Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻNhững đặc điểm chung của danh nhân qua các thời đại -...

Những đặc điểm chung của danh nhân qua các thời đại – TS. Vương Tấn Việt

-

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA DANH NHÂN QUA CÁC THỜI ĐẠI

Vương Tấn Việt

Tiến sĩ Luật học Trường Đại học Luật Hà Nội

Thượng tọa Viện chủ Thiền tôn Phật Quang, Bà Rịa Vũng Tàu

TÓM TẮT

Danh nhân là những người được sử sách lưu truyền, được ca ngợi, tôn vinh bởi những đóng góp lớn lao của họ đối với cộng đồng, với đất nước và nhân loại. Các danh nhân trên nhiều lĩnh vực như khoa học, chính trị, xã hội, văn học… đã làm nên giá trị thật của mỗi quốc gia, góp phần thúc đẩy xã hội tốt lên từng ngày. Dù khác nhau về thời đại, văn hóa, lĩnh vực cống hiến nhưng chắc hẳn ở họ đều có những điểm chung nhất định. Với mong muốn tìm ra những đặc điểm chung của danh nhân qua các thời đại, chúng tôi đã sử dụng tài liệu lịch sử về danh nhân trong nước và trên thế giới để phân tích, tổng hợp, hệ thống thành bài viết này. Nổi tiếng, thành công, tài giỏi, đạo đức, sống có nghị lực, có lý tưởng, và có tương tác nhiều với xã hội là những điểm chung mà bài viết rút ra được. Chúng tôi mong rằng, những đặc điểm chung này sẽ là căn cứ góp phần xây dựng tiêu chí trong việc tiến hành nghiên cứu và bình xét tôn vinh các danh nhân.

Từ khóa: Danh nhân, đặc điểm, tôn vinh, xã hội, đạo đức, cống hiến.

1.   Định nghĩa danh nhân

Danh nhân là những người mà tên tuổi của họ được đông đảo quần chúng biết đến trong sự ngưỡng mộ, yêu kính hoặc tôn thờ. Họ sở hữu tài năng xuất chúng, sự nghiệp lẫy lừng và tạo nên được những ảnh hưởng lớn lao tốt đẹp cho cộng đồng xã hội, quốc gia, thế giới.

Trong cuộc sống, cũng có nhiều người nổi tiếng và được yêu thích mến mộ nhưng không phải là danh nhân bởi vì họ chưa gây được cảm xúc kính trọng trong lòng người khác. Trước một danh nhân, chúng ta buộc phải khâm phục, kính ngưỡng bởi nghị lực phi thường, lý tưởng cao đẹp, cuộc đời cống hiến không mỏi mệt và đạo đức tuyệt vời của họ. Họ là tấm gương sáng để hậu thế noi theo học hỏi.

Tầm vóc của danh nhân được thể hiện ở phạm vi lan tỏa về danh tiếng. Tiếng thơm của họ có thể ở một vùng, một đất nước hoặc rộng khắp cả thế giới. Chẳng hạn như vào thời xưa, những vị quan thanh liêm có lòng yêu nước thương dân, công trạng lớn trong vùng thường được người dân suy tôn như thần, nối đời thờ kính để nhớ ơn, họ là danh nhân của vùng ấy. Hoặc trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đất nước ta có biết bao vị vua anh minh đức độ, mở mang bờ cõi, mang lại đời sống thái bình cho nhân dân và biết bao anh hùng kiệt xuất đã viết lên trang sử chói lọi vinh quang cho dân tộc. Họ là những danh nhân của cả đất nước. Hoặc có những danh nhân mà công trình của họ ảnh hưởng đến toàn nhân loại. Kiến thức họ khám phá ra được ghi vào sách vở để dạy trong các ngôi trường ở khắp các quốc gia, lời dạy của họ là lẽ sống cho hàng triệu con người đang có mặt trên hành tinh này, tầm vóc của họ là cả thế giới.

Sự vĩ đại của một danh nhân cũng được nhìn nhận qua thời gian tồn tại danh tiếng của họ. Có những danh nhân được biết đến nhiều trong một thời đại, một bối cảnh xã hội nhất định. Chúng ta có thể nêu ví dụ như: danh nhân trong thời chiến, danh nhân trong thời kỳ xây dựng đất nước, danh nhân trong công cuộc cách mạng khoa học – xã hội. Tên tuổi của họ gắn liền với những ký ức về thời đại đó. Nhưng cũng có những danh nhân, dù biết bao thế kỷ trôi qua, trước vô số những chuyển biến của xã hội và sự thay đổi trong tư tưởng của con người, tên tuổi của họ vẫn sống mãi trong niềm yêu kính của cộng đồng như một biểu tượng bất tử. Đức Phật, Khổng Tử, Chúa Jesus, Socrates, Pythagoras, Hippocrates… đều là những minh chứng điển hình.         

Nhưng đi đến tận cùng ý nghĩa, phía sau sự vang dội về tiếng tăm, giá trị cốt lõi của các danh nhân chính là những ảnh hưởng tốt đẹp của họ đối với cộng đồng xã hội. Bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống con người, từ khoa học, y học, quân sự, văn hóa, nghệ thuật, hay đạo học… cũng đều có những cống hiến vượt trội của họ. Họ là động lực thúc đẩy tiến trình văn minh của nhân loại. Nhờ có những công trình của các danh nhân, con người đã mở mang hiểu biết của mình vươn tới vũ trụ mênh mông, chữa trị được nhiều căn bệnh nan y, tạo nên những tác phẩm tinh thần sâu sắc tinh tế, đặc biệt là biết đi tìm những lẽ sống nhân văn cao thượng, và biết ước mơ về một trình độ tâm linh cấp cao vượt lên khỏi đời sống thường tình. Nếu ai đó chưa thể mang lại được ảnh hưởng tốt đẹp gì cho cộng đồng thì người này cũng chưa xứng đáng để được gọi là danh nhân.

Danh nhân là kết tinh của rất nhiều giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức, trí tuệ tuyệt vời của nhân loại. Họ chính là những viên kim cương lấp lánh tô điểm cho vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống này.

2.   Đặc điểm chung của Danh nhân

Chúng ta thường bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các danh nhân bằng những danh xưng như bậc anh hùng, vị cứu tinh, nhà thiên tài, vị Thánh… bởi sự vượt trội của họ trên nhiều khía cạnh. Cuộc đời của mỗi danh nhân có những lúc thăng, lúc trầm, có những lúc vinh quang cũng có khi chịu thiệt thòi, oan ức. Nhưng cuối cùng họ đã vượt lên tất cả, để lại những đóng góp lớn lao và danh tiếng giữa cuộc đời. Dù trong lĩnh vực nào, thời đại nào, các danh nhân cũng đều là những con người đặc biệt bởi đạo đức, tài năng, nghị lực phi thường… khiến chúng ta khâm phục, ngưỡng mộ.

2.1. Danh nhân là những người đạo đức

Đối với những danh nhân, chúng ta không có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp mà chỉ biết đến họ qua những giai thoại về cuộc đời, về những đóng góp lớn lao mà họ để lại. Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng thẳm sâu trong tâm hồn, danh nhân là những người có đạo đức. Benjamin Franklin đã nói rằng: “Không bao giờ có một người thực sự vĩ đại mà lại không phải là một người thực sự đạo đức”. Một người có đạo đức tầm thường sẽ không thể làm được những điều lớn lao cho cộng đồng với mục tiêu cao cả. Một người có đạo đức tầm thường cũng không thể gây được cảm xúc kính trọng trong lòng mọi người. Danh nhân không thể là người vi phạm pháp luật, vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức xã hội như trộm cắp, lừa đảo, ác độc… Đạo đức của họ phải từ khá cho đến hoàn hảo.

Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, thẳm sâu trong mỗi việc làm của những danh nhân đều là tấm lòng thương yêu đối với con người, với quê hương, đất nước. Họ có những điểm tương đồng về đạo đức như lòng vị tha, nhân ái, dũng cảm, sự tận tụy, khiêm tốn…

Nhìn lại chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha, những bậc danh nhân vĩ đại của dân tộc đều là những tấm gương sáng ngời về đạo đức, nổi bật nhất là lòng yêu nước, ý chí dũng cảm, kiên cường. Dù trong những hoàn cảnh nguy khốn nhất họ vẫn giữ được lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân. Nhờ vào đạo đức trung kiên đó mà họ quy tụ được người tài, quy phục được lòng dân để tạo nên lực lượng lớn mạnh đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trường hợp của danh tướng Trần Bình Trọng đã để lại một bài học về lòng trung thành cho muôn đời sau. Khi bị giặc Nguyên Mông bắt và tìm cách mua chuộc, ông đã tuyên bố rằng “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Đó là một trong những lời tuyên bố đanh thép nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Chúng ta sẽ thấy ở những nhà khoa học lỗi lạc niềm đam mê quên mình vì những vấn đề mà họ đang phát minh, tìm tòi. Đằng sau sự miệt mài nghiên cứu của họ là ước mơ đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc đời. Archimedes là nhà phát minh vĩ đại nhưng cũng là một người yêu nước. Ông đã phát minh ra những máy móc đầu tiên ở Hy Lạp như súng bắn đá, gương hội tụ… để chống lại quân xâm lược Roma. Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà nữ khoa học Marie Curie và chồng đã phát hiện và tinh luyện hai nguyên tố phóng xạ Polonium và Radium. Bà quyết định đưa sáng chế này lên hội đồng khoa học chứ không bán cho người khác dù cho họ tìm mọi cách mua nó với số tiền khổng lồ, bà cho rằng phát minh khoa học để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại chứ không phải để trục lợi cá nhân. Trong thế chiến thứ nhất, bà đã dùng tiền từ giải thưởng và huy chương để đóng góp cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và tình nguyện chăm sóc y tế cho những người bị thương trên chiến trường.

Trong nhiều tiêu chuẩn đạo đức của danh nhân thì yếu tố khiêm tốn là đặc biệt quan trọng. Khi đạt được một thành công nào đó người ta thường có tâm lý tự hào, thấy mình hơn người. Cho nên, một danh nhân dù thành công rất lớn mà vẫn giữ được sự khiêm tốn thì phải là một người rất đạo đức. Phẩm chất khiêm tốn của các danh nhân càng khiến mọi người thêm cảm phục, kính trọng. Tuy đã trở thành Chủ tịch, người đứng đầu một đất nước nhưng Bác Hồ vẫn luôn giữ lối sống giản dị, mộc mạc. Trả lời các nhà báo nước ngoài, Bác nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận vậy…”. Nhà bác học Isaac Newton dù đạt được rất nhiều thành tựu trong vật lý và toán học nhưng vẫn khiêm tốn: “Điều ta biết là giọt nước, điều ta chưa biết là đại dương”. Nhà vật lý thiên tài Einstein cũng từng nói: “Tôi không có tài năng đặc biệt nào, tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết.

Trong lịch sử văn minh thế giới, Đức Phật Thích Ca được tôn vinh là một danh nhân có đạo đức hoàn hảo. Đời sống của Ngài đơn sơ, giản dị nhưng vô cùng cao quý. Đối với nhân loại, Ngài là biểu tượng của tất cả phẩm hạnh như tâm từ bi, lòng vị tha, hạnh nhẫn nhục, sự bao dung, nội tâm thanh tịnh… Kinh điển và các tài liệu ghi lại được rất nhiều câu chuyện về Đức Phật, mà trong đó đức hạnh của Ngài đã thuyết phục và cảm hóa vô số con người, ở mọi tầng lớp, mọi hoàn cảnh. Rất nhiều vua chúa, quan tướng, nhà tu hành, thương nhân, người bình dân, thậm chí cả những người cùng khổ ở dưới đáy xã hội, những người đã từng lầm lỗi ác độc cũng đều khuất phục, xin được làm đệ tử của Đức Phật để tu hành trở thành con người đạo đức thánh thiện. Trong cuộc đời, Đức Phật cũng đã phải nhiều lần đối diện với những hoàn cảnh khó khăn, bị người khác vu oan, hãm hại nhưng Ngài vẫn luôn bình an, trầm tĩnh, rộng lượng và tha thứ.

Tình thương yêu của Đức Phật rộng lớn và bình đẳng không giới hạn, Ngài dạy rằng: “Không có giai cấp khi dòng máu cùng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn”. Những tư tưởng và lời dạy của Ngài được thế giới công nhận là nhân văn, cao thượng, hòa bình, tiến bộ nhất trong tất cả các triết lý của nhân loại từ xưa tới nay. Cả cuộc đời Đức Phật đã sống vì chúng sinh không một chút vị kỷ cho bản thân mình. Ngài tu hành để tìm ra chân lý thoát khỏi khổ đau cho chúng sinh và hơn 45 năm Ngài đi khắp các nơi cũng để truyền dạy chân lý đó, giúp vô số chúng sinh đạt được sự giác ngộ. Sự giác ngộ theo Đức Phật phải chứa đựng trong đó lòng từ bi và vị tha tuyệt đối. Hơn 2500 năm qua, những đệ tử đi trên con đường của Ngài đều đã thay đổi đạo đức của mình và rất nhiều người cũng đã đạt được lòng từ bi và vị tha tuyệt đối như Đức Phật. Bởi những điều đó, xét trong phạm vi của bài viết, Đức Phật chính là một minh chứng thuyết phục nhất của một danh nhân đạt được sự hoàn hảo về đức hạnh.

Nhân loại dù có tiến bộ tới đâu thì đạo đức vẫn là nền tảng không thể thiếu, là điều mà thẳm sâu trong lương tâm con người ai cũng quý trọng. Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe đã từng nói: “Trước một bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối”. Chúng ta ngưỡng mộ tài năng phi thường của các danh nhân bao nhiêu thì lại càng kính phục trước những nhân cách cao vời của họ bấy nhiêu.

2.2. Danh nhân phải là người có lý tưởng sống cao đẹp

Sống trên cuộc đời này, mỗi chúng ta đều cần một lý tưởng để sống bởi vì “Lý tưởng là ngọn đèn sáng chỉ đường. Không có lý tưởng thì không có phương hướng xác định; không có phương hướng thì không có cuộc sống” (Lev Tolstoy). Tuy nhiên, cũng có những người sống không có lý tưởng, họ để cuộc đời trôi qua một cách vô ích, thậm chí còn làm những điều sai lầm, tội lỗi chỉ để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Danh nhân là người có lý tưởng cao đẹp, thấy rõ được điều đúng sai trong cuộc sống, vì vậy tự trong tâm họ luôn bị thôi thúc mãnh liệt phải làm điều thiện. Họ sẵn sàng đem cả cuộc đời mình cống hiến hy sinh vì những điều lớn lao tốt đẹp cho cộng đồng, dù biết rằng con đường mà mình lựa chọn vô cùng vất vả, không hề dễ dàng.

Tiêu biểu cho lý tưởng sống cao cả đã trở thành huyền thoại đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là biểu tượng đẹp nhất về sự hy sinh, cống hiến quên mình. Toàn bộ trái tim, tâm hồn, cuộc đời của Bác đã dành trọn cho dân, cho nước: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Một người học trò thân thiết của Bác là giáo sư Trần Đại Nghĩa, người được khâm phục không chỉ vì danh xưng “ông vua” vũ khí của Việt Nam mà còn vì lý tưởng sống cao cả mà ông theo đuổi ngay từ khi còn bé. Lời căn dặn của người cha trước lúc đi xa: “Phải lo học hành đến nơi đến chốn, phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời” đã hình thành nên lý tưởng sống cao đẹp theo ông suốt cuộc đời. Chứng kiến cảnh người dân đau khổ, lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp, ông đã nuôi chí đánh đuổi quân xâm lược. Khi có cơ hội sang Pháp du học, ông đã quyết tâm chọn nghiên cứu vũ khí, dù biết rằng đây là công việc nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Suốt 11 năm học tập và làm việc tại nước Pháp, ông một mình âm thầm nghiên cứu về vũ khí mong ngày được trở về phụng sự quê hương. Cuộc sống cao sang chốn Paris hoa lệ cùng với danh vọng chức tước không níu giữ được người trí thức yêu nước ấy. Khi có cơ hội, ông quyết định từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concorde với mức lương tương đương 22 lạng vàng một tháng để theo Bác Hồ về nước thực hiện lý tưởng phụng sự cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là tấm gương về một hoài bão lớn, một tấm lòng vì độc lập dân tộc. Cả cuộc đời ông đã sống trọn với khát vọng cống hiến tâm sức cho sự nghiệp đại nghĩa của dân tộc.

Chủ tịch Fidel Castro là nhà lãnh tụ cách mạng lỗi lạc. Xuất thân trong một gia đình giàu có, nhưng người thanh niên Fidel Castro lại quyết định từ bỏ môi trường sống thuận lợi để dấn thân vào con đường cách mạng vô sản, chấp nhận khó khăn nguy hiểm để tìm sự công bằng cho nhân dân lao động. Ngay cả khi rời khỏi các chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông vẫn tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Lý tưởng sống vì hòa bình của Fidel Castro đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Câu nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” của chủ tịch Fidel Castro đã để lại niềm xúc động trong trái tim của những người dân Việt. Nhân cách và lý tưởng sống cao đẹp của ông còn mãi với thời gian, là ngọn đuốc soi đường cho những thế hệ mai sau.

2.3. Danh nhân là những người có nghị lực lớn lao

Cuộc sống ở bất kỳ thời đại nào đều chứa đựng vô vàn sóng gió, thử thách nên khó khăn là điều không tránh khỏi. Với người bình thường, những chông gai, nghịch cảnh sẽ khiến họ chán nản, tuyệt vọng rồi bỏ cuộc, đầu hàng. Nhưng đối với một danh nhân thì những khó khăn, nghịch cảnh lại chính là cơ hội cho họ tôi rèn ý chí và nghị lực của mình. Nhờ có nghị lực phi thường họ mới có thể hoàn thành những công trình lớn lao cho cuộc đời. Để đạt được thành công, có những người đã phải nỗ lực vượt qua rất nhiều lần thất bại. Họ không chỉ đem sức lực, tài năng, khối óc mà còn dành cả cuộc đời, thậm chí cả thân mạng của mình để cống hiến cho xã hội những thành quả thiết thực và ý nghĩa.

Michael Faraday – một thiên tài trong lĩnh vực khoa học vật lý và hóa học, người được cả thế giới nể phục vì sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua những thất bại, những khó khăn trên con đường nghiên cứu của mình. Trong cuốn sổ nhật ký 40 năm làm khoa học, mọi người ấn tượng với 16.041 thí nghiệm mà ông đã thực hiện. Riêng đề tài nghiên cứu về hiện tượng “Từ trường có thể sinh ra dòng điện hay không?”, Faraday đã mất đến 10 năm mới thành công. Trong suốt 10 năm đó, ông đã cần mẫn ghi chép lại những thất bại của mình và đánh dấu bằng chữ “Sai” ở cuối trang. Khi thí nghiệm đã đạt được kết quả, ông vẫn tiếp tục thí nghiệm thêm nhiều lần nữa để kiểm chứng, sau cùng ông mới công bố rộng rãi thành tựu do mình khám phá. Nếu Faraday nản lòng, bỏ cuộc thì nền khoa học Vật lý của thế giới không thể có được “Định luật dẫn điện”, động cơ điện, máy phát điện, lò đốt Bunsen…

Tìm hiểu về cuộc đời của Abraham Lincoln, bất kỳ ai trong chúng ta đều phải dành cho vị Tổng thống Mỹ này một sự kính nể đặc biệt. Bên cạnh thành công, cuộc đời của ông cũng gắn liền với vô số thất bại. Trong sự nghiệp kinh doanh và chính trị, ông đã đi qua từ thất bại này đến thất bại khác: mất việc làm, bị vỡ nợ, phá sản, thất bại trong các cuộc tranh cử nghị sĩ, tổng thống, thường bị đồng nghiệp, cử tri từ chối. Sau mỗi thất bại, ông không nản chí buông xuôi và bắt đầu lại từ con số không. Ông đắc cử và đảm nhận chức vụ Tổng thống giữa lúc đất nước đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề nô lệ. Các bang miền Nam đã tuyên bố ly khai, nguy cơ nội chiến là điều không thể tránh khỏi. Trong thời gian đầu điều hành đất nước, Abraham Lincoln bị “công kích từ mọi phía”, người bày tỏ thái độ khinh miệt, lăng mạ, người tìm cách ám sát ông. Tuy nhiên, ông vẫn khoan hòa đối với những ai khác quan điểm, kiên nhẫn lắng nghe lời chỉ trích, trọng dụng tài năng của những người từng đối nghịch, xem thường mình.Với nghị lực mạnh mẽ, sự kiên trì bền bỉ, ông đã lãnh đạo Hoa Kỳ vượt qua được các giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử, huỷ bỏ chế độ nô lệ, khôi phục nền kinh tế, tài chính sau chiến tranh.

Vương Dương Minh là một nhà triết học, nhà tư tưởng và chính trị xuất sắc thời nhà Minh. Không chỉ thông hiểu đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão, ông còn là một vị tướng tài từng cầm quân chinh chiến dẹp loạn. Nhưng sự nghiệp quan trường của ông thật lận đận, nhiều đắng cay. Ông dùng lý lẽ để khuyên nhà vua nhưng bị bọn nịnh thần ghen ghét đố kỵ rồi mưu hại, vu khống. Vua sai quân đánh ông rồi cách chức, đầy ải ra chốn rừng thiêng nước độc. Sau này, dù tiêu trừ được phản tặc, đánh dẹp giặc giã các nơi, lập nên những công trạng to lớn nhưng ông vẫn bị nhiều kẻ hám danh gièm pha, bắt bẻ, tìm cách tranh công. Trước những sóng gió, Vương Dương Minh không bi quan, ấm ức hay buồn chán đau khổ, ông tiếp tục duy trì thái độ tích cực lạc quan, hết lòng phục vụ đất nước. Triết lý và tư tưởng sống cao đẹp của ông có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân ở nhiều quốc gia. Lời dạy của ông đã định hướng con người phải sống có lý tưởng, có trách nhiệm, có lòng nhân nghĩa đến cùng dù bị đối xử bạc bẽo, bất công. Theo ông, đấng quân tử phải đem sở học của mình để thực hành, để tu nhân xử thế và phục vụ cho xã hội, không nên cầu công danh, phú quý cho riêng mình.

2.4. Danh nhân là những người tài giỏi, thành công.

Để làm nên những công trình mang giá trị cho loài người thì danh nhân buộc phải là những người tài giỏi, thành công. Yếu tố tài giỏi ở họ là sự kết hợp của tư chất thông minh và quá trình rèn luyện, học hỏi không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời. Lê Quý Đôn,nhà bác học vĩ đại của thế kỷ XVIII là một ví dụ tiêu biểu. Nổi tiếng thần đồng từ bé với sức học uyên bác và trí nhớ siêu phàm, nhưng ông lại tự nhận mình là “người nông cạn”[1], nên đi tới đâu ông cũng để ý tìm tòi, làm việc gì cũng dùng bút ghi chép để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.

Mức độ thành công của một danh nhân không đo bằng sự giàu sang, danh tiếng hay địa vị cá nhân mà được dựa trên những lợi ích thực tế mà họ đem đến cho cộng đồng, những thành tựu họ để lại ảnh hưởng như thế nào trong đời sống xã hội, có làm thay đổi thế giới theo hướng tích cực hay không.

Danh họa người Ý Leonardo Da Vinci được mệnh danh là thiên tài toàn năng trong lịch sử nhân loại. Không chỉ là một hoạ sĩ, nhà điêu khắc, ông còn là kiến trúc sư, nhạc sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh và nhà triết học xuất sắc. Nhiều tuyệt phẩm hội họa của ông là sự kết hợp tỉ mỉ, tinh tế của toán học, y học, âm nhạc. Ông là người có những ý tưởng đi trước thời đại như khái niệm về máy bay trực thăng, xe tăng, dù nhảy, sự sử dụng hội tụ năng lượng mặt trời, máy tính, sơ thảo lý thuyết kiến tạo địa hình cùng với nhiều sáng chế khác.

Chúng ta ngưỡng mộ danh nhân Lê Hữu Trác bởi những đóng góp lớn lao của ông cho nền y học nước nhà. Trong “Lĩnh Nam bản thảo” ông đã thừa kế 497 vị thuốc Nam của danh y Tuệ Tĩnh và chép thêm hơn 300 vị thuốc, khẳng định nguồn dược liệu phong phú có sẵn trong thiên nhiên. Bộ sách “Y Tông Tâm Lĩnh” được xem là “bách khoa toàn thư” y học của thế kỷ XVIII, và cũng là bộ sách y học xuất sắc nhất trong thời kỳ phong kiến[2]. Thành công của danh y Lê Hữu Trác không chỉ làm rạng rỡ y học nước nhà mà còn đóng góp cho nền y học thế giới.

Thomas Edison, nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ XIX, bằng trí tuệ của mình đã góp phần đưa nhân loại tới gần hơn với thế giới hiện đại. Edison đã để lại một di sản khổng lồ với hơn 2000 phát minh và 1500 bằng sáng chế. Trung bình cứ 11 ngày lại có một phát minh mới được ra đời từ phòng thí nghiệm của Edison, ròng rã trong suốt hơn 70 năm. Hàng trăm triệu chiếc đèn sợi đốt đã thay đổi nền kinh tế thế giới; hệ thống máy chiếu đưa nền công nghiệp phim ảnh vào kỷ nguyên mới… Những đóng góp của nhà khoa học Thomas Edison đã tạo tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

2.5. Danh nhân thường xuyên có sự tương tác với xã hội

Trên thực tế, có nhiều người thường xuyên tương tác với xã hội với mục đích khẳng định giá trị bản thân, muốn được quan tâm hoặc để tìm kiếm những lợi ích nào đó cho riêng mình. Danh nhân cũng là những người tương tác nhiều với xã hội nhưng họ không hướng đến mục tiêu cá nhân, sự tương tác của họ xuất phát từ mong muốn phục vụ lợi ích chung cho cộng đồng. Nhờ vào sự tương tác rộng rãi, họ có thể hiểu sâu sắc nhu cầu của đời sống, để từ đó tạo nên những đóng góp có giá trị thiết thực cho cộng đồng trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng và thúc đẩy xã hội ngày càng tiến bộ.

Các danh nhân đã sử dụng rất nhiều hình thức khác nhau để tương tác với quần chúng. Có những vị vua, vị công thần, những vị lãnh đạo đôi khi cũng trực tiếp đi vào đời sống của nhân dân để tìm hiểu thế sự, hỏi thăm, động viên, khuyến khích dân chúng.Từ đó góp phần đưa ra những quyết sách điều hành đất nước hiệu quả hơn, đó là hình ảnh của những vị danh nhân như vua Lê Đại Hành, vua Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Trần Quang Khải, Nguyễn Trung Ngạn… Các danh nhân giao tiếp với quần chúng bằng con đường giảng dạy nhằm truyền đạt những đạo lý, kiến thức và kinh nghiệm sống của mình như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Cao Bá Quát, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu… Ở lĩnh vực y học, nhiều danh nhân tương tác với xã hội bằng việc đem hết năng lực và tấm lòng của mình để chữa bệnh cứu người như bác sĩ Hippocrates, danh y Hải Thượng Lãn Ông, giáo sư Elizabeth Blackwell, nhà bác học Alexandre Yersin, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Tôn Thất Tùng…

Có những vị danh nhân, dù tên tuổi chỉ còn trong ký ức, trong lịch sử của nhân loại nhưng sự tương tác của họ vẫn hiện hữu, tồn tại thông qua những gì họ để lại cho cuộc đời. Đã 600 năm trôi qua nhưng tư tưởng sống cao đẹp của Nguyễn Trãi mãi mãi đi vào lòng người thông qua những tác phẩm văn học mà ông sáng tác tiêu biểu như Bình Ngô Đại Cáo, Quân trung từ mệnh tập, Ức Trai thi tập. Đến ngày hôm nay, tư tưởng nhân nghĩa của ông được cả thế giới tôn vinh, ca ngợi vì giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng đất nước cũng như định hướng giáo dục lối sống cho thế hệ trẻ đương thời.

Sống trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin, sự tương tác xã hội đã trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn bao giờ hết. Các danh nhân sống trong thời đại hôm nay có rất nhiều cơ hội được tiếp xúc, chia sẻ, trao đổi và tiếp thu ý kiến đóng góp từ phía cộng đồng xã hội. Nhờ vậy mà sự đóng góp của họ được đánh giá, kiểm chứng, được bổ sung để ngày càng được hoàn thiện hơn.

3.   Danh nhân trên một số lĩnh vực tiêu biểu

3.1. Danh nhân anh hùng

 Trong tình huống nguy khốn của cộng đồng, có những cá nhân kiệt xuất đã xuất hiện để cứu nguy và lập nên những công trạng đặc biệt lớn lao giúp nhân dân, đất nước, nhân loại thoát khỏi nguy hiểm. Những người như vậy vừa được gọi là danh nhân mà cũng được gọi là anh hùng.

Nhắc đến những trận đại dịch cướp đi sinh mạng hàng triệu người, cả nhân loại ngày nay không thể nào quên được những nhân vật vĩ đại trong lĩnh vực khoa học, với tấm lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm to lớn như bác sĩ Edward Jenner, nhà hóa học Louis Pasteur, bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin…

Năm 1350 TCN, dịch bệnh đậu mùa (smallpox) đầu tiên đã nổ ra ở Ai Cập, sau đó lan ra khắp thế giới và kể từ đó nó lấy đi sinh mạng của hàng tỷ người. Năm 1796, châu Âu lao đao vì đậu mùa, 30% số người nhiễm bị tử vong ở tuần thứ hai. Lịch sử nhân loại đã sang trang mới khi bác sĩ Edward Jenner (1749-1823) tìm ra cách chữa bệnh đậu mùa bằng phương pháp chủng ngừa (vaccination – vắc xin)[3], đặt nền móng cho ngành miễn dịch học và thiết lập nên vắc xin. Vắc xin ra đời như một phát minh vĩ đại của nhân loại, một bước tiến vượt bậc trong lịch sử ngành y học. Chủng ngừa trở thành biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất giúp bảo vệ hàng tỷ người khắp hành tinh, tránh được nhiều trận đại dịch quy mô lớn và cứu sống nhiều người hơn bất kỳ can thiệp y tế nào[4], [5].

Hoặc việc chế tạo thành công vắc xin chống bệnh dại ở người, nhà bác học  Louis Pasteur (1822-1895) đã giúp nhân loại có một vũ khí chống lại căn bệnh khủng khiếp vô phương cứu chữa này[6],[7]. Hay việc tìm ra vi khuẩn dịch hạch và điều chế thành công huyết thanh chống dịch hạch đầu tiên, cũng khiến bác sĩAlexandre Émile Jean Yersin trở thành ân nhân cứu thế giới khỏi căn bệnh đã từng gây thảm họa đại dịch “Cái chết đen” làm 75 triệu người thiệt mạng thế kỷ XIV[8].

Trong lịch sử Việt Nam, những danh nhân anh hùng tiêu biểu có thể kể đến như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, vua Quang Trung… Thế kỷ XX Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc đầy đau thương. 80 năm thực dân Pháp đô hộ, gần 30 năm đế quốc Mỹ xâm lược đã lấy đi hàng triệu sinh mạng. Gắn liền với giai đoạn lịch sử này là tên tuổi của một vị tướng huyền thoại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một thiên tài quân sự của thế kỷ với trí tuệ mưu lược, tinh thần quyết thắng và một trái tim nhân hậu. 

Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử làm nên tên tuổi của Đại tướng không chỉ bởi tài năng quân sự làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”, mà còn bởi đó là “Vị Tổng tư lệnh có trách nhiệm với từng vết thương và từng giọt máu của mỗi người lính”[9]. Lúc đầu theo cố vấn của chuyên gia Trung Quốc thì phương thức đánh giành thắng lợi nhưng có thể mất 8 vạn quân. Đại tướng đã quyết định huỷ bỏ kế hoạch, xây dựng chiến lược mới, đề nghị kéo pháo xuống, chuyển từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc thắng chắc” và phải đảm bảo sự hy sinh là tối thiểu. Đại tướng xem đồng đội chiến sĩ như em, như con của mình. Trước mỗi trận đánh, Đại tướng luôn đau đáu trăn trở tìm cách giải bài toán giữa xương máu của đồng đội và chiến thắng trên chiến trường, để làm sao đạt được thắng lợi cao nhất mà hạn chế được thương vong tối đa.

Đằng sau thắng lợi của mỗi trận đánh, chiến dịch, chiến lược của quân và dân ta là cả trái tim và khối óc Đại tướng. Thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ những chiến công lừng lẫy bao nhiêu thì lại càng kính phục Đại tướng bấy nhiêu bởi phẩm chất nhân văn tỏa sáng. Người là bậc danh nhân quân sự lỗi lạc, vị tướng của hòa bình, người anh hùng sống mãi trong lòng dân.

3.2. Danh nhân về đạo học

Thẳm sâu trong lòng ai cũng yêu quý cái đẹp của chân lý, điều thiện và đạo đức. Khát khao đi tìm chân lý như một lẽ tự nhiên trong tâm tư tình cảm con người mọi thời đại. Đạo học ra đời đáp ứng nhu cầu đó của nhân loại, hướng con người đến mục tiêu, lý tưởng cao thượng. Hệ thống triết lý của đạo học không chỉ bao gồm các chuẩn mực đạo đức mang tính phổ quát như lòng nhân ái, trung thực, vị tha, tránh xa điều ác… mà còn bao gồm các phương thức tu tập giúp con người vượt lên khỏi thân phận thường tình. Tên tuổi các danh nhân đạo học tồn tại rất lâu bền, dường như sống mãi với thời gian. Đức Phật, Khổng Tử, Chúa Jesus… là những bậc danh nhân lỗi lạc như thế, bởi tài sản lớn nhất các Ngài để lại cho nhân loại là kho tàng đạo lý mang giá trị đạo đức, tinh thần giúp con người hoàn thiện nhân cách, đóng góp vào sự hoà bình, phồn thịnh của hành tinh.

Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates (469-399 TCN), người đầu tiên đề ra chuẩn mực đạo đức cho triết học về con người. Với cung cách giản dị, khiêm tốn, chân thành ẩn trong một trí tuệ thông thái, ông dành cả cuộc đời để thuyết pháp với mong muốn lan tỏa những giá trị đạo đức tốt đẹp cho cộng đồng. Triết học Socrates đem đến những kết quả thiết thực cho sự thịnh vượng của xã hội lúc bấy giờ. Ông được coi là người đặt những nền tảng cho triết học phương Tây.

Hay đức Khổng Tử để lại hệ thống đạo đức, triết học xây dựng nên học thuyết của Nho giáo, quan điểm về cách trị quốc, an dân, xây dựng hình mẫu con người thực tế, quân tử, trung thực, liêm chính, đầy đủ “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Ảnh hưởng của Nho giáo không chỉ trong đất nước Trung Hoa mà còn lan rộng sang nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Dấu ấn của Nho giáo vẫn còn in đậm trong đời sống xã hội và tinh thần của người dân các nước, góp phần xây dựng đạo đức cho cộng đồng và ổn định nề nếp xã hội, như đức tính của người quân tử, tôn ti trật tự, tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và xã hội (tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, trung quân ái quốc…).

Đại diện cho một tôn giáo lớn trong nền đạo học Đông phương chính là Phật giáo, với đấng giáo chủ là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bằng sự chứng ngộ tâm linh và trí tuệ siêu việt, Ngài để lại cho nhân loại hệ thống giáo lý đồ sộ thấm đẫm giá trị nhân văn. Giáo lý đạo Phật dạy con người nuôi dưỡng và thực hành tâm từ bi đến vô hạn, yêu thương nhân loại, yêu chuộng sự sống của muôn loài, tránh sát hại chúng sinh ngay cả cỏ cây muông thú. Đạo lý Từ bi hỷ xả, Vô ngã, vị tha là đạo đức cao đẹp, con đường đem đến hạnh phúc cho nhân sinh. Đạo lý đó biến thành sự cảm thông, lòng nhân hậu, thành hành động sẻ chia, giúp đỡ… giúp mọi người được an vui, hạnh phúc. Đồng thời, luật Nhân quả nghiệp báo là một đóng góp lớn lao của Phật giáo đối với đạo đức xã hội. Người tin Nhân quả sẽ không đi tìm hạnh phúc cho mình một cách ích kỷ, ác độc, mà bằng cách chia sẻ, cống hiến, đem niềm vui đến cho mọi người. Con người sẽ sống tích cực hơn, vị tha hơn và như vậy họ đã đóng góp vào việc xây dựng một xã hội phồn thịnh, hạnh phúc, vững bền.

Hơn 2500 năm trôi qua, Phật giáo vẫn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở nhiều quốc gia, trở thành truyền thống, nét đẹp văn hoá của nhiều dân tộc. Để tôn vinh những giá trị đạo đức, văn hoá, tư tưởng hòa bình và đoàn kết hữu nghị của Phật giáo, năm 1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày đản sinh của Đức Phật (Đại lễ Vesak) là một Lễ hội Văn hóa Tôn giáo Quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

3.3. Danh nhân trong lĩnh vực chính trị xã hội

Danh nhân chính trị là những nhà lãnh đạo kiệt xuất, vì dân vì nước, có đạo đức sáng ngời, có tầm nhìn xa, trông rộng để hoạch định đường lối, chính sách chiến lược, làm định hướng dẫn dắt, có khả năng khởi xướng chính sách và tạo cảm hứng cho muôn người đi theo. Đặc biệt danh nhân trong lĩnh vực chính trị là những người có một lòng nồng nàn yêu nước, trung thành sắt son với Tổ quốc.

Gắn liền với vận mệnh dân tộc là những bậc minh quân, tướng tài lỗi lạc với những công trạng lừng lẫy như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Quang Trung…

Dưới triều đại của vua Lê Thánh Tông, đất nước thái bình thịnh trị, nhân dân được ấm no, hiền tài được trọng dụng. Việc cho ra đời Bộ luật Hồng Đức đã biến Đại Việt thành Nhà nước pháp quyền sơ khởi sớm nhất thế kỷ XV. Những chính sách cai trị của Ngài hướng đến con người đầy tính nhân văn: “Bậc đế vương phải nuôi dưỡng bằng lòng dân, để đức trùm khắp tám phương, để dân sống no đủ, không còn đói rét, lưu vong. Thương yêu dân là trách nhiệm của quan lại, mọi việc lợi nên làm cho dân, mọi mối hại nên bỏ”. Dưới sự trị vì của Ngài, Đại Việt trở thành đất nước hùng mạnh nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Sự hùng mạnh thể hiện ở tất cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục… khiến nhà Minh ở phương Bắc cũng phải kiêng nể không dám động binh nhòm ngó. Trong khi ở phía Nam, quân Ai Lao nhiều lần đem quân gây rối biên giới và cướp bóc ngư dân Đại Việt, nên năm 1470, Ngài đã thân chinh cầm hơn 20 vạn quân chinh phạt Chiêm Thành, giành được thắng lợi vẻ vang, mở mang bờ cõi. Ngài là vị vua anh minh, tài ba, một nhà văn hoá kiệt xuất, người đã tạo nên một thời đại huy hoàng của đất nước.

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn là vị lãnh đạo có trí tuệ và tầm nhìn rộng lớn, gánh trên vai mình trọng trách nặng nề trong những năm tháng đầy thử thách và oanh liệt của lịch sử dân tộc (1958 -1986). Ông là người có tư duy đổi mới, sáng tạo, táo bạo và quyết liệt. Bản lĩnh trung kiên, một dạ sắt son và lòng yêu nước đậm sâu đã tôi luyện nên chất thép trong con người ông, quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Nhưng ẩn trong đó lại là một trái tim nhân hậu bao dung: “Anh thương vợ con anh như thế nào, thì anh cũng thương đồng bào, đồng chí của mình như thế, cho nên anh phải ở lại, cùng với đồng bào đồng chí miền Nam chiến đấu để giành độc lập thực sự”[10]; Người đã rơi nước mắt khi thấy đất nước hòa bình, thống nhất mà đồng bào mình vẫn không đủ ăn… Đất nước mãi ghi nhớ công ơn cố Tổng bí thư, nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, người Đảng viên mẫu mực, liêm khiết – người mà ngày mất đi chẳng có gì để lại cho các con ông ngoài cái danh là “con của ba”[11].

Sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước kể từ năm 1986 đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Những thành công mang tính thời đại đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng cộng sản Việt Nam với lớp lớp thế hệ lãnh đạo ưu tú, mẫu mực, vì dân vì nước. Trong hàng lãnh đạo ấy có một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo cấp cao có tầm tư duy chiến lược, một nhà chính trị có phẩm chất đạo đức trong sáng, đó là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Được đánh giá là một nhà lãnh đạo tài năng, khẳng khái, liêm khiết, cương trực, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành vị Tổng tư lệnh trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Nhiều vụ đại án, nhiều quan chức thuộc nhiều cấp thẩm quyền đã được đưa ra ánh sáng… thể hiện quyết tâm xây dựng và làm trong sạch Đảng. Những chỉ đạo quyết liệt và đầy mưu lược, nói đi đôi với làm, hiệu quả mà thuyết phục, đầy tính nhân văn trong cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang rất được xã hội cùng nhân dân đồng tình ủng hộ, đặt trọn niềm tin. Niềm kính yêu đó càng được nhân lên khi biết đó là vị Tổng bí thư khiêm nhường, liêm khiết mà bình dị đến thân tình. Trên cương vị lãnh đạo cấp cao nhưng người vẫn dành những tình cảm trìu mến, trân trọng cho thầy cô giáo và bạn bè[12], không bao giờ lợi dụng việc công vào việc tư, không bao giờ lạm dụng chức quyền để đưa con mình vào các vị trí[13]. Tổng bí thư trở thành biểu tượng của lòng dân, được toàn thể nhân dân tin yêu, kính trọng. Người xứng đáng là nhân vật của một giai đoạn lịch sử, một thời kỳ mà nhiều người sẽ còn nhắc đến.

Danh nhân trong lĩnh vực xã hội là những nhà hoạt động thiện nguyện như từ thiện, vì an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… có tầm ảnh hưởng lớn trong nước hoặc trên thế giới.

Ví dụ trong số những nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng trên thế giới, Wangari Maathai là một điển hình. Bà là chủ tịch Hội đồng Phụ nữ quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Động vật hoang dã của Kenya. Việc chặt phá cây rừng tràn lan mà không trồng bù lại đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại châu Phi với hàng loạt các vấn đề như ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, thiếu củi làm chất đốt, thiếu dinh dưỡng và môi trường sống cho động vật. Trước thực trạng báo động đó, từ năm 1977, Wangari Maathai đã khởi xướng thành lập Phong trào Vành đai Xanh với dự án trồng hơn 30 triệu cây xanh, giúp tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp, đồng thời ngăn ngừa xói mòn đất, ô nhiễm môi trường ở châu Phi. Với những đóng góp to lớn của mình trong việc đấu tranh cho quyền phụ nữ, chống áp bức chính trị và bảo vệ môi trường sinh thái, bà vinh dự là người phụ nữ châu Phi đầu tiên được nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 2004.

3.4. Danh nhân văn học nghệ thuật

Sự kết tinh của cái đẹp trong cuộc sống và tâm hồn con người đã làm nên nghệ thuật. Trí tuệ, sự tinh tế trong tâm hồn của những người nghệ sĩ đã gửi gắm vẻ đẹp của tự nhiên, của tâm hồn con người qua những tác phẩm nghệ thuật của họ. Nghệ thuật giúp nâng cao phẩm giá của người thưởng thức hoặc có khi vực dậy cả đất nước. Nghệ thuật tồn tại dưới nhiều hình thức như: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương… Một Victor Hugo với những tác phẩm trường tồn mãi theo thời gian, một Mozart xuất chúng, một Leonardo Da Vinci thiên tài với tư duy đa chiều… đều là những nhà nghệ thuật tài ba có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử loài người và đã làm nên huyền thoại cho nhân loại. Tên tuổi và cống hiến của họ đã biến cái đẹp hữu hạn thành bất tử giữa cuộc sống muôn màu này.

Những tác phẩm âm nhạc của Mozart được coi là những gì tinh túy và thuần khiết nhất. Hơn 600 tác phẩm của ông đã định hình và hoàn thiện hình thức tuyệt vời của nhạc giao hưởng, hòa tấu, opera thời bấy giờ. Âm nhạc của Ông không chỉ được công chúng yêu mến mà còn ảnh hưởng lớn đến những nhà soạn nhạc vĩ đại sau này, tiêu biểu là Beethoven. Những vở opera của Mozart đã giúp cho mọi người có một cái nhìn sâu sắc về tâm lý con người đối với âm nhạc. Nhờ sự vui vẻ, tươi tắn trong mỗi giai điệu nhạc đã mang đến niềm vui và sự hài hòa trong tâm hồn con người. Hơn 250 năm qua, âm nhạc Mozart vẫn luôn sống trong nhân loại với vẻ đẹp của sự bình dị luôn gắn liền cuộc sống một cách kỳ diệu. Biết bao tâm hồn được hưởng niềm hạnh phúc mà âm nhạc của ông mang lại.

Qua những áng thơ văn còn ghi lại trên trang giấy, các danh nhân văn học đã xây những viên gạch đạo đức cho cuộc đời bằng ngòi bút của nghệ thuật và sự sáng tạo. Tính giáo dục đạo đức – một giá trị nhân văn cao đẹp được “gói” trong mỗi tác phẩm đã nâng dậy được biết bao tâm hồn thêm sâu sắc và toàn diện hơn.

Đại thi hào Nguyễn Du là một thiên tài của dân tộc Việt Nam. Với tài năng thiên phú cùng tình yêu nước, thương người, ông vẫn luôn sống mãi trong lòng hậu thế qua di sản văn học quý giá mà ông để lại. Vẻ đẹp thiên nhiên cùng nét đẹp của con người như tài, sắc, đức tính vị tha, chí khí anh hùng đã được ông gửi gắm qua hàng trăm tác phẩm mà đỉnh cao là “Truyện Kiều”. Cho đến ngày hôm nay, tư tưởng vị nhân sinh và triết lý về sự cảm thông sâu sắc trước nỗi đau khổ của phận người nhỏ bé trong chốn bể dâu đã cảm ứng được bao trái tim của người dân Việt Nam và trên khắp thế giới. Tiếng thơ của Đại thi hào Nguyễn Du đã vượt khỏi thời gian, không gian và ngôn ngữ, đánh thức mầm thiện lành, đạo đức trong tâm khảm con người.

Được biết đến như một vì tinh tú của văn học nhân loại, Đại văn hào Victor Hugo đã thắp sáng niềm tin cho loài người bằng việc ca ngợi tình thương, sự công bằng trong thế giới. Những kiệt tác văn học như: Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Paris… đã in sâu vào tâm trí mọi người hình ảnh những thân phận khốn khó, thấp kém, xấu xí nhưng sống chân chính với ước muốn vươn lên làm lại cuộc đời. Vẻ đẹp trong tình thương giữa người với người cùng khát vọng tiềm ẩn trong những con người nhỏ bé ấy là nguồn động lực to lớn, là điểm tựa của niềm tin trong tâm hồn thế hệ sau không ngừng nỗ lực cố gắng sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Qua những trang văn thơ nghĩa tình, các tác giả đã tôn vinh nét đẹp trong phẩm chất của con người như lý tưởng sống cao cả, ý chí nghị lực lớn lao, tình yêu nước cháy bỏng. Lev Tolstoy với tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình”, Nikolai Alekseyevich Ostrovsky với tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” là những thành công tiêu biểu. Sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc qua từng diễn biến tâm trạng của các nhân vật trong các tác phẩm đã đánh thức con người trước ranh giới thiện ác nằm sâu trong tâm hồn. Những tác phẩm như vậy luôn là động lực giúp mọi người học cách sống và vươn tới những điều cao đẹp.

Và còn rất nhiều danh nhân như William Shakespeare, Ernest Hemingway, Felix Bartholdy Mendelssohn, Beethoven,… đã để lại nhiều tác phẩm gây được ảnh hưởng lớn cho xã hội. Thông qua nghệ thuật, họ đã thực hiện sứ mệnh giáo dục đạo đức con người một cách hoàn hảo. Nghệ thuật chân chính đã nâng dậy, hoàn thiện biết bao tâm hồn, có khi cứu được cuộc đời của những người cùng đường tuyệt vọng. Quả thực, những đóng góp của các danh nhân văn học nghệ thuật thật to lớn.

3.5. Danh nhân khoa học

Ngày nay, những kiến thức khoa học đang đưa thế giới tiến bộ từng ngày với những phát minh về công nghệ ngày càng hiện đại, đem lại nhiều tiện nghi cho con người. Nền khoa học kỹ thuật phát triển là nhờ vào những công trình vĩ đại của những nhà nghiên cứu lỗi lạc mà đến nay những kiến thức đó được truyền dạy cho nhiều thế hệ học sinh trên thế giới. Nhìn lại quá trình phát triển của nền khoa học gồm các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, y sinh… chúng ta biết ơn và khâm phục những nhà khoa học thiên tài bởi kho tàng tri thức vô tận mà họ đã để lại cho nhân loại.

Hy Lạp cổ đại được coi là quê hương sản sinh ra những nhà khoa học có kiến thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực và để lại nhiều thành tựu lớn lao. Họ đã phát minh và đặt cơ sở cho môn số học, hình học. Những định lý, định đề, định luật vẫn được sử dụng trong toán học và vật lý hiện đại như định lý Pitago, định lí Thales, định luật Acsimet, định đề Euclid…. Trong số đó, Pythagoras là người đem lại nhiều biến đổi cho nền toán học thế giới. Ông cùng các học trò của mình đã tổng kết những tri thức về số học, thiết lập nhiều công thức, định lý và chứng minh bằng suy luận logic, trong đó có định lý Pitago “Trong một tam giác vuông, tổng bình phương của hai cạnh góc vuông bằng bình phương của cạnh huyền”. Pythagoras còn là nhà thiên văn học tiến bộ thừa nhận trái đất hình cầu, chuyển động theo một quỹ đạo nhất định. Những kiến thức khoa học thời kỳ này đã đặt nền tảng cho sự phát triển khoa học kỹ thuật về sau.

Nhà khoa học Isaac Newton là nhà vật lý, toán học, thiên văn học người Anh. Ông được thế giới tôn vinh là người sáng lập ra cơ học cổ điển. Cống hiến lớn khiến tên tuổi của ông trở thành bất tử là nguyên lý vạn vật hấp dẫn tìm ra sức hút giữa các vật thể. Ông còn có thành tựu nổi bật trong lĩnh vực quang học, phân tích ánh sáng trắng thành các thành phần đơn sắc khác nhau. Trong toán học, ông đã tìm ra nhị thức giải tích được gọi là “nhị thức Newton”. Ông còn xây dựng nên một mô hình toán học có tên “khoa học của sự liên tục”, là cơ sở cho các phép tính vi tích phân sau này.

Albert Einstein là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất mọi thời đại. Ông có những đóng góp lớn lao trong các lĩnh vực của vật lý hiện đại. Trong đó, lý thuyết tương đối rộng đã làm thay đổi những hiểu biết của con người về vũ trụ. Thuyết tương đối rộng tiên đoán và giải thích được nhiều hiện tượng bí ẩn trong vũ trụ như thấu kính hấp dẫn, sự giãn nở của vũ trụ, sự tồn tại của hố đen… Nhiều tiên đoán đã được xác minh bằng thực nghiệm, và nhiều chủ đề vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Năm 1921, ông được giải Nobel về vật lý cho công trình nghiên cứu về hiện tượng quang điện. Einstein đã lập lên phương trình nổi tiếng E=mc^2 chuyển đổi tương đương giữa khối lượng và năng lượng, là tiền đề cho sự phát triển về năng lượng hạt nhân.

3.6. Những danh nhân đặc biệt

Trong lịch sử, nhiều bậc danh nhân có tài năng vượt trội trên nhiều phương diện, họ để lại những cống hiến có giá trị và tầm ảnh hưởng rất lớn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Những danh nhân như vậy thường có tầm nhìn bao quát và sâu sắc về mọi vấn đề trong đời sống xã hội. Việt Nam may mắn có được hai trường hợp là chủ tịch Hồ Chí Minh và đức vua Trần Nhân Tông, vừa là anh hùng, vừa là danh nhân trên lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hoá, văn học và đạo học. Trên thế giới, có những danh nhân đa tài như: Aristotle là người có những cống hiến to lớn ở nhiều lĩnh vực như vật lý học, toán học, thi ca, âm nhạc, văn học, chính trị…; Leonardo da Vinci nổi tiếng là một hoạ sĩ xuất sắc, nhà điêu khắc, kiến ​​trúc sư, nhạc sĩ, nhà toán học, giải phẫu học, nhà địa chất, nhà thực vật học và nhà văn nổi tiếng thời kỳ Phục Hưng; Gottfried Wilhelm Leibniz là một thiên tài trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả pháp luật, tôn giáo, lịch sử, văn học, logic, siêu hình học.

Một trường hợp đặc biệt nữa là những người đầy đủ các tố chất, các đặc điểm của một vị danh nhân nhưng người đời lại hiếm ai biết gì về họ. Trong lịch sử đã có những người rất nổi tiếng vì sự thành đạt, vì sự đóng góp đối với xã hội. Nhưng người khác không biết rằng âm thầm phía sau có công lao của người vợ, của những người phụ nữ không tên tuổi, hay của những người trợ lý, những người bạn đã giúp đỡ âm thầm.

Hoặc những người làm tình báo, từ xa xưa cho đến nay, dù là thời chiến hay thời bình, họ vẫn luôn là lực lượng nòng cốt của đất nước. Họ là những người anh hùng thầm lặng với đức hy sinh cao cả, ngày ngày đi trên lằn ranh sinh tử nhưng lúc nào cũng giữ lòng sắt son trung thành với Tổ quốc. Chắc chắn rằng trong số họ luôn có những con người nổi bật lên với những công tích vĩ đại, với tấm lòng cao thượng, và họ xứng đáng là danh nhân của đất nước. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của công việc họ đang làm nên chúng ta không thể biết gì về họ, chúng ta có thể gọi họ là Ẩn danh nhân. Trong cuộc đời còn rất nhiều những con người thầm lặng mà vĩ đại như thế. Do đó khi ta ngưỡng mộ danh nhân, ta vẫn dành một góc nhỏ trong tâm thức tôn vinh và dành một phút tưởng niệm cho những Ẩn danh nhân này, những người ta không hề biết đến họ, nhưng ta biết chắc một điều là công lao của họ đối với cộng đồng, đối với xã hội rất là lớn.

KẾT LUẬN

Danh nhân là những con người lỗi lạc của thời đại, họ không những là kết tinh của tài năng trí tuệ, của lòng trung quân ái quốc, của nghị lực phi thường, mà còn là biểu trưng cho lý tưởng sống cao thượng và sự cống hiến không mệt mỏi cho xã hội.

Mỗi quốc gia ít nhiều đều đem đến cho đời những con người tiêu biểu của thời đại. Sự xuất hiện của họ làm cho thế giới ngưỡng mộ và học hỏi, chính vì vậy họ ảnh hưởng lớn lao đến nhân loại. Tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia có lẽ không phải được đánh giá bằng số lượng tài sản của quốc gia đó, hay số lượng tỷ phú được vinh danh trên bảng xếp hạng thế giới, mà chính là các danh nhân với những đóng góp họ đã để lại cho cuộc đời. Họ là biểu tượng cao đẹp sống mãi trong ký ức, trong tâm tưởng của lịch sử. Một dân tộc có truyền thống tôn vinh các anh hùng, các bậc danh nhân, vĩ nhân, trọng người tài là một dân tộc có đạo đức, có chính nghĩa và quốc gia đó sẽ phát triển vững bền, chính vì vậy, chúng ta không cho phép mình để công ơn của họ bị quên lãng.

Vì thế, một hệ thống đặc điểm chung về danh nhân cũng như các tiêu chí quan trọng để đánh giá đúng tầm mức cụ thể những phẩm đức, những cống hiến của họ là một điều hết sức cần thiết. Chính nhờ sự đánh giá khắt khe, cẩn trọng như thế mà vị thế tôn quý của các danh nhân không bao giờ bị suy giảm. Nghiên cứu và tôn vinh các danh nhân là giúp lưu truyền giá trị văn hoá qua các thế hệ, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người cho thời đại, hôm nay và mai sau.


[1] Lê Minh Quốc, Danh nhân khoa học Việt Nam, Tập 3, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2009, tr.49.

[2] Bộ sách “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển. Đây là một đóng góp to lớn cho nền y học Dân tộc về y lý, phương dược, biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, cấp cứu, vệ sinh phòng bệnh… Đặc biệt “Y Huấn Cách Ngôn” là những lời giáo huấn, căn dặn mô phạm về y đức, thái độ tư cách của người hành nghề y. 

[3] Virus đậu mùa lan qua không khí, tấn công các tế bào da, lá lách, tủy xương và hạch bạch huyết của nạn nhân, gây sốt, nôn mửa, phát ban. Bác sĩ Jenner đã lấy dịch từ vết thương của người đã nhiễm bệnh đậu bò tiêm cho một đứa trẻ 8 tuổi, sau đó cho tiếp xúc trực tiếp với những người bị đậu mùa thì bé đã không bị mắc bệnh. Ông gọi cách chữa bệnh của mình là “vaccination”.

[4] Tiêm chủng đã kiểm soát được ít nhất 14 căn bệnh nguy hại gây ra hàng chục triệu cái chết trên toàn thế giới như đậu mùa, bạch hầu, uốn ván, ho gà….  Riêng bệnh bại liệt đã giảm đến 99% nhờ tiêm chủng.

https://www.sciencedirect.com/sdfe/pdf/download/eid/3-s2.0-B9781455700905000173/first-page-pdf – truy cập lần cuối 26/10/2022.

[5] Từ năm 2000 đến năm 2019, việc chủng ngừa các mầm bệnh (viêm gan B, viêm não Nhật Bản, sởi, rotavirus, rubella…) đã giúp ngăn chặn bệnh tật cho 37 triệu người ở 98 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S014067362032657X?via%3Dihub – truy cập lần cuối 26/10/2022.

[6]Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Những năm gần đây, Mỹ và Canada phải sử dụng tới 1,2 triệu liều vắc xin tại các trung tâm phòng dại. Ấn Độ có khoảng 3 triệu người phải tiêm vắc xin dại mỗi năm, trong đó 40% là trẻ em.

https://vncdc.gov.vn/benh-dai-nd14503.html – Bệnh dại, Cục y tế dự phòng. Truy cập lần cuối 27/10/2022.

[7]  Ông còn là người nghiên cứu ra vắc xin phòng bệnh than – một bệnh do vi khuẩn than (Bacillus anthracis) gây ra.Vi khuẩn than lây bệnh qua ba đường: qua da, qua đường tiêu hoá và hô hấp. Tỷ lệ tử vong ở thể hô hấp rất cao, lên đến 90%. Đồng thời ông cũng được coi là ông tổ của ngành vi sinh vật học, và nổi tiếng trong việc phát minh ra phương pháp thanh trùng, một trong những kỹ thuật bảo quản quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm hiện nay.

[8] https://www.abc.net.au/science/articles/2008/01/29/2149185.htm – ABC Science – Truy cập lần cuối 1/11/2022.

[9] Thượng tướng Hoàng Minh Thảo – https://tienphong.vn/vo-nguyen-giap-ngon-hai-dang-sang-ngoi-post649115.tpo

[10] Lời kể của TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư https://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/Con-trai-co-Tong-Bi-thu-Le-Duan-Lich-su-da-khong-cong-bang-voi-ong-106847.html – Truy cập lần cuối 03/11/2022.

[11] “Ngày ba tôi mất, ông dặn dò: “Ba chết chẳng có tiền để lại cho các con, chỉ để lại cho các con cái danh là con ba””  – TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư. –https://dantri.com.vn/xa-hoi/con-trai-co-tbt-le-duan-ke-chuyen-suyt-bi-khai-tru-dang-vi-di-lam-kinh-te-20211221160220306.htm – Truy cập lần cuối 03/11/2022.

[12] Khi về thăm trường, Tổng bí thư nói: “Xin cho em được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào”.

Chuyến công tác nào về Bình Định, Tổng Bí thư cũng tranh thủ đến thăm thầy hiệu trưởng cũ của mình: “Bước vào nhà thầy, Nguyễn Phú Trọng trở thành học trò, vẫn giữ phong thái giản dị vốn có, không khác ngày xưa. Xóm tôi thấy người lạ đến, lại có nhiều xe nên họ tập trung trước cổng nhà tôi. Trọng ra hỏi thăm, bắt tay từng người, tươi cười bồng những em nhỏ gần bên”. Lâu ngày không về thăm được, đồng chí lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe thầy.https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=46&macmp=46&mabb=165124 – Truy cập lần cuối 29/10/2022.

[13] Một cán bộ cấp cao kể lại kỉ niệm với vị Tổng Bí Thư luôn nói “không” với quà biếu, phong bì: Quà cáp mang theo chẳng có gì đáng kể, chỉ là chai rượu ngoại, gói chè ngon, hộp bánh và cái phong bì trong đó có vài, ba triệu đồng  tiền  Việt  Nam.  Thủ  trưởng rất vui, chúc sức khỏe mọi người và mong muốn năm mới tất cả sẽ sống tốt hơn, làm việc có hiệu  quả  cao  hơn.  Thế rồi,  anh  kéo  ở  túi  quà  ra  chai rượu ngoại, tự tay rót mời mỗi người một ly nhỏ để thưởng thức lấy may nhân  dịp  năm  mới. Số rượu đã  uống chỉ hết khoảng 1/3 chai, còn lại, anh đậy nắp rất cẩn thận rồi bỏ lại vào túi  quà bắt chúng tôi mang về”. – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, Báo Nhân Dân (tuyển chọn), Nxb Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, 2019, tr.54.



Báo Ban Văn Hoá – Xã Hội của Đài Tiếng Nói Việt Nam: https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/nghien-cuu-danh-nhan-de-tiep-noi-nhung-gia-tri


Báo Đầu Tư của Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư: https://amp.baodautu.vn/nghien-cuu-danh-nhan-co-so-xay-dung-phong-van-hoa-cho-moi-ca-nhan-trong-thoi-dai-so


Truyền Hình Thông Tấn: https://vnews.gov.vn/video/van-hoa-toan-canh-ngay-01-3-2023

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất