Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang thuyết giảng về hai dạng tâm lý

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng về hai dạng tâm lý

-

Vừa qua, chiều ngày 25/06/2017 (nhằm ngày 02/06/ năm Đinh Dậu), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng về chủ đề “HAI DẠNG TÂM LÝ” tại chùa Tương Mai (233, Trương Định, Hà Nội), với sự tham dự của trên 4000 phật tử trong cũng như ngoài thành phố Hà Nội.

Bài Pháp thoại đã gợi mở cho mọi người thấy được tầm quan trọng của hai dạng tâm lí trong việc xây dựng và bảo vệ sức mạnh nội tâm. Từ đó, giúp mọi người có thể kiên trì trước mọi khó khăn của cuộc đời, cũng như bình thản trước mọi nghịch cảnh để cố gắng vươn lên, thay đổi số phận của mình.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định có hai dạng tâm lí giống như mâu thuẩn nhau, nhưng đều là đạo lí cả.

Tâm lí đầu tiên là bình thản, chấp nhận khi gặp nghịch cảnh. Chấp nhận những đau khổ là một sự dũng cảm, đem đến cho ta sự bình an. Gặp đau khổ mà trốn chạy thì càng đau khổ. Đó là nguyên tắc.

Tâm lí thứ hai là ta không chấp nhận số phận nên cố gắng tạo thật nhiều công đức để vươn lên, thay đổi nó.

Đặc biệt, với một người đệ tử Phật, chấp nhận, bình thản, đối diện với nghịch cảnh là cái tâm lí phải học cho bằng được, nếu không sẽ trở nên nhu nhược, an phận, chậm tiến. Tâm lí an phận này đi ngược lại với lí tưởng tu tập, giác ngộ bởi để đạt được sự giác ngộ, ta phải phấn đấu không ngừng trong rất nhiều kiếp. Nếu không ta mãi chỉ là một phàm phu tầm thường, bị lăn trôi trong luân hồi vô tận mà thôi.

Người tu theo đạo Phật không phải là người thấp kém, bần tiện nên dù gặp khó khăn cỡ nào, họ vẫn có cái đĩnh đạt, sang trọng. Vậy nên, tâm lí chấp nhận số phận để được bình an và tâm lí không chấp nhận số phận nên cố gắng thay đổi nó là hai tâm lí trái ngược nhau. Nếu chỉ biết một bên thì tâm lí ta mất cân bằng, không đi đúng con đường của đạo Phật nữa.

Ảnh: Quý Thầy đang làm lễ Quy y Tam Bảo cho Phật tử.

Ví dụ, khi nghe thầy giảng là đệ tử Phật phải biết nỗ lực vươn lên, ta thấy rất đúng bởi vươn lên tức là thay đổi số phận. Nhưng nếu không khéo, cái nỗ lực này trở thành tham vọng và tâm lí này là tâm lí chung mà cả thế giới đang bị. Để sinh tồn, mọi người cạnh tranh, hơn thua nhau từng giờ, từng phút, không từ một thủ thuật hay thủ đoạn nào. Cho nên, trong cái sinh tồn của nhân loại, thấy là tiến bộ nhưng sự thật, con người đang chà đạp, mưu hại, vùi dập nhau để đi lên. Nếu không có Phật pháp thì cách ta cầu tiến cũng sẽ trở nên xấu xa như vậy.

Nói tu theo đạo Phật là phải buông bỏ, bình thản, chấp nhận, không ham muốn, không cầu mong để tâm được bình an là ta đang kéo cả xã hội này chìm đứng lại trong nghèo hèn, lười biếng. Khi đất nước không tiến bộ, không có sức mạnh về kinh tế thì kinh tế và chính trị cũng suy yếu theo. Hệ quả, phải lệ thuộc một nước mạnh hơn, thậm chí bị xâm chiếm một cách ngầm hoặc công khai. Nguyên nhân cũng bởi hiểu lầm giáo lí của Phật và nó cũng là một cái cực đoan ngược lại.

Muốn tránh điều đó, người đệ tử Phật phải hiểu rõ hai mặt đối lập này để quân bình được tâm lí, thái độ sống của mình. Sau đó, hướng dẫn lại cho mọi người xung quanh, đây là con đường trung đạo. Tức là ta sống lợi ích cho mình rồi ta còn làm lợi cho người khác. Thế nên, bài Pháp này là một vấn đề tế nhị nhưng sâu sắc, cần thiết.

Để mọi người hiểu rõ hơn về hai dạng tâm lí này cũng như mối quan hệ của chúng, Thượng tọa đã phân tích từng tâm lí một. Đầu tiên là giáo lí chấp nhận số phận. Người giải thích, chấp nhận số phận để được gọi là không tham, để có thể nhẫn nhục trước những đau khổ và sự xúc phạm của người khác mà không hờn giận, sân si, thì ta đạt đến một cảnh giới mới. Phải là người tu tập có đạo lực, có sức mạnh ghê gớm mới đạt được cảnh giới này. Đây là điều cực kì cần thiết và cũng là mục tiêu phấn đấu của người đệ tử Phật.

Thật vậy, đệ tử Phật phải tập cho được cái bản lĩnh, cái đạo lực này để có thể bình thản, im lặng trước nghịch cảnh giống như bậc Thánh, chứ không phải một ông trùm xã hội đen. Hai người này dù im lặng giống nhau nhưng sức mạnh, sự bình thản lại khác nhau rất lớn. Sức mạnh ở đây chính là sức mạnh nội tâm để giữ được sự bình thản trong tâm hồn. Nó là một sự hư vô, khác hoàn toàn với sức mạnh cơ bắp, phải gồng mình và căng cơ lên. Một đời theo Phật là ta phải tập giữ cho tâm mình hư vô, bởi đó chính là sức mạnh của nội tâm.

Ảnh: Hội chúng tập hát bài “Lòng biết ơn”

Thêm nữa, muốn có sức mạnh nội tâm ta phải siêng năng ngồi thiền. Người tĩnh tâm ngồi thiền được là đỉnh cao. Còn ban đầu, ta chưa làm được điều đó thì trước hết phải sống đừng vị kỉ, tập sống vị tha trong từng suy nghĩ, trong từng ứng xử nho nhỏ với mọi người. Dần dần, tự nhiên ta có sức mạnh, bắt đầu có khả năng giữ được sự bình thản khi đối diện với nghịch cảnh.

Trước đây, ta không tinh tế vì mãi nghĩ về mình, chỉ biết yêu thương bản thân. Giờ học theo Phật, ta xoay ngược lại, buông bỏ cái ích kỉ cá nhân, tự nhiên mọi người sẽ hiện ra trước mắt để ta yêu thương, tử tế, đó cũng là cách rèn luyện sức mạnh nội tâm. Khi gặp nghịch cảnh, bỗng nhiên ta thanh thản hơn trước. Còn để bình thản hoàn toàn thì phải chứng thiền định.

Ngoài ra, ta phải biết lễ Phật nhiều, biết lao động chân tay, làm nhiều việc thiện, giúp đỡ mọi người. Những điều phúc này làm cho tinh thần ta mạnh lên, suy nghĩ bắt đầu chín chắn, bớt hời hợt và nông cạn.

Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào mỗi con người. Ta thấy có người đẹp bên ngoài nhưng nội tâm lại yếu đuối. Đó là do kiếp trước họ tạo phước nên đời này được cái đẹp. Nhưng lối sống không đủ chiều sâu, không vất vả để giúp đỡ người khác nên đời nay tự nhiên hời hợt, nông cạn. Còn những người đẹp cả hình thức và tâm hồn là nhờ họ biết đổ sức lực để tác động vào con người, đem lại lợi ích cho con người. Công đức này đánh ngược vào nội tâm, làm cho nó trở nên phong phú, sâu sắc, trí tuệ, mạnh mẽ.

Thượng tọa nhận định, vẻ đẹp bên ngoài cũng giống như bức tượng, chỉ để ngắm chứ không làm được gì. Họ rất dễ vỡ, gặp chuyện là buồn khổ đủ thứ. Vậy nên theo Phật là ta học cái bản lĩnh, có được sức mạnh nội tâm để trước nghịch cảnh, lòng ta không cần cố gắng mà tự nó bình an. Muốn thành tựu được điều này là cả một quá trình dài, lễ Phật, sống vì người khác và thiền định. Ba công đức này bỗng nhiên cho ta sức mạnh không ai thấy, chính ta cũng không biết, chỉ khi gặp nghịch cảnh mới biết mình đã mạnh.

Ngoài ra, còn một triết lí sống để ta có sức mạnh nữa là trong đau khổ ta biết chấp nhận thì sẽ hết khổ. Tại sao? Tại ta hiểu luật nhân quả. Tức là khi đau khổ đến với mình, ta biết đó là quả báo từ kiếp trước, ta chấp nhận, bỗng nhiên hết khổ liền, chỉ đơn giản là vậy.

Thực chất, chấp nhận được cái khổ đau cũng là một sức mạnh. Người yếu đuối không chấp nhận được nghịch cảnh nên càng bị đau khổ. Người mạnh mẽ sẽ chấp nhận được đau khổ, vượt lên khỏi nghịch cảnh liền. Nên khi ta chấp nhận được số phận, bỗng nhiên hết phiền não. Từ đó, ta rút ra đạo lí hãy nhẫn nhục, an phận để tâm được bình an. Đây là đạo lí căn bản của đạo Phật, ta phải tu cho bằng được.

Tuy nhiên, tu không khéo thì cái an phận, chấp nhận này lại làm ta mất lí tưởng, mất ý chí, không bao giờ tìm được sự giác ngộ như Đức Phật mong mỏi. Cho nên, tu đúng là bên cạnh đạo lí chấp nhận số phận, nhẫn nhục trong nghịch cảnh, bình an trong sóng gió thì phải có ý chí vươn lên để thay đổi số phận, từ một người phàm phu trở thành bậc Thánh, từ chấp ngã trở nên vô ngã, từ si mê trở thành giác ngộ, từ vị kỉ trở thành vị tha, từ cái sống thấp hèn trở thành cao thượng.

Người khẳng định, cái phấn đấu này không dễ chút nào, phải mất vô lượng kiếp mới hoàn thành được. Ai chuẩn bị cho mình cái tâm thế này, đi trong vô lượng kiếp để đạt được vô ngã là người có chánh kiến, có đạo đức. Ngược lại, người nào đặt ra thời hạn, nói tu nhất kiếp ngộ nhất thời là người tham vọng, nông nổi, cạn cợt, không có đạo đức, không có trí tuệ.

Việc chấp nhận số phận để được bình an và việc thay đổi số phận, chuyển từ phàm phu lên bậc Thánh, nghe thì ngược nhau, nhưng cái lõi lại đồng nhất vì đều tin nhân quả. Ta chấp nhận được số phận cũng bởi ta tin nhân quả. Ta khát vọng thay đổi số phận cũng bởi ta tin nhân quả.

Bây giờ, ta thay đổi số phận không phải vì tham vọng, không phải bằng mưu kế hay sự giành giật, hơn thua, mà chính bằng cách làm nhiều công đức. Vậy mới nói “hãy sống mà lương thiện với mọi người rồi trời đất sẽ an bài cho ta”. Tức là nhân quả đem đến phước báo cho ta. Đây là sự thay đổi số phận mà không làm ta mất đạo đức, chỉ làm tăng đạo đức mà thôi. Còn nếu không hiểu điều này, ta tìm mọi cách thay đổi số phận mình bằng tham vọng, mưu tính, chẳng những không thay đổi được số phận mà chắc chắn ta còn thất bại và mất đạo đức.

Hiện nay, những nhà chính trị giỏi nhất chính là những người tin vào sự an bài của trời đất, bởi để làm được chính trị, họ phải rất giỏi mưu tính và mưu trí để đoán được tâm ý kẻ thù mà bảo vệ đất nước. Nhưng nhà chính trị xuất sắc còn phải có một yếu tố quan trọng nữa để bảo vệ dân, bảo vệ nước, đó là yếu tố tâm linh của thần thánh, chứ nhiều việc sức họ không làm nổi. Nên ta thấy, càng lên cao thì họ càng hiền lành, nhã nhặn, khiêm hạ.

Những người không phải nhà chính trị cao thì kiêu hãnh, hống hách vì chưa đạt tới sự giác ngộ về tâm linh. Chỉ khi lên cao rồi, họ mới hiểu rằng bên cạnh tất cả tài năng của con người, sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, thì còn một yếu tố quan trọng nữa là thần thánh.

Ta nói vậy không phải vì mê tín. Giống như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Trường Chinh,… các vị ấy không mất đi mà vẫn ở đâu đó trên cõi đời này để bảo vệ đất nước, bảo vệ sự nghiệp, mà lúc sống các vị đã đem cả cuộc đời mình xây dựng, không để nó tàn lụi. Những vị này lúc sống đã là những con người đặc biệt phi thường rồi, nên khi chết họ vào trong cõi tầng cao, có những quyền năng để âm thầm bảo vệ, che chở cho đất nước.

Những nhà chính trị trên cao đều hiểu điều này. Còn chúng ta, những người công dân, người phật tử, người cư sĩ, sống và làm việc theo pháp luật, theo đạo lí thì phải có ước mơ để thay đổi số phận mình. Trên con đường đi tìm ước mơ, tìm sự thay đổi, chúng ta tin vào tâm linh, tin vào nhân quả, không mất đạo đức mà lúc nào cũng tìm cách cống hiến, phụng sự nhiều nhất có thể. Càng cố gắng thay đổi số phận chừng nào, đạo đức của ta càng thăng tiến chừng ấy. Đó là cái hay của những người tin vào tâm linh và nhân quả.

Thêm nữa, người không có con mắt trí tuệ thì thấy lao động là cực khổ. Còn người có con mắt trí tuệ thấy lao động, phụng sự, cống hiến là vàng ngọc, là cơ hội quý hiếm, cái đó lẽ ra phải giành nhau để làm. Ví dụ, ta đến nghe Pháp thấy sân chùa còn trống thì lấy ghế cho mọi người ngồi. Hay quét dọn nhà vệ sinh, nấu cơm phục vụ huynh đệ, hay ngồi trang nghiêm nghe quý thầy cô giảng,… những hành động này là vàng, là ngọc. Trên đời nếu có giành nhau thì hãy giành mấy việc này để làm. Vì muốn thay đổi số phận, ta phải bắt đầu từ yêu thương và phụng sự con người.

Ta làm nhưng không chấp ý, dù việc lớn nhỏ, nặng nhẹ, cao thấp gì, miễn là phục vụ thì đều làm, đó là công đức của ta. Tuy nhiên, ta vẫn phải chú trọng việc học để có kiến thức, giúp cho việc phục vụ được sâu sắc, rộng rãi hơn. Cuối cùng, ta yêu quý tất cả các công việc nhưng phải yêu quý cả kiến thức. Nghĩa là ai có sở học, ta phải khuyến khích, tạo điều kiện cho họ học hết mình để phục vụ cho đất nước, cho thế giới được tốt đẹp hơn.

Như vậy, người biết tu là người dung hòa được hai tâm lí. Nhờ đó, họ vừa được an ổn trong nội tâm, trong sự khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vươn lên để thay đổi số phận. Hai tâm lí này cùng tồn tại song song trong con người chúng ta. Giống như việc ta nghèo, ta chấp nhận cái nghèo nhưng không chấp nhận thiếu phước. Nên dù bản thân thiếu thốn, có khi cơm không đủ no, áo không đủ ấm, nhưng ta khéo léo vun vén để được bình an trong đó rồi tích cực, nỗ lực làm phước.

Ngoài ra, ta không cần tìm cách thoát nghèo, chỉ cần làm nhiều việc phúc. Khi phước tới, cái nghèo sẽ tự biến mất. Lúc đó, ta muốn sống cuộc đời giản dị cũng không được vì nhân quả ép ta phải hưởng. Trên định nghĩa, người có phước là người được quyền lựa chọn, nhưng trước kia khi ta làm phúc vì muốn mọi người được sung sướng, an vui, giờ ta muốn không sung sướng cũng không được. Đây cũng là cách thay đổi số phận rất chân chính theo lời Phật dạy.

Như vậy, đi đúng đạo lí của Phật là ta dung hòa được hai tâm lí tưởng chừng mâu thuẫn để giữ được sự bình an trong tâm hồn. Từ đây, ta vừa biết đủ để không cầu mong, giữ cho lòng mình thanh thản, vừa biết nỗ lực rèn luyện để chuyển nghiệp, tạo phước tiến lên. Từ đó, ta sẽ có trí tuệ và đạo đức để xây dựng cho mình một lí tưởng sống đẹp đẽ, cao vời. Nghĩa là, nếu không có đạo đức và trí tuệ thì không có lí tưởng sống. Do đó, ta biết ơn người nào cho ta một lí tưởng sống bởi nó giúp ta có trí tuệ và đạo đức. Ngược lại, nếu có đạo đức và trí tuệ thì ta cũng tự dựng cho mình một lí tưởng sống.

Có người đến thắp cho ta một ước mơ, một lí tưởng là phải biết yêu thương khắp chúng sinh, phải thoát khỏi phàm phu để trở thành bậc Thánh; xây dựng cho ta mục đích là vượt khỏi chấp ngã để đạt tới vô ngã, thoát khỏi luân hồi sinh tử, thì người đó cũng xây dựng trong ta hai điều phi thường là trí tuệ và đạo đức. Người này không ai khác chính là Đức Phật.

Đi trong luân hồi, vô minh, tham, sân, si, tự nhiên có người đánh thức trái tim ta dậy, cho ta một lí tưởng cực kì huy hoàng, sáng chói, giúp ta thành tựu được đạo đức và trí tuệ thì phải nói biết bao lời để bày tỏ sự biết ơn với Đức Phật? Dù có sử dụng hết tất cả các ngôn từ cũng không đủ để diễn đạt sự cảm kích của ta nên chỉ còn cách đảnh lễ, khởi lên lòng tôn kính tuyệt đối với Ngài – một người phi thường đã đến với trần gian.

Đạo lí vừa chấp nhận, vừa có mục tiêu để thay đổi áp dụng được vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả những lĩnh vực hóc búa, phức tạp. Ví dụ khi áp dụng nó vào việc kinh doanh, trong sự cạnh tranh khốc liệt, ta vẫn giữ được tâm bình an, rồi nỗ lực tiến lên, tìm ra sản phẩm cho cuộc sống. Đó là nhân quả.

Người giải thích, nhân quả ở đây tức là ta biết con người, xã hội cần gì thì tạo ra sản phẩm ấy. Nhiều khi, sản phẩm ấy chưa tồn tại trên cuộc đời này. Và “con người cần gì” cũng chính là câu hỏi mà doanh nghiệp nào cũng phải mang theo từ kiếp này sang kiếp khác, nếu muốn tồn tại và đứng vững được trên thương trường.

Tuy nhiên, cái cần thì vô tận bởi con người luôn tự tạo ra nhu cầu, có cái này rồi lại bắt đầu cần cái khác. Biết được cái cần này chính là dấu hiệu thành công của doanh nhân. Đáp ứng được cái cần chính đáng cũng là nhân quả, là cái phúc. Không biết con người cần gì để phục vụ là thiếu phước. Nên khi đầu tư kinh doanh, đừng nghĩ cái mình cần mà phải nghĩ cái xã hội cần, vậy mới tồn tại, phát triển được.

Hiện nay, một số doanh nghiệp bị sai từ căn bản là nghĩ cái mình cần trước rồi mới vạch ra kế hoạch kinh doanh. Đây là do không có cái phúc, nhân quả sẽ là công ty đó sớm muộn cũng phá sản. Đúng nhân quả, đúng tội phúc là phải biết phục vụ cái mà xã hội cần. Rồi từ xã hội, ta áp dụng vào trong nội bộ công ty, xem nhân viên cần gì để tạo điều kiện, giúp đỡ họ. Từ đó, tạo thành cái nội lực, đoàn kết yêu thương, cùng xây đắp lí tưởng phục vụ xã hội để công ty càng lúc càng bền vững.

Cũng giống như khi bước vào chùa, ta phải xem chùa cần gì, phật tử cần gì để phục vụ thì đó là phúc. Lúc nào cũng đi tìm cái con người cần, tự nhiên tâm vị tha của ta cũng nảy nở, phát triển lên theo. Ta biết lấy việc phục vụ xã hội là mục đích sống, không còn ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân, cũng không quan trọng cái vinh quang, giàu sang nữa. Tất cả tập trung cho mục tiêu phục vụ mọi người.

Nhưng không phải lúc nào nỗ lực cũng đều thành công, nhiều khi ta rất cố gắng nhưng vẫn thất bại. Những lúc như vậy, ta áp dụng đạo lí “chấp nhận số phận” để bản thân thanh thản, không đau khổ vì biết mình thiếu phước. Còn khi nỗ lực đạt đến được thành công, đừng tự mãn nguyện, hãy áp đụng đạo lí “như thế vẫn chưa đủ, còn phải tiến lên rất nhiều” để tâm không kiêu mạn.

Bằng cách liệt kê, phân tích, rồi so sánh, bài Pháp thoại đã làm rõ đặc điểm, tính chất cũng như mối quan hệ của hai đạo lí tưởng chừng ngược nhau, nhưng lại đồng nhất. Hai đạo lí này rất giản dị nhưng vô cùng quan trọng, chúng giúp ta xây dựng sức mạnh nội tâm cho mình. Từ đó, bình an đi qua mọi nghịch cảnh và vươn lên trong cuộc sống.

“Chúng ta không thể lựa chọn cuộc sống cho mình nhưng có thể lựa chọn cách sống”, đó là thông điệp mà bài Pháp muốn gửi gắm đến mọi người. Dù sinh ra trong hoàn cảnh nào, dù gặp phải bất kì khó khăn gì chỉ cần ta xây dựng được cho mình một lí tưởng, một cách sống đạo đức, tử tế, yêu thương, tự nhiên số phận sẽ thay đổi. Còn cứ chạy trốn, đổ lỗi cho hoàn cảnh thì mãi mãi ta chỉ chìm trong đau khổ mà thôi, không tiến lên được./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất