Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủHội từ thiệnCác hoạt động từ thiệnHội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang thăm mẹ VNAH tại Củ...

Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang thăm mẹ VNAH tại Củ Chi

-

Cứ mỗi quý, Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang lại phối hợp với lãnh đạo UBND xã Trung Lập Thượng tổ chức buổi viếng thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM – nơi được mệnh danh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, còn được gọi là “Vùng đất thép”, nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các Mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh to lớn cho sự nghiệp cách mạng, độc lập, tự do của đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình như hôm nay.

Nhân quý II (tháng 4,5,6), sáng ngày 18/06/2020, Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang do ĐĐ Thích Toàn Chiếu làm Trưởng đoàn phối hợp với lãnh đạo UBND xã Trung Lập Thượng đã có chuyến thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Vào đầu năm 2015, TT.Thích Chân Quang là Người chịu trách nhiệm quản lý Thiền Thất Bảo Quang (ấp 3A, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh) đã nhận phụng dưỡng suốt đời 5 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại xã Trung Lập Thượng này, với mức phụng dưỡng là 2.000.000 đồng/tháng.

Được biết, huyện Củ Chi là nơi có nhiều bà Mẹ được truy tặng, phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng nhất tại thành phố Hồ Chí Minh với 777/2086 Mẹ. Tại nơi này, nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng là những nhân chứng sống của lịch sử, là tấm gương về lòng yêu nước và lòng nhân ái của nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam. Và hầu hết các Mẹ còn sống đến nay đều đã cao niên.

Đúng 8h sáng, Đoàn xuất phát tại Thiền thất Bảo Quang rồi đến xã Trung Lập Thượng. Tại đây, Đoàn lần lượt đến từng nhà thăm viếng và tặng quà cho các Mẹ.

Tham dự buổi viếng thăm, về phía Hội từ thiện có sự tham dự của: ĐĐ Thích Toàn Chiếu; ĐĐ Thích Toàn Pháp đến từ Thiền Tôn Phật Quang; Phật tử Nguyệt Phương Tuệ – Thư ký Hội từ thiện  TTPQ, cùng các thành viên của Hội và các em Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang TP.HCM.

Về phía chính quyền địa phương có: ông Lê Văn Chơn, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.

Điểm đến đầu tiên, Đoàn đến thăm Mẹ Kiều Thị Nông (ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng) – người có biệt danh là “Bà Pháo Binh” sinh năm 1936.  Mẹ đang là thương binh 4/4. Mẹ có chồng và con đều là liệt sĩ, mẹ chồng và mẹ ruột cũng đều là bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong cuộc trò chuyện, Mẹ có tâm sự rằng ngày xưa gia đình Mẹ cũng như tất cả mọi người đều phải cực khổ chiến đấu để dành lại hoà bình cho đất nước, có những lần bị Việt gian chỉ điểm, Mẹ và những người thân trong gia đình cùng những đồng chí chiến hữu bị giặc bắt, tra tấn rất dã man, nhưng Mẹ và mọi người kiên quyết không khai bất cứ một thông tin nào…

Một lần đến thăm các Mẹ, là một lần chúng con được sống lại thời kì chiến tranh khóc liệt, là một lần đau buốt tim khi nghe Mẹ kể lại những lần chạy giặc, đi giao liên, tra tấn, hay những lần tiễn con đi trong ngậm ngùi nước mắt.

Chúng ta sinh ra trong thời bình nên đâu thể nào hiểu được hết những đau khổ mà Mẹ phải trải qua, chỉ biết ngày hôm nay nghe kể lại, chúng ta thấy đau một thì nỗi đau ấy với Mẹ gấp trăm, gấp vạn lần.

Trong ngôi nhà của Mẹ, trên tường treo nhiều Bằng khen của Thủ tướng, của thành phố…và cũng từng là nơi nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến cứu nước. Gia đình mẹ không chỉ có truyền thống cách mạng mà còn luôn là gia đình gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Với Mẹ dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn không ngại ngần hiến 800 m2 đất nhà và 1.700 m2 đất ruộng làm đường giao thông. Hành động của mẹ như tiếp thêm sức lan tỏa cho phong trào hiến đất làm đường được phát triển mạnh ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).

Điều này cho thấy người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Củ Chi nói riêng, với bề dày truyền thống trung hiếu, kiên cường bất khuất, không ngại khó khăn gian khổ, cho dù là bao nhiêu thử thách, cho dù là thời bình hay thời chiến cũng luôn sống hết mình, sống trọn vẹn nghĩa tình với quê hương đất nước.

Chia tay Mẹ Nông, Đoàn tiếp tục đến thăm Mẹ Lương Thị Miền, sinh năm 1936, cư ngụ tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Cũng như những bà Mẹ Việt Nam Anh hùng khác, chồng Mẹ Miền hoạt động du kích, đã hy sinh vào năm 1962, và con gái của Mẹ là chiến sĩ quân báo đoàn 83 cũng đã hy sinh vào năm 1970. Hiện nay Mẹ đã 86 tuổi, sức khoẻ rất yếu, việc đi lại cũng rất khó khăn. Đến đây, được nghe những câu chuyện đầy bi hùng về chồng, con và của chính Mẹ, mọi người như được sống lại trong những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc.

Điểm đến tiếp theo, đoàn ghé thăm Mẹ Trương Thị Trắng cũng tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Mẹ sinh năm 1933, hiện đã 87 tuổi, sức khoẻ của Mẹ khá yếu, đi lại khó khăn. Mẹ kể ngày trước Mẹ cũng làm giao liên. Được biết chồng Mẹ vừa mất trước tết nên sau buổi trò chuyện, Quý Thầy và Đoàn đã dâng nén hương thơm tưởng niệm.

Nhà Mẹ Nguyễn Thị Ruôi là điểm đến cuối cùng trong chuyến thăm lần này. Mẹ sinh năm 1927, nay cũng đã 93 tuổi. Gia đình Mẹ có 7 người con, trong đó có 3 người con là liệt sĩ. Nghe tin hôm nay có Đoàn đến thăm, Mẹ vui mừng đến nỗi cả đêm không ngủ được. Hiện tại Mẹ rất yếu, chỉ nằm một chỗ, không đi lại được. Tuy nhiên Mẹ vẫn còn rất minh mẫn, trong lúc trò chuyện với đoàn, Mẹ đã khóc vì hạnh phúc.

Sau buổi trò chuyện thân mật với các Mẹ, quý Thầy trong Đoàn thay mặt Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang và Thiền Thất Bảo Quang đã không quên gửi những lời chúc, mong các Mẹ luôn mạnh khỏe, an vui, con cháu thành đạt và tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng để góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn. Đồng thời gửi đến Mẹ phần quà bồi dưỡng sức khỏe và tiền phụng dưỡng hàng tháng. Cứ mỗi quý, Hội gửi tặng mỗi Mẹ 6.000.000 đồng/3 tháng và một phần quà nhỏ (500.000 VNĐ). Tổng kinh phí cho chương trình này là 26 triệu đồng.

Ngẫm lại, với thời gian trôi qua, nỗi đau của các Mẹ đã dần vơi, thay vào đó là niềm vui được sống trong một đất nước thanh bình, hoàn toàn độc lập. Đồng thời các Mẹ được an ủi nhiều hơn khi luôn được Đảng, Nhà nước và các Hội đoàn quan tâm.

Thông qua nghĩa cử này, TT.Thích Chân Quang – Người sáng lập Hội từ thiện Thiền Tôn Phật Quang muốn giáo dục cho lớp trẻ về đạo đức biết ơn và nâng dậy tinh thần yêu nước, lý tưởng sống cho các em. Từ đó, giúp các em có động lực để vượt qua những cám dỗ của các tệ nạn xã hội và làm được nhiều việc có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

Nói chung, buổi thăm viếng các Mẹ đã để lại trong tâm trí mỗi người niềm tự hào về dân tộc Việt Nam, cùng lòng biết ơn sâu sắc với các Mẹ Việt Nam Anh hùng – những người đã hy sinh cả chồng, con của mình cho sự nghiệp cách mạng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Để rồi từ đây, ngoài việc tu hành, ai cũng phải biết sống cho có ý nghĩa, sống có trách nhiệm, sống hướng đến những mục tiêu cao cả, góp phần hộ quốc an dân, bảo vệ non sông gấm vóc, mà biết bao thế hệ đi trước đã ngã xuống để đổi lấy cuộc sống hòa bình và hạnh phúc như ngày hôm nay./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh chuyến thăm:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất