Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Tâm từ bi

-

Vừa qua, vào ngày 09/12/2018 (nhằm ngày 03/11/năm Mậu Tuất), tại Khóa tu Thiền chùa Từ Tân (số 90/153, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN đã chia sẻ bài Pháp thoại có chủ đề “TÂM TỪ BI” với gần 1.000 thiền sinh và hơn 1.500 phật tử tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận.  

Bài Pháp thoại đã làm rõ vị trí, vai trò của tâm từ bi trong Phật pháp cũng như trong đời sống của con người. Đồng thời, cũng chỉ ra cách thức xây dựng tâm từ bi để mọi người rèn luyện, tu tập, góp phần xây dựng một cộng đồng yêu thương, tử tế, biết giúp đỡ nhau đi đến mục tiêu giác ngộ giải thoát cuối cùng.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa khẳng định, từ bi là một trong những tâm hạnh căn bản của Bồ tát. Đức Phật cũng phải phát triển lòng từ bi trong nhiều kiếp thì mới thành Thánh được. Do đó, đạo lí về lòng từ bi giống như cái lõi đạo đức của đạo Phật. Có nó, chúng ta có thể an trú, thậm chí là đạt được giác ngộ giải thoát luôn.

Là một người từ bi vô lượng nhưng có một điều lạ là trong tất cả các bộ kinh, Phật không biểu lộ tình yêu thương với ai cả. Lúc nào Ngài cũng trang nghiêm, thanh tịnh. Thực chất, tình yêu thương đó đã được kết tinh thành viên kim cương đầy trách nhiệm trong tâm Ngài, lúc nào cũng ước nguyện, thôi thúc làm sao cho chúng sinh giác ngộ. Đây mới thực sự là mục tiêu tối thượng, là tâm từ bi của Phật. Vậy còn người phàm chúng ta thì sao?

Thực tế, trong chúng ta có rất nhiều người đang sống vui vẻ, hạnh phúc, được nhiều người yêu thương, quý mến. Vậy nhưng cũng có rất nhiều người đang sống cô độc, không yêu thương ai và cũng chẳng được ai thương. Suy cho cùng, dù là cuộc đời nào thì cũng là nhân quả hết. Ai coi thường tình cảm, sự giúp đỡ của người khác, sau này sẽ cô độc. Ai đủ trí tuệ, đạo đức, biết xử lí đúng khi đón nhận tình yêu thương của người khác thì sẽ hạnh phúc.

Để đủ trí-đức, ta phải tu tập từ bây giờ. Nhưng trong hàng vạn chúng sinh, rất ít người biết tu tập, biết đem những điều tốt đẹp gieo vào cuộc sống. Còn lại, đa số chúng ta đều đang buông trôi, để dòng đời cuốn mình đi. Thực sự, chúng ta rất vô tư. Khi biết Phật pháp rồi thì mới hiểu nhân quả, tội phước. Từ đó mới có ý niệm làm phước.

Tuy nhiên, quan sát lại ta thấy chúng sinh đang hưởng thụ nhiều hơn cống hiến. Khuynh hướng tiêu thụ phước này rất nguy hiểm bởi hết phước rồi cuộc đời chúng ta sẽ đi về đâu? Hiểu điều này rồi, từ giờ  chúng ta đừng sống cho mình nữa mà hãy sống vì chúng sinh, vì Phật pháp, đó mới là hạnh phúc. Còn sống cho mình, dù chỉ một thoáng thôi cũng ẩn chứa đau khổ về sau.

Giờ để sống vì chúng sinh, ta có thể làm rất nhiều điều thiện từ những việc rất nhỏ, đến việc lớn. Tuy nhiên, Thượng tọa khẳng định những điều phước thiện đó chỉ là tạm bợ, không đi đến đâu. Cuối cùng, những chúng sinh được ta cưu mang, giúp đỡ cũng trở lại với khổ đau, luân hồi sinh tử. Vậy làm thế nào để đem lại lợi ích thấu đáo, triệt để cho chúng sinh, đây là điều chúng ta phải suy tư, trăn trở.

Dịp này, Thượng tọa phân tích rất nhiều ví dụ rồi kết luận: chỉ có giúp mọi người đạt được giác ngộ giải thoát mới là cái giúp thấu đáo, viên mãn. Làm điều này rất khó bởi bản thân chúng ta còn chưa giác ngộ giải thoát được. Nhưng chỉ cần có ý niệm này thôi đã là một bước tiến rất lớn rồi. Còn giúp chúng sinh mà không nghĩ đến việc độ cho họ đến giác ngộ giải thoát thì ta vẫn là người độc ác, chưa thấu đáo.

Thượng tọa lí giải, giúp người khác đồng nghĩa với việc ta khiến họ mắc nợ mình. Một ngày nào đó, họ sẽ phải trả lại cái nợ ân nghĩa này. Mà lãi của cái nợ này rất lớn. Do đó, nếu không ép họ đi đến tu tập giải thoát, mà chỉ dừng lại ở chỗ bắt họ trả nợ, cung phụng mình nhiều hơn thì ta vẫn là người độc ác. Chỉ có người biết lợi dụng món nợ này để đẩy chúng sinh đến giác ngộ mới là tử tế, từ bi.

Thêm nữa, theo nhân quả, nếu ta muốn có cái gì thì phải giúp người khác có được cái đó trước. Nghĩa là ta muốn giác ngộ thì phải giúp chúng sinh được giác ngộ trước. Bằng cách là ta mua sách, đĩa về Phật pháp tặng lại cho mọi người.

Hay hơn nữa là giảng và thực hành đạo lí để gieo rắc vào lòng người một ý niệm về giác ngộ giải thoát, về nhân quả, về lòng từ bi, trí tuệ của một bậc Thánh,… Rồi từ cái không có, bỗng nhiên tâm ta cũng lóe lên sự giác ngộ từ từ. Vậy nên, ta cứ nương theo Phật và các vị Bồ tát mà giáo hóa chúng sinh và đừng bao giờ rời bỏ khát khao đem lợi ích tối thượng đến cho mọi người dù những điều ta giúp rất nhỏ.

Tuy nhiên, dù tu pháp môn gì nhưng để giác ngộ giải thoát thì phải định tâm được. Nghĩa là, bên cạnh những việc khác, ta phải tu tập thiền định. Và khi tu thiền, ta cần vạch rõ hai con đường: định tâm chứng thiền hay định tâm chứng Thánh.

Chúng ta hay bị lầm tưởng rằng cứ định tâm là chứng Thánh quả nhưng không phải vậy. Đó là ta đang nhầm giữa định tâm của đạo Phật và định tâm của ngoại đạo. Và trong mấy nghìn năm qua, chỉ có Phật tách định tâm ra làm hai con đường như vậy.

Theo đó, người định tâm để chứng thiền sẽ có cái phước giống như phước cõi trời, được hưởng sự hỉ lạc. Vì không phá được kiết sử nên khi hết phước, họ lui lại liền. Còn người định tâm để chứng Thánh, vì rất đạo đức nên họ phá được kiết sử. Lúc nào họ cũng xây dựng lòng từ bi, khiêm hạ, vô ngã, làm phước vì chúng sinh. Tuy cực khổ cả đời, việc chứng ngộ cũng rất chậm, nhưng con đường họ đi cứ tiến lên mãi chứ không lui lại.

Chúng ta phải hiểu rõ điều này để không bị lầm. Rõ ràng tu phải định tâm nhưng kèm theo đó đạo đức, từ bi, vô ngã để đạt quả Thánh, chứ không phải chỉ chứng Thiền rồi sau đó bị lui lại thì rất uổng phí.

Tóm lại, trong bài Pháp thoại Thượng tọa đã chỉ rõ cho hàng phật tử thấy tầm quan trọng của tâm từ bi thông qua rất nhiều ví dụ. Qua đó, các phật tử dễ dàng so sánh, đối chiếu và nắm bắt đạo lý một cách chính xác, đầy đủ. Đây sẽ là kim chỉ nam cho con đường tu tập giác ngộ giải thoát của mọi người sau này.

Ngoài ra, khi con người ngày càng trở nên vô cảm với mọi người xung quanh, thậm chí là không biết yêu thương, trân trọng bản thân mình thì những đạo lí khuyến tấn cho sự tu tập trong bài Pháp này là những điều hết sức cẩn thiết. Chúng ta không thể tách rời cộng đồng để sống đơn độc một mình được. Do vậy, những đạo lí này cần được lan tỏa để chúng sinh nhận ra giá trị của tình yêu thương, sự hy sinh, phụng sự, sự giác ngộ giải thoát. Thượng tọa thật sự là Người truyền cảm hứng cho hàng triệu con người đang tu tập hướng về mục tiêu vô ngã, giác ngộ, giải thoát.        

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất