Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTP. HCM: TT. Thích Chân Quang tiếp tục loạt bài mới về...

TP. HCM: TT. Thích Chân Quang tiếp tục loạt bài mới về Bồ Tát Đại Thừa

-

Nhân khóa tu thiền tại chùa Từ Tân (số 90/153, đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình), sáng ngày 31/07/2016, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã tiếp tục loạt bài giảng mới về Bồ tát Đại thừa, đặc biệt là về tính chất, hành trạng của các vị Bồ tát, trong đó nhấn mạnh đến Pháp tu Lục độ Ba la mật. Buổi Pháp thoại với sự tham dự trên 1000 phật tử xa gần và hơn 600 Thiền sinh tại khóa tu.

A1_06-08-2016

Được biết, “Lục độ Ba la mật” là pháp tu của hàng Bồ tát, được hiểu khái quát là phương tiện đưa người qua bờ bên kia, từ bờ mê qua bờ giác. Người phật tử tu hạnh Bồ tát ngoài 10 điều thiện thì phải tu tập pháp Lục độ Ba la mật, đó là: Bố thí ba la mật; trì giới ba la mật; nhẫn nhục ba la mật; tinh tấn ba la mật, thiền định ba la mật; và trí huệ ba la mật. Sáu môn tu tập này có công năng như một chiếc thuyền đưa ta từ bờ vô minh sang bên bờ giác ngộ của Chư Phật. Trong đó, bố thí, trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn được gọi là tu phước còn thiền định và trí huệ được gọi là tu tuệ. Người tu hành muốn đạt được sự giải thoát, giác ngộ hoàn toàn thì phải tu cả phước lẫn tuệ.

Để giúp các phật tử hiểu rõ và đầy đủ hơn về Lục độ Ba la mật của Bồ tát, trong khóa tu này, Thượng tọa tiếp tục thuyết giảng về “Nhẫn nhục và tinh tấn ba la mật”. Trong phạm vi đề tài này, ngoài việc đưa ra khái niệm, đặc điểm, vai trò, Người còn trích dẫn thêm nhiều ví dụ để dẫn đắt cho các phật tử hiểu một cách tường tận về hai đặc tính tu tập này. Đây chính là những nguyên liệu cần thiết để hình thành nên chiếc bè đưa người tu hành cập bến giác ngộ.

A0_06-08-2016

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định nhẫn nhục là sự cam chịu, nhẫn nhịn. Trên cuộc đời cũng như trên đường đạo, chúng ta có thể gặp rất nhiều chuyện không như ý khiến ta khổ sở, đau đớn, oan ức, v.v… Tuy nhiên, với người tu đạo Bồ tát là không được khởi phiền não, giận hờn, thù oán, mà phải nhẫn nhục đến mức tuyệt đối, viên mãn đối trước mọi nghịch cảnh. Đó gọi là “Nhẫn nhục Ba la mật”.

Nhân đây, Người trích dẫn nhiều ví dụ từ thực tế những câu chuyện ngoài đời cũng như trong phim ảnh để chứng minh cho chúng ta thấy: Sự nhẫn nhục của con người  là có giới hạn. Như trước một sự việc không như ý (áp bức, bất công, sự xúc phạm, oan ức) dù cố gắng nhẫn nhịn rất nhiều, nhưng đến mức độ không chịu được nữa thì họ buộc lòng phản kháng, đánh lại kẻ ác. Còn ở trong đạo, hạnh của Bồ tát là sự nhẫn nhục mãi.

A30_06-08-2016

Ta biết rằng: Một người phát tâm Bồ tát nhưng chưa chắc đã tu tập xong hoàn toàn, nhiều khi họ mới vào Thánh địa nho nhỏ. Trước khi làm Bồ tát, các vị đó cũng là phàm phu, cũng còn vô minh, tham, sân, si nên tạo vô số nghiệp. Có thể, những nghiệp đó đã trả rồi, nhưng cũng có nghiệp ta chưa trả được.Và khi trở thành Bồ tát, cái nghiệp đó vẫn bám theo ta một cách dai dẳng để đòi nợ. Vì vậy, để trả hết nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi ta phải có sự kiên nhẫn.

Xét về quan điểm, sự nhẫn nhục của các vị Bồ tát rất khác với phàm phu. Thường người phàm khi mắc nợ ai đều có tâm lý là thỏa thuận, nài nỉ, xin trả từ từ. Còn với quan điểm nhẫn nhục Ba la mật của Bồ tát là trả cho hết những món nợ xưa, không giằng co, không phản kháng.

A46_06-08-2016

Theo Thượng tọa, “Nhẫn nhục Ba la mật” bao gồm 5 mức độ. Đầu tiên, khi bị xúc phạm thì không nói, không trả lời lại. Thứ hai là không giận lại người xúc phạm mình. Thứ ba là không khổ, không buồn, không tự ái. Thứ tư là không được có ý định trả thù. Cuối cùng, đợi người ta qua cơn tức giận rồi mình tìm cách làm quen lại. Sức chịu đựng của người phàm không thể làm được những việc này, nhưng Bồ tát phải làm cho được, vì các Ngài hiểu rất rõ về nhân quả. Ví dụ hiện tại có người xúc phạm mình, đó là vì kiếp trước mình đã làm một việc gì khiến họ buồn giận. Cho nên, hành động “Bị xúc phạm” là do nghiệp thúc đẩy.

Ngoài ra, trong vô lượng kiếp, có khi vì tham, sân, si, hoặc do vô tình trong một cuộc vui nào đó, ta đã gây tổn hại đến chúng sinh, nên kết thành oan trái. Mặc dù, có những kiếp ta biết tu tập, biết làm phước rất nhiều, nhưng nợ đời trước vẫn phải trả. Và khi bị đòi nợ, tâm lí của chúng sinh là không muốn trả hết, thậm chí còn dùng mọi thủ đoạn kể cả giết người để trốn nợ. Vì thế, ta không những không trả được nợ cũ mà còn gây thêm nợ mới. Còn Bồ tát, dù nghèo đến mấy họ cũng cố gắng trả hết nợ để không bị vướng bận, vì nếu còn mắc nợ thì không thể tu hành giải thoát được.

A25_06-08-2016

Dịp này, Thượng toạ nêu ra một vấn đề thoạt nghe qua ai cũng giật mình, vì không ai để ý đến việc đó cả, nhằm nói lên những khó khăn trở ngại rất lớn lao của hàng sơ cơ học Phật khi chưa nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ môi trường, đó là từng ngày chúng ta đã gieo một món nợ đối với thiên nhiên là tạo ra sự dơ bẩn cho đất trời. Tức ta lấy nước sạch từ thiên nhiên để phục vụ cho việc ăn – uống – tắm – rửa. Sau đó, mình trả lại thiên nhiên nước cực kì bẩn, khiến dòng sông, cống rãnh đen ngòm, bốc mùi hôi thối, làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự sống của muôn loài. Trong đó có một nguyên nhân là sử dụng xà phòng nhiều quá. Cho nên, nếu chúng ta cứ trả lại thiên nhiên nước dơ bẩn thì tu gì tu mình cũng chẳng bao giờ thành công, chỉ vì món nợ mình để lại trái đất này.

Nhẫn nhục không được nói đến trong Bát Chánh Đạo, nhưng trong Lục độ của Bồ tát, nó được kết thành một trong sáu vấn đề, sáu đạo hạnh quan trọng của một vị Bồ tát phải tu tập. Có quan sát hệ thống kinh điển Đại thừa mới thấy rằng: Việc trả nghiệp là một việc rất quan trọng của một vị Bồ tát. Và tạo phước cũng là một điều rất quan trọng không kém (bố thí, trì giới là việc tạo phước rất lớn). Nhưng tạo phước nhiều mà nghiệp không trả thì vẫn không bay lên được, vì nghiệp bao vây, khiến ta không xoay sở, không nhúc nhích được.

A18_06-08-2016

Người phàm phu khi bị xúc phạm có thể im lặng, không hờn giận, không đau khổ, không nghĩ cách trả thù, nhưng rất khó có thể quay lại kết bạn với người xúc phạm mình. Chúng ta không biết rằng, việc chủ động làm quen lại không những giúp ta hóa giải nghiệp xưa mà còn tạo được duyên lành mới, vì tâm của Bồ tát là không được quyền từ bỏ chúng sinh nào. Thế nên, mới có câu: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ” trong bài kệ Tứ hoằng thệ nguyện –  là bốn đại thệ của một vị Bồ tát. Cho nên, chúng sinh có xấu xa, độc ác, kinh khủng đến mức nào cũng không được từ bỏ, dù chỉ một người. Có thể, Ngài chưa độ ngay được, nhưng lúc nào Ngài cũng yêu thương, mong có cơ hội hóa độ cho chúng sinh tốt lên. Đó vừa là tâm, vừa là sự nhẫn nhục của Bồ tát.

Trong sự nhẫn nhục của Bồ tát, có cả sự nhẫn nhục thụ động và nhẫn nhục tích cực. Nhẫn nhục thụ động là không nói, không chửi mắng, không phản ứng, không giận hờn và không trả thù lại. Nhẫn nhục tích cực là gieo duyên lành trở lại với người xúc phạm mình (tức đợi cho đối phương qua cơn nóng giận, họ kết duyên lành trở lại liền). Thiết nghĩ, người phàm phu chúng ta cố gắng lắm mới có thể đạt được sự nhẫn nhục thụ động thì những vị tu hành chân chính đều đạt được cả hai loại nhẫn nhục đó. Ở đây, ta mới thấy sự vĩ đại của một vị Bồ tát tu nhẫn nhục Ba la mật.

A18a_06-08-2016

Nhẫn nhục tuyệt đối là phải làm được cả việc gieo duyên lành với người xúc phạm mình để mình hóa độ họ. Có thể việc hóa độ này mất rất nhiều thời gian nhưng mình cứ gieo duyên lành trước đã. Sau đó, nhờ cái duyên lành này để hóa độ họ dần dần theo thời gian.

Theo đó, Thượng tọa phân tích rành mạch, do đâu mà ta có được năm cái tâm để nhẫn nhục? Qua đó, Người nhấn mạnh “Trước hành động xúc phạm của người khác, ta nên im lặng và đừng phản ứng gì, vì họ là những người yếu đuối. Họ xúc phạm ta là họ sai, nên ta cố gắng để không sai như họ. Như vậy, số người sai trên đời này sẽ được bớt đi ít nhất một người.

Trong đạo Phật cũng vậy, nếu hai vị thầy cùng xúc phạm nhau, không chịu nhường nhịn nhau thì cả hai đều xấu, gây ảnh hưởng đến cả đạo Phật. Tuy nhiên, nếu một người biết im lặng thì ta tin rằng trong đạo Phật còn có một người chân tu. Đây cũng là lí do ta đừng bắt chước kẻ xấu để bảo vệ danh dự của đạo Pháp, của quốc gia, dân tộc, và của gia đình mình. Thường ta cứ tưởng phải bố thí thì mới có phước, nhưng không ngờ chính sự im lặng nhẫn nhục, lòng thanh tịnh mà ta đã tạo phước rất nhiều, vì ta có công giữ gìn danh dự cho đạo pháp, cho quốc gia của mình. Tuy nhiên, để có thể nhẫn nhịn, để có thể im lặng mà cười trước sự xúc phạm của người khác rất khó. Ta phải có ít nhất ba điều: Ý chí, tu tập thiền định và phước dày. Một khi có ba điều này thì ta sẽ có sức mạnh để nhẫn nhục, nhất là thiền định.

A37_06-08-2016

Người tu thiền mà có được chánh niệm thì không còn nổi nóng, không còn buồn giận, đạt được sự nhẫn nhục một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không cố gắng, không ức chế. Để đạt được thiền định, ta phải có ý chí và có phước rất lớn. Vậy nên, ba yếu tố đó có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Người nhiều phước thì tự nhiên tinh thần họ mạnh lên, không còn giận hờn. Họ cũng rất dễ thành công, trong khi những người kém phước thì ngược lại. Để có nhiều phước thì ta cố gắng lễ Phật sám hối, giúp đỡ mọi người, bố thí, phóng sinh, v.v… Khi phước lớn rồi thì tâm mình bỗng nhiên định hình lại, vững vàng hơn.

Có một số nghịch cảnh mà ta phải nhẫn nhục khi gặp phải là: Bệnh tật, tai nạn bất ngờ, nghèo đói, sự oan ức, sự xúc phạm, sự đánh giết, sự ngược đãi, sự tù đày… Vì những nghịch cảnh này – chính là cơ hội để ta tu tập hạnh nhẫn nhục – nhẫn nhục cho tới mức độ như Bồ tát. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ta phải đứng lên đấu tranh, phản kháng. Đó là khi đất nước bị xâm lược, nếu ta không đấu tranh thì chúng sẽ áp bức, ngược đãi, giết hại, cưỡng bức, gieo đau khổ cùng cực cho người dân mình. Chiến tranh gieo đau khổ, nhưng cũng là cơ hội để cho những người anh hùng biết sống vị tha, sống vì nhân dân, vì đất nước xuất hiện. Vì lợi ích của số đông người dân, chúng ta không được lấy lí do nhẫn nhục để rồi nhìn cảnh khổ ập lên muôn dân. Nhẫn nhục lúc này là một quan điểm nhu nhược, sai lầm.

A39_06-08-2016

Nói về tinh tấn, Thượng tọa khẳng định tinh tấn là cố gắng tu. Tinh tấn trong Lục độ Bồ tát mang nghĩa rộng hơn tinh tấn trong Bát chánh đạo. Trong Bát chánh đạo, một người hành giả sau khi đã đầy đủ công đức, đã thuận duyên thì bước vào công phu tu tập thiền định. Lúc này, mới nói tới Chánh tinh tấn, nghĩa là tinh tấn chỉ để tu thiền mà thôi. Chánh tinh tấn trong Bát chánh đạo chỉ nói đến điều đó chứ không nói điều gì khác, vì thiền định quá khó. Tất cả sức mạnh và ý chí của ta chỉ dành cho tu tập thiền định.

Khi ta bắt chân ngồi thiền thì thân đau, tâm loạn, nhưng vẫn phải bắt mình ngồi yên, thật là một cực hình, mà cứ tu hoài dù không có kết quả. Vậy nên, giai đoạn bắt đầu vào thiền gọi là Chánh tinh tấn, vì tu thiền khó, mất nhiều thời gian, có khi phải đến 30 năm tu mới thấy có kết quả.

A49_06-08-2016

Riêng tinh tấn trong Lục độ Ba la mật thì rộng hơn, đây là mọi công hạnh của sự tu tập, kể cả thiền định. Các công hạnh này có thể từ việc ta siêng năng lễ Phật, ta rèn luyện thân thể cho khỏe để ngồi thiền, ta rèn luyện thân tâm,.. đó đều gọi là tinh tấn Ba la mật. Những việc mà tạo ra công hạnh thì ta đều cố gắng làm để hỗ trợ cho thiền, đấy là tinh tấn Ba la mật.

Tuy nhiên, tinh tấn ở đây còn có những nghĩa khác. Thứ nhất là tu không hề dễ chứng nên ta phải tinh tấn, không được nản. Thứ hai là khi chứng rồi thì ta phải tu lại từ đầu, vì có thể kiếp này hay kiếp khác ta lại đánh mất kết quả tu tập đó. Quy luật này cho thấy các vị Thánh tu tập vô cùng khó khăn, khổ sở. Đồng thời, nó cũng thể hiện cái tinh tấn của Bồ tát.

Chúng ta tu không dễ chứng vì cái nghiệp của ta vô lượng kiếp nó dày, dù mình có phát tâm tu tập, nhưng khối vô minh, kiết sử đặc quánh, đánh nó cũng khó vỡ. Ngay cả cái nghiệp trong tâm ta, hay còn gọi là nghiệp thức cũng cứng như đá. Để đập được khối đá vô minh, kiết sử và cái nghiệp trong tâm, ta cần có vũ khí được định bằng phước rất lớn. Thế nên, một vị Bồ tát tu hành phải lo tích lũy công đức rất nhiều mới có cái vũ khí đó.

A48_06-08-2016

Ngày nay, khi chúng ta nhìn hình của các vị Bồ tát như: Bồ tát Kim Cang, Bồ tát Văn Thù,… đều thấy các Ngài cầm cây kiếm báu, cây kiếm của trí tuệ để chiến đấu với nghiệp thức, để chém cái vô minh. Vì cái nghiệp của ta rất khó bị phá vỡ, nên ta phải kết hợp đồng thời giữa việc tu tập thiền định và làm nhiều công đức để đánh thẳng vào nghiệp thức của mình. Đây cũng là lí do mà ta phải tinh tấn, phải có sức mạnh, sự quyết tâm và cả sự kiên định để chiến thắng trong cuộc chiến với cái nghiệp của chính bản thân.

Tu thiền khó chứng, nhưng khi chứng rồi thì lại dễ mất khiến ta phải tu lại từ đầu. Lí do là vì khi chứng thiền, ta được hưởng phước cõi trời, sống trong trạng thái của Chư thiên, lúc nào cũng hạnh phúc, sung sướng, nhẹ nhàng. Lúc này, ta nghĩ ta chứng, tâm ta bắt đầu nổi lên sự kiêu mạn. Suy nghĩ đó vừa khởi lên là ta mất luôn quả chứng của mình. Do vậy, ta cần sức mạnh của sự tinh tấn để không nản chí, quyết tâm tu tập lại lần nữa và không để bị vấp ngã thêm dù chỉ một lần.

A20_06-08-2016

Tinh tấn Ba la mật là trong lòng mình đã nhìn thấy và biết chắc những điều đó cho tới cả mấy triệu năm sau. Điều này giúp ta chuẩn bị tâm thế để đi tiếp dù chặng đường có dài, có khó khăn cỡ nào cũng không nản bước.

Bằng những ngôn từ đơn giản, các ví dụ có thực trong cuộc sống hằng ngày, Thượng tọa đã đem đến một cái nhìn mới mẻ, rõ ràng về sự nhẫn nhục và tinh tấn Ba la mật. Việc hiểu rõ ràng, đầy đủ về 2 phương tiện này sẽ giúp các phật tử tu tập và sử dụng chúng một cách đúng đắn, khoa học, phục vụ hữu ích cho việc tu tập của bản thân. Bài Pháp cũng là miếng ghép còn lại về việc tu phước trong đạo Phật để ta thấy rằng tu phước không chỉ là bố thí, giúp đỡ người khác mà còn thêm cả sự trì hạnh nhẫn nhục và tinh tấn.

A31a_06-08-2016

Lại nữa, bài Pháp không chỉ phục vụ cho việc tu hành của phật tử mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách và đạo đức, tạo dựng nên những con người chân-thiện-mỹ. Họ chính là những nhân tố, nguồn lực quan trọng để xây dựng nên một thế giới hòa bình, tốt đẹp./.

Tuệ Đăng

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất