Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Bảo vệ đạo tâm

-

Vừa qua, vào ngày 28/07/2019, nhân khóa tu thiền tại chùa Từ Tân (số 90/153 – Trường Chinh – P.12 – Q. Tân Bình – TP Hồ Chí Minh), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm thuyết giảng cho hơn 1.000 Thiền sinh và hơn 1.000 Phật tử từ các tỉnh thành câu hội về. Bài giảng lần này  tiếp nối loạt bài về Hộ Pháp, Thượng tọa xoáy sâu vào việc  “BẢO VỆ ĐẠO TÂM”.

 

Qua đây, Thượng tọa nhấn mạnh đạo tâm là một trong những yếu tố then chốt giúp bảo vệ Phật pháp. Vì thế bổn phận của chúng ta là giữ gìn đạo tâm cho nhau trước những kẻ hiểm ác muốn phá mất đạo tâm của mọi người.

Để giúp thính chúng hiểu Đạo tâm là gì, Thượng tọa định nghĩa: đạo tâm là tình cảm – tình yêu – sự quan tâm đối với đạo, tức chúng ta dành phần lớn cuộc đời mình cho đạo.

Theo Thượng tọa, chỉ người hết sức tâm huyết với Phật pháp, cả cuộc đời theo Phật mới đủ quyết tâm, đủ sức mạnh mà bảo vệ Phật pháp. Bằng không ta lo sợ, hèn nhát trước những thế lực chống đạo ngay. Hơn nữa, người Hộ pháp còn phải có uy đức đủ lớn. Nếu như để Hoằng pháp ta cần uy đức một, thì để Hộ pháp ta cần uy đức gấp 10 lần như thế mới có thể thuyết phục, đoàn kết mọi người lại trước những kế hoạch phá đạo đầy tinh vi.

Kẻ tấn công đạo Phật là những người có tiền bạc, có uy quyền, có rất nhiều phước quá khứ, nhưng lại đầy tham vọng. Họ không quan tâm đến chân lý, lẽ phải, đạo đức, giác ngộ mà chỉ quan tâm đến sức ảnh hưởng của mình tới mọi người. Vì đạo Phật kéo quần chúng về với lẽ phải làm họ mất sức ảnh hưởng đó, mà ngày đêm họ điên cuồng chống phá đạo Phật. Đây là sự thật rất đau lòng cho thế giới này.

Họ nghiên cứu từng diễn biến nhỏ trong Phật giáo, theo dõi từng vị Giảng sư, từng vị Thầy có uy đức thu hút đông tín đồ… Rồi từ đó mới lên kế hoạch kĩ lưỡng, bài bản. Và luôn luôn điều họ tập trung tấn công là “đạo tâm” của mọi người. Đạo tâm thì gồm nhiều yếu tố, nhưng kẻ xấu luôn tập trung đánh vào 5 yếu tố sau đây. Mất 5 điều này xem như ta cũng mất luôn đạo tâm.

  • Thứ nhất là tình huynh đệ. Họ âm thầm tác động làm các huynh đệ trong cùng một ngôi chùa, trong một đạo tràng không thương nhau nữa. Họ lén lút nói xấu qua lại, khuyếch trương mọi lầm lỗi cho lớn lên khiến mọi người nghi kị lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta phải luôn nguyện lòng thương yêu huynh đệ đậm sâu, dù huynh đệ mình vẫn còn khuyết điểm.
  • Thứ hai là tình thầy trò trong đạo. Họ khiến cho người đệ tử không còn yêu kính Thầy mình nữa. Họ canh từng sơ suất của vị Thầy, hoặc nếu tìm không ra, họ sẽ bịa đặt thêm để người đệ tử nghi ngờ, chê bai Thầy mình. Mà mất lòng kính Thầy thì đạo tâm cũng sụp đổ, mọi người không còn động lực tu hành nữa.

Để chống đỡ lại, chúng ta phải hiểu rằng dù Thầy mình chưa phải bậc Thánh, chưa phải hoàn hảo, nhưng lòng ta phải mãi mãi trung thành, thương kính. Ta kính Thầy không phải vì cá nhân Thầy mà vì Phật pháp, để giữ gìn lại đạo tâm cho mình, cho mọi người. Cũng như ta thương huynh đệ không phải vì bè nhóm cá nhân mà vì Phật pháp chung vậy.

  • Thứ ba, họ đánh vào niềm tin nhân quả tội phước. Họ bịa đặt ra những câu chuyện phi nhân quả và nói rất thuyết phục, đôi khi nói như chuyện của chính cuộc đời họ làm mọi người dao động hoang mang không biết liệu nhân quả có thật sự tồn tại hay không? Vì vậy chúng ta phải phát nguyện trước Phật dù thịt nát xương tan thì niềm tin của mình đối với sự công bằng của Luật Nhân Quả vẫn là kiên cường bất động.
  • Thứ tư, họ đánh vào lý tưởng giác ngộ giải thoát để những người đệ tử Phật lạc sang một mục tiêu khác, ví dụ muốn hưởng thụ thế gian hay mơ ước về với một vị Thần nào đó sau khi chết.
  • Thứ năm, họ đánh vào lòng tôn kính Phật. Bình thường họ rất dè dặt sợ động đến Đức Phật sẽ làm mọi người căm phẫn, nhưng cho đến khi thế lực của họ đã tràn khắp trong xã hội họ sẽ bắt đầu xúc phạm Đức Phật, ví dụ in hình Phật lên áo tắm, lên giày dép, công kích lời dạy của Phật.

Chúng ta thấy, kẻ xấu trà trộn vào trong hàng ngũ Tăng Ni hay Phật tử đều đánh vào năm yếu tố trên. Giữ vững được năm yếu tố: tình huynh đệ; tình thầy trò; niềm tin Nhân quả; lý tưởng giác ngộ; lòng tôn kính Phật, thì đạo tâm ta sẽ kiên cường vững chắc. Bằng không đạo tâm sẽ lung lay sụp đổ, khi đó chỉ có khổ đau, lạc bước, đọa đày tăm tối mở ra mà thôi.

Và muốn giữ đạo tâm cho mình ta cũng phải tạo công đức bảo vệ đạo tâm cho huynh đệ. Thấy huynh đệ bị hoang mang dao động ở điểm nào trong 5 yếu tố trên, ta phải đến giải thích, thuyết phục, củng cố lại.

Thật vậy:

“Đạo tâm quý nhất ai ơi

Đạo tâm mà mất thì đời khổ đau

Đạo tâm xin giữ cho nhau

Đạo tâm kiên cố là câu chúc lành.” (Ca dao mới)

Nếu như trước đây ta vô tư hời hợt thì qua bài giảng này ta đã thêm ý thức, thêm quyết tâm bảo vệ Phật pháp hơn. Chúng ta cũng hiểu rằng điều tiên quyết là phải bảo vệ bằng được đạo tâm cho nhau, cho tất cả những người đệ tử Phật trước. Khi đã có đạo tâm làm thành trì vững chắc thì những mũi tên giặc bắn vào sẽ rơi rớt, không phá hủy được lâu đài Phật pháp.  

Tuy nhiên, để đem đến đạo tâm cho mọi người và cho cả thế giới này, chúng ta phải dựa trên hai lĩnh vực: một là lý trí; hai là cái đẹp. Phật đã cho ta cái tính lý trí tràn ngập trong tất cả đạo lý rồi, phần còn lại là chúng ta đem cái lý trí đó giới thiệu trong cái thẩm mỹ, trong cái đẹp nhất làm cho mọi người xúc cảm, xiêu lòng, chấp nhận rồi yêu thương, bảo vệ nhau… Trách nhiệm của chúng ta là như vậy.

Dịp này, mùa AN CU KIẾT HẠ PL.2563, đây cũng là thời gian thuận tiện cho giới cư sĩ tại gia có cơ hội tạo phước báo nhân thiên qua việc hộ trì cúng dường vật thực. Vì vậy, nhân Khóa tu, hơn 1.000 thiền sinh đã tổ chức cúng dường Trai Tăng dâng lên Chư tôn thiền đức chùa Từ Tân, Chư tôn đức trong Ban giảng sư và Chư tôn đức Tăng Ni trong Ban giám thiền.

Sau khi cư sĩ Nhật Thiện Tâm dâng lên đôi lời tác bạch, HT Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân cũng có đôi lời đạo từ gửi đến các thiền sinh. Qua đây người tán thán các thiền sinh đã kiên trì đi theo các khóa thiền trong suốt bao nhiêu năm, nỗ lực gột rửa thân tâm, ngoài ra còn hết lòng làm các công đức với Tam Bảo. Công hạnh ấy thật đáng tán thán.

Khóa tu Thiền chùa Từ Tân mở ra được 20 năm, thời gian này chưa nhiều so với quá trình tu học của một đời người, nhưng các thiền sinh đã học được từ thân giáo, khẩu thuyết của 2 vị Thầy khả kính là HT Thích Viên Giác và TT Thích Chân Quang những nền tảng xây dựng nên nhân cách đạo đức, tâm linh trên Tam Vô Lậu Học. Từ sức mạnh của niềm tin vào các giá trị đạo lý, các thiền sinh ngày càng vững bước tu tập, quyết tâm thực hành lời Phật dạy.

Khóa thiền khép lại trong niềm hoan hỷ của chư Tăng và các Thiền sinh Phật tử. Ngưỡng nguyện tất cả chúng ta đều là những người con Phật đủ tinh tấn để theo đuổi con đường Thánh đạo lâu xa, đủ hy sinh mà hoằng pháp giữa bao nhiêu khó khăn, cuối cùng là đủ khôn ngoan và dũng lực để hộ trì đạo pháp vững bền cho muôn đời sau./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng: 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất