyện quan trọng của một Tu sĩ Phật giáo trong thời đại ngày nay.

Khi mặt trời lấp ló xuống dần sau dãy núi, Phật tử từ các nơi bắt đầu tụ hội về chùa Khánh Vân rất đông để nghe thuyết Pháp và xem văn nghệ hát mừng ngày vía Đức Phật  xuất gia.

Nhân kỷ niệm ngày xuất gia của thái tử Sĩ Đạt Ta, để hiển lộ rõ nét ý nghĩa xuất gia của Ngài, TT.Thích Chân Quang đã ôn lại sự kiện “Một lần ra đi”, Ngài đã thành công rực rỡ, vang động bốn phương, âm hưởng ấy vẫn còn đến ngày nay, cũng như vô tận thời gian về sau. Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa lý giải vì sao thái tử Sĩ Đạt Ta xuất gia vào ngày mùng 8/2; đồng thời phân tích cho thấy thái tử đã có chuẩn bị trước cho sự ra đi của mình là nên chọn thời điểm nào là thích hợp nhất và có những sắp xếp bí mật ra sao nhằm bảo vệ đất nước Sakya, để khi Ngài đi xuất gia rồi thì gia đạo cũng như xứ sở vẫn yên ổn, Ngài không phải hối hận. 

Và khi mọi thứ đã sẵn sàng, trong đêm Ngài vượt thành ra đi. Ngang đây có một tình tiết thật cảm động khi Ngài lay Sanặc dậy. Sa Nặc hỏi “Trời tối nhân gian mờ mịt quá, giờ này Thái tử định đi đâu?”. Thái tử trả lời rất lạ lùng, khác hẳn những lần trước “Bởi vì trời tối nên ta phải đi, để tìm ra ánh nhiệm mầu, ngày mai sẽ có bao người khóc, ly biệt thương Ngài nỗi khổ đau, ta sẽ trở về khi thấy đạo, giải thoát nhân gian vạn nẻo sầu”. Sự việc cách nay đã hơn 25 thế kỷ, nhưng nay nghe lại khẩu khí của một bậc giác ngộ, dù tâm hồn có sắt đá đến đâu, ta cũng không thể dằn lòngrung cảm. Phải chăng, một sự kết nối tâm linh thầm nhắc nhở chúng ta nên noi theo gương sáng của Ngài để tu, để tiến. Cuộc đời xuất gia của thái tử Sĩ Đạt Ta là tấm gương sáng cho hậu thế soi chung. Đó là chuyện ngày xưa.

Còn chuyện ngày nay, Thượng tọa tán thán những vị Tăng Ni dám từ bỏ chốn phồn hoa đô hội, về nơi xa vắng (Vùng sâu vùng xa) để đóng góp sức mình xây dựng Phật pháp thì tâm huyết đó thật là đáng yêu, đáng quý. Thượng tọa khuyến khích các Phật tử tinh tấn tu hành và hướng dẫn con cháu mình cùng đến chùa để học đạo đức, vì hiện nay lối sống của Tây Phương đã tràn ngập trong phim ảnh và mạng internet. Nếu chúng ta không dạy dỗ con mình được thì phải nhờ Phật pháp, nhờ quý Thầy đem đạo lý soi rọi vào lòng của các em nhỏ, để các em tự đứng lên, tự chống đỡ, đối phó với những điều xấu đang vây quanh cuộc sống này. Bằng không chúng sẽ khó tránh xa những cám dỗ bên ngoài xã hội và hư mất lúc nào mà chúng ta không hay biết. Như vậy, chẳng những gia đình đau lòng mà đất nước thiếu mất một công dân tốt.

ĐĐ.Thích Nhuận Thanh – Trụ trì chúa Khánh vân, có tổ chức khóa tuBát Quan Trai dành cho người lớn tuổi và lớp tu tập dành cho người trẻ, rất đúng với tinh thần hoằng pháp thời hiện đại. Tuy nhiên, Thượng tọa khuyến khích Đại đức nên mở thêm lớp dạy đạo đức cho trẻ vào chiều chủ nhật và kêu gọi Phật tử nên đưa con đến tham dự lớp học này. Được biết, chùa Khánh Vân còn tổ chức các hoạt động từ thiện tại địa phương và các vùng lân cận, tổ chức tuần lễ Vu Lan Báo Hiếu, tổ chức lễ vía mừng Đức Phật A Di Đà, tổ chức đêm Hội Trăng Rằm dành cho các em thiếu nhi, tổ chức đêm văn nghệ hát mừng ngày vía Đức Phật xuất gia, v.v…Đặc biệt là đưa việc truyền bá giáo lý bằng hình thức thuyết Pháp cho dân chúng. Có thể nói chùa Khánh Vân trở thành một trung tâm văn hóa của làng xã.

Kế đến, Thượng tọa khuyến khích các chùa một năm nên tổ chức 3 sự kiện rất quan trọng của Đức Phật, đó là: Phật đản sanh, Đức Phật xuất gia và Đức Phật thành đạo. Đồng thời kêu gọi các Phật tử nên rủ nhau đông vầy đến chùa học đạo, vì ta biết rằng cuộc sống con người coi vậy chứ chồng chất khổ đau, cái niềm vui sung sướng đều tạm bợ và chóng qua, còn sự lao động cực khổ, cái lo toan vất vả thì lúc nào cũng đeo đẳng cả cuộc đời ta. Nếu người nào hiểu được chân lý về sự khổ mà Đức Phật đã dạy thì  không bao giờ có thể yên lòng đắm chìm trong luân hồi sinh tử mãi, mà ta phải tìm con đường để thoát ra, tìm cách sống vượt lên khỏi sự tầm thường của kiếp người. Muốn vậy, ta chỉ có đến chùa, lắng nghe lời dạy của quý thầy, quý cô để sống cao thượng hơn, ta đổi tâm hồn mình lên một bước cao hơn, lời nói và việc làm của ta bắt đầu có chuyển biến, ta thành một người khác tốt hơn, công đức tích lũy ngày một dầy hơn, ý nghĩa cuộc sống đẹp hơn… tất cả để chuẩn bị cho sự bứt phá, vượt lên vĩ đại. Ta không được chấp nhận an phận, cứ sống một đời tầm thường, lầm lũi, chìm trong luân hồi sinh tử mãi, mà phải vượt lên, phải giải thoát, phải giác ngộ. 

Cái nhà ta đang ở, những người thân yêu ta đang chung sống, coi vậy tất cả chỉ là ngôi nhà lửa như Phật đã nói trong kinh Pháp hoa. Còn chùa chính là bến bờ, là tổ ấm, là yêu thương. Người hiểu đạo chưa nhiều thì thấy chùa là nơi mình lui tới, thắp nhang cầu đủ thứ. Người hiểu đạo nhiều rồi thì dù đi đâu trái tim cũng gửi nơi chùa, niềm thương nỗi nhớ nằm ở đây, không còn nơi thế tục nữa, đó là ta chuẩn bị thoát khỏi nhà lửa tam giới. Ngược lại, ngồi đây mà trái tim đang ở nhà thì ta tiếp tục sống trong nhà lửa.  Chúng ta hiểu như vậy thì mỗi người cùng chung tay xây đắp, tức là chúng ta đến chùa nhận được đạo lý của Thầy, rồi đem điều đó về sống với đời. Bao nhiêu điều tốt đẹp nơi chùa, ta đem về ban cho gia đình, quyến thuộc, làng xóm, để mọi người thấy, rõ ràng từ khi ta đi chùa mọi điều trở nên tốt đẹp, hân hoan, hạnh phúc. Từ đó họ có sự yên tâm, tin tưởng dễ chịu với ta, và họ hiểu rằng từ nơi chùa mà có con người tốt đẹp như thế này. Khi đem cho mọi người sự yên vui, tin tưởng là ta có công đức rất lớn. Nếu ta rủ được nhiều người đi chùa thì phước của ta chồng thêm một lần nữa. Vì vậy đừng ai khờ dại đi chùa một mình. Đừng ai giữ cái tốt đẹp cho riêng mình mà nhớ đem chia sẻ cho người khác. 

Ngày hôm nay thế giới đã gần lại với nhau vì mọi người muốn gặp nhau thì gặp rất nhanh. Cảm giác gần này là do phương tiện kỹ thuật tiến bộ, khiến ta đi đây, đi kia nhanh hơn. Chẳng những vậy, với cái điện thoại, ta cần gặp ai thì bốc lên gọi, lập tức nói chuyện với nhau, chứ không như ngày xưa phải viết thư, trông chờ nhau mất thời gian. Thế giới ngày hôm nay gần lại, có những điều bắt đầu chạm mặt với nhau, tức có những tư tưởng, những tác phẩm, những bộ phim, những bài thơ được phiên dịch từ tiếng từ tiếngnày sang tiếngkhác và ngược lại, nên thế giới gần lại với nhau. Mà trong cái gần lại đó có tôn giáo chạm mặt nhau – đi bên cạnh nhau, ta hay gọi là tôn giáo bạn. Trong một xứ cũng có nhiều tôn giáo cùng lúc tồn tại và yêu cầu của một quốc gia là tuy khác tôn giáo nhưng phải đoàn kết nhau, vì cùng là người Việt Nam thì tình yêu nước phải trên hết, chứ không nên đặt tình cảm tôn giáo cao hơn quốc gia, để rồi mất tình yêu nước hoặc ghét nhau là không được. Chúng ta phải thêm tư tưởng nữa, dù ta yêu đạo cách mấy cũng không để phai nhạt tình yêu nước. Cái hay của đạo Phật là đồng hành với dân tộc. Một ai đó nói đến tình yêu nước có thể ngượng miệng nhưng đạo Phật ta nói tình yêu nước thoải mái, vì tình yêu nước là một bộ phận của lòng từ bi, yêu thương bao la. Trong đạo đức của con người có nhiều cái để ta  yêu, nhưng yêu nước là một phẩm chất của đạo đức mà con người không được thiếu. Nhân đây, Thượng tọa phân tích cho thấy đạo Phật được uy tín trong xã hội, trong chính trị vì hai điều:

1/ Cấm tiệt không sát sanh. Đó là thói quen tốt của người Phật tử, khôngbao giờ sử dụng bạo lực.

2/ Cái đạo lý về lòng từ bi vô hạn, ngoại trừ đạo Phật, không tôn giáo nào dám nói tới. Các đạo khác có thể nói đến lòng nhân ái, sự yêu thương nhưng để đạt tới mức độ yêu thương triệt để, mênh mông, bao la thì chỉ có đạo Phật. Những quan điểm sống làm cho tâm hồn chúng ta thiếu sự yêu thương, dễ dẫn đến tội ác, bạo lực! Do đó những người trí thức trên thế giới, khi có cơ hội tìm hiểu nhiều tôn giáo, họ ngỡ ngàng thán phục khi bắt gặp được đạo Phật – một tôn giáo dạy con người yêu thương đến vô cùng vô tận. Đó là đạoPhật có gì đặc biệt mới được sự thiện cảm và ca ngợi của con ngườithời đại như thế. Chúng ta may mắn là tín đồ, là đệ tử của tôn giáo đó. Và người tây phương có đầu óc thông minh, thực tiễn, khi tìm đến đạo Phật họ thích tu thiền, để tìm được trí tuệ, sự giác ngộ, sự an vui trong hiện tại. Họ cho rằng như vậy mới là giá trị của một tôn giáo của thế giới.

Một ngôi chùa phải có tâm linh để làm cái lõi, giữ cho chùa bền vững và thu hút được Phật tử về chùa tu tập. Cái lõi đó chính là công phu thiền định âm thầm bí mật của Chư Tăng Ni mà Phật tử khó bắt chước được. Để chùa trở nên linh thiêng, thành nơi tổ ấm thì ta phải tu hành rất nhiều. Và chính sự tu hành này là tu cho nhân loại – cho thế giới chứ không phải cho mình, trong đó điều quan trọng chính là tu tập tâm từ bi. Tuy nhiên cái tâm từ bi trong đạo phật nếu hiểu không đúng, ta sẽ bị hiểu lầm. Từ bi quá không giải quyết được vấn đề, vô tình ta thả cho cái ác lộng hành, để người xấu lợi dụng, biến thành người nhu nhược. Vì vậy phải có 4 tâm niệm khác để giúp cân bằng tâm từ bi đó:

–        Thứ nhất là nghiêm khắc, bởi vậy Đức Phật mà ta tôn thờ được ca ngợi là đấng nghiêm và từ. Cũng vậy, ta nên nghiêm khắc dạy dỗ chứ không phải từ bi là bỏ mặc cho ai muốn sống sao thì sống. Và cái nghiêm xuất hiện là do uy đức tự nhiên. Người nào thường lạy Phật, hay làm việc tốt thì tự nhiên toát ra cái vẻ uy nghiêm, khiến cho ai cũng kính nể. Người chưa có tâm từ bi mà lộ vẻ uy nghiêm, không khéo sẽ là người ác. Bằng nhiều câu chuyện kể đầy tính nhân văn, Thượng tọa chứng minh cho thấy sự nghiêm khắc làm cân bằng tâm lý, giúp ta đi đúng đường.

–        Thứ hai là có trí tuệ thiện xảo để biết từ bi đến mức nào thì vừa.

–        Thứ ba là tâm khiêm hạ. Thường ta hay có tâm lý “Người được thương thấp hơn người thương”, do đó khi rãi tâm từ bi thì lúc nào cũng nhắc trong lòng mình, ta là cỏ rác cát bụi để diệt trừ tâm kiêu mạng.

–        Thứ tư là tâm dũng cảm, dám đương đầu với khó khăn nguy hiểm.

Trước khi kết thúc buổi chia sẻ đạo lý, Thượng tọa nhấn mạnh tâm từ bi phài cân bằng với bốn tâm lý trên thì mới hoàn hảo và sống trong đời này ta mới làm được nhiều công đức. Tâm từ bi là thuộc tính của Thánh, cho nên người đệ tử Phật muốn tu tập để giải thoát, ai cũng phải bước qua giai đoạn quán từ bi, nguyện trải lòng yêu thương tất cả chúng sinh. Người có tâm từ bi dễ tạo thành các công đức, nếu không có tâm từ thì lúc nào ta cũng sống vị kỷ đối với mọi người. Chỉ khi nào thật sự yêu thương con người, ta mới có quyền góp ý dạy bảo họ, còn không yêu thương ai, đụng chuyện gì ta cũng trách móc, khiến người chán ghét mình. Người có tâm từ bi thì dung mạo xinh đẹp, được chư thiên hộ trì, sau khi chết rất dễ sinh lên cõi trời. Khi có tâm từ bi thì ta dễ an trú trong chánh niệm, ít vọng tưởng, trí tuệ sáng ra dần dần, vì từ bi là nhân – trí tuệ là quả. Chúng ta sẽ mãi mãi gặp nhau nơi cõi Phật cõi Thánh nếu mà chúng ta cùng một tâm từ bi như Phật dạy.

Trên đây, những lời thuyết giảng của Thượng tọa vừa mang phong cách hiện đại, thực tế, lại dễ hiểu, mà không xa rời chân nghĩa của đạo lý. Từ đó làm thỏa mãn người nghe, khiến họ được điều chưa từng có, thế là tự giác tự nguyện tu tập, và đem khả năng của mình hết lòng ủng hộ Phật pháp. Mong sao chúng ta thực hành cho được trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ từ bi và hãy phát tâm đến với vùng sâu vùng xa hoằng dương Phật pháp, nơi ấy đang rất cần những bậc bi – trí – dũng vượt mọi gian khó, mang ánh sáng chánh Pháp đến với mọi người. Bởi vì trong thời kỳ mà Phật giáo vùng sâu vùng xa đang định hướng và từng bước phát triển, thì công tác hoằng pháp được đặt lên hàng đầu, chủ yếu dựa vào Chư Tăng Ni./.

Dưới đây là một số hình ảnh về toàn cảnh buổi thuyết Pháp của TT.Thích Chân Quang và đêm văn nghệ hát mừng ngày vía Đức Phật xuất gia tại chùa Khánh Vân – Thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng:

 

Lâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâu

 Lâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâuLâm Đồng : TT.Thích Chân Quang hoằng pháp về vùng sâu

TÂM DIỆU

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất