Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻThiền 26 - Khí công cũng là Thiền

Thiền 26 – Khí công cũng là Thiền

-

THIỀN 26 – KHÍ CÔNG CŨNG LÀ THIỀN

Đức Phật từ thuở bé đã là một kỳ tài võ học với nội lực sung mãn. Từ điểm xuất phát của nội lực đó, Phật đi sâu vào thiền định, mà dấu ấn đầu tiên là lần nhập Sơ thiền dưới cội cây ngoài ruộng.

Có thể nói rằng điểm xuất phát thiền của Phật là trên nền tảng của Khí công.

Rồi rất nhiều đạo sĩ Ấn độ thời đó đã từng tập luyện Khí công (theo kiểu gần giống như yoga) và tìm đến thiền của Phật để nhanh chóng được chứng ngộ đạo quả. Họ cũng giống Phật ở điểm xuất phát đã có cái bệ Khí công sẵn tự bao giờ.

Sang Trung quốc và Việt Nam thì cái tinh thần Khí công của Lão tử (Đạo giáo, Tiên đạo) lại chính là sự hỗ trợ cho thiền của Phật giáo. Võ công nội khí của Thiếu Lâm tự cũng là một cách lý giải cho việc lấy Khí công làm nền cho công phu thiền định. Đạo gia chú ý việc luyện nội khí để phát triển tâm linh. Theo tài liệu thì ta chỉ biết Lão tử để lại Đạo Đức kinh làm triết lý tu hành. Nhưng theo hệ thống môn sinh hùng mạnh thì Lão tử đã trực tiếp dạy nhiều bí quyết luyện tập cho môn đồ để hiện thực hóa cái triết lý cao siêu của Đạo Đức kinh. Các bí quyết luyện tập đó đều phải lấy Nội khí làm chìa khóa.

Ta có thể tóm tắt quá trình tu hành của đạo Phật theo chiều ngược như sau:

– Chứng thánh quả giải thoát.

– Muốn chứng thánh quả giải thoát thì phải có cảnh giới thiền định cao siêu, đạo đức vô ngã, và công đức quá khứ tràn ngập.

– Muốn có thiền định định tâm sâu xa không còn các lớp vọng tưởng thì trước hết phải có Sức tỉnh giác chánh niệm. Sức tỉnh giác chánh niệm giúp cho tâm thấy rõ vọng tưởng từ khi mới manh nha, không bị cuốn theo vọng tưởng, và tâm hết dần vọng tưởng. Hết vọng tưởng rất lâu rồi mới nhập định được.

– Muốn có sức tỉnh giác mạnh mẽ thì phải có Nội khí sung mãn, Đạo đức hiền lành, và Công đức dồi dào.

– Muốn có Nội khí sung mãn thì phải có phương pháp kỹ thuật tập luyện chuẩn xác, kẻo tập sai thì Nội lực vô hình ở dưới đáy bụng (Chân Âm) bốc lên làm hư não, gây tẩu hỏa nhập ma, rối loạn tâm thần.

Chân Âm là nguồn nội lực vô hình ở dưới đáy bụng có nhiệm vụ giữ ổn định sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Ai cũng có sẵn cái nguồn Nội lực vô hình này, nhưng ít nhiều khác nhau. Người nào bẩm sinh đã có Chân Âm sung mãn thì đầu óc khỏe mạnh thông minh, cơ thể cường tráng, sức lực dồi dào, dẻo dai. Ai ít Chân Âm thì èo uột, yếu ớt.

Dựa trên nguyên tắc đó, các nhà Đạo học, Khí công đã tạo ra rất nhiều kỹ thuật khác nhau để giúp con người làm dày lên Nội lực Chân Âm của mình. Chính vì có rất nhiều trường phái luyện tập Nội khí đó mà “võ lâm” được phong phú đa dạng, và đôi khi cũng khốc liệt tương tàn. Tuy nhiên, tất cả các kỹ thuật luyện nội khí đó đều không được đi ngược lại nguyên tắc củng cố bồi đắp Chân Âm, tức là nguồn Nội lực vô hình ở dưới đáy bụng.

Nội lực Chân Âm mà dồi dào thì đầu óc tỉnh táo, sáng suốt, và đặc biệt là THANH TỊNH. Ai có nguồn nội khí sung mãn đều rất dễ nhiếp tâm thanh tịnh. Chính vì chỗ này mà bất cứ ai tu thiền đều phải lấy việc luyện tập Khí công làm công phu chính yếu, cộng thêm với việc tu dưỡng đạo đức, quán chiếu Vô ngã để hướng về giác ngộ. Còn những ai chỉ có luyện tập Nội khí mà không quán chiếu đạo lý Vô ngã thì đã đến gần cửa đạo rồi mà không đẩy cửa bước vào, thế thôi.

Muốn bồi đắp Chân Âm nội khí thì dùng nguyên tắc Ý, Khí, Hình hợp nhất tại vùng bụng dưới.

– Ngồi kiết già, hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân đều chụm lại gần sát bụng dưới. Thân bất động, mềm mại, đẹp đẽ. Đó là Hình.

– Tâm chú ý ở vùng bụng dưới, nhất là dưới đáy bụng trước và sau các huyệt Hội âm, Dương cường (xem đồ hình huyệt đạo). Dù cảnh giới gì hiện ra cũng không được rời tâm mình khỏi vùng bụng dưới. Đó là Ý.

– Hơi thở ra, hơi thở vào êm ái, ít, nhẹ. Ban đầu chỉ cần biết hơi thở ra biết hơi thở vào rõ ràng mà không điều khiển. Sau khi nắm rõ hơi thở rồi thì tập hơi thở ra rất dài, vì công năng của hơi thở ra êm dài giúp cho tâm dễ thanh tịnh.

Sau khi tâm thanh thản nhẹ nhàng, không hấp tấp vội vã, không mong cầu tham vọng, thì bắt đầu tập kéo dài hơi thở vào và giữ lại để làm cho căng vùng bụng dưới. Ta gọi đùa là “Cửu dương thần công”, vì hơi thở vào là Dương. Hơi thở vào dài thì là Cửu dương.

Ban đầu thì tâm chú ý nhẹ nhàng ở dưới đáy bụng, hơi thở vào dài, ít, êm, nhẹ, rồi giữ yên lại đó, nhưng vùng bụng cũng chưa căng phồng. Kệ nó, ta cứ kiên nhẫn tập tiếp. Ta cứ tiếp tục hít vào ít, êm, nhẹ, dài, rồi giữ yên đó, cảm giác bụng căng phồng sẽ xuất hiện. Nhớ là tâm vẫn chú ý kỹ ở dưới đáy bụng, không được rời khỏi chỗ đó.

Khi cảm giác bụng căng phồng (sau này sẽ căng cứng), thì lập tức tâm tỉnh giác sâu, vọng tưởng bớt, nguồn phát sinh vọng tưởng bị phát hiện rất sớm, nên vọng tưởng không lộng hành được. Lúc này ta yên tâm vì biết mình đã đi đúng đường.

Ta cứ kiên nhẫn tập hơi thở vào hay hơi thở ra đều êm dài ít nhẹ mãi. Chỉ khi hơi thở vào xong thì giữ lại để cảm giác căng phồng hay căng cứng xuất hiện. Cái cảm giác căng phồng hay căng cứng xuất hiện thì tâm tỉnh giác hiện ra. Lúc này, ta vẫn cẩn thận chú ý ở dưới đáy bụng, chứ đừng để ý trên đầu mà khiến cho nội lực chạy ngược lên não làm hư não. Nhiều người tâm được yên rồi thích quá, bèn chú ý trên đầu để hưởng cảm giác thanh tịnh. Để ý trên đầu một thời gian dài làm cạn nguồn Chân Âm, nhiều bệnh sẽ xuất hiện, nhất là bệnh tiểu đường.

Lúc đó, ta hiểu rằng không hề có chuyện thiền mà tách ra khỏi việc luyện tập nội khí hơi thở. Ta chỉ tập hơi thở cho đúng kỹ thuật thì đó chính là thiền.

Ta cứ nhẹ nhàng giữ hơi cho căng bụng tự nhiên thì Chân Âm từ từ được bồi đắp sung mãn. Chân Âm nội khí này được bồi đắp sung mãn mãi thì có khi ta lại đắc nội công của võ học. Điều này càng hay, vì lúc đó sức tỉnh giác chánh niệm của Thiền là cực kỳ ổn định.

Nhưng ta vẫn nhớ rằng, ngoại đạo không giác ngộ được chỉ vì chứng thiền mà không chứng Thánh. Họ đắc khí lực siêu phàm, nội công thâm hậu, thiền định sâu xa, nhưng vẫn không phải là bậc Thánh giác ngộ. Muốn giác ngộ thì phải tu dưỡng đạo đức sâu xa hướng về Vô ngã, phải làm nhiều việc công đức lành giúp đời, phải tôn kính Phật và các bậc Thánh tuyệt đối, phải trải lòng yêu thương chúng sinh vô hạn, phải giữ tâm kín đáo khiêm hạ tột cùng…

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất