Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápThiền định và sức khỏe

Thiền định và sức khỏe

-

Sau gần 4 tháng tạm ngưng vì phòng chống dịch bệnh Covid-19, như thường lệ, Khóa tu Thiền tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long) đã diễn ra từ ngày 12 – 14/06/2020 (nhằm ngày 21 – 23/04 nhuận/Canh Tý, với sự tham dự của trên 400 thiền sinh từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nhân Khóa tu, chiều ngày 13/06/2020 (nhằm ngày 22/04 nhuận/Canh Tý), TT.Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết giảng cho các thiền sinh và đông đảo Phật tử, nhằm củng cố những kiến thức cơ bản nhất về thiền định, giúp người tu xây dựng sức mạnh nội tâm cho mình, để công phu vững bền tiến xa, đồng thời còn biết chuyển hóa bệnh tật theo quan điểm của đạo Phật.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa khẳng định, không ai dám nói tu thiền sẽ hết được mọi bệnh tật bởi cái bệnh, cái chết là nỗi khổ, là nguyên tắc cố định, bất biến, không chừa một ai. Nó cũng được Đức Phật định ra là một trong tám loại khổ của kiếp người. Và càng già, người ta càng thấm thía những đạo lý này.

Thật vậy, nguyên tắc già, bệnh, chết không ai có thể tránh khỏi. Ngay cả Đức Phật, dù nói có thể thọ một tiểu kiếp nhưng rồi Ngài vẫn phải ra đi ở thời điểm thích hợp. Hay như khi khoa học tiến bộ, con người đã viễn tưởng ra một cỗ máy scan, máy quét (có thể chỉnh lại tất cả những tế bào) chữa được mọi loại bệnh tật cho con người. Vì bệnh là gì? Bệnh là tế bào bị hư, nếu chỉnh được tế bào thì hết bệnh. Nhưng ta đâu biết, khoa học tiến tới đâu, bệnh tật tiến theo tới đó, và chưa bao giờ con người hết bệnh. Vậy nên, ta chỉ hi vọng khi mình biết tu tập, bớt gây nghiệp sát sinh làm đau khổ nhau thì bệnh tật sẽ bớt đi chứ không hết được.

Theo Thượng tọa, cái già, cái bệnh, cái chết nó là hệ quả tự nhiên của một đời sống không ai tránh khỏi. Sự sâu sa này Thượng tọa hẹn sẽ phân tích kỹ trong một bài Pháp thoại khác về nó.

Để hiểu rõ hơn về “cái bệnh” nói chung, Thượng tọa nhấn mạnh: nếu coi bệnh là một loại nghiệp thì theo nhân quả, không có nghiệp sẽ không có bệnh. Thực tế không phải vậy. Dù ta cố gắng sống hiền lành, tạo phước rất nhiều để không còn một chút nghiệp chướng thì vẫn có một cơn bệnh nhẹ khiến ta phải ra đi. Đó là một chân lý, một hệ quả tự nhiên của đời sống.

Như trận đại dịch COVID-19 lần này, trong khi cả thế giới vẫn chủ quan cho rằng nó chỉ là loại cúm mùa bình thường, đến rồi biến mất lặng lẽ, không có gì ghê gớm thì ngay từ đầu Việt Nam đã sốt sắng bước vào cuộc chiến. Nhờ sự cẩn trọng ấy mà nước ta đã chặn đứng được dịch bệnh, không có người chết, không để nó lây lan trong cộng đồng. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc, Việt Nam chính là nước chiến thắng sau đại dịch Covid-19.

Giờ đây, thế giới đang lúng túng, lo sợ, không biết đối phó như thế nào trước sự lây lan, bùng nổ của dịch bệnh. Nó cứ đến rồi tồn tại… hiện diện… và cứ lây tăng dần và người chết cũng tăng theo, không lệ thuộc bất cứ điều gì cả (chẳng hạn theo mùa). Nhân loại cũng chỉ biết trông chờ vào các nhà khoa học, nhanh chóng nghiên cứu, tìm ra vắc xin để cứu thế giới mà thôi.

Riêng Việt Nam, trước tình hình dịch bệnh Corona đang hoành hành và diễn biến phức tạp như hiện nay thì ta chống dịch bệnh bằng phương pháp thực tế, cụ thể, khoa học, đó là đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; không tụ tập nơi đông người, ở yên trong nhà kiểm tra dịch bệnh, ngưng tiếp xúc, cách ly những đối tượng nghi ngờ, v.v.. Nghe thì đơn giản nhưng cũng nhờ đó mà nước ta đã ngăn chặn được dịch bệnh. Không chỉ người dân Việt Nam, người nước ngoài mắc bệnh, các Y Bác sĩ cũng hết lòng cứu chữa, giành giật sự sống cho biết bao nhiêu người, kể cả những người đã từng có tiên lượng xấu. Nhờ vậy, chưa có trường hợp nào tử vong vì dịch ở Việt Nam.

Thượng tọa nhận định: bên cạnh khả năng lãnh đạo giỏi, quyết liệt của nhà nước trong việc thực hiện triệt để các phương pháp khoa học, thực tế ấy, ta còn có một sự may mắn bất ngờ nữa, tức những cái sâu xa nào đó nằm trong tâm hồn người Việt làm nên chiến thắng lần này, đó chính là đạo đức và tâm linh. Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ thời Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh đã nối thành một vòng đạo đức của dân tộc. Cái may mắn nữa bắt nguồn từ việc ta lễ kính Phật cùng các vị Thánh Tăng (A La Hán) mỗi ngày, nó tạo thành thần lực bảo vệ cả đất nước. Vậy mới thấy, việc chuẩn bị trước luôn cho ta sự chủ động để vượt qua mọi khó khăn, rủi ro trong cuộc sống.

Mặc khác, còn một điểm đặc biệt nữa là có người nhiễm rồi chết, có người nhiễm rồi hết bệnh. Trong phần nội dung bài Pháp thoại này, Thượng tọa sẽ phân tích cái cơ chế đó để xem mình thuộc loại người nào. Nếu mình lỡ nhiễm mình có chết hay mình sẽ vượt qua hết bệnh. Và cái chìa khóa đó có liên quan tới thiền định hay không?
Đầu tiên, nói về bệnh, thì bệnh chính là sự trục trặc, suy thoái của cơ thể (gồm các tạng phủ, xương, thịt, huyết và não bộ), tức là các bộ phận trong con người ta từ đầu đến chân có sự hư hao, trục trặc, và suy thoái. Ví dụ ta bị gãy tay thì đó là sự hư hao; hoặc ta ăn không tiêu đó là trục trặc; hoặc ta bị suy thận đó gọi là suy thoái.

Để chữa bệnh, có rất nhiều phương pháp. Trước tiên, trong cơ thể chúng ta có một cơ chế tự bảo vệ, tự phục hồi. Ví dụ, với các vết thương hở, ta chỉ cần băng bó, một thời gian sau nó tự lành. Hay khi não ta bị trục trặc, dẫn đến việc mất ngủ thì ta chỉ cần uống thuốc, tập luyện, ngồi thiền là phần hư của não sẽ được phục hồi.

Tuy nhiên, khả năng tự phục hồi này không kéo dài mãi mãi. Đến một lúc nào đó, nó cũng suy yếu. Giống như càng về già mắt càng mờ, tóc càng bạc, các cơ quan nội tạng trở nên suy yếu. Ta bệnh không phục hồi nổi nữa rồi ta chết luôn. Đó là nguyên lý. Cho nên, quy luật già, bệnh rồi chết ta không thể tránh khỏi.

Thế nhưng cái cơ thể này cho đến ngày hôm nay vẫn là một bí ẩn. Về mặt vật lý ta có 3 điều bí ẩn lớn mà loài người vẫn chưa biết hết. Đó là: đại dương, vũ trụ và con người.

Thật vậy, nói con người của ta nhưng bản thân ta lại không biết hết về nó. Nên khi đến với đạo Phật, nói thân này không phải của ta nghe rất có lý. Bởi hễ là của ta, ta phải biết rõ. Do đó, đây là triết lí, mà cũng là một điều khoa học. Giờ ta thấy, lời Phật dạy là một chân lí rất khoa học. Vì ta vô minh, không chịu biết chứ ngồi ngầm nghĩ ta sẽ thấy ngay sự thật.

Nếu thân này là của ta, ta phải biết về nó và tự chữa được mọi loại bệnh cho mình, không phải nhờ Bác sĩ chữa. Nhưng rõ ràng ta không biết gì, cũng không chữa được bệnh. Còn nếu tâm là của ta thì ta phải điều khiển được suy nghĩ. Thực tế, ta có điều khiển được tâm không? Rõ ràng là không. Suy nghiệm chỉ nhiêu đó thôi là ta bắt đầu mở một cánh cửa để tu hành, giải thoát rồi.

Nói về nguyên nhân của bệnh thì có rất nhiều. Nhưng nguyên nhân sâu xa, ẩn chứa phía sau chính là nghiệp. Vì ta có nghiệp nên ta có bệnh. Chính ngay đời sống đã là một loại nghiệp. Vậy nên, tạo phước càng nhiều ta càng ít bệnh.

Dịp này, Thượng tọa liệt kê có hai loại thầy rất được mọi người yêu mến nhưng cũng dễ tạo tội. Đó là thầy thuốc và thầy bói. Thầy thuốc khi chữa bệnh cho mọi người bằng cái tài của mình mà không chữa tận cùng cái nghiệp thì không thể chữa tận gốc của bệnh được. Thật sự, khi ta chữa bệnh cho ai là ta hưởng sự kính trọng, tiền bạc của họ và nhận lấy nghiệp của họ về mình. Chữa cách gì cũng vậy hết, ví dụ người đó họ chữa bằng thuốc, bằng nhân điện, vật lý trị liệu, sinh học, điện sinh học hay chữa bằng bùa chú, kể cả Thầy tu chú nguyện cho ai cũng đều là chuyển nghiệp người ta qua cho mình.

Đây là nguyên tắc của thầy thuốc. Do vậy, thầy thuốc mà khéo, thì bên cạnh việc cắt thuốc còn biết nhắc nhở người bệnh làm nhiều việc thiện như đắp đường, phóng sinh, trồng cây, giúp người thì sẽ rất có phước về sau, vì đã chữa được tận cái nghiệp của họ. Kể cả ta không biết gì về y thuật nhưng cứ thấy ai bệnh là khuyên họ làm phước thì ta cũng được coi là thầy thuốc. Vậy nên, nói nghề thầy thuốc khó nhưng thực ra ai cũng có thể làm được.

Nghiệp chính là nguồn gốc của bệnh tật. Nghiệp được chia làm hai loại:
– Một là nghiệp do ta làm điều sai trái, gây tổn hại, đau khổ đến chúng sinh.
– Hai là ta hưởng thụ, lạc thú riêng cho mình quá nhiều.

Nếu nói vì ta có nghiệp nên ta có bệnh”. Vậy nghiệp ta do đâu mà có?

Thượng tọa nhấn mạnh, tham – sân – si chính là động cơ để tạo nghiệp. Và khi tạo nghiệp rồi, ai cũng viện rất nhiều lí do để biện minh cho hành động sai trái của mình. Tuy nhiên, cũng trong chính những hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, lại xuất hiện những hành động, nghĩa cử, văn hóa rất đẹp. Chẳng hạn như văn hóa thà chết đói chứ không làm những điều sai lầm của người dân Việt Nam khi rơi vào nạn đói những năm 1945. Như vậy, trong nghịch cảnh khốc liệt, ta mới biết văn hóa, đạo đức của con người tới đâu.

Việc giữ phẩm giá mình cho cao đẹp trong những hoàn cảnh bức bách là điều rất khó nhưng cha ông ta đã làm được. Hôm nay, nếu thử thách lại, chưa chắc chúng ta đã vượt qua. Vậy nên, cội nguồn văn hóa cao quý ấy ta phải nghiên cứu và gìn giữ cho kĩ. Hãy nhớ những tấm gương của người đi trước để nguyện lòng mình dù khó khăn thế nào cũng duy trì, gìn giữ văn hóa đó cho con cháu đời sau.

Từ chỗ bệnh tật là do nghiệp, mà nguyên nhân của nghiệp là do tham – sân – si (tham- sân- si tạo ra bệnh tật, đau khổ, nghịch cảnh đủ thứ). Nên việc ta đến chùa tu tập thiền định chính là cái đầu mối này, làm sao kiểm soát được tham – sân – si thì ta kiểm soát được nghiệp.

Như vậy, công năng trước hết của Thiền là giúp ta kiểm soát tâm mình, kiểm soát tham – sân – si. Từ đó chặn luôn cái nguồn của nghiệp. Chưa cần nói những điều vi diệu, nhiệm mầu sâu xa, chỉ cần kiểm soát được tâm mình, ta đã trở thành một người rất đáng kính giữa cuộc đời này.

Do vậy người ta thích đến chùa vì cảm nhận những người tu trong chùa là người đạo đức, luôn đem lại niềm tin, sự an vui cho mọi người quanh mình. Thế gian nhờ đó bớt đi sự u ám, đen tối. Quả thực, không gì khổ bằng sống gần những con người độc ác, ích kỉ. Chỉ sống cạnh người đạo đức ta mới thực sự hạnh phúc. Nhưng giờ tìm đâu ra những người thực sự đạo đức?

Nếu không tìm được người đạo đức thì bản thân ta hãy trở thành người đạo đức trước để những người quanh ta được hưởng niềm vui. Và con đường để ta trở thành người tốt, đạo đức chính là tu tập, kiểm soát nội tâm bằng con đường thiền định.

Có người nói tôi không tu thiền nhưng vẫn có thể kiểm soát được thân tâm. Điều này đúng nhưng không hiệu quả bằng người có tu tập Thiền định được, bởi thiền yêu cầu chúng ta thanh tịnh nội tâm, buông bỏ hết vọng tưởng. Trong cái thanh tịnh ấy, ta dễ nhìn thấy tâm hồn mình (nếu có một vài cái vọng niệm khởi lên mình nhìn thấy ngay). Ngược lại, nếu không tu thiền, để tâm lúc nào cũng động loạn thì khó thấy cái thiện, cái ác một cách rạch ròi.

Khi tâm thanh tịnh, ngoài nhìn thấy các vọng niệm, ta còn nhìn thấy các loại tình cảm. Nó lẳng lặng khởi lên nhưng ta thấy ngay. Chẳng hạn: tham, sân, mê, nghiện, thích, chán, buồn, tức là nhiều loại tình cảm nó lẳng lặng khởi lên mình nhìn thấy liền. Còn không tu thiền ta sẽ không thấy được những điều ấy.

Người tu thiền có thể tịnh hóa, kiểm soát được nội tâm nên chặn ngay được cái nghiệp từ trong tâm. Đây là lí do ta nói Thiền là phương pháp giúp chặn cái nghiệp. Mà chặn được nghiệp, ta cũng chặn luôn được bệnh. Vậy nên, người tu thiền giai đoạn đầu có thể bị bệnh nhưng dần dần sẽ khỏe lên. Lý do họ chặn được cái nguồn của nghiệp trong nội tâm của mình

Ngoài cái nghiệp, cơ thể cũng có những quy luật riêng. Đó là nếu vận động, nghỉ ngơi hợp lí, cũng giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh. Nhưng như thế nào là hợp lí, nó lại phụ thuộc vào trí tuệ của ta.

Đúng vậy. Cơ thể mà không vận động nó sẽ suy thoái rất nhanh. Không chỉ người trẻ, người già cũng phải vận động. Vậy vận động bằng phương pháp gì? Đó là tập luyện có tải và không tải. Tập không tải là chỉ vận động, đánh vào không khí mà không có đụng chạm tới ai, giống như tập khí công vậy. Tập có tải là có đụng chạm, ví dụ như nâng tạ, đánh bao cát,…Còn nếu đứng yên, sức khỏe cơ thể tụt rất nhanh. Vậy nên, ta phải cố gắng vận động và luyện tập hợp lí.

Để hiểu vận động hợp lí là gì, Thượng tọa chia nó làm hai loại. Một là vận động tạo ra phước và vận động không tạo ra phước. Vận động tạo ra phước là ta vận động cho cơ thể nhưng tạo ra lợi ích cho cuộc đời. Ví dụ: cuốc đất trồng rau,.. Ngược lại, vận động không tạo ra phước là ta chỉ vận động cho cơ thể mà không mang lại lợi ích gì cho cuộc đời. Ví dụ: chạy bộ, bơi lội, đá bóng,..

Những người vận động không tạo ra phước thì phải tìm cách tạo phước ở chỗ khác. Nếu không, chỉ ăn với vận động thì khi hết phước, bệnh tật xuất hiện sẽ gãy ngang, rồi chết liền.

Trên đây ta vừa phân tích vai trò của thiền định có liên quan tới sức khỏe ở khía cạnh về tâm lý, về nhân quả. Bây giờ ta nói khía cạnh cơ chế của cái điện sinh học.

Khi ngồi thiền, ta giữ thân mềm mại, bất động, biết rõ toàn thân (tâm luôn quay vào kiểm soát biết rõ toàn thân, biết rõ tới chỗ thấp nhất của đáy bụng), rồi biết hơi thở vào, biết hơi thở ra thì cơ thể ta tự nhiên xuất hiện một nguồn điện sinh học. Nguồn điện này ít hay nhiều lại tùy thuộc vào cơ địa, thể tạng, cái phước của từng người. Nguồn điện sinh học là gì?

Nguồn điện sinh học là một loại khí lực vô hình, giúp cơ thể ta vận động khỏe mạnh, nuôi dưỡng các tế bào, chống lại bệnh tật. Vậy nên, các tế bào của ta hoạt động không chỉ bằng dưỡng chất mà còn một chất vô hình là điện sinh học. Nhờ nó, ta thêm phần khỏe mạnh. Để có nguồn điện này, ta phải bắt đầu từ việc thiền đúng phương pháp.

Nhân đây, Thượng tọa đã dẫn giải nhiều ví dụ thực tế kèm phân tích yếu tố bệnh lý, y lý, thiền định và khí công để giúp mọi người có thêm một phương pháp chữa bệnh cho người khác và cũng cho mình bằng điện sinh học sao cho đạt được hiểu quả cao.

Lại nữa, Thượng tọa phân tích thêm nguồn điện sinh học đó còn có công năng tăng cường hệ miễn dịch cho chúng ta nhằm bảo vệ chống lại bệnh tật. Vì vậy, trong cơn đại dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu thì những người nào có ngồi thiền, có tập khí công, có làm phước, có vận động hợp lý sẽ là những người mà tỷ lệ chết rất thấp hoặc là bằng không, nếu lỡ bị nhiễm cũng có khi sẽ vượt qua được.

Người xưa nói: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Tức sống và chết, già và bệnh là quy luật tất nhiên, không ai có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, người già, bệnh rồi chết là chuyện bình thường, nhưng có những người chưa già mà đã chết là vì sao?

Một trong hai nguyên nhân với người chưa già mà đã chết:

1. Người này bị cái nghiệp yểu mạng (số bị chết sớm), không đủ phước để sống, không đủ phước để hoàn thành những ước nguyện, sự nghiệp của mình.

2. Nguyên nhân thứ hai của người chết sớm không phải do yểu mạng, thiếu phước mà do thay đổi kiếp sống để làm một nhiệm vụ khác. Đây là trường hợp những người rất đặc biệt, có một sự sắp xếp gì đó (một duyên nghiệp, một sứ mạng, hay một sự chọn lựa của riêng họ).

Ngược lại, có người thọ mạng dài là vì sao?

Người thọ mạng dài lâu là người có phước. Nhưng ông bà mình cũng nói một câu là “đa thọ đa nhục”. Tại sao sống lâu nhục? Vì lúc đó người tuổi già thường hay lú lẫn, gối mõi lưng còng, ăn uống khó khăn, không còn tự lo cho mình được nữa, mà phải lệ thuộc vào con cháu. Khi ấy ông /bà rất khổ tâm, không biết con cháu đối xử với mình có đàng hoàng hay không. Đây là nỗi khổ niềm đau của người già. Nên sống lâu cũng chưa chắc là hay, mà sống đúng lúc là hay nhất.

Do vậy, người chết sớm cũng chưa chắc là vì họ có tội; mà người sống lâu cũng chưa hẳn là một điều tốt lành gì. Chỉ những người có tu tập thiền định mới có nhiều ưu thế, nhiều thuận lợi trong việc giữ gìn sức khỏe của mình.

Cuối bài Pháp thoại, Thượng tọa nhắc nhở thêm, để sống khỏe mạnh ta cần lưu ý: lúc còn trẻ thì việc ăn uống làm cho ta khỏe. Nhưng khi già rồi ăn mà không hợp lý sẽ làm cho ta mau chết. “Đói bụng” là tín hiệu ta cần bổ sung thức ăn để nạp năng lượng cho cơ thể (để sống). Thời còn trẻ, đói giờ nào ăn giờ đó, nhiều khi chưa đói cũng ăn, nhưng khi về già lúc đói bụng đừng ăn, kiên nhẫn đợi cho qua cơn đói rồi hãy ăn, đó là bí quyết để sống lâu. Nên nhớ quy luật sống khỏe của người trẻ và người già khác nhau là như vậy.

Như trên, Thượng tọa vừa phân tích tình trạng bệnh tật trên toàn cầu năm 2020, cũng như bệnh tật trong cái thân phận của con người, và phương pháp để thoát khỏi sự chi phối khổ sở của bệnh tật, tuổi già.

Đây là bài Pháp thoại hết sức cụ thể, thực tế, không có gì khó hiểu hay huyền hoặc. Nhờ sự phân tích tỉ mỉ, khéo léo, sắc sảo của Thượng tọa, quý Phật tử đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng của Thiền trong việc phát triển trí tuệ và sức khoẻ con người. Từ đó mọi người có con đường tu tập đúng đắn để vừa tu thân, vừa tu tâm, sớm đi đến bờ giác ngộ, đồng thời có cách vượt qua bệnh tật, đau khổ, nghịch cảnh trong cuộc sống của mỗi người.

Bài Pháp thoại này còn truyền dạy, khuyến khích, tạo cảm hứng cho các Phật tử tu tập và duy trì, gìn giữ giềng mối Thiền cho các thế hệ sau, nhằm xiển dương Chánh pháp của Như Lai. Thiền mới là cái gốc của đạo Phật, là việc ta cần làm để thực hành được lời Phật dạy trong thời đại ngày nay. Vai trò quan trọng của Thiền là giúp chúng sinh đi vào sự tĩnh lặng tột cùng. Từ đó, có thể phục hồi năng lượng (sức khỏe), khởi sinh trí tuệ, giúp con người có đạo đức, biết ứng xử khôn khéo, đúng đắn hơn trước mọi vấn đề.

Phật pháp có hưng thịnh là do có nhiều người biết tu tập thiền định. Đức Phật đắc đạo là do thiền định, cả một đời bốn mươi lăm năm thuyết Pháp cũng chỉ dạy về thiền định. Do vậy, nếu ta muốn Phật pháp trường tồn thì chính bản thân ta phải tinh tấn thiền định và dẫn dắt nhiều người cùng biết tu tập thiền. Đó là ta đền ơn đáp nghĩa đúng Chánh pháp đối với Đức Phật và Thầy Tổ mình./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa tu:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất