Thứ Tư, Tháng Tư 17, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápLàm Tăng khó như thế nào? - khóa thiền Vĩnh Long 10.2019

Làm Tăng khó như thế nào? – khóa thiền Vĩnh Long 10.2019

-

Vào ngày 19/10/2019, TT.Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm chia sẻ đạo lý cho hơn 500 Thiền sinh và đông đảo quý Phật tử gần xa về tham gia khóa Thiền với đề tài “LÀM TĂNG KHÓ NHƯ THẾ NÀO?”, tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long (số 287A, p Vĩnh Hòa, Xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long).

Mở đầu bài giảng, Thượng tọa nhấn mạnh Phật – Pháp – Tăng là ba ngôi báu thiêng liêng muôn đời của đạo Phật. Tuy nhiên, qua nhiều lần kết tập kinh điển, qua việc bổ sung các lý thuyết Đại thừa sau này thì lời dạy ban đầu của Phật (gọi là Pháp bảo) đã bị biến dạng, thêm bớt rất nhiều. Cho đến ngày nay thì quyển sách chúng ta đọc, bài giảng chúng ta nghe chưa chắc là do chính Phật thuyết. Đó là sự thật đau lòng mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận.

Tăng Bảo là những người xuất gia, là đại diện sống động cho Phật pháp. Chính nhờ có những con người từ bỏ gia đình, cắt bỏ mái tóc xanh, chuyên chú tu hành mà chúng sinh còn niềm tin để bước tới tu hành. Ngôi báu “Tăng bảo” thật sự chỉ dành cho các bậc Thánh tăng mà thôi, nhưng không lẽ ta phủ nhận hết những người xuất gia chưa chứng Thánh vì cộng đồng Tăng sĩ cũng thật sự làm nên sức mạnh và giá trị cho Phật giáo. Vì thế ngày hôm nay chúng ta chấp nhận khái niệm Tăng bảo là gồm những vị xuất gia, dù có thể chưa chứng Thánh quả nhưng nếu tu hành chân chính thì cũng thuộc Tăng bảo.

Tiếp đến bài giảng, Thượng tọa đã nêu một số tiêu chuẩn để dựa vào đó mà đánh giá vị Tăng có chân chính hay không?

  • Thứ nhất là đạo đức, giới hạnh. Không thể có một thầy tu nói dối, bồ bịch, bài bạc, rượu chè say sưa được. Giữa thế gian đầy cám dỗ và nghiệp xưa lôi kéo, người xuất gia phải đủ công đức, đủ ý chí chiến đấu với chính mình thì mới giữ giới nổi, không hề dễ dàng.
  • Thứ hai là có trí tuệ, kiến thức. Một Thầy tu ngây ngô không biết gì thì không thể làm bậc Thầy dạy dỗ cho chúng sinh trên nhiều phương diện được. Hãy biết rằng kiến thức về đời sống vô cùng cần thiết vì có liên quan đến đạo đức. Ví dụ một vị Thầy phải có kiến thức về môi trường, từ đó mới hình thành đạo đức yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, mới dạy dỗ cho người Phật tử cũng có đạo đức này. Kiến thức và đạo đức thật sự không thể tách rời. Đạo đức của chùa là điều gì đó có thể soi sáng vào mọi ngõ ngách cuộc sống chứ không dừng lại nơi cổng chùa.
  • Thứ ba là làm được nhiều công đức. Tức là một thầy tu phải dấn thân phụng sự cuộc đời không tiếc thân mạng, nhờ vậy mới kết được duyên lành với chúng sinh để thuận lợi giáo hóa sau này.
  • Thứ tư là có con đường tâm linh Thiền định. Đây là tiêu chuẩn cực kỳ sâu sắc nhưng cũng rất khó khăn. Thực tế vào thời Đức Phật, người tu đều hướng về vô ngã, muốn đi đến chỗ tuyệt đối không còn có cái “ta” nữa. Đây là thời Chánh pháp. Sau thời Đức Phật, dần dần vì những kết quả thù thắng hiện ra, vì nội lực, thần thông, trí tuệ phi thường xuất hiện, nhiều người đã dừng ngang đây khởi nên cái kiêu mạn tột độ. Đây là thất bại rất lớn của chúng sinh nghìn năm sau Phật, khiến đạo Phật từ thời Chánh Pháp chuyển sang Tượng Pháp rồi Mạt Pháp như thời nay, người tu Thiền rất ít và hiếm ai còn giữ gìn lý tưởng vô ngã.

Giờ đây để đền ơn Phật, để giáo pháp quý giá không mai một uổng phí, để dựng lại thời Chánh pháp thì ta phải đi con đường Thiền định – với điều kiện Thiền hướng về vô ngã, không chạy theo mục tiêu nào khác. Trong đời sống, nhớ thân vô thường cũng là căn bản của vô ngã.

Phước sẽ giúp ta đi con đường Thiền định đỡ vất vả hơn. Cái phước căn bản là lễ kính Phật, tiếp theo là giúp mọi người cùng tu, san sẻ đạo lý với mọi người.

Cuối cùng, Thượng tọa nhắc nhở mọi người nên có yêu cầu cao đối với chư Tăng. Chúng ta cần những vị Tăng siêu phàm, thánh thiện, phẩm hạnh cao vời, có tâm linh chứng ngộ. Nếu ai cũng cần như thế, người xuất gia sẽ thấy sự thúc đẩy phải tự hoàn thiện mình và ta cũng xây dựng lại thời Chánh pháp. Còn nếu Phật tử dễ dãi “sao cũng được” thì sẽ vô tình khiến Phật pháp suy tàn nhanh hơn.

Có thể thấy Tăng bảo là hình ảnh thiêng liêng, nhìn vào đó mà chúng sinh có động lực, quyết tâm tu hành. Tuy nhiên, để làm một bậc xuất gia chân chính thật không hề dễ dàng. Ngày nay rất nhiều trường hợp người xuất gia vi phạm, xuống cấp về giới hạnh đã khiến chúng ta không khỏi đau lòng. Rất nhiều người mất niềm tin đối với đạo cũng vì nguyên nhân này.

Chúng ta cần khẳng định vai trò của Chư Tăng Ni trong thời nay phải là một người Thầy mô phạm, có đầy đủ giới hạnh đạo đức của một bậc chân tu, sao cho “hương đức hạnh tỏa ngát muôn phương” khiến mọi người đều quy kính, như cổ đức đã từng tán dương:

“Tâm thanh mang tấm y vàng

Giới nghi nghiêm khắc đáng hàng Sa Môn”.

Xin ước nguyện cho hàng tu sĩ trong đạo Phật tất cả đều tinh tấn tu hành, trở thành bậc Thầy mô phạm, thành cội tùng vững vàng cho tất cả chúng sinh nương náu tu hành. Từ đó đem lại sự hưng thịnh cho Phật pháp, lợi lạc quần sinh.

Tổ truyền thông.

Dưới đây là hình ảnh buổi lễ: 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất