Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻNgàn xưa Đức Phật đã nói gì về việc chống phân biệt...

Ngàn xưa Đức Phật đã nói gì về việc chống phân biệt chủng tộc

-

Từ ngàn xưa đến nay, sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Con người đã quá đau khổ vì sự ganh ghét, kỳ thị chất chồng qua bao nhiêu thế kỷ.

Nhưng tới năm 1966, thông điệp kêu gọi xóa bỏ kỳ thị chủng tộc mới chính thức được phát động mạnh mẽ bởi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và ngày 21 tháng 3 đã được lựa chọn là Ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, cách đây hơn 2.500 năm, Đức Phật từ khi còn là Thái tử trong hoàng cung, thuộc dòng dõi Sát Đế Lợi cao quý – có quyền kỳ thị những tầng lớp kém hơn mình (theo như phong tục của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ), nhưng với lòng từ bi bao la, Đức Phật đã không những không kỳ thị mà còn yêu thương vô hạn những người thuộc tầng lớp đó và tất cả chúng sinh.

Vì xót xa trước nỗi đau khổ của muôn loài, nên Người đã không màng danh lợi, bỏ lại sau lưng tất cả những vinh quang của thế gian để đi tìm đường cứu khổ cho chúng sinh. Đến khi Người đắc đạo thành Phật, thông điệp về tình yêu thương lại được Người truyền đi qua các đệ tử của mình từ ngàn xưa cho đến nay và mãi mãi ngàn sau với một lời xác quyết rúng động con tim: “KHÔNG CÓ GIAI CẤP KHI MÁU CÙNG ĐỎ! KHÔNG CÓ GIAI CẤP KHI NƯỚC MẮT CÙNG MẶN!”

Quả thật, chúng sinh ai cũng đau khổ và mạng sống của ai cũng đáng quý!

Ngày nay, thế giới đã vô cùng văn minh, tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhưng sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc vẫn còn rất khắc nghiệt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Là người đệ tử Phật, chúng ta thật đau lòng khi phải chứng kiến những cảnh như vậy…

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế chống phân biệt chủng tộc, chúng ta hãy cùng nhìn lại tấm gương vĩ đại của Đức Bổn Sư qua trích đoạn truyện tranh Đỉnh Núi Tuyết, tập 14 – 15, để nguyện với Phật sẽ cùng nhau dùng tất cả con tim và khả năng mình có được để xây dựng hòa bình và tình yêu thương đại đồng trên khắp hành tinh này:

TẬP 14 – “Trở về Ca Tỳ La Vệ”

“Này đại chúng, Như Lai từ Kapilavatthu xuất gia tu tập và cuối cùng đã chứng đạt sự giác ngộ. Như Lai đã mở ra con đường Chánh Pháp cho Chư Thiên và loài người…”

Âm thanh của Phật vang xa lồng lộng đến tận những người ở xa nhất cũng nghe rất rõ. Ngay lúc đó, Phật thị hiện thần thông. Thân hình Phật cất lên cao dần giữa hư không. Hào quang từ thân Phật chiếu sáng trùm cả trời đất. Chư Thiên hiện ra đầy cả bầu trời. Tiếng nhạc Trời vang lừng, ai nghe cũng hiểu là ca ngợi, tán thán Phật.

Phật lại hiện thần thông, một thân hiện ra nhiều thân. Thân ở giữa pháp đàn, nhiều thân ở trên trời khắp tám hướng đều có Phật. Khu đất quảng trường chợt trở nên rộng rãi và mỗi người trở nên ngồi cách xa nhau. Những vị Phật hoá thân đó lại hiện ra trước mặt từng người để an ủi khuyên bảo, rồi lại bay lên trời cao. Rồi các vị Phật hoá thân đó chợt hiệp nhất lại thành một vị Phật đang lơ lửng trên pháp đàn và tiếp tục thuyết pháp:

“Này đại chúng, chúng sinh sai biệt nhau về phước nghiệp, chứ không phải vì dòng dõi hay giai cấp. Ai sống theo thiện pháp thì đó là người đáng kính, chứ không phải vì người đó thuộc dòng dõi, giai cấp nào cả.

Này đại chúng, Không-Có-Giai-Cấp-Khi-Máu-Cùng-Đỏ, Không-Có-Giai-Cấp-Khi-Nước Mắt-Cùng-Mặn!”

Ngay lúc đó, vua Sudhodana bỗng chứng ngộ một quả vị cao hơn, đứng bật dậy nói: “Mỗi một hạt bụi dưới chân ta cũng tràn đầy sự sống.” Nhiều người trong hoàng tộc chứng Sơ quả Tu Đà Hoàn, rơi nước mắt vui mừng. Mẫu hậu Pajapati, công nương Yashodara, công tử Kimbila… đều chứng Sơ quả. Nhiều cư dân cũng chứng Sơ quả sau bài thuyết pháp này. Ai nấy cảm động và reo lên vui mừng. Cả kinh thành Kapilavatthu ngập tràn niềm vui hạnh phúc và hào quang…

TẬP 15 – “Tăng đoàn hùng mạnh”

Sau sự kiện Đức Phật cho Ngài Channa (người chăn ngựa) và Ngài Upali (thợ cắt tóc) xuất gia, vua Mahanama đến thăm Phật và chắp tay thưa:

“Bạch Thế Tôn, từ khi nhận vương quyền đến nay tôi mới sắp được thời gian đến thăm Ngài, thật là có lỗi lớn. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là thái tử xuất gia tu hành đắc đạo làm thầy của thiên hạ, ai cũng kính phục. Mọi người kính phục Thế Tôn vì đạo hạnh, nhưng thật ra họ cũng nể nang Thế Tôn vì dòng dõi cao quý. Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn rồi cũng trở thành thầy của thiên hạ để cho mọi người cung kính. Nếu một người từ đẳng cấp thấp kém xuất gia trong Pháp và Luật của Thế Tôn sẽ khiến mọi người khó chịu, vì họ khó thể nào chắp tay cung kính một người mà trước đây chỉ vài ngày vẫn còn là một người để cho họ xem thường. Tôi tha thiết cúi xin Thế Tôn chỉ nên cho những ai đẳng cấp cao mới được xuất gia.”

Nhiều tiếng xì xào rộ lên trong hội chúng. Phật nói: “Này vua Mahanama, đừng khinh thường một con rắn nhỏ vì nọc của nó có thể cắn chết người; đừng xem thường một đốm lửa nhỏ vì có thể làm cháy tan cả một khu rừng; đừng xem thường một thái tử nhỏ vì có thể sau này làm vua trị vì cả thiên hạ; và cũng đừng xem thường một Sa Di nhỏ tuổi vì sau này có thể chứng A La Hán.

Một người có khi xuất thân từ dòng dõi thấp kém, nhưng trong giáo pháp của Như Lai, người đó vẫn có thể chứng được quả vị A La Hán. Tuy nhiên, này vua Mahanama, KHÔNG CÓ ĐẲNG CẤP KHI NƯỚC MẮT CÙNG MẶN, KHÔNG CÓ ĐẲNG CẤP KHI MÁU CÙNG ĐỎ. Hãy đánh giá một người qua hạnh nghiệp của người đó, chứ đừng đánh giá người đó bởi dòng dõi họ sinh ra.

Này vua Mahanama, mỗi đẳng cấp tự khẳng định mình qua kiểu tóc bới trên đầu. Nhưng ai đã xuất gia trong giáo pháp của Như Lai thì phải cạo bỏ râu tóc như là sự từ bỏ đẳng cấp riêng để tìm về cái chung, cũng như mọi con sông đều trở thành vị mặn khi cùng đổ ra biển lớn…”

Tôn giả Upali, là người đẳng cấp thấp, ông bùi ngùi xúc động… Mọi người xuýt xoa tán thán vì những lời dạy cảm động và vĩ đại của Thế Tôn.

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất