Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápNgôi chùa trong thời đại mới

Ngôi chùa trong thời đại mới

-

Vừa qua, chiều ngày 27/08/2019, nhân Đại lễ khánh tạ Tam Bảo hoàn nguyện ngôi phạm vũ chùa Hải Quang (71/13 Nguyễn Bặc, Phường 03, Quận Tân Bình, Tp.HCM), nhận lời mời của TT Thích Đạt Đạo – Trụ trì chùa Hải Quang, TT Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh TƯ. GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã quang lâm thuyết giảng cho hơn 2000 Phật tử. 

Chùa Hải Quang được thành lập từ thập niên 60 thế kỉ XX do những cư dân miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp đã cùng nhau dựng lên, và họ cung thỉnh HT Thích Nhật Lệ từ miền Trung vào miền Nam trụ trì ngôi chùa này. Trải qua mấy mươi năm, chùa ngày càng khởi sắc. Vào năm 1987 khi Hòa thượng viên tịch, TT Thích Đạt Đức – Trưởng BTS Phật giáo quận Tân Bình đã nối tiếp trụ trì ngôi chùa. Nay chùa vừa được tu bổ cao ba tầng, vừa mang dáng dấp cổ kính truyền thống của dân tộc, vừa mang sắc thái thiền của Phật giáo. Theo TT Thích Chân Quang, cái hay là ngôi chùa này đẹp chừng mực, không rơi vào sự cầu kỳ.

Nhân dịp này, Thượng tọa cũng đã thuyết giảng đề tài “NGÔI CHÙA TRONG THỜI ĐẠI MỚI”, cho thấy thời đại ngày nay đã mang đến những yêu cầu rất cao dành cho một ngôi chùa, gay gắt gấp trăm nghìn lần so với thời xưa.

Theo Thượng tọa, vào thời đại mà xã hội còn nghèo khó thì người ta đến chùa rất nhiều vì họ cảm nhận rõ cuộc đời này là khổ, người ta cần một nơi có thể xoa dịu đi tất cả. Tuy nhiên trong thời đại mà vật chất đã dư dả thì nhu cầu tìm một nơi giải tỏa niềm đau nỗi khổ đã giảm bớt. Hơn nữa công nghệ kĩ thuật cao đã thuyết phục con người hơn những thần thông phép lạ mà kinh điển nói tới. Nhu cầu tâm linh giác ngộ bỗng trở nên không còn cần thiết. Đây là thử thách rất lớn. Vì vậy khắp đất nước ta, những ngôi chùa đang vắng tín đồ dần.

Lại nữa, đời sống của người thế gian và người tu hành bây giờ không khác nhau quá xa, những phương tiện máy móc người thế gian dùng đến thì người tu cũng dùng. Đời sống người tu cũng tiện nghi không thua gì người thế gian. Vậy với khoảng cách với thế tục mờ nhạt như thế, liệu người tu liệu có còn đủ sức đứng sừng sững giữa đời như ngọn hải đăng rực sáng hay không? Và phật tử ngày nay rất khôn ngoan, tinh tế, thông minh, nhiều kiến thức, sắc bén hơn ngày xưa rất nhiều. Vì vậy đòi hỏi của họ đối với người tu sĩ cũng cao hơn rất nhiều, họ muốn người tu phải giỏi hơn mình thì mới tôn làm Thầy. Phải giỏi hơn chúng sinh thì chúng sinh mới nể mà tìm đến học đạo.

Một thử thách nữa là sự cạnh tranh giữa các tôn giáo. Tôn giáo nào cũng tranh giành tín đồ quyết liệt. Chỉ riêng đạo Đạo Phật từ bi, buông xả, bất cần và sinh ra một phản ứng phụ là không siêng năng giáo hóa phật tử, không siêng tiếp cận hóa độ, để mặc mọi người tự tới lui. Đâu hiểu rằng ta không gieo nhân thì không có quả. Ta không siêng năng độ chúng sinh thì không có đồ chúng đông…

Rồi xã hội cũng đòi hỏi phật giáo phải làm điều gì rất thực tế có ích cho xã hội như giúp người nghèo, kêu gọi giữ gìn môi trường, hiến máu nhân đạo, giáo dục đạo đức cho trẻ… chứ người chưa hiểu đạo Phật họ không quan tâm lắm đến mục tiêu giải thoát giác ngộ. Vậy chùa có thể đáp ứng được điều đó hay chưa?

Cho nên có thể thấy, yêu cầu đối với một ngôi chùa ngày nay đã gay gắt hơn ngày xưa gấp nghìn lần. Xây nên ngôi chùa vẫn dễ, còn sau khi xây xong phải làm gì khiến ngôi chùa tiếp tục rực sáng, có uy tín, có ảnh hưởng, đóng góp cho đạo pháp mới là khó.

Đến đây Thượng tọa đã gợi mở một số hướng đi cho một ngôi chùa trong thời đại mới:

Chùa phải tu hành đúng chánh pháp của Phật vì chánh pháp của Phật có sức cảm hóa vô tận với vạn loài chúng sinh. Tuy nhiên thời đại này những giáo lý chúng ta tiếp nhận không còn đúng với chánh pháp của Phật nữa. Ví dụ ngày xưa Đức Phật đắc đạo nhờ thiền, chư Tăng suốt ngày ngồi thiền nhưng ngày hôm nay nhiều chùa không còn tu thiền. Và dù có tu thiền cũng chưa chắc là đã đi đúng với thiền như thời Đức Phật. Đó là sự thật đau lòng. Vì vậy người tu phải vất vả tìm lại cho đúng ý Phật ngày xưa, hướng về một Đức Phật duy nhất, vượt qua hết những thành kiến của tông phái mình. 

Nếu chùa đi đúng chánh pháp của Phật thì chùa sẽ có từ bi, vô ngã, chân thật, hạnh phúc… Bước vào chùa người ta cảm nhận được tình thương chân thật nồng ấm, không phải giả dối, đối phó, lo toan, thủ đoạn nữa. Dù công nghệ bên ngoài có tiến đến đâu cũng không bằng niềm hạnh phúc này. Bước vào chùa thứ nhất người ta có cảm giác an toàn, thứ hai là được đối xử tử tế, thứ ba là được dạy dỗ tận tình, sâu sắc và chính xác, và được dạy về phương pháp thiền định giúp tịnh hóa nội tâm.

Thượng tọa nhấn mạnh rằng, Thiền là món quà vô giá mà Đức Phật đã trao cho nhân loại từ mấy nghìn năm trước nhưng nhân loại đã ngu si, thờ ơ bỏ qua. Ngày nào đó nhân loại phải ăn ăn hối hận và dâng hai tay đón nhận món quà thiền định thiêng liêng này.

Cuối cùng, Thượng tọa nhắc nhở người phật tử phải gắng tu hành để phụ giúp Thầy mình giáo hóa chúng sinh, giúp cho ngôi chùa trở thành nguồn lợi ích vô tận đối với cuộc đời.

Có thể thấy thời đại mới buộc chùa phải đối diện với vô số thử thách mới khó khăn hơn ngày xưa rất nhiều. Và người tu phải hóa giải, vượt qua, khắc phục được tất cả những trở ngại đó thì mới giáo hóa độ sinh, đền ơn chư Phật, tích lũy công đức tu hành được. Đặc biệt, chỉ có chánh pháp mới đủ sức mạnh giúp cho chùa đi qua hết những khó khăn thử thách để trở thành một nơi ấm áp, từ bi, trí tuệ, vô ngã, nơi mà thời đại dù thay đổi đến đâu, khoa học có tiến xa đến đâu thì người ta vẫn muốn tìm về để được thương yêu, học hỏi, tựa nương và kính phục./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất