Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻNgày Giỗ Quốc Tổ - Cùng nhau ghi khắc truyền thuyết cội...

Ngày Giỗ Quốc Tổ – Cùng nhau ghi khắc truyền thuyết cội nguồn dân tộc

-

NGÀY GIỖ QUỐC TỔ – CÙNG NHAU GHI KHẮC TRUYỀN THUYẾT CỘI NGUỒN DÂN TỘC

Ngày xưa đất nước Trung Hoa có một vị vua là Đế Minh. Vị vua này có hai người con trai. Khi sinh ra người con đầu là Đế Nghi với người vợ cả rồi, ông đi tuần xuống phương Nam, đến vùng núi Ngũ Lĩnh ở phía Nam của Trung Hoa, thì ông gặp người con gái cực kỳ đẹp. Đó là con của một lãnh chúa và cũng là một vị thần tiên. Ông xin cưới và sinh ra người con thứ hai là Kinh Dương Vương.

Thời bấy giờ, những vị được mọi người tôn vinh lên làm Vua đều là những vị có khả năng rất đặc biệt, mà ta có thể gọi là có quyền phép, chứ không phải là bình thường. Vì để kiểm soát được cả một quốc gia rộng mênh mông, mà trong tay không có một phương tiện kỹ thuật gì như thời nay, nếu không có phép thuật thần thông thì không thể làm nổi. Nên vấn đề này không phải là chuyện của con người nữa, mà đúng là chuyện của Thần Thánh. Và vua Đế Minh cũng là một vị vua như vậy.

Bằng trí tuệ và tầm nhìn của mình, vua Đế Minh mới thấy người con có người mẹ là tiên – Kinh Dương Vương này cực kỳ thông minh, có thần thông và tâm linh rất đặc biệt và cũng là người vô cùng đạo đức. Khi được dạy những phép thuật và thần thông của cha mẹ, thì Kinh Dương Vương học rất nhanh. Nên lúc đó, vua Đế Minh muốn truyền ngôi cho Kinh Dương Vương vì thấy người con này mới đủ bản lĩnh hơn anh của mình. Thời điểm đó, người anh là Đế Nghi tuổi cũng lớn hơn rất nhiều, đã trưởng thành và cũng đã có con có cháu rồi, Kinh Dương Vương vẫn còn trẻ, lại là người có đức độ, hiền lành nên mới nói với Vua cha: “Con hãy còn trẻ, con xin phép Vua cha con không nhận ngôi Vua này, xin cha hãy để cho anh con được truyền thừa ngôi báu”.

Kinh Dương Vương thấy là anh mình cũng có phước, có đức, mặc dù cái tài không bằng mình, nhưng dù sao cũng là người anh cả, nên quyết liệt không chịu nhận ngôi. Vua Đế Minh thương con quá, thấy người em này quá xứng đáng để làm Vua, mà lại cương quyết từ chối. Không biết làm sao, ông bèn cắt đất nước ra làm đôi, từ Hồ Động Đình chạy về phía Bắc thì giao cho người anh là Đế Nghi làm Vua, từ Hồ Động Đình chạy về Quảng Trị của Việt Nam giao cho Kinh Dương Vương. Rồi Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân. Người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã lập ra nhà nước Văn Lang, làm vua lấy hiệu là Hùng Vương.”

Hôm nay, nhân ngày giỗ Quốc Tổ, chúng ta cùng nhìn lại nguồn gốc cội nguồn, để dâng lên lòng kính ngưỡng và biết ơn sâu sắc đến vị Tổ khai quốc là Kinh Dương Vương vì cái đức của Ngài đã truyền cho con cháu đến muôn đời sau. Đạo đức mà người em đã nhường ngôi cho anh chứ không chịu nhận ngôi của mình là một cái đức rất lớn mà không phải ai cũng có.

Nhìn lại lịch sử của tất cả các quốc gia trên thế giới, ngôi vua là cái mà người ta tranh giành nhau khốc liệt, sẵn sàng giết nhau không tiếc xương máu ruột thịt, vậy mà Ngài đã nhường một cách rất nhẹ nhàng cho anh của mình. Đó là cả một tấm lòng bao la, vĩ đại, là mốc son, là dấu ấn đặc biệt, trở thành cái phúc đời đời để lại cho con cháu. Nhân Quả trở lại là mặc dù ban đầu đất nước ta có vẻ chịu thiệt, ta nhiều lần phải bị ách đô hộ ngoại xâm, nhưng cái đức từ Quốc Tổ khiến cho ta cứ kiên cường, mà không bao giờ bị mất hẳn đất nước của mình. Nghĩa là thế lực nào nếu có chiếm đất nước ta được một thời gian cũng đều bị ta đánh bại.

Hôm nay, chúng ta được sống trong một quốc gia thanh bình, thì ta phải hiểu là máu xương của cha ông ta đã đổ xuống quá nhiều trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, gần như nhuộm đỏ cả đất nước này. Và ta có nhiều điều để suy ngẫm, trong đó, cái đức mà vị khai quốc Kinh Dương Vương đã nhường ngôi cho anh của mình sẽ tạo thành một cái phúc của dân tộc ta về sau qua mấy ngàn năm. Đến ngày nào đó, người Việt Nam sẽ đứng lên với thế giới chính vì cái đức này: cái đức mà Kinh Dương Vương nhường ngôi cho anh, cái đức mà Sơn Tinh nhường ngôi cho Thục Phán, và nhiều lần trong lịch sử ta, các vị Vua đã cư xử một cách nhân ái, khoan hòa đều tạo thành cái phúc cho dân tộc ta lâu dài. Điều này làm cho chúng ta có hy vọng sau này dân tộc ta sẽ cường thịnh như ông Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiên tri là 500 năm sau, đất nước Vạn Xuân này sẽ vẻ vang và bền vững.

Ngày nay, đất nước ta có nhiều tôn giáo xuất hiện, trong đó có Đạo Phật là một đạo đồng hành với dân tộc, và Đạo Phật đến để góp sức cho sự sống của dân tộc, cho nền độc lập của dân tộc trong gần cả ngàn năm qua. Cho nên, Đạo Phật của Việt Nam giống như là Đạo Phật của dân tộc ta, làm cho tình yêu nước của chúng ta đậm đà hơn, chứ không hề cạnh tranh với tình yêu nước đó.

Chúng ta may mắn có Phật Pháp đồng hành với dân tộc, có đạo lý siêu thoát của Phật Đà, nên ta vừa yêu nước, vừa mở lòng thương yêu chúng sinh, ta vừa làm tròn bổn phận với đất nước ta, mà ta cũng biết làm tròn bổn phận của mình đối với nhân loại, cũng vừa biết tu hành để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Mà những hạnh nguyện đó, những lý tưởng đó tồn tại đồng thời trong tâm hồn của ta thành một sự hòa quyện vô cùng đẹp đẽ. Nên ai thấm nhuần giáo lý của Phật đều sẽ biết yêu thương nhau, biết yêu nước, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp và góp công xây dựng hòa bình cho thế giới. Đây là bổn phận của ta, là ước mơ của ta, cũng là lý tưởng của ta.

Hôm nay chúng ta ôn lại cội nguồn, nhớ lại lịch sử lập quốc, ta biết ơn các vị Quốc Tổ đã vất vả dựng nước, giữ gìn đất nước, nên ta cũng nguyện với nhau là sẽ làm tất cả để xây dựng quê hương này mãi mãi yên vui giàu đẹp, và chung tay góp với năm châu bốn biển xây dựng nền tảng đạo đức và hòa bình cho thế giới.

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất