Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Tương Mai với chủ...

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Tương Mai với chủ đề “Chúng ta trước đã”

-

Vừa qua, chiều ngày 19/12/2016 (nhằm ngày 21/11/năm Bính Thân), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã chia sẻ bài Pháp thoại về đề tài CHÚNG TA TRƯỚC ĐÃ tại chùa Tương Mai (số 231, Trương Định, Phường Tương Mai, Quận Hoàng Mai, Hà Nội), với sự tham dự hơn 4000 phật tử đến từ thành phố Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

6_30-12-2016

Đi vào nội dung bài Pháp thoại, Thượng tọa dùng nhiều ví dụ để chứng minh trên thế giới, mọi sự vật sự việc đều có liên quan với nhau; cái này biến đổi sẽ kéo theo cái khác cũng biến đổi theo. Ví dụ khi thời tiết, nhiệt độ thay đổi thì đời sống con người cũng bị ảnh hưởng, thậm chí có những nền văn minh đã bị hủy diệt chỉ vì trời đột nhiên hạn hán trong thời gian dài. Hoặc mỗi một phát minh, một sự tiến bộ của công nghệ cũng thay đổi suy nghĩ, văn hóa, lối sống của con người rất nhiều. Do đó điều này thay đổi sẽ kéo theo nhiều điều khác thay đổi theo. Nhưng trong vô số những cái liên đới, liên hệ, tương quan đó có những điều liên quan với nhau theo tính cách tuần hoàn. Đây là điểm quan trọng mà Thượng tọa muốn phân tích trong bài Pháp thoại này để chỉ ra trách nhiệm của chúng ta nằm ở đâu trong cái tuần hoàn của xã hội, của cuộc sống này.

Để hiểu như thế nào là tuần hoàn, Thượng tọa điểm qua một số ví dụ về tuần hoàn. Ví dụ đất nuôi cây và chính cây cũng nuôi đất, do lá cây rụng xuống và thân cây mục làm cho đất màu mỡ trở lại. Đó là vòng tuần hoàn. Và vòng tuần hoàn này có lãi, vì có thêm trọng lượng vật chất dôi ra (dư ra) là gỗ cây.

7_30-12-2016

Hoặc thời xưa, một người làm cung, tên, kiếm đã âm thầm xúi cho hai ngôi làng đánh nhau để có người tiêu thụ sản phẩm của mình. Quả thật ông bán rất chạy sau đó. Càng bán được nhiều vũ khí, ông lại càng có khả năng để xúi mọi người đánh nhau. Đây cũng một vòng tuần hoàn, vòng tuần hoàn này ác tính và nó có lãi, vì ông càng lúc càng giàu. Hãy nhớ rằng khi vòng tuần hoàn xoay chuyển nó luôn sinh lãi, luôn dôi ra thứ gì đó.

Hoặc người chủ đối xử tốt với công nhân, vì vậy mà công nhân lao động tốt. Công nhân làm năng suất cao thì ông chủ có lợi nhuận nhiều. Lúc đã lợi nhuận nhiều, ông lại càng chăm sóc cho công nhân tốt hơn, và người công nhân lại phấn khởi lao động sản xuất… đây là vòng tuần hoàn tốt. Cái lãi dôi ra là sự thịnh vượng trong cuộc sống con người.

Hoặc trong tâm lý cũng có những vòng tuần hoàn như thế. Thường người tham lam thì dễ nổi nóng, dễ sân (bởi khi ta ham muốn chiếm đoạt, cố gắng đạt được cái mình muốn thì đầu óc căng thẳng, chính cái căng thẳng đó làm ta bức xúc và dễ nổi sân). Càng tham thì càng sân, mà càng nổi sân thì lại càng ngu si, càng ngu si thì lại nhìn không ra vấn đề – lại càng tham, v.v…đây gọi là vòng luẩn quẩn. Và cái vòng luẩn quẩn, vòng xoay của tham  – sân – si làm dôi ra điều gì? Cái nghiệp. Đây là thứ giam ta vào trong luân hồi bất tận.

10_30-12-2016

Hoặc khi cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần minh mẫn, sảng khoái, sáng suốt, bình tĩnh hơn. Mà khi tinh thần ta tốt lên thì sức khỏe ta cũng tốt theo. Đây cũng là một vòng tuần hoàn.

Hoặc người hay khen ngợi người khác sẽ cảm quả báo được ngợi khen trở lại. Đây vừa là vòng tuần hoàn của tâm lý, vừa là vòng tuần hoàn của nhân quả. Tâm lý thì dễ thấy, vì lời khen thường khiến người khác vui vẻ, có thiện cảm nên họ dễ ngợi khen ta trở lại. Còn về nhân quả, khi ta thật lòng tán thán ưu điểm của người thì ta được cái phúc. Sau này chính ta cũng sẽ thành tựu những điều tốt đẹp để được tán thán trở lại.

Ngược lại là lời chê. Cũng vậy, lời chê bai vừa làm ta mất tình cảm với mọi người, vừa làm ta mất phước. Chê ai điều gì sau này ta sẽ vướng lại đúng điều đó, nhất là lời chê rộng rãi cho nhiều người biết thì còn làm tổn phước nhiều hơn nữa. Đức Phật gọi những người hay chê bai là “người sinh ra với cái búa trong miệng”. Hãy nhớ rằng chưa chắc người khác đã xấu như ta nghĩ, có khi chỉ vì ta hiểu lầm mà thôi. Hơn nữa, có khi hôm nay họ dở nhưng tháng sau họ đã khá lên rồi, mà bát nước đổ đi rồi không hốt lại được, lời chê vẫn còn nằm đó, vẫn hạ mất danh dự, nhân phẩm của người khác.

Thích chê bai cũng là một trong những căn bệnh, những loại “nghiện” của con người. Mà người hay phê phán, chê bai quá nhiều thì thường có kết cục thê thảm. Hiện nay có những người thường viết bài phê bình điều này, công kích điều kia, vạch ra những sơ hở của Giáo hội, Nhà nước… rồi đưa lên internet nhiều lập luận rất sắc bén, nhưng chúng ta hãy dè chừng, vì có khi họ chỉ mắc bệnh nghiện chê bai, chỉ muốn thỏa mãn cái tâm tự kiêu của mình.

9_30-12-2016

Một vòng tuần hoàn nữa là nếu con người bảo vệ rừng thì rừng cũng sẽ bảo vệ con người. Còn nếu chúng ta phá rừng quá nhiều thì khỏi cần bom nguyên tử, khỏi cần một thiên thạch va vào, tự trái đất cũng sẽ diệt vong như sao hỏa xưa kia. Công đức trồng rừng rất lớn, vì rừng bảo vệ cho cả thế giới này. Nhìn những người có vẻ yểu số, sắp có một tai họa ập vào cuộc đời, chúng tôi thường khuyên họ làm nhiều công đức, trong đó có trồng rừng. Khi trồng rừng bỗng nhiên ta được một cái phúc đức rất là lạ, đời sống của ta tự nhiên được bảo vệ, tránh được những tai họa. Vì thế, ai trồng được một cây xanh trong nhà hay quanh nhà mình, hoặc trồng giúp hay tưới cây giúp cho hàng xóm đều là làm được những việc công đức cả. Còn người nào có khả năng hãy khẩn đất hoang để trồng rừng, không cần phải thu hoạch, chỉ trồng dùm cho nhà nước, cho nhân loại…

Hoặc từ bi sinh trí tuệ, trí tuệ lại giúp ta từ bi hơn, đây cũng là một vòng tuần hoàn. Khi có lòng thương người một cách sâu đậm, tự nhiên ta thông minh hơn. Mà khi thông minh trí tuệ rồi, tự nhiên ta biết rõ hơn rằng mình phải sống đạo đức, tức là từ bi hơn.

Một người có thể rất khôn, nhưng nếu khô khan chưa có lòng từ thì cái khôn đó chưa đến, chỉ là khôn vặt cho vui. Cái khôn, tức trí tuệ thật sự phải đi đến đạo đức. Giữa một thế giới nhiễu nhương, lừa lọc, oán thù, ác độc thì người khôn là người không chạy theo cuộc đời, không chạy theo cái mưu mô thủ đoạn tính toán, biết giữ vững lòng mình trong đạo đức. Vậy đó mà mình sẽ sáng suốt, sẽ được thần thánh bảo hộ và công việc lại thành công. Đừng thấy người ta thủ đoạn rồi mình thủ đoạn theo, coi vậy chứ không bền, mà không bền rồi thì ngu si dần dần. Nên từ bi sẽ sinh ra trí tuệ, mà cái trí tuệ thì sẽ sinh ra đạo đức, từ bi trở lại, đó là vòng tuần hoàn.

8_30-12-2016

Trong vũ trụ, trong thế giới, trong cuộc sống con người này có vô số vòng tuần hoàn, vì cái này sinh nên cái kia sinh. Tương tự, cái này diệt nên cái kia diệt theo. Chẳng hạn, nếu chúng ta không từ bi nữa, chỉ sống ích kỷ thì trí tuệ một thời gian sau cũng sẽ mất dần. Trong vòng quay tuần hoàn giữa từ bi trí tuệ, có một cái lãi dôi ra, đó là “phước”. Người tràn đầy từ bi và trí tuệ thì chắc chắn lúc nào cũng làm những điều thiện lành, cũng sống tử tế. Vì vậy trong vòng tuần hoàn của từ bi và trí tuệ đó sẽ dôi ra vô số phúc lành. Từ bi và trí tuệ làm thành một đôi cánh, ngày nào ta mất một trong hai thì vòng tuần hoàn ngưng lại, không còn xoay nữa.

Cũng có những vòng tuần hoàn ác tính. Ví dụ như suy nhược thần kinh làm phát sinh ra bệnh tâm thần, và khi tâm thần rồi người ta lại càng suy nhược thần kinh thêm. Người suy nhược thần kinh thường căng thẳng, mất ngủ, ý tưởng trong đầu khởi ra liên tục, dù chưa được kết luận là điên nhưng sẽ rất dễ điên, dễ bệnh tâm thần. Mà người bệnh tâm thần thì họ càng căng thẳng dữ dội, ý nghĩ tuôn trào ào ạt không kềm được, mà toàn là ý nghĩ bậy bạ, rồi họ mới bắt đầu làm bậy. Hoặc khi ta phá rừng thì sự sống biến mất, đây cũng là một vòng tuần hoàn ác tính.

Còn với những vòng tuần hoàn tốt đẹp, khi cái này ngưng thì cái kia cũng ngưng. Vòng tuần hoàn ngưng xoay chuyển thì mọi sự tốt đẹp không tồn tại nữa. Đây là chỗ mà chúng ta phải thấy trách nhiệm của mình, tức phải chủ động đẩy cho vòng tuần hoàn xoay trước. Do đó bài Pháp thoại hôm nay có tựa đề “Chúng ta trước đã” là vậy .

15_30-12-2016

Đầu tiên, đừng đợi người khác thương mình mà hãy thương người trước để khởi động vòng tuần hoàn tốt đẹp cho cuộc đời này. Ta thương người, người thương lại, dần dần vô số vòng tuần hoàn tốt đẹp sẽ được thiết lập. Và thứ gì sẽ dôi ra? Hạnh phúc. Thế giới ngập tràn hạnh phúc, vì ngập tràn yêu thương. Nhưng bổn phận ta như vậy đã xong chưa? Chưa, vì ta vẫn là trung tâm để mọi người thương mình. Ta còn phải làm sao cho người A thương người B, người B thương người C… tức là làm sao cho mọi người thương yêu lẫn nhau.

Nhưng để vòng tuần hoàn yêu thương quay tít thì chúng ta phải rất vất vả, không thể sống nhàn nhã qua ngày được. Để những vòng tuần hoàn tốt đẹp trên đời xoay chuyển, ta phải chịu cực mà dấn thân, hi sinh, phải thương người, giúp người trước.

Có những người mãi chờ đợi. Ví dụ, đợi cho khỏe mạnh, giàu có rồi mới lao động sản xuất. Người như thế sẽ mãi nghèo vì chờ đợi. Ta phải chủ động đẩy vòng tuần hoàn đi trước bằng cách nào? Phải làm như mình khỏe mạnh, phải lao động, phải cống hiến trước. Trong công việc, đừng đợi có lương cao rồi mới cống hiến. Ta phải chủ động cống hiến trước rồi mới có lương cao sau. Mà người biết đạo thì làm việc không nghĩ đến lương, chỉ nghĩ đến cống hiến cho xã hội. Hoặc nhiều người đợi giàu, đợi trúng số rồi mới làm phước. Sự thật, ta phải làm phước rồi mới giàu.

Tóm lại, người hiểu nhân quả thì đòi hỏi chính mình trước. Đó là đạo đức. Ta phải thương người trước rồi người mới thương lại mình, (nhưng khi đó ta phải bắt đầu làm cho mọi người thương nhau). Phải khen ngợi trước rồi người khác mới khen lại mình (mà khi mọi người đã khen, đã thương mến mình rồi thì ta tìm cách đưa họ về với đạo lý). Ta cứ phải bảo vệ môi trường trước, phải nhặt rác trước, làm sạch dòng sông trước, trồng lên một bóng cây xanh trước rồi sức khỏe, mọi điều may mắn, bình yên mới đến với mình.

13_30-12-2016

Lại nữa, Thượng tọa còn đề cập đến một số vòng tuần hoàn khác.

Trong vòng tuần hoàn giữa người dân và cán bộ, ai là người phải thương trước? Nếu ta đứng ở vị trí là người cán bộ thì phải hi sinh phục vụ cho dân. Đó là bổn phận. Còn nếu ta đứng ở vị trí làm dân thì hãy thương cán bộ trước. Điều này nghe hơi lạ tai, nhưng đúng là đạo đức mà Phật dạy. Bài giảng hôm nay là “Chúng ta trước đã”, nghĩa là đừng chờ đợi, đừng đòi hỏi phải thương tôi rồi tôi mới thương lại. Thực tế có những cán bộ chưa gương mẫu lắm, nhưng họ về một vùng mà người dân rất tử tế, thương cán bộ, tự nhiên họ có ý thức, có trách nhiệm hơn. Như vậy, vòng tuần hoàn đã xoay chuyển, do người dân chủ động đẩy nó xoay trước.

Vì sai phạm của một số cán bộ mà nhiều người đã lên tiếng, phê phán gay gắt trên mạng, trong đó cũng có những người ngầm chê cả chế độ. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng cán bộ từ đâu mà ra? Từ dân mà ra. Quan – dân chỉ là một. Bổn phận quan phải làm cho dân tốt lên, và cũng vậy, bổn phận của dân cũng phải làm cho quan tốt lên. Mà muốn làm cho nhau tốt lên thì trước tiên ta phải thương nhau đã. Trong một đất nước mà mọi người đều thương nhau, làm cho nhau tốt lên, đất nước đó mới vững bền. Còn nếu cứ chê trách nhau thì ta tan vỡ, khi đó ai sẽ có lợi? Người bán cung tên giáo mác có lợi.

20_30-12-2016

Hoặc giữa phật tử và người xuất gia, ai là người phải đẩy vòng tuần hoàn xoay trước? Nhiều người dù đi tu lâu năm nhưng vẫn chưa có lòng từ bi, trái tim vẫn khô cằn. Vì sao như vậy? Vì trong những lời kinh tụng hàng ngày không nói về lòng từ bi, vì chính vị đó cũng không tự nhắc mình, buộc mình phải thương yêu chúng sinh. Khi đó dù có tu 10 năm, 20 đến 40 năm thì trái tim cũng chỉ là trái tim “mùa đông”. Nên người xuất gia phải tụng những bài kinh nói về tình yêu thương, rồi mỗi ngày đều phải dặn lòng mình thương yêu mọi người, bắt đầu 5 năm sau phật tử lại gần họ mới cảm nhận được tình yêu mến ấm áp tỏa ra. Người xuất gia cứ tu hành cho chân chính thì phật tử sẽ hiểu, sẽ thương mến lại mình. Vòng xoay là như vậy. Ngược lại, phật tử cũng phải thương yêu quý kính người xuất gia, cũng phải chủ động đẩy cho vòng tuần hoàn được xoay chuyển.

Khi ta ngồi thiền thì tâm được yên tĩnh, mà tâm càng yên tĩnh thì ta lại càng thích ngồi thiền. Đây cũng là một vòng tuần hoàn. Có người đợi tâm yên rồi mới ngồi thiền, như vậy thì tâm sẽ không bao giờ yên được. Ta phải siêng năng ngồi thiền đúng phương pháp, năm năm, mười năm sau mới bắt đầu có kết quả. Lúc đó tâm mới yên, mà tâm yên rồi thì ta mới “nghiện” ngồi thiền.

Hoặc có người vì không có duyên với chúng sinh nên chấp nhận sống cô độc, không hoằng pháp lợi sinh, không làm phật sự. Thật ra, muốn có duyên thì ta phải kết duyên chứ không phải tự nhiên mà chúng sinh có duyên lành với mình. Duyên vừa đến từ quá khứ, vừa của hiện tại. Quá khứ thì đã qua, không thay đổi được, nếu người đời trước ta ít gieo duyên thì đời này cũng sẽ ít duyên với chúng sinh. Nhưng duyên trong hiện tại thì chúng ta có thể chủ động tạo ra được bằng sự yêu thương, bằng sự tử tế, bằng những lời giáo pháp chân chính. Chúng ta cứ chịu cực mà sống tử tế, làm các điều từ thiện, gieo rắc đạo lý thì duyên hiện tại sẽ phát sinh.

22a_30-12-2016

Ở thời đại kĩ thuật cao này ta có nhiều cơ hội để mang đạo lý đến với mọi người, nhất là qua các trang mạng xã hội. Nếu ta lợi dụng đó để đem đạo lý thì phước sẽ rất nhiều, cũng nhờ đó mà kết duyên lành được với chúng sinh.

Còn với vòng tuần hoàn ác tính, hãy chủ động chặn nó lại. Ví dụ trước những lời chê bai xúc phạm, nếu ai cố gắng trả đũa, cố gắng mắng lại cho gay gắt hơn thì vòng tuần hoàn ác tính đã khởi động. Chúng ta phải chặn lại không để nó xoay nữa, bằng cách nào? Đầu tiên là nhẫn nhịn. Nhưng đó là mức độ ban đầu, ở mức độ cao hơn, hãy “nuốt lời chửi mắng” vào. Tức là vui vẻ chấp nhận lời mắng chửi: “Ồ, tôi cũng thấy đúng như vậy”. Khi đó người khác không mắng được nữa, cuộc đời sẽ vui lên rất nhiều, vì vòng tuần hoàn ác tính đã được ngưng lại bằng một đạo lý.

Giữa mỗi người với vạn hữu, với xã hội, với nhân loại này tồn tại rất nhiều vòng tuần hoàn; ta được tác động bởi yếu tố bên ngoài và cũng được tác động trở lại. Với đề tài “CHÚNG TA TRƯỚC ĐÔ này, chúng ta hiểu rằng phải trách nhiệm vào nơi mình đã chứ không đợi chờ, không đòi hỏi. Chúng ta tích cực hơn, siêng năng hơn để đẩy những vòng tuần hoàn tốt đẹp trên đời này chuyển động, xoay tít,…Từ đó nhiều niềm hạnh phúc sẽ được dôi ra.

23_30-12-2016

Sau cùng, Thượng tọa kết thúc bài Pháp thoại bằng một bài thơ rất ý nghĩa:

                   “Ta cứ mở lòng ra trước đi
                   Đâu cần trách móc đợi chờ chi
                   Thanh thản gieo nhân rồi gặt quả
                   Thương người theo đạo lý từ bi.

                   Ta cứ làm người đi trước thôi
                   Như mưa tuôn xuống nước sông trôi
                   Cứ tưới cho đời xanh bóng mát
                   Niềm vui sẽ phủ khắp núi đồi.

                   Ta cứ nghiêng mình yêu quý nhau
                   Xá chi nghịch cảnh với buồn đau
                   Gieo rắc niềm vui cho tất cả 
                   Rồi về với Phật mãi nghìn sau”.

Tóm lại, bài Pháp thoại được Thượng tọa giảng giải bằng những lời lẽ hết sức bình dị, dễ hiểu nhưng lại có sức hút kì lạ, làm cho con người càng có niềm tin với chánh pháp, và quyết từ bỏ các lỗi lầm từ trước.

Với trí tuệ và lòng từ bi bao la, Thượng tọa đã dùng phương tiện này, cách thức kia để giáo hóa chúng sinh không biết mệt mõi. Người luôn sở hữu những câu nói tràn đầy đạo lý có tính chất truyền cảm hứng, kêu gọi sự cố gắng tu tập trong mỗi người. 

Phải chăng, chúng ta rất may mắn có được vị Thầy tâm linh dẫn đường tài ba, luôn định hướng cho các phật tử có được con đường tu học đúng đắn./. 

Tuệ Đăng

Một số hình ảnh khác tại chùa Tương Mai ngày 19/ 12/ 2016:

1_30-12-20162_30-12-20163_30-12-2016 8_30-12-201611_30-12-201612_30-12-201614_30-12-201616_30-12-201618_30-12-201619_30-12-201621_30-12-201622a_30-12-201623_30-12-201624_30-12-2016

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất