Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangTT. Thích Chân Quang thuyết giảng chủ đề “Mạng”

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng chủ đề “Mạng”

-

Đến hẹn lại lên, thể theo chương trình khóa tu Thiền tại chùa Từ Tân (số 90/153, đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình, TP. HCM), sáng ngày 23/04/2017, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm đạo tràng có buổi thuyết Pháp về đề tài “MẠNG” cho hơn 800 thiền sinh và hơn 1000 phật tử gần xa.

a22_05-05-2017

Bài Pháp thoại đã mở ra rất nhiều kiến thức mới mẻ về vũ trụ cũng như cảnh giới của Phật và các vị Bồ tát. Qua đây, các phật tử có thêm sự hiểu biết về các cõi, về vũ trụ. Từ đó, mọi người biết phấn đấu tu tập, không chỉ đạt được sự giác ngộ cho bản thân, mà còn có thể giáo hóa được cho người khác, giúp mọi người vững niềm tin vào ngôi Tam Bảo.

Trước khi đi vào nội dung, Thượng tọa khẳng định chủ đề “mạng” này hơi khó nên Người không mong các phật tử hiểu hết, chỉ hi vọng mọi người cố gắng nắm bắt được chút nào hay chút ấy.

Nói đến chữ “mạng”, mới nghe ta nghĩ là mạng nhện. Sau này có thêm mạng internet để tương tác, giao tiếp, kết nối với nhau. Còn các vị Bồ tát cũng có một loại “mạng” đó là mạng vũ trụ. Người nào lọt được vào mạng này thì rất thú vị. Tuy nhiên, để hiểu được mạng vũ trụ ta phải có một chút kiến thức về khoa học.

Đầu tiên, ở mức độ thấp, ta hiểu vũ trụ được cấu tạo bởi ba điều: một là vật chất, hai là không gian mênh mông, ba là thời gian vô tận. Nhưng ở mức độ cao hơn, ta hiểu rằng vũ trụ được cấu tạo bởi những loại trường.

Trường là gì? Đầu tiên, ta thấy sóng biển nhấp nhô từ khơi đập vào bờ với tốc độ chậm. Ta gọi đó là dao động, bởi thực sự sóng không đi, nhờ năng lượng của gió nên nó chỉ nhấp nhô một chỗ. Khi đợt sóng trước mà xuống thấp thì đợt sóng sau sẽ lên rất cao. Đây cũng là dấu hiệu để ta nhận biết có sóng thần. Tức là, khi nước rút gấp quá thì sóng thần sắp đến.

Để có sóng thì phải có nước. Nước là môi trường để sóng nước lan đi. Cũng giống như âm thanh, khi ta gõ lên mặt bàn thì ở cuối bàn vẫn nhận thấy sự rung. Sự rung này lan đi rất nhanh, không giống như sóng biển. Môi trường để sóng âm thanh lan chính là không khí. Vậy nên, khi ta ra ngoài vũ trụ, mọi người nói gì ta cũng không nghe được, vì không có không khí. Nhưng có một điều rằng các phi hành gia khi bay ngoài vũ trụ vẫn nghe thấy vài tiếng động lạ. Họ đã báo cáo lại về trái đất nhưng NASA không giải thích được (NASA: viết tắt của National Aeronautics and Space Administration). Thế nên, điều này vẫn đang là một bí ẩn lớn đối với chúng ta.

a27_05-05-2017

Ngoài ra, còn rất nhiều điều mà khoa học chưa đủ sức giải thích. Nếu cứ đòi hỏi cái gì khoa học chứng minh được mới công nhận là có thật thì ta thuộc loại người không được khôn cho lắm, bởi có rất nhiều điều mà ai cũng biết là có thật, nhưng khoa học vẫn chưa lí giải được. Đơn giản như trọng lực. Chỉ một trái táo rơi mà Newton đã phát hiện ra lực hấp dẫn, tạo thành hệ thống vật lí, làm nền tảng cho tới hôm nay. Đến giờ, ta công nhận có trọng lực nhưng không ai biết đó là cái gì, nên đừng nghĩ cái gì khoa học cũng biết. Ta cứ nghĩ hai vật cách xa mà hút được nhau thì phải có cái gì nối lại. Giống như sóng đánh vào bờ được là nhờ có nước nối từ bờ ra tận khơi xa. Tại sao ta nghe Pháp được dù không có một cái gì nối từ miệng thầy đến tai phật tử?

Thượng tọa giải thích, theo định luật hấp dẫn của Newton, hai vật thể cách xa nhau mà hút nhau bởi có cái gì đó nối lại, bằng không thì mặt trăng và trái đất không hút nhau. Cái trường đó ta gọi là “trường hấp dẫn”. Nếu gần quá thì gọi là trường trọng lực, còn xa trong vũ trụ thì gọi là trường hấp dẫn. Và trường hấp dẫn là gì? Mọi người chỉ ghi nhận nó có tồn tại, tuy nhiên không ai biết bản chất của nó là gì. Và Anhxtanh đưa ra khái niệm về sóng hấp dẫn, tức nó vẫn là sóng. Nếu ta phá được sóng này thì ta sẽ lơ lửng giữa vũ trụ, không bị rơi xuống trái đất.

Nhưng vũ trụ này không chỉ có một trường hấp dẫn mà còn nhiều trường khác nữa. Chúng ta nghe kể chuyện những bậc cao thủ về khí công đã đánh chưởng từ xa, họ chỉ cần phất tay là vật thể từ xa bị vỡ ngay. Cái gì đã nối từ tay họ cho đến vật thể đằng xa? Đó là một lực lạ từ cơ thể họ phát ra, không phải lực cơ học bình thường, mà là nội công hay nội lực. Và có một loại “trường năng lượng sinh học” để truyền lực đó đi khắp không gian, tác động vào vật thể. Trường năng lượng sinh học này cũng phủ đầy trong vũ trụ.

Hoặc có những người tinh tế, nhạy bén khi bước vào thương lượng chuyện hợp tác làm ăn, họ đoán được trong đầu của đối tác đang nghĩ gì. Ta chưa đạt được đến trình độ này nhưng vẫn có thể phân biệt người tốt, người xấu từ lần đầu gặp gỡ.  Vậy cái gì đã nối từ tâm ta đến tâm người khác để biết được suy nghĩ của họ? Đó cũng là một loại trường, ta gọi là “trường tâm linh”. Và cũng vậy, trường tâm linh phủ trùm khắp vũ trụ này.

a24_05-05-2017

Hoặc cuộc sống của ta có sự chi phối, sắp xếp của Luật nhân quả. Vậy môi trường nào làm cho Luật nhân quả có thể vận hành được? Đó là trường tuyệt đối. Tất cả những trường khác cao, ví dụ trường hấp dẫn, trường năng lượng sinh học, trường điện từ để cho ánh sáng chiếu tới… nhưng thật sự thấp. Chỉ có trường tuyệt đối, bản thể của vũ trụ, nơi có Luật nhân quả vận hành mới là cao. Cho nên, ai tin được Luật nhân quả là đã đặt niềm tin tới trường tuyệt đối này.

Ngày xưa, Phật nhập Niết bàn là nhập vào trường tuyệt đối. Đó là lý do mà những bậc Thánh càng chứng ngộ cao chừng nào, càng đến gần với trường tuyệt đối thì các vị càng thông suốt về luật Nhân quả chừng nấy. Chúng ta không chứng ngộ nhưng lại có phước là tin Phật nên hiểu được Luật nhân quả. Còn bậc Thánh nhờ sự vô ngã của mình nên các Ngài hòa nhập được vào trường tuyệt đối, hiểu được đường đi của Luật nhân quả. Còn ta chỉ biết một phần nho nhỏ mà thôi.

Vì biết một phần nhỏ nên ta không biết vũ trụ có nhiều trường, chỉ biết nó có 3 thứ: vật chất, không gian và thời gian. Từ đó, một nhà khoa học đã cho ra đời thuyết Big-Bang, cho rằng vũ trụ bắt đầu bằng một vụ nổ. Nhưng thật ra vũ trụ là nhiều loại trường chồng chéo, đan xen nhau. Chúng vô hình, mắt thường không thấy được nhưng chính chúng đã tạo thành vũ trụ. Ngày xưa cha ông mình khi nhìn thấy mặt trời mọc lên, lặn xuống đã cho rằng mặt trời quay quanh trái đất. Nhưng ngày nay ai cũng biết trái đất quay quanh mặt trời. Vậy sự thật không phải là điều mà con mắt ta nhìn thấy, mà sự thật là điều mà trí tuệ ta phát hiện.

Nên nếu nhìn vào vũ trụ ta chỉ thấy có ba yếu tố: vật chất (vật chất gồm nhiều nguyên tử, cấu tạo thành phân tử và tạo thành những thiên thể, ngôi sao, thiên hà), kế đến là không gian, và thời gian rồi kết luận vũ trụ chỉ gồm ba thứ này thì ta đang ở trình độ trí tuệ rất thấp, và nền văn minh của nhân loại cũng đang ở trình độ rất thấp. Ngày nào đó, khi chúng ta hiểu rằng vũ trụ gồm rất nhiều trường chồng chéo, đan xen, ép vào nhau, cài vào nhau, thì lúc đó trí tuệ ta được nâng lên một tầm cao hơn, và nâng nền văn minh của mình cao hơn.

Thật là một cơ duyên khi chúng ta được nghe về một nền văn minh cao hơn trong quá khứ. Chúng ta là những người hạnh phúc, khi được mở con mắt mới để nhìn lại vũ trụ.

a26_05-05-2017

Theo Thượng tọa, khi chưa tu chứng về tâm linh, chưa kết nối được với những trường tâm linh của vũ trụ thì cái tâm của chúng ta còn bị bản ngã ngăn cách nên thô động, chỉ an trú trong trường hấp dẫn, tức là thế giới của vật chất mà thôi. Mỗi người là một khối thịt và ta không biết gì về tâm nhau cả. Có thể vì cái duyên từ những kiếp quá khứ mà chúng ta đồng cảm với nhau, thương nhau, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau… nhưng mỗi người vẫn là một thế giới riêng biệt, rời rạc, không biết đối phương đang nghĩ gì, vì chúng ta ở trong trường hấp dẫn, nơi chỉ có động lực, hiếm có sự liên kết.

Ngược lại, ở trường tâm linh, nơi tâm với tâm có kết nối, có tương thông với nhau nên ai nhúc nhích ta biết ngay. Trường hấp dẫn không có thông về tâm, chỉ có sự tương tác với nhau về trọng lực, lực hút. Không có trình độ tâm linh thì suy nghĩ, nhận thức của ta trong trường hấp dẫn rất đơn giản, sơ sài, giá trị của ta chỉ là một cục thịt.

Còn những vị chứng đạo, khi tâm thanh tịnh, bản ngã mỏng nhạt, các vị hòa vào trong thế giới của tâm linh. Và trong thế giới đó các vị không phải là những khối thịt như chúng ta nữa mà là những điểm sáng về tâm linh, tâm và tâm “tương thông” với nhau. Vì thế các vị hiểu nhau, ta có thể gọi là tri kỷ. Khác với con người bình thường như chúng ta, chúng ta chỉ là tri kỉ khi có duyên từ tiền kiếp với nhau. Còn các vị Thánh không cần cái nhân duyên này mà vẫn luôn luôn biết được tâm nhau, tương thông với nhau. Đó cũng là một cái trường, một cái “mạng”. Hôm nay, ta bắt đầu quay lại với chữ “mạng”, được hiểu là trường tâm linh.

Một người sinh lên cõi trời thì đương nhiên lọt vào trong cái trường tâm linh, hay mạng tâm linh. Hoặc một người sau khi mất, chỉ còn linh hồn thì linh hồn đó có lọt vào trường tâm linh không? Cũng có, nhưng cái tầm hiểu biết của linh hồn không phủ trùm khắp trời đất mà chỉ biết những chuyện lặt vặt quanh quẩn khu vực nhỏ. Tự linh hồn cũng bắt nhịp vào trường tâm linh, nhưng sóng rất yếu. Họ biết được tâm nhau, biết được tâm của cả người sống nhưng chỉ một phần nhỏ mà thôi.

Và tất cả chúng ta ở đây để vào được trường tâm linh cần phải có thiền định. Nói cách khác, “mật khẩu” (password) của trường tâm linh là thiền định. Khi đạt được vào trong cảnh giới Thiền định thì ta kết nối được vào wife của trường này. Còn không ta vẫn mãi ở trong cái trường vật lý, trường hấp dẫn này. Là người phật tử, ta đến chùa nghe Pháp thôi không đủ mà phải đều đặn tham gia các khóa thiền. Dù thiền có vất vả, đau mỏi thì càng phải cố gắng. Ta có thể ngồi ít hơn huynh đệ cũng được, quan trọng là ta đến khóa tu để làm thiền sinh.

a34_05-05-2017

Giá trị của 1 thiền sinh là ta thấy mình không còn là chính mình nữa mà chỉ nhỏ bé, như cát bụi thôi, nên ta nguyện làm người phục vụ cho huynh đệ. Thêm nữa, khóa thiền cho ta cơ hội để diệt trừ bản ngã của mình, giúp ta chung đồng, rồi tập cái hạnh yêu kính huynh đệ. Phước của ta từ đó cũng tăng trưởng lên. Cái phước lớn giúp ta có cái quả là chết được sinh lên cõi trời. Người sinh lên cõi trời thì đương nhiên lọt vào mạng tâm linh. Đây là ta nói khi tâm thanh tịnh thì kết nối được vào trường tâm linh. Mà tâm thanh tịnh là gì? Nghĩa là một phần bản ngã giảm bớt.

Còn đối với Chư Phật, Bồ tát, những vị hoàn toàn vô ngã thì nhập luôn được vào trường tuyệt đối, nơi mà ta gọi là mạng vũ trụ. Bản thể của vạn hữu, của vũ trụ chính là trường này. Chính nơi trường tuyệt đối này mà chư Phật an trú. Cũng chính nơi trường tuyệt đối này mà luật nhân quả vận hành. Cho nên ta đừng tưởng luật Nhân quả có đường đi cạn. Vì luật nhân quả đi trong trường tuyệt đối – nơi không một hạt bụi nào bị bỏ sót – cho nên không có cái tội nhỏ nào như hạt bụi có thể bị bỏ sót, không quả báo. Đồng thời cũng không có điều thiện nào nhỏ như một hạt bụi mà bị bỏ quên. Hiểu điều này chúng ta phải hết sức cẩn thận, tránh từng tội nhỏ và không xem thường một điều phước nhỏ nào cả. Từ một lời nói, từng click like hoặc dòng bình luận trên mạng xã hội v.v… dù tác động rất ít vào tâm hồn con người, vào cuộc đời thì đều có nhân có quả cả.

Và trong cái mạng tuyệt đối này thì quy luật bị thay đổi hết, không giống như ta hiểu nữa. Cho nên, các vị Bồ tát hay dùng chữ “Bất khả tư nghì”, nghĩa là không thể suy nghĩ, bày tỏ hay nói được. Những quy luật trong trường tâm linh này đã khó hiểu rồi, quy luật trong trường tuyệt đối còn vượt ngoài suy nghĩ, mọi cái hiểu của ta. Và Thượng tọa đã dựa vào câu nói của các vị Tổ sư, Thiền sư đã có để chứng minh cho quan điểm này. Ví dụ Thiền sư Mật Ấn đã nói: “Ai cũng biết một giọt nước rớt vào cái hồ to, đâu ai biết một đại dương rớt vào trong một giọt nước”. Câu nói này đã để lại biết bao suy ngẫm trong lòng người đọc. Thật sự nó vượt ngoài sự suy luận, hiểu biết thông thường của chúng ta.  Vì thế khi nói tới trường tuyệt đối, nơi luật nhân quả vận hành thì ta định nghĩa gì cũng sai, ta tưởng tượng gì cũng trật. Do đó chư Tổ mới nói là “Bất khả tư nghì”, nghĩa là ta tưởng tượng cái trường đó như thế nào cũng sai, vừa động tâm tưởng tượng là ta đã rời ra xa, mở miệng ra nói ngôn từ không đủ sức diễn tả. Trường tuyệt đối lạ lùng, khó hiểu như vậy.

Nơi cái trường của chư Thánh như ta đã nói, tâm với tâm “tương thông”, tức là biết nhau, hiểu nhau nên thương yêu nhau. Ta gọi là tương ái. Nhưng nhân quả thì vận hành 2 chiều. Một là vì ta thương nhau nên hiểu nhau. Hai là vì ta hiểu nhau nên thương nhau. Ta muốn đi cái nhân nào trước cũng được. Ví dụ, giờ ta gieo nhân từ bi, nguyện lòng yêu thương tất cả chúng sinh trước thì sẽ được cái quả là hiểu được tất cả mọi người. Có người không đi theo chiều này mà bước vào cái tâm thanh tịnh trước. Khi tâm thanh tịnh vào định rồi, hiểu được chúng sinh, sau đó mới phát sinh cái tâm thương được mọi người.

a36_05-05-2017

Trong thế giới này ta đi con đường nào trước cũng được. Còn chư Thánh thì ta không biết các Ngài đi con đường nào, nhưng luôn luôn các Ngài đã đắc được tâm thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh nên các Ngài lọt vào trường tâm linh. Khi đó tâm các Ngài “tương thông” với nhau, vì tương thông rồi nên các Ngài “tương ái” lẫn nhau. Và cuối cùng là “tương trợ”. Quy luật này đúng cho cõi người mà cũng đúng cho cõi Thánh. Ta cũng vậy, ta hiểu nhau rồi ta thương nhau, ta thương nhau thì lại giúp nhau.

Cái tương trợ của ta là giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, nhưng cái tương trợ của Thánh là giúp nhau giáo hóa chúng sinh. Dịp này, Thượng tọa lần lượt đưa ra những ví dụ có tính chất so sánh trên nhiều lĩnh vực để làm nổi bật  đặc điểm của chư Thánh có sự “tương thông”, “tương ái” và “tương trợ” là thế nào trong việc giáo hóa độ sinh đối với 3 trường hợp:

  1. Trường hợp một vị Bồ tát ở trên trời còn nhớ rõ và một vị đầu thai xuống cõi người đã quên mọi việc.
  2. Trường hợp thứ hai là một vị Bồ tát đầu thai xuống mà nhớ tất cả mọi việc.
  3. Trường hợp thứ ba là những vị Bồ tát thị hiện.

Trong đó nhấn mạnh những bậc Thánh ở trên cao, các vị hỗ trợ ta rất là kín kẽ, rất bí mật, không bộc lộ, tức độ mà không ai thấy dấu vết thần thánh nào hiện ra, cứ tưởng như mình làm mà thôi.

Còn với các phật tử, Người cũng gợi mở cho họ phải gieo nhân gì để được ba chữ “tương” này? Thứ nhất là “tương chao”, ta phải ăn chay đã. Thứ hai là “tương thông”, tức là ta thông cảm cho nhau, đừng trách cứ nhau, dù với người có lỗi ta cũng tìm lý do nào đó để thông cảm. Thứ ba là “tương ái”, ta thương yêu nhau một cách tự nhiên nhẹ nhàng. Với huynh đệ ta vừa chạm mắt nhìn nhau lòng đã vui mừng. Dấu hiệu của sự yêu thương là gặp nhau thì vui, khác với cái vui xao động theo bản năng như trong tình yêu nam nữ, cái vui trong tình đạo là vì sự đồng cảm trên đạo lý, nó không quá rộn rã nhưng rất sâu đậm. Cuối cùng, khi đã có tương thông, tương ái rồi, ta phải “tương trợ”, tức là giúp nhau trong sự tu hành và gây tạo công đức.

Riêng với những vị Bồ tát thị hiện, Thượng toa cho biết: vị đó dù biết hết, nhớ hết nhưng vẫn giả vờ mang thân phận bình thường giống mọi người, kết bạn với mọi người, tương trợ mọi người… Tuy nhiên, thông thường thân phận của vị này cũng dần lộ ra, vì các Ngài không làm những điều bình thường được, mà chỉ làm những điều cao đẹp vĩ đại. Dần dần các Ngài nổi lên sừng sững giữa cuộc đời, khiến bao nhiêu chúng sinh phải quy ngưỡng kính phục. Vị Bồ tát thị hiện như thế thần thông tràn ngập, có khi các Ngài phân thân ra để làm nhiều việc ở nhiều nơi cùng một lúc, mà việc nào cũng trọn vẹn.

a29_05-05-2017

Trên đây, Thượng tọa tạm thời chia làm hai dạng Bồ tát, đó là một dạng Bồ tát đến trần gian vì hạnh nguyện, và một dạng Bồ tát đến trần gian là thị hiện, để mọi người phân biệt rõ thế nào là Bồ tát hạnh nguyện, thế nào là Bồ tát thị hiện. Thế nhưng, một vị Bồ tát thị hiện như vậy thì đang ở chừng mực nào của sự tu hành?

Khi tu tập, xuất phát điểm của ta là vô minh, kết thúc là giác ngộ. Tức là ta đang đi từ vô minh đến giác ngộ. Con đường này rất dài. Bắt đầu tu tập, ta biết được lỗi của mình. Người tiến bộ càng tu càng thấy mình nhiều lỗi. Người không tiến tu lúc nào cũng biện minh, không nhận thấy lỗi mình, chỉ lo bắt lỗi người khác.

Thượng tọa khẳng định, người tu đúng thì sau một thời gian, khi công đức đầy đủ thì tâm tỉnh giác xuất hiện, đây là cảnh giới của thiền định. Tỉnh giác chính là một trạng thái tâm mới mẻ, tỉnh sáng, rỗng rang, nhưng mục đích để làm gì? Để an trú nơi hiện tại, an trú nơi mình, tức là an trú lại nơi bản ngã để rồi thấy “bản ngã là cái lỗi lớn nhất”. Nghĩa là ở giai đoạn tu tiến thứ nhất ta thấy lỗi này lỗi kia của mình, nhưng đến giai đoạn thứ hai khi bắt đầu chứng được chánh niệm tỉnh giác thì ta thấy được cái lỗi khủng khiếp nhất là bản ngã.

Bắt đầu ta tu chứng thêm nữa, tâm vào định sâu hơn, tâm cực kỳ sáng, cực kỳ an tĩnh, thần thông hiện ra hết rồi thì lúc đó bản ngã vẫn còn, dù tâm chứng rất cao, biết hết mọi chuyện trong trời đất, tâm thanh tịnh, thậm chí phân thân ra được. Tuy nhiên, lúc này vị Thánh còn thấy bản ngã nữa không? Không. Vì sao bản ngã còn mà không thấy nữa?

Vì cảnh giới chứng ngộ quá lớn, thênh thang cả đất trời, bao trùm 3 cõi, mà bản ngã thì quá nhỏ. Cho nên bản ngã như bị che mất, lúc đó hầu hết các vị Bồ tát đều không thấy mình còn bản ngã. Cho nên Phật gọi những vị ở cảnh giới đó còn bị kiết sử chủ quan – chỗ vi tế này ngoài Phật ra không một ai thấy được. Kiết sử này được Phật đặt tên là “mạn” (trong 10 kiết sử, đó là: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, sân hận, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử, vô minh). Khi chưa chứng được A la hán thì các bậc A na hàm còn năm kiết sử cuối cùng, trong đó có cái “mạn” Bây giờ nên dịch lại “mạn” là chủ quan. Chủ quan vì còn bản ngã mà không thấy.

Và các vị đi qua giai đoạn này rất lâu, mất mấy ngàn kiếp, bởi vì không thấy mình còn bản ngã. Tuy nhiên cũng có cái lợi. Chính vì các vị đi qua giai đoạn này đến mấy ngàn kiếp, cho nên các vị mới làm hạnh Bồ tát, lang thang ở các cõi trong luân hồi mà giáo hóa chúng sinh, sống lẫn trong chúng sinh, làm người bạn “không mời mà đến” của tất cả chúng sinh.

a32_05-05-2017

Cảnh giới của Bồ tát thị hiện chính là cao siêu, đồng cảm và các Ngài làm đủ mọi chuyện. Đối với các Ngài các cõi là một, nhiều khi các Ngài ở cõi này nhưng mà đang tương trợ cho một Bồ tát ở chỗ khác, hoặc thậm chí vị Bồ tát thị hiện ở cõi người này mà độ ngược lên cho cả cõi trời. Sự tự tại và uy đức lớn đến như vậy. Nên khi hiểu được trong vũ trụ, trong thế giới tâm linh có cái “mạng” hay “trường tuyệt đối” mà trong đó chư Thánh chư Phật tương thông với nhau hết, tất cả là một, một là tất cả, thì khi chúng ta quỳ xuống đảnh lễ Phật, ta đảnh lễ mười phương Phật; mười phương Pháp; mười phương Tăng đó là một cái chánh nhân vô cùng lớn. Ta lễ một Phật tức là mười phương Phật, vì các Ngài là tương thông nhau cả, không phân biệt.

Chư Tổ đã đặt ra nhiều danh hiệu Phật để làm phương tiện, dù vị Phật đó không có thật trong lịch sử, nhưng nếu ta hiểu vị đó là Phật với đầy đủ 32 tướng tốt; 80 vẻ đẹp; với đầy đủ 10 danh hiệu; với đủ phẩm chất của sự vô ngã; của tam minh lục thông, thì dù Phật đặt ra cũng thành thật (ảo mà vẫn thành thật), nếu cái ảo đó đầy đủ mọi tính chất của Phật thì vẫn là Phật, nhớ như vậy. Từ đó, việc ta quý kính Ngài, khi đảnh lễ Ngài ta vẫn được trọn vẹn công đức. Ngược lại, có những người tự xưng mình là một bậc đạo sư, vô thượng sư, họ tự xưng là thay Phật giáng trần trong thời đại mới, nhưng nếu họ không đủ phẩm chất của sự vô ngã, không đủ phẩm chất của từ bi trí tuệ thì ta biết rằng dù có xưng, họ vẫn là giả.

Bồ tát cũng vậy. Nếu Bồ tát ảo mà vô ngã, vị tha, đủ tam minh lục thông thì vẫn là Bồ tát. Có nhiều vị không hiểu điều này nên bị tổn phước vì nói Bồ tát Quan Âm do ai đặt ra. Ngược lại, người mà xưng là Bồ tát nhưng không có đủ phẩm chất của Bồ tát thì vẫn là giả. Chính phẩm chất là cái quan trọng nhất, quyết định là ảo hay thật, chứ không phải người thật hay người giả nữa. Vậy nên không có ranh giới giữa khái niệm cái thật và cái ảo.

Lại nữa, có những vị đã lọt vào dòng Thánh rồi, đã mang phẩm chất Thánh nhưng vẫn chưa “nối mạng” được, đó là bậc Tu đà hoàn. Tuy nhiên, phải lưu ý thêm rằng đó là “bậc Tu đà hoàn với sức định chưa đủ”. Còn có những bậc Tu đà hoàn mà sức định đủ, định lực sâu thì các vị vẫn nối vào mạng tâm linh, trường tâm linh được.

Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa đã thâu tóm lại tất cả những đạo lí chính vừa chia sẻ. Người nhắc nhở rằng: chúng ta là những người phàm phu, tu theo các bậc Thánh, chưa đạt được sự tương thông, tương ái, tương trợ, chưa lọt được vào trường tuyệt đối thì phải cố gắng tu hành, gieo nhân bằng cách phải tương chao, cố gắng tập tương thông, tức là cố gắng thông cảm cho nhau; biết tương ái, yêu thương; biết tương trợ, giúp đỡ mọi người trong đời sống và trong sự tu hành.

Bằng cách dùng ngôn ngữ đời thường để lí giải những kiến thức khoa học, dùng hình ảnh gần gũi để minh họa cho những điều cao siêu, Thượng tọa đã đơn giản hóa những đạo lí chứa đựng trong bài Pháp. Tuy nhiên, để hiểu cho kĩ, cho tường tận thì chúng ta phải cố gắng vận dụng, thực hành những đạo lý được học vào đời sống tu hành của mình. Nếu không, các đạo lí này không thấm nhuần được mà trôi tuột đi thì thật là hoài phí.

Lại thêm, bài Pháp đã mở ra những kiến thức mới về vũ trụ, về cảnh giới chứng ngộ của Phật và Bồ tát. Nhờ đó, các phật tử biết bước ra khỏi những cái thuyết tầm phào, những suy nghĩ đơn giản để đi sâu hơn vào thế giới tri thức mà việc thực hành thiền định hàng ngày đã mang lại. Đồng thời, nó cũng là tiền đề cho nhiều nghiên cứu, phát hiện khoa học mới sau này. Thật là một bài Pháp làm lợi cho chúng sinh.

Phải chăng, qua bài Pháp thoại này, chúng ta quán chiếu được đường tu hành thật gian nan, Phật đạo khó thành, nếu không có hạnh nguyện thì khó mà vượt qua. Là người con Phật, ta phải dũng mãnh học theo hạnh nguyện của Bồ tát, tức ta có suy nghĩ và việc làm giống Bồ tát để tự trang nghiêm thân tâm, trang nghiêm hạnh nguyện của mình mà mang trái tim yêu thương đi vào cuộc đời. Được vậy, ta mới mong thành tựu được đạo nghiệp giác ngộ giải thoát sau này./.

Tuệ Đăng

Những hình ảnh tại khóa thiền cuối tháng 4 năm 2017:

a2_05-05-2017a3_05-05-2017a6_05-05-2017 a7_05-05-2017 a8_05-05-2017a11_05-05-2017a12_05-05-2017a13_05-05-2017a13a_05-05-2017a14_05-05-2017 a15_05-05-2017a16_05-05-2017a18_05-05-2017 a19_05-05-2017a21_05-05-2017a22_05-05-2017a23_05-05-2017a24_05-05-2017a25_05-05-2017a26_05-05-2017a27_05-05-2017 a28_05-05-2017a29_05-05-2017a30_05-05-2017a31_05-05-2017a32_05-05-2017a33_05-05-2017a34_05-05-2017a36_05-05-2017a38_05-05-2017a39_05-05-2017a40_05-05-2017a41_05-05-2017a42_05-05-2017a43_05-05-2017a44_05-05-2017

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất