Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Phật Pháp đi theo

-

Vừa qua, nhân Lễ húy kỵ Thượng tọa khai sơn chùa Giác Tánh Thượng Phước Hạ Hải, nhận lời thỉnh mời của TT. Thích Từ Trí – Chánh thư ký Ban Trị Sự GHPGVN Q. Tân Bình, Trụ trì chùa Giác Tánh (958/65 Lạc Long Quân, phường 8, quận Tân Bình, TP. HCM), tối ngày 28/6/2020 (nhằm ngày mùng 08/5/Canh Tý), TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TƯ GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT) đã quang lâm đạo tràng và chia sẻ bài Pháp thoại có tựa đề PHẬT PHÁP ĐI THEO cho hơn 1.000 Phật tử gần xa, với mong muốn chùa nào cũng phải là một điểm đến tâm linh tốt đẹp, thu hút mọi người về.

Bài pháp thoại đã gợi mở cho chư Tăng Ni phương pháp, cách thức giáo hóa chúng sinh trong thời đại mới. Đồng thời, để các Phật tử thấy rõ vai trò hoằng dương Chánh Pháp của mình. Từ đó, mọi người cùng nhau xây dựng, làm cho Phật Pháp trường tồn bền vững.

Mở đầu buổi chia sẻ đạo lý, Thượng tọa đã bày tỏ cảm xúc của mình đối với hai vị Thượng tọa chứng minh, đặc biệt là Thượng tọa trụ trì chùa Giác Tánh. Để có được ngôi chùa uy nghi như thế này, phải có sự đóng góp công sức của rất nhiều người, nhưng cốt lõi nhất vẫn là do Thầy trụ trì. Việc tiếp quản, tu sửa, xây dựng chùa rất cực nhọc. 10 năm qua dù vất vả thế nào Thượng tọa cũng cố gắng, bởi một vị Tăng chân chính khi làm điều gì cũng nghĩ đến lợi ích chúng sinh, quên đi bản thân mình.

Đi vào nội dung bài Pháp, Thượng tọa cho rằng từ xưa đến nay, chúng sinh luôn đi theo Phật Pháp, nhưng hôm nay, Phật Pháp phải đi theo chúng sinh. Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng thực chất Phật pháp trong thời đại hôm nay, ta phải biết người – biết ta thì mới giáo hóa chúng sinh được. Nếu ta biết Phật pháp, biết nội điển, biết chúng sinh, biết thế giới rõ ràng thì việc giáo hóa chúng sinh mới hiệu quả. Nhiệm vụ giáo hóa này xưa đã khó, nay thời đại thay đổi lại càng khó hơn. Nếu quý Tăng Ni không cố gắng vượt bậc thì Phật giáo sẽ bị gạt ra khỏi bước đi của xã hội và thế giới.

Và bên cạnh sự cố gắng lớn lao của quý Tăng Ni, cũng cần sự hỗ trợ của Phật tử. Còn như quý Thầy chịu khó tu hành, giáo hóa mà Phật tử cứ thờ ơ, thụ động thì Phật giáo cũng suy tàn. Cho nên, bài Pháp này dành cho Chư Tăng cách nhiếp hóa chúng sinh mà cũng là định hướng cho các Phật tử thấy được vai trò của mình trong việc hoằng dương Chánh pháp. Chúng ta phải cùng nhau làm cho Phật pháp được hưng thịnh, bền vững.

Nếu là ngày xưa, con người tự tìm đến thầy, đến trường để học. Ngày nay, người muốn học không cần lặn lội tìm trường, tìm thầy bởi đâu đâu cũng có trường, thầy cô cũng tự tìm đến ta để dạy. Thậm chí, ta không đến trường mà học online cũng được. Tức là cái học tự tìm đến con người chứ con người không đi tìm cái học nữa. Phật pháp cũng vậy.

Trước đây, người tu hành tự tìm đến chùa, đến các bậc chân tu để nương tựa, tu hành. Đây là những người hữu duyên, được quý Thầy giáo hóa từ các kiếp trước, hoặc những người có căn cơ sâu dày với nhà Phật. Tuy nhiên, do quy luật tự nhiên của luân hồi, sự phát triển của thế giới, những người sẵn duyên với Thầy ít đi. Người có căn cơ sâu dày ở tiền kiếp, bất chấp khó khăn đến chùa tu hành cũng giảm. Với số lượng như vậy, chắc chắn quý Thầy không thể hoàn thành đại nguyện giáo hóa. Phật Pháp muốn tồn tại cũng không thể đứng yên được nữa.

Nhìn vào dân số thế giới hiện nay đã gần cán mốc 8 tỉ người. Trong đó, người có duyên với ta chỉ khoảng 100 người. Nếu quý Thầy cứ đứng yên, chờ người có duyên với mình tìm đến mình để tu học thì con số 100 ấy càng lúc càng giảm đi. Thêm nữa, trách nhiệm của người tu sĩ là độ vô lượng chúng sinh nên các Thầy phải chủ động đi tìm các đệ tử thất lạc của mình từ tiền kiếp. Đồng thời, đi gieo duyên với những người chưa từng có duyên với mình.

Có một sự thật là người có duyên với ta, không cần tìm kiếm, cứ đứng yên một chỗ, họ sẽ tự tìm đến ta. Đây là những người rất dễ giáo hóa. Nhưng chỉ có vậy là ta tự phụ bạc cái duyên làm tu sĩ của mình. Cho nên, ta buộc lòng phải đi tìm những người không có duyên. Tuy họ khó độ nhưng ta không thể bỏ qua được.

Giờ thử đặt 100 người có duyên với ta vào gần 8 tỉ dân của thế giới, ta thấy số người không có duyên với ta rất đông. Người không có duyên dĩ nhiên họ sẽ không thương, không kính mình. Mà không thương, không kính, nói họ đã không nghe rồi, để độ cho họ biết Phật pháp lại càng khó. Nhưng vì nghĩa vụ thiêng liêng của người tu sĩ, ta phải gắng hết sức. Ta không thể bỏ mặc chúng sinh cứ lang thang trong trầm luân sinh tử, không biết đến Phật pháp được. Vậy làm sao để độ cho những người không có duyên với ta?

Trước hết, làm sao để họ yêu mến mình ngay lần gặp đầu tiên. Đây chính là kĩ năng, phương pháp rất quan trọng. Việc giáo hóa phải bắt nguồn từ tình yêu thương. Dù không có duyên thì cũng phải quý mến đã. Và cái duyên này cũng không phải nhân duyên từ đời trước mà là do nhân quả mở ra. Chúng ta cứ nghĩ nhân quả cứng ngắc, khép kín nhưng thực ra nó lại rất linh động, uyển chuyển.

Ngoài cái duyên, nhân quả còn là chìa khóa quyết định mọi việc trong cuộc sống của ta. Vậy nên, ngay từ khi đến với Phật pháp, quý Thầy đã vất vả giải thích, giảng dạy cho ta về nhân quả. Có thể, ta chưa hiểu hết nhưng cứ tin và làm theo, ta sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi. Một cái thấy được rõ ràng nhất là mối quan hệ của mình với người xung quanh bỗng nhiên tốt lên. Nghĩa là, việc ta gieo duyên, tạo mối quan hệ với mọi người rất vất vả, mất nhiều thời gian. Nhưng tại sao có những vị Thầy mới gặp lần đầu ta đã thấy tôn kính?

Thượng tọa lý giải, vẻ đẹp, sự cuốn hút đó toát ra từ đạo lực của vị Thầy. Đạo lực là cái vô hình, từ trong tâm tỏa ra, không mua, không trau chuốt hay tô vẽ được. Quý Thầy dùng đạo hạnh tu hành của mình để tạo duyên với chúng sinh, đây là cách gieo duyên vô cùng mới. Có thể, kiếp trước chúng sinh không có duyên với quý Thầy. Nhưng khi thấy đạo lực tu hành của vị Thầy, mọi người lập tức bị cảm mến.

Nhân đây, Thượng tọa đã gợi mở, dẫn dụ một số phương pháp làm cho chúng sinh có cảm tình với ta để kết duyên với họ. Tuy nhiên, sự cảm mến mà không có duyên thì sớm muộn cũng nhạt nhòa, tan biến. Lúc ấy, ta không còn cơ hội độ chúng sinh nữa. Vậy làm thế nào để Phật tử gặp ta rồi mà không thể bỏ đi được?

Thượng tọa nhắc nhở ta hãy nhìn vào cuộc đời tu hành và giáo hóa của Đức Phật. Thay vì ngồi chờ người, Ngài lại vất vả đi khắp nơi để tìm kiếm, độ người này, người kia. Lúc nào Ngài cũng cực nhọc đến tận nơi có chúng sinh để giáo hóa. Rõ ràng, Ngài có địa vị cao quý, uy đức sáng ngời, vậy mà vẫn phải đi khắp nơi tìm chúng sinh hóa độ thì quý Thầy cũng vậy. Thay vì đứng yên, ta cũng phải tìm mọi cách đưa Phật Pháp đến với mọi người. Bây giờ Phật Pháp phải đến tận cửa để mời mọc, giới thiệu, giảng dạy chúng sinh. Giống như cha mẹ đi theo con suốt đời để dõi trông, dìu dắt vậy. Nhưng đến tận cửa không phải là đi tận nơi mà quý Thầy có thể tận dụng những công nghệ sẵn có như điện thoại, máy tính, internet,…để kết nối trên các mạng xã hội Facebook, Zalo…, đánh thức Phật tử từng giờ, từng ngày.

Bên cạnh đó, muốn độ cho mọi người, ta còn phải hiểu họ là ai, trình độ ra sao, suy nghĩ như thế nào,… Đặc biệt, phải biết họ thích cái gì, bởi đây chính là bí quyết của mọi giao dịch trên thế giới. Tức là, ta theo ý thích của chúng sinh mà đưa Phật Pháp đến giáo hóa.

Có một cái khó với quý Thầy là công nghệ ngày nay tiến bộ nhanh quá. Vì mải chạy theo nó mà người ta quên mất chùa. Các sản phẩm công nghệ tích hợp nhiều chức năng, ứng dụng giờ còn hấp dẫn hơn cả quý Thầy, quý sư cô. Nếu là 30 – 40 năm trước đây, quý Thầy còn thu hút được nhiều người đến chùa, thì nay, quý Thầy bắt đầu thua các sản phẩm công nghệ. Chính bởi cái thua ấy mà không riêng gì tín đồ của đạo Phật, tín đồ của các tôn giáo khác cũng đang quên dần tâm linh tu hành. Cứ như thế này, quý Thầy còn ai để giáo hóa nữa?

Trong thời đại kinh tế, chính trị, công nghệ biến đổi liên tục như hiện nay, thử thách với quý Thầy là rất lớn. Quý Thầy phải giỏi hơn các Tổ ngày xưa 100 lần, đứng vững trong đạo pháp tu hành, giới hạnh trong sạch, thiền định tinh tấn. Quan trọng là phải có “cái gì đó” hơn cả công nghệ. Như vậy, quý Tăng Ni mới đủ sức giáo hóa độ sinh, hoàn thành sứ mệnh của người tu sĩ.

Lý giải cho “cái gì đó” Thượng tọa nhấn mạnh chính là cái biết.

– Đầu tiên là biết trình độ, căn cơ của mình ở vị trí nào để giáo hóa.

– Thứ hai là mình đã biết và ứng dụng nội điển, đạo lý của Phật như thế nào. Rồi biết thế giới, chúng sinh hôm nay ra sao, sau đó đem đạo Pháp đến với họ.

Cái biết này thực chất là biết lỗi; biết trình độ tu hành của chính mình; biết nội điển kinh kệ, đạo lí của nhà Phật sâu sắc gấp 100 lần ngày xưa. Rồi từ đó, mang kiến thức của mình để giảng giải, phân tích đạo lí Phật dạy một cách sâu sắc, đầy đủ đến với mọi người.

Ban đầu, có thể ta nói mọi người chưa tin, chưa hiểu hết. Nhưng ta cứ từ từ phân tích, để mọi người biết nhân quả, phước báu, thiền định,… rồi bắt chước theo. Dần dần, họ thấy đúng, bắt đầu tới chùa tu hành, trở thành Phật tử thuần thành. Như vậy, ta đã bắt đầu có thành công.

Để có được thành công đó, từ quý Thầy Cô phải tỏa ra được đạo lực tu hành. Đạo lực này xuất hiện từ việc tu hành đúng hướng, tinh tấn. Tu hành vừa đúng hướng, vừa tinh tấn khó vô cùng, bởi ta cách thời Đức Phật quá xa, liệu trong hơn 2.500 năm ấy, ta có thể hoàn toàn hiểu lời Phật dạy không? Những cái ta được truyền thừa từ Thầy mình có chắc là cái mà Phật dạy không? Đây chính là cái thiệt thòi của chúng sinh thời mạt pháp.

Nếu tính khoảng cách thời gian, không gian, địa lí thì thời mạt pháp cách thời Đức Phật quá xa. Vậy nên, ta khó để tìm đúng ý Phật. Tìm đúng ý Phật đã khó, tu tinh tấn còn khó hơn nữa. Và tinh tấn ít nhất 10 năm gương mặt ta mới toát ra đạo lực, khiến người khác cảm mến mình.

Ta đừng nghĩ không có đạo lực mà có thể lừa chúng sinh bởi mọi người ai cũng có tâm linh trực giác. Chỉ cần nhìn qua, họ cũng đoán được ít nhiều tâm lí, con người của ta rồi. Cho nên, TA CHỈ CÓ CÁCH DUY NHẤT ĐỂ THUYẾT PHỤC CHÚNG SINH LÀ THẬT LÒNG TU HÀNH TINH TẤN. Còn giả dối, bày cách này cách khác để thu hút chúng sinh, sớm hay muộn cũng sẽ tan vỡ hết bởi nó là cái thuật, không phải cái thật.

Đúng là cái thuật có thể lấy lòng người khác trong thời gian ngắn, nhưng không bền. Cái thật tu của người Thầy mới lấy được lòng chúng sinh vĩnh viễn. Đây là gánh nặng nên quý Thầy nào dám xuất gia vào thời mạt pháp phải cố gắng chịu cực, tinh tấn tu hành cho đúng để thành tựu được 3 điều: giới, định, tuệ. Khi ấy, ta mới biết hết được về thế giới, con người, sở thích của chúng sinh.

Thượng tọa nhấn mạnh lại, biết về sở thích của chúng sinh và đáp ứng được những sở thích đó là điều rất quan trọng trong việc giáo hóa. Dần dần, ta đưa Phật pháp vào những sở thích ấy, chẳng hạn như phim ảnh, âm nhạc. Quý Thầy đừng nghĩ rằng ngồi giảng, tụng kinh đã là hoằng pháp. Để chúng sinh có cảm tình với lời tụng kinh đó mà đến chùa tu học, đó mới là hoằng pháp thực sự.

Hôm nay, sở thích của chúng sinh thay đổi liên tục buộc quý Thầy cũng phải thay đổi để đem Phật pháp thiêng liêng đến với tâm hồn mọi người. Nếu quý Thầy làm y hệt Chư Tổ ngày trước thì Phật giáo sẽ đứng lại. Phật Pháp là dòng chảy linh động nên không để bị bế tắc và hạn cuộc trong bất cứ khuôn khổ nào. Tuy thay đổi là điều rất vất vả, tốn kém nhưng quý Thầy cứ yên tâm. Trên con đường giáo hóa độ sinh, chỉ cần ta luôn làm đúng chánh Pháp và hộ Pháp thì chư Thiên sẽ dõi theo, hỗ trợ.

Cuối cùng, trước khi kết thúc bài Pháp, Thượng tọa gửi những lời chúc tốt đẹp đến Chư tôn đức đang hiện diện trong Pháp hội. Người hy vọng chư Tăng Ni luôn đi tiên phong trong những điều mới làm cho chúng sinh thích. Từ đó, giáo hóa được nhiều chúng sinh và làm cho chùa trở nên hưng thịnh.

Đây thực sự là một bài Pháp rất khó. Tuy nhiên, bằng những ví dụ, số liệu cụ thể, Thượng tọa phân tích, làm rõ rất nhiều đạo lí, nhiều vấn đề liên quan đến việc hoằng Pháp – hộ Pháp. Đồng thời, cho thấy nguyên nhân và tình hình suy yếu của Phật giáo trên thế giới hiện nay. Từ đó, chỉ rõ trách nhiệm của Tăng Ni, Phật tử trong việc chủ động hoằng dương Chánh Pháp. Đây là một trách nhiệm khó khăn, nặng nề nhưng người đệ tử Phật phải nỗ lực vượt qua. Chỉ có vậy, Phật giáo mới có thể phát triển, tồn tại bền vững.

Ngoài ra, bài Pháp chỉ rõ một thực tế con người hiện tại đang mải chạy theo những thứ vật chất phù du mà quên đi việc xây dựng, hoàn thiện nội tâm, con người mình. Điều này làm cho nội tâm ta ngày càng cằn cỗi, cuộc sống cũng không còn sự yên ổn, an vui. Sau hôm nay, chúng ta cần cân nhắc, lựa chọn xem đâu mới là thứ cần thiết với cuộc sống của mình? Những thứ vật chất xa xỉ, phù phiếm bên ngoài hay một nội tâm thanh tịnh, yên vui bên trong? Từ đó, thay đổi bước đi để có được niềm hạnh phúc an vui đích thực dài lâu./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất