Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngĐạo tràng Phật QuangVĩnh Long: Khoá tu thiền tháng 4 chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Vĩnh Long: Khoá tu thiền tháng 4 chùa Phật Ngọc Xá Lợi

-

Chiều ngày 23/04/2022 (nhằm ngày 23/03/ Nhâm Dần), ĐĐ. Thích Nghiêm Giám – Chúng phó Tăng Thiền Tôn Phật Quang, Chưởng môn phái Phật Quang Quyền, Thủ Lĩnh Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang toàn quốc, đại diện cho TT. TS. Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế Tài chánh TW GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) thuyết giảng đề tài CÓ BA ĐIỀU NGƯỜI PHẬT TỬ CẦN PHẢI BIẾT ĐỂ TU CHO ĐÚNG, nhân Khóa tu Thiền tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long),  với sự tham gia của hơn 200 Thiền sinh và đông đảo Phật tử trong và ngoài tỉnh.

 Đi vào nội dung bài Pháp thoại, trước hết Đại đức Thích Nghiêm Giám nhấn mạnh: Đạo lý Phật dạy mênh mông, cao siêu nhưng không phải ai cũng có cơ duyên gặp và lĩnh hội đầy đủ, đúng đắn được. Nhiều người có cơ duyên nhưng lại không biết cách học sao cho đúng. Để tránh tu hành lan man, không đúng trọng tâm, Đại đức gợi mở cho các Phật tử phải nhớ kĩ 3 điều cơ bản.

Theo quan điểm của Đại đức thì dù công việc hay lĩnh vực nào cũng cần có lý thuyết, kiến thức đúng đắn. Nhờ đó, việc thực hành mới trở nên đúng đắn được. Đến với đạo Phật cũng vậy, chúng ta cần một đạo lý đúng để thực hành. Tuy nhiên, không phải ai đến với đạo Phật, học giáo lý Phật cũng tu đúng, bởi quá trình tu tập sẽ phát sinh ra 4 hạng người.

Đầu tiên là người đến với đạo Phật nhưng nhận sự hướng dẫn chưa đúng dẫn đến tu sai, tức là đi từ sai đến sai. Thứ hai là người đến với đạo Phật, nhận sự hướng dẫn sai, chưa đúng tinh thần đạo Phật, nhưng tu một thời gian lại đúng. Thứ ba là người đến với đạo Phật nhận được sự hướng dẫn đúng nhưng lại tu sai. Thứ tư là người đến với đạo Phật, nhận được sự hướng dẫn đúng đắn, có phương pháp, đạo lý đúng, càng tu càng đúng hơn nữa.

Như vậy, có đạo lý đúng để tu hành là việc rất quan trọng. Ngày nay, chúng ta có một thuận lợi là dễ tiếp cận với các bài Pháp thông qua mạng internet. Nói là dễ nhưng cũng khó, bởi nguồn tài liệu dồi dào nhưng chất lượng như thế nào không phải ai cũng đủ trí tuệ để nhìn rõ được. Nên cái quan trọng với người học đạo, đầu tiên vẫn là lòng tôn kính Phật. Tôn kính Phật ta được Ngài gia hộ, được cái phước để tìm đúng vị thầy, đúng đạo lý và phương pháp, từ đó yên tâm tu hành.

Để tôn kính Phật, trí tuệ và đạo đức của ta phải rất lớn. Trí tuệ không lớn, ta không hiểu được những điều Phật dạy mà chỉ tin vào sự linh thiêng, nhiệm màu của Ngài, dần dần dẫn đến mê tín dị đoan.

Là người đệ tử Phật chân chính, ta phải có lòng tôn kính Phật. Tuy Ngài đã xa, không trực tiếp dạy ta được nhưng còn Tăng Bảo – một trong Tam Bảo (Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo), là những người thực hành lời Phật dạy và trực tiếp hướng dẫn ta đi đúng đường. Là người trí tuệ, đừng bao giờ ai nói không cần quý thầy quý sư cô hướng dẫn. Nhờ có vị thầy hướng dẫn đúng mà ta biết tu điều căn bản nhất của đạo Phật. Đó là tôn kính Phật tuyệt đối, yêu thương chúng sinh muôn loài và khiêm hạ, làm vô số công đức mà không chấp công.

Phật là người khai sáng, mở ra con đường đi đến giác ngộ giải thoát cho chúng ta nên lúc nào chúng ta cũng phải huân tập, khởi cho được lòng tôn kính tuyệt đối với Ngài. Những điều Phật dạy, ta cũng phải tu học, thực hành nghiêm túc. Đồng thời, có trách nhiệm chia sẻ lại cho những người xung quanh. Để chia sẻ được hay, được đúng cũng cần rất nhiều yếu tố chứ không phải dễ.

Đầu tiên, ta cũng cần có một đạo lý đúng. Trước vô vàn nguồn tin tràn lan trên các phương tiện thông tin như hiện nay, để tìm được đạo lý đúng chỉ có một bí quyết duy nhất là tin và khởi được lòng tôn kính tuyệt đối với Phật. Lúc ấy, Phật sẽ gia hộ, sắp xếp để ta gặp được vị thầy chân chính, dạy ta biết tôn kính Phật; hiểu nhân quả; biết làm nhiều công đức, tăng trưởng lòng từ bi; biết khiêm hạ, hướng đến vô ngã; biết yêu thương tất cả chúng sinh muôn loài,…

Thứ hai, để chia sẻ được đạo lý đến hội chúng, ta cần có thời gian tích lũy lâu dài. Ta đừng tin ai nói tu 3 – 4 tháng là chứng, bởi ngay cả Đức Phật cũng không bao giờ hứa với ta rằng về với Ngài thì bao lâu ta chứng quả này quả kia. Phật hiểu rõ nhân quả, ta gieo nhân gì, chứng quả đó. Bản thân Đức Phật cũng phải trải qua vô số năm tháng tu hành vất vả mới thành tựu được quả vị. Vậy nên, chúng ta đừng tính thời gian chứng Thánh của mình, 5 năm hay 100 năm cũng chưa chứng được đâu. Thay vào đó, hãy cảnh giác, siêng năng tu tập để tăng trưởng được công đức của mình. Có phước, việc tu sẽ thuận lợi, suôn sẻ hơn.

Thứ ba, để chia sẻ được đạo lý, ta cần có huynh đệ để tương tác, yêu thương và tạo công đức. Mọi người thường nói: “Muốn đi nhanh thì đi 1 mình, muốn đi xa thì đi nhiều người”. Tu tập cũng vậy, phải tu nhiều người, khi ta vấp ngã mới có người nâng đỡ, chỉ bảo, động viên, dẫn dắt. Không có huynh đệ, con đường ta đi sẽ rất cô độc. Vậy nên, ai chưa vào Đạo tràng thì cố gắng vào Đạo tràng sớm bởi ở đó có những người cùng chung lý tưởng, chí hướng với ta. Tuy không phải ruột thịt nhưng sự kết nối tâm linh vô hình nhiều khi ta thấy họ còn thân thiết hơn ruột thịt.

Tuy nhiên, tu trong đại chúng cũng có rất nhiều va chạm phức tạp. Lúc đầu có thể chúng ta rất quý mến nhau nhưng lâu dần thành ra chán ghét. Nguyên nhân bởi chúng ta là hạng người thứ 3, được sự hướng dẫn đúng đắn nhưng tu hành sai. Vì thiếu sự tôn kính Phật nên sự kết nối của ta với Ngài cũng ít dần. Nếu biết tôn kính Phật, ta sẽ biết cố gắng học một cách kĩ lưỡng các đạo lý hay từ Ngài và thường xuyên áp dụng chúng trong cuộc sống.

Trước khi kết thúc bài Pháp, Đại đức hy vọng đợt nghỉ lễ 30/4, cũng như Đại lễ Phật Đản sắp tới, mọi người biết dành thời gian làm nhiều việc công đức, tham gia các hoạt động xã hội đền ơn đáp nghĩa như: quét dọn nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng, đắp đường, trồng cây,… Một mặt, vừa kết nối cộng đồng, lan tỏa yêu thương, mặt khác có thêm công đức dày, hồi hướng cho người thân, huynh đệ của mình để ai cũng biết Phật pháp, tu hành có tiến bộ.

Một bài Pháp thoại tuy ngắn gọn nhưng đã đúc kết được những điều căn bản nhất của đạo Phật mà người đệ tử Phật nào cũng phải biết và thực hành cho được. Những đạo lý được trình bày một cách khoa học, kết hợp với nhiều ví dụ thực tế, giúp mọi người dễ nắm bắt, ghi nhớ nhanh. Nhờ đó, các Phật tử có thể đối chiếu với con đường tu học của mình, từng bước thực hành, chỉnh sửa, để con đường tu học trở nên đúng đắn, sớm có kết quả.

Qua bài Pháp thoại, một lần nữa chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của người thầy, cũng như đạo lý, phương pháp đối với kết quả tu hành của mỗi người. Mỗi bước, mỗi khâu trong đó đều là một mắt xích dẫn đến vô ngã, giải thoát. Một mắt xích mà đứt gãy, việc tu hành mãi mãi sẽ không có kết quả. Và sự kết nối xuyên suốt giữa các mắt xích chính là lòng tôn kính Phật. Chỉ có tôn kính Phật một cách tuyệt đối, con đường tu của ta mới vững vàng, đúng đắn./.

 Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất