Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangCác hoạt động Phật sự khácLễ đúc tôn tượng Bổn sư Thích Ca và Đại Hồng Chung...

Lễ đúc tôn tượng Bổn sư Thích Ca và Đại Hồng Chung tại chùa Từ Nhãn

-

Sáng 26/07/2020 (nhằm ngày mùng 06/06/ nhuận Canh Tý), chùa Từ Nhãn (Kp Vạn Hạnh, phường Phú Mỹ, Tx. Phú Mỹ, tỉnh BR-VT) đã long trọng tổ chức Lễ cầu nguyện rót đồng tôn tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni (nặng 700kg) và đúc Đại hồng chung (nặng 700kg) do nhóm nghệ nhân đến từ cơ sở đúc đồng Đắc An (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chế tác ngay trong khuôn viên nhà chùa, dưới sự chứng kiến của chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa Đại đức Tăng và các Phật tử.

Quang lâm chứng minh và chú nguyện có: HT. Thích Giác Cầu, thành viên HĐCM, chứng minh BTS PG tỉnh BRVT; HT. Thích Giác Hạnh, chứng minh BTS PG tỉnh BRVT, Viện chủ chùa Hội Phước; HT. Thích Nhuận Hải, Viện chủ chùa Hương Tích; TT. Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang; TT. Thích Nhuận Trí, Phó ban TT BTS PG tỉnh BRVT; TT. Thích Quảng Phổ, Trụ trì chùa Từ Nhãn; cùng Chư tôn đức Tăng Trụ trì các Tự viện tại TX Phú Mỹ và đông đảo Phật tử tham dự.

Trong khuôn viên chùa, tại Lễ chú nguyện rót đồng, Chư tôn đức đã niệm hương bạch Phật, sái tịnh, tụng niệm cầu nguyện công trình đúc tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và đúc chuông hoàn thành như ý nguyện.

Các pháp khí trong chùa như chuông, tượng… là cần thiết để bài trí, tôn thờ trong ngôi Phạm vũ. Hình ảnh trang nghiêm uy nghi của Đức Phật cũng làm xoa đi nỗi khổ niềm đau mỗi khi chúng ta đảnh lễ và chiêm bái Ngài. Và tiếng chuông chùa mỗi khi được thỉnh ngân vang lên có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của con người, mọi loài, và các cảnh giới địa ngục cho đến nhân thiên. Vì thế, toàn thể đạo tràng Phật tử Pháp Ấn mong muốn kiến tạo một pho tượng Đức Từ Phụ và đại hồng chung bằng đồng để cúng dường cho chùa.

Cho nên, đại Lễ chú nguyện rót đồng, kiến tạo tôn tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và Đại Hồng Chung tại Chùa Từ Nhãn này có một giá trị đặc biệt ý nghĩa, không chỉ riêng về niềm tin tín ngưỡng Phật giáo mà còn chung cho tất cả mọi người dân, đồng bào nơi chùa có tôn trí thờ phượng những Pháp khí này được hưởng phước lành.

Nhân dịp đại Lễ đúc tượng – đúc chuông tại chùa Từ Nhãn, để các Phật tử hiểu rõ về ý nghĩa và công đức của việc đúc chuông, tạo tượng, TT. Thích Chân Quang đã có bài Pháp thoại ngắn, trong đó nhấn mạnh: Trong Phật giáo, gây tạo tượng Phật vừa là một nghệ thuật điêu khắc, vừa thể hiện niềm cảm xúc tôn kính đối với Đức Phật, vừa góp phần giữ gìn hình ảnh của Phật giáo cho nhiều đời sau.

Tượng đại diện cho hình ảnh của Phật, nhìn vào đó ta thấy nhớ tới Ngài. Tuy nhiên, khi nhìn vào tượng Phật, tùy vào trí tuệ mỗi người mà cái hiểu cũng khác nhau. Có người chỉ thấy đó là một khối xi măng hay khối đồng; có người lại thấy Phật thiêng liêng; có người lại thấy cả một bầu trời yêu thương, từ đó dâng trào niềm tôn kính tuyệt đối.

Nếu bức tượng được đúc ra đó hảo tướng, trang nghiêm, được nhiều người chiêm ngưỡng, lễ bái cung kính, phát tâm tu hành; hoặc tượng được đặt tại một ngôi chùa có chư Tăng Ni tu hành chân chính, thu hút được mọi người tề tựu về tu tập rất đông thì công đức của người đóng góp vào bức tượng sẽ rất lớn. Cúng dường để đúc tượng Phật giúp ta giảm bớt nghiệp sát sinh, sau này được phước báu có một cơ thể lành lặn. Người cúng dường nhiều thì được hình hài cực đẹp. Đặc biệt ta được cái phước để đi vào tâm linh giác ngộ.

Lại nữa, tiếng chuông chùa là một phương tiện độ sanh không thể thiếu. Theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa, ta vừa phải độ người sống, vừa độ người mất. Trong số những người mất đó, ta lại hết sức quan tâm, ưu tư về những chúng sinh bị đọa đày ở cõi địa ngục. Đó là những người lúc sống đã làm những điều cực ác, họ bướng bỉnh cang cường đến mức không ai can ngăn được. Vì ác nghiệp đó, khi rời bỏ cõi này, họ buộc phải đọa xuống địa ngục. Trong địa ngục không có ánh sáng, cực kì hôi hám, nhiệt độ nóng lạnh vượt khỏi sức chịu đựng của chúng sinh ở cõi người, tất cả mọi cảm giác khó chịu đau đớn đều vô cùng dữ dội. Những chúng sinh ở đó rên la kêu van thảm thiết trong vô vọng.

Cho nên, các vị Tổ đã tạo ra chuông chùa với mong muốn tiếng chuông sẽ được chúng sinh ở cõi địa ngục nghe thấu rồi thay đổi tâm hồn mà thoát khỏi cảnh đọa đày. Tiếng chuông ngân vang kết hợp với những lời tụng thỉnh chuông của chư Tăng Ni gửi gắm vào sẽ được biến thành đại thần chú. Đại thần chú này vang xuống dưới cõi địa ngục, vang cao lên đến những tầng trời và vang ra không gian chung quanh, gần gũi nhất là xóm làng con người.

Ngày xưa, khi ti vi, đồng hồ, loa phường không có, tiếng chuông chùa nhắc nhở con người ráng làm việc thiện, ăn chay, tu hành; sống tử tế, đạo đức, đúng giờ giấc. Tiếng chuông giúp ta nhớ đến Phật, Pháp, Tăng, tâm trở nên thanh tịnh, trí tuệ mở ra nhiều. Tiếng chuông có ý nghĩa sâu sắc vậy, nên phước của người cúng dường đúc chuông rất lớn. Ngày nay, do phải cạnh tranh với các âm thanh khác nên vai trò của tiếng chuông chùa có phần giảm đi nhưng vẫn không thể thiếu trong đời sống của con người.

Từng hồi chuông buông xuống không chứa đựng ngôn ngữ, không ít người cho rằng đó chỉ là âm thanh vô nghĩa. Tuy nhiên, kể cả loài cọp nghe cũng được thay đổi tâm hồn, huống hồ con người. Khi nghe ngôn ngữ ta hiểu bằng ý thức. Còn tiếng chuông khi được mang theo thần lực bỗng đi vào sâu trong tiềm thức của ta, làm thay đổi tiềm thức mà chính ta cũng không biết.

Tất cả chúng sinh bỗng nhiên thấy mình tốt lên từ từ mà không hiểu tại sao. Nên địa phương nào có chùa, có tiếng chuông khuya, có bài kệ cảm xúc mà được vị thầy chân tu hô chuông thì từ từ cả địa phương đó đều tốt lên, cả làng được nhiều may mắn.

Ngoài ra, Thượng tọa cũng nhắc đến ý nghĩa của việc bố thí, cúng dường và đâu mới là yếu tố quyết định lượng công đức nhiều hay ít.

Bài Pháp thoại vừa đủ đã được Thượng toạ ban bố cho thính chúng tại chùa Từ Nhãn, để lại nhiều ý đạo tuyệt vời, giúp các Phật tử mở rộng tầm nhận thức đúng đắn khi hiểu về công đức của việc đúc chuông, tạo tượng, xây tháp, cúng dường, bố thí…

Chúng ta cùng cố gắng mang tiếng chuông vang xa hơn đến tất cả mọi nơi bằng việc chung tay đúc thật nhiều đại hồng chung. Đây không chỉ là việc gìn giữ tiếng chuông cho con cháu muôn đời, mà còn góp phần giữ gìn nền văn hóa lâu đời, xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp, hiền hòa, an vui và hạnh phúc.

Dịp này, đạo tràng Phật tử Pháp Ấn còn phát tâm thiết trai cúng dường trai Tăng, nguyện cầu Phật sự được thành tựu viên mãn./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi lễ:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất