Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Thế giới của người cõi âm

-

Vừa qua, nhân Khóa tu Thiền vào hai ngày 06 – 07/04/2019 (nhằm ngày mùng 02 – 03/03năm Kỷ Hợi) tại Chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An), TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN đã quang lâm hướng dẫn Thiền và thuyết giảng về đề tài THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI CÕI ÂMBài Pháp thoại đã giúp các Phật tử hiểu rõ, chính xác, đúng đắn về cõi âm để không bị rơi vào mê tín dị đoan. Từ đó, ta có sự ứng xử phù hợp, vừa giúp các vong biết tu tập để giải thoát, vừa khai thác được thế giới tâm linh để làm lợi cho chúng sinh khắp chốn.

Tham dự buổi thuyết giảng có các vị lãnh đạo chính quyền các cấp tại địa phương và Tổ Điều Hành các Đạo tràng Phật Quang các tỉnh miền Bắc, cùng hơn 2.000 Phật tử xa gần.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa khẳng định cõi âm là một điều rất trừu tượng. Có một số đối tượng đã lợi dụng điều này để thực hiện nhiều hành vi mê tín dị đoan, làm ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, gây hoang mang trong xã hội, khiến lòng người mất niềm tin vào Phật Pháp.

Chúng ta thấy, bên cạnh một số hành vi mê tín dị đoan ra đời trước đây như: cúng tế, lễ bái, dâng sao giải hạn, xem bói thì lại có hành vi mới xuất hiện và được coi là biến thể phù hợp với thời đại. Ví dụ có những đồ cúng khá hiện đại như hàng mã là nhà lầu, xe ô-tô, du thuyền, điện thoại, tiền đô-la,… hoặc xem bói qua internet, thậm chí có một số “thầy” còn bói qua livestream.

Như vậy, rõ ràng tâm linh là một mảng quan trọng không thể thiếu trong đời sống con người cũng như an ninh quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta gần như còn rất mơ hồ về vấn đề này. Đây chính là lý do mà Thượng tọa chọn đề tài “THẾ GIỚI CỦA NGƯỜI CÕI ÂM” để chia sẻ trong bài giảng này. Nếu không có một cái nhìn tỉnh táo, rõ ràng, chúng ta rất dễ làm sai, dẫn đến việc mất tiền bạc, danh dự, thậm chí vướng vào vòng lao lý của Pháp luật.

Đi vào nội dung, Thượng tọa chỉ ra rằng thế giới tồn tại ở hai dạng vật chất. Một loại là mắt ta có thể nhìn thấy được như: bầu trời, cây cối,… Một loại là mắt ta không thể nhìn thấy được như: sóng điện thoại, linh hồn,… Nghĩa là cái nhìn của mắt ta coi vậy mà bị hạn chế rất nhiều.

Một trong những cái mắt ta không thể thấy chính là cõi âm. Hiện tại có hẳn một môn học gọi là tâm linh học để nói về điều này. Để hiểu và bước được vào môn học này, đầu tiên ta phải chấp nhận tiền đề: “chết không phải là hết”. Tức là sau khi chết đi, chúng sinh vẫn tồn tại, chỉ là ở một dạng khác mà thôi. Tiền đề này ta không thể chứng minh được nhưng phải chấp nhận vì nó quá hợp lí.

Ở Việt Nam, người đầu tiên dám tuyên bố tiên đề này một cách mạnh mẽ trên văn bản là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong di chúc Bác có viết: “…tôi để sẵn mấy lời này phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác…”. Không chỉ Bác Hồ, thế giới cũng đã biết có sự tồn tại của cõi âm nhưng họ vẫn đang loay hoay, chưa biết cách khai thác và ứng dụng nó. Vậy nên, câu nói này của Bác đã mở ra nền tâm linh học đi trước cả thế giới cho chúng ta.

Lý giải về tiên đề trên, Thượng tọa khẳng định, sau khi chết đi, chúng sinh vẫn tồn tại nhưng không phải ở dạng vật chất mà là linh hồn. Nếu khi còn sống, ta biết đến chùa nghe Pháp, ngồi thiền, làm nhiều việc phúc thiện thì sau khi chết, linh hồn ta ở đẳng cấp cao hơn, gọi là thiên thần. Ngược lại, khi còn sống mà không biết tu hành, chỉ lo hưởng thụ, khi chết, linh hồn ta ở đẳng cấp thấp, gọi là ma. Khi còn sống mà phạm tội quá nặng, sau khi chết, linh hồn của ta là tù nhân dưới địa ngục. Còn khi sống mà ngu si, ngang bướng, sau khi chết sẽ đọa súc sinh, v.v..

Quả thực, có quá nhiều con đường để ta đi sau khi chết. Nhưng đi con đường nào lại do thái độ, hành vi lúc sống của ta quyết định. Đây chính là tính chất công bằng của vũ trụ.

Nói về các linh hồn, Người nhấn mạnh, sau khi chết đi, những vong không có cơm ăn, áo mặc, không có người nào yêu thương, nên họ rất thèm khát cuộc sống vật lý cũng như sự hiện diện trên đời này giống chúng ta. Chính vì cô đơn nên họ thường tập trung thành bầy đàn, gọi là “các đảng”. Nhưng dù họ có tồn tại thì chúng ta cũng không thể thấy được.

Phải nói rằng, việc không nhìn thấy các vong hồn là một sự thua thiệt của con người, bởi nếu thấy họ, chúng ta sẽ biết cách hành xử hợp lý, mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân và xã hội. Vì không thấy họ nên chúng ta gần như không hiểu họ, không biết cách đối xử đúng đắn với họ.

Thực sự, sự tồn tại của cõi âm ảnh hưởng, tác động rất lớn đến cuộc sống của chúng ta. Càng không thấy họ thì chúng ta càng phải tìm hiểu kỹ về họ để khai thác, ứng dụng làm lợi cho cuộc sống của mình.

Để giúp các Phật tử hiểu rõ vấn đề này, cũng như cách ứng xử phù hợp trong từng hoàn cảnh, Thượng tọa đã chỉ ra 6 trường hợp ma xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của con người:

Một là ma cố ý hiện hình cho con người nhìn thấy.

Hai là hiện tượng bóng đè.

Ba là vong tác động vào tâm lý của ta khi còn thức.

Bốn là vong mách bảo cho ta điều này, điều kia trong cuộc sống.

Năm là ma ở chung nhà với ta.

Sáu là vong nhập vào cơ thể sống của ta.

Với mỗi trường hợp, Thượng tọa đều lí giải cặn kẽ, lấy ví dụ rất thực tế, đồng thời chỉ rõ cách ứng xử phù hợp cho các Phật tử. Người nhấn mạnh rằng, dù gặp trường hợp nào, chúng ta cũng không nên sợ hãi, cũng đừng bỏ chạy bởi ma chỉ xuất hiện, gặp gỡ những người hiền lành; ở những nơi đầy khí lành. Thay vào đó, ta nên vui mừng, quay lại chuyện trò, nói những lời yêu thương, tử tế với họ.

Nói về nguyên nhân xuất hiện của ma, Người khẳng định mọi việc đều do nhân quả. Có thể chúng ta mắc nợ họ; có thể do chúng ta quá dễ thương; cũng có thể do chúng ta không cúng đồ ăn cho họ,… Tuy nhiên, dù là lí do gì, thì chúng ta cũng đừng tìm cách xua đuổi họ, bởi ta đã nợ họ thì phải trả, không thể cưỡng lại nhân quả được.

Thay vì tìm bùa chú, nhờ Pháp sư,… Người khuyên chúng ta nên thường xuyên  đến chùa tụng kinh, lễ phật trợ duyên cho vong linh để các vong biết tu tập, dần dần thay đổi tâm tính, trở thành người bạn tốt của ta, hỗ trợ cho ta trong cuộc sống. Khi đủ phước đức, họ sẽ đầu thai và không xuất hiện cạnh ta nữa.

Cái quan trọng nhất trong ứng xử với thế giới tâm linh là thái độ chứ không phải vật chất. Chỉ cần ta thành tâm, chăm chỉ tụng kinh cho họ nghe thì dần dần họ sẽ trở nên hiền hòa, hướng về Phật pháp. Từ đó, họ biết ơn ta, lúc nào cũng bảo vệ, hỗ trợ cho ta như một người bạn, âm thầm phù hộ, để ta tránh được những điều rủi ro, nhận được nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Khi chết đi, bước vào cõi âm ta được nhiều người yêu thương, chào đón, ủng hộ. Lúc đó, ta sẽ cảm thấy ấm áp và không còn sợ hãi nữa.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều nghi thức tụng niệm được tổ chức hoành tráng, tốn kém nhưng lại không đem lại kết quả gì nhiều. Nhân đây, Thượng tọa nêu rõ nguyên nhân vì sao, và gợi mở một biện pháp cần làm không chỉ ta mà cả thế giới có thể hiểu và cùng thực hành.

Theo đó, Người nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh trong thời đại hội nhập này. Đây chính là ngôn ngữ chung của thế giới, cũng sắp là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Do đó, Thượng tọa yêu cầu tất cả các Phật tử phải có ý thức tự giác trau dồi, nâng cao khả năng ngoại ngữ của bản thân. Làm sao để tự mỗi người có thể chia sẻ lời Phật dạy cho bạn bè trên khắp thế giới cùng biết.

Sau cùng, Người đưa ra khái niệm, giải thích đặc điểm của địa ngục và cõi trời. Từ đó nhắc nhở mọi người phải tu tập tâm từ bi, khiêm hạ, biết tôn kính Phật và tôn trọng mọi người. Đặc biệt, phải siêng năng ngồi thiền. Có vậy, ta mới được Chư Thiên để ý, gia hộ, sau khi chết được lên cõi trời.

Đây quả thực là một bài Pháp dài với rất nhiều đạo lí, khái niệm khó, đòi hỏi người nghe phải thực sự chú tâm, tu tập nghiêm túc mới có thể hiểu thấu đáo, sâu sắc được. Khi hiểu rõ những mối tương quan, tương tác giữa cõi âm và cõi dương thì không còn ai có thể hù dọa, lôi kéo, mê hoặc được ta. Tự bản thân chúng ta biết ứng xử đúng đắn với người cõi âm trong mọi trường hợp để vừa giúp đỡ họ, vừa giúp đỡ mình và làm lợi cho đất nước.

Ngoài ra, bài Pháp thoại đã giáng một đòn mạnh mẽ vào các vấn nạn mê tín dị đoan, cảnh tỉnh trước những âm mưu, thủ đoạn của các cá nhân, tổ chức đang lợi dụng tâm linh nhằm thực hiện nhiều mục đích xấu, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Đồng thời, góp phần xoa dịu, làm cho mọi người hiểu rõ hơn về tâm linh, tránh hoang mang trong dư luận, và ngày càng yêu kính Phật Pháp./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa tu và buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất