Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức và sự kiệnTin tức Phật GiáoTP. Hồ Chí Minh: Phật tử Việt Nam chung tay bảo vệ...

TP. Hồ Chí Minh: Phật tử Việt Nam chung tay bảo vệ tê giác thế giới

-

Sáng ngày 01/05/2016, tại chùa Từ Tân ( Số: 90/153 Trường Chinh, P.12, Quận Tân Bình, TPHCM), nhằm hưởng ứng chiến dịch CHẤM DỨT SỬ DỤNG SỪNG TÊ, HT Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân đã có buổi nói chuyện với đông đảo phật tử về việc bảo vệ tê giác, nhằm nâng cao nhận thức cho mọi thành phần trong xã hội và tăng cường hợp tác để cùng chung tay bảo tồn các quần thể tê giác ít ỏi còn lại trên hành tinh chúng ta.

Hoà thượng cho biết, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác đã tăng nhanh trong những năm gần đây, dẫn đến tình trạng suy giảm đột ngột quần thể tê giác trên toàn cầu. Và việc săn bắt tê giác bất hợp pháp tại Nam Phi đã có sự nhúng tay của các băng nhóm tội phạm của Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu thế giới trong việc tiêu thụ sừng tế giác. Điều này hoàn toàn bất ngờ, vì Việt Nam là nước nghèo mà lại dẫn đầu về tiêu thụ sừng tê. Người Việt Nam có nhu cầu sử dụng sừng tê giác là do tin lời đồn thổi coi sừng tê giác là thần dược chữa các bệnh nan y như: Ung thư, thuốc giải say rượu, đột quỵ, tăng cường sinh lực, và là một biểu tượng thể hiện đẳng cấp của giới thượng lưu.

Người săn trộm thường dùng rìu hoặc rựa khoét sâu vào mặt tê giác để lấy sừng, khiến tê giác bị chảy máu đến chết. Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, gần đây, Việt Nam bị coi là nước tiêu thụ và trung chuyển sừng tê giác khiến loài tê giác Java của Việt Nam bị tuyệt chủng và tê giác châu Phi bị giết hại, mặc dù khoa học đã chứng minh sừng tê không có giá trị y học.

Thật ra, không phải chỉ ở Việt Nam mà Trung Quốc là một nước tiêu thụ sừng tê giác hoành tráng hơn chúng ta. Quan điểm về đông y, về các loại thuốc ở nơi các loài động vật đều xuất phát chủ yếu từ Trung Quốc. Ngoài tê giác, các loài động vật quý hiếm khác như: Hổ, voi, gấu ngày càng ít đi và sự tuyệt chủng đối với các loài đó không xa, chủ yếu là do tư tưởng ý thức của con người về giá trị của chúng đối với sức khỏe của mình.

Về mặt vật liệu cấu thành, sừng tê chẳng khác gì sừng trâu hay sừng bò (tê giác cũng ăn cỏ như trâu bò) hay móng tay người. Sừng tê giác được tạo nên từ keratin, một loại protein tồn tại trong tóc và móng tay, móng chân của người”. Chúng không có tác dụng chữa bệnh ung thư và các bệnh nan y khác”. Cho nên, tất cả những giá trị về thuốc men ở sừng tê giác đều là tưởng tượng mà thôi. Không có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy sừng tê giác giúp tăng cường sức khỏe của con người. Nhiều Bác sĩ Y học Cổ truyền cũng đã lên tiếng phản đối việc sử dụng sừng tê giác để trị bệnh, đặc biệt là ung thư. Theo GS. BS Hoàng Bảo Châu “Hiện nay tê giác đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do săn bắn trộm, loài này có tên trong sách đỏ và được bảo vệ bởi pháp luật. Vì vậy mặc dù sừng tê giác được nhắc tới trong một số sách Y dược cổ truyền cổ phương, nhưng dưới góc độ là Bác sỹ đông y, tôi nghĩ chúng ta nên hành động bằng cách sử dụng các loại thuốc thay thế rất hiệu quả (trong đó có một số loại thuốc thảo dược), và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân”.

Trong tháng 05/2014, Bộ Y Tế của Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi người dân Việt Nam không sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh.

Và từ năm 2014, Bộ Thông Tin và Truyền Thông phối hợp với Tổ chức cứu trợ hoang dã (WildAid), Quỹ hoang dã châu Phi đã phát động chiến dịch chấm dứt sử dụng sừng tê giác “không có người mua – không còn kẻ giết” kéo dài 3 năm, và năm nay là năm cuối, nhằm góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng săn trộm và hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn nạn vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ trái phép sừng tê giác tại Việt Nam.

Có yếu tố đặc biệt, vì nhu cầu sử dụng sừng tê giác xuất phát từ niềm tin mang yếu tố tâm linh, nên trong thời gian sắp tới, tổ chức này sẽ phát động một chiến dịch tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và đặc biệt là các phật tử đã – đang và có điều kiện để sử dụng sừng tê giác, cùng với niềm tin rằng sừng tê giác có thể chữa được bệnh nan y hoặc là một biểu tượng của sự thịnh vượng, quyền lực, v.v… Nói về yếu tố tâm linh, có lẽ là nói về năng lượng, về phong thủy chứ không phải là tâm linh theo kiểu giác ngộ giải thoát của Phật giáo. Ai nghĩ rằng “sừng tê giác” để trong nhà thì may mắn sẽ đến, đó đều là ảo ảnh.

Theo nhận định của Hoà thượng: Sừng tê giác không có hiệu quả thực tiễn nào, chỉ là ảo ảnh, là lời đồn thổi, giá trị được tạo nên bởi dư luận, bởi những cảm giác không đúng. Cho nên người phật tử – đương nhiên là không ai màng tới sừng tê giác – ngoại trừ những người có nhận thức nhầm lẫn.

Tuy nhiên, tại sao chúng ta phải đặt vấn đề sừng tê giác trong khi ở Việt Nam không còn một con nào. Tất cả chúng ta hãy bảo vệ tê giác dù Việt Nam không còn con nào. Nhưng trên thế giới thì còn một số, và một số đó đang có nguy cơ hủy diệt bởi nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam, và những người mua – vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam. Tại sao chúng ta gián tiếp hủy diệt tê giác trên thế giới và sử dụng nhiểu hơn người khác? Vì ý thức bảo vệ môi trường của chúng ta rất kém.

Các nước khác tiên tiến hơn, giàu có hơn, nhưng họ không sử dụng sừng tê giác bởi vì họ hiểu rõ giá trị thực của tê giác và họ rất tôn trọng bảo vệ thiên nhiên, nhất là động vật hoang dã, còn chúng ta thì không cần. Trung Quốc và Việt Nam gần giống nhau ở chỗ là sử dụng động vật để làm thuốc, trong đó, nhiều bài thuốc là do truyền miệng, còn thực tế chứng minh là chưa có. Trong khi đó khoảng 70 – 80% sừng tê giác hiện có tại Việt Nam là đồ giả.

Một điều chắc thật, các phật tử ở đây không ai sử dụng sừng tê giác, vì không tin, không có tiền và do chúng ta hiểu rõ: Hiện nay, tính đa dạng sinh vật trên trái đất đang bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng. Sự thay đổi của khí hậu, thảm họa thiên nhiên chỉ là một phần lý do, nguyên nhân chính vẫn là ở con người. Do chúng ta đang can thiệp quá sâu vào sự sống của muôn loài, tác động quá nhiều đến tự nhiên và quên đi việc duy trì sự sống cho chính mình. Hàng năm đều có nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng, hệ sinh thái chắc chắn bị mất cân bằng. Nếu sự việc này không được ý thức sớm thì điều các nhà nghiên cứu lo ngại sẽ thực sự xảy ra. Lúc đó không cần đến một thảm họa thì loài người cũng bắt đầu ở trong nguy cơ bị tuyệt chủng.

Do vậy, đối với gia đình, bạn bè, người thân, và những mối quan hệ, chúng ta cần cho họ biết rằng: Thực sự sừng tê giác không giá trị như họ nghĩ và sự hủy diệt tê giác trên thế giới đưa đến hiểm họa tiềm tàng đối với đời sống của con người, của trái đất chúng ta. Cho nên, phật tử Việt Nam hãy chung tay bảo vệ tê giác của thế giới và kêu gọi các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp thực thi pháp luật mạnh mẽ để ngăn chăn tận gốc việc buôn bán trái phép sừng tê giác./.

Ban biên tập

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất