Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápNhững sự lựa chọn không công bằng

Những sự lựa chọn không công bằng

-

Vừa qua, nhân Đại Lễ Vu Lan PL. 2563 – DL. 2019, nhận lời mời của ĐĐ. Thích Quảng Trí – Trụ trì Chùa Phật Quang (số 217 Đào Duy Từ, Phường 7, Quận 10, TP. HCM), vào tối ngày 10/8/2019 (nhằm ngày 10 tháng 7 năm Kỷ Hợi), TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang – BRVT đã quang lâm Pháp tòa thuyết giảng về đề tài “NHỮNG SỰ LỰA CHỌN KHÔNG CÔNG BẰNG”, với sự tham dự của hơn 2.000 Phật tử và nhân dân địa phương.

Trong bài giảng, Thượng tọa đã đề cập đến một đạo đức sâu sắc trong đạo Phật đó là lòng biết ơn. Theo Thượng tọa, xuất hiện trên đời chúng ta chịu rất nhiều ơn nghĩa, không chỉ ơn cha mẹ mà ơn Thầy tổ, quốc vương, Tam Bảo, ơn chúng sinh vạn loài…

Và ân nghĩa tức là không công bằng, không sòng phẳng. Bắt buộc như vậy. Tức là khi cái ơn cho đi nhiều hơn những gì nhận lại thì mới tạo thành ân nghĩa. Ví dụ cha mẹ yêu thương con, nuôi nấng, dạy dỗ bao nhiêu năm tháng, nhiều khi con làm buồn lòng vẫn vượt qua mà tiếp tục yêu thương con suốt đời… Đó gần như là sự không sòng phẳng tuyệt đối. Rồi người thầy giáo, người thầy trong đạo, người chiến sĩ cũng vậy, họ hi sinh rất nhiều so với những đãi ngộ, quyền lợi nhận được.

Còn nếu đòi phải đối xử sòng phẳng, thuận mua vừa bán thì thế giới không bao giờ tiến bộ cả. Và con người cũng không có công đức do đã hưởng hết công lao của mình rồi. Khi ta hi sinh, cống hiến nhưng ta nhận sự đãi ngộ rất ít thì mới có công đức dành lại cho mình. Thế giới này nhờ có sự tích lũy công đức của nhiều người mới phát triển, tiến bộ. Vì vậy, hãy hạnh phúc khi ta có cơ hội cống hiến phụng sự mà nhận lại ít đãi ngộ. Hễ có cơ hội phụng sự, chúng ta đừng bao giờ tiếc công tiếc của.

Tuy nhiên, cũng có những sự không sòng phẳng tạo thành oan trái hận thù với nhau, đó là sự áp bức bóc lột. Mà bóc lột thì tạo thành ác nghiệp, thành oán đối kéo dài. Cho nên, người hiểu đạo lý thì trong các mối tương quan luôn cố gắng đối đãi tử tế với nhau, đối đãi dư hơn so với những điều mình nhận được để tạo thành ân nghĩa tốt đẹp với nhau.

Hơn nữa, tu theo hạnh Bồ tát, ta nhận một nhưng phải trả lại mười, trả lại trăm nghìn lần. Có những ân nghĩa mà suốt đời ta không quên, ta biết rằng không bao giờ mình trả được hết. Ta không hiểu ân nghĩa theo kiểu đong đếm. Không bao giờ nói là mình đền ơn cha mẹ được rồi. Trên tất cả là ơn Phật, ta cũng hiểu rằng mãi mãi không bao giờ mình đền ơn Phật hết được:

“Dẫu đốt thân muôn kiếp để cúng dường
Vẫn không nói hết lòng con tôn kính”

Đã một lần mang ơn, ta quyết tâm đền ơn mãi mãi. Mãi mãi ta hy sinh cống hiến không bao giờ tính công của mình. Phải như vậy ta mới đủ tấm lòng, đủ trí tuệ và đủ công đức để giải thoát.

Tiếp theo, Thượng tọa phân tích một khía cạnh lớn hơn của sự không công bằng: nếu con người hưởng thụ nhiều hơn cống hiến, thế giới sẽ suy vong. Đặc biệt khi con người bóc lột thiên nhiên, giành giật với thiên nhiên, sử dụng thiên nhiên để hưởng thụ nhưng không bù đắp, không nuôi dưỡng lại hệ sinh thái, thì ta tạo nên sự không công bằng tiêu cực, ta để lại oán hận trong trời đất này, khiến trái đất đi vào hủy diệt dần dần. Đó là sự thật đáng báo động mà từng ngày từng giờ chúng ta đang chứng kiến, khiến ta phải suy ngẫm mình làm được gì để trả ơn lại cho địa cầu này?

Cuối bài giảng, Thượng tọa nhấn mạnh: để phụng sự chúng sinh, phụng sự đất nước, phụng sự đạo pháp mà không thấy vất vả, không chấp công… thì ta cần một nội tâm thanh tịnh. Và thiền chính là chìa khóa cho nội tâm thanh tịnh đó. Nhờ có thiền, nhờ có nội tâm thanh tịnh buông xả thênh thang mà ta đền ơn không bao giờ ngừng nghỉ, ta cống hiến không bao giờ kể công. Một lần mang ơn rồi ta mãi mãi nhớ ơn, đền ơn. Một lần quỳ xuống chân Phật rồi mãi mãi sẽ tôn kính Phật, đi theo con đường của Người cho đến tuyệt đối vô biên.

Tóm lại, bài giảng đã làm sáng tỏ một đạo đức cao quý trong đạo Phật là lòng biết ơn và quyết tâm đền ơn bằng cách sống tử tế hi sinh nhiều hơn là những gì mình nhận được. Nhìn thì có vẻ không công bằng nhưng sự không công bằng đó tạo thành ân nghĩa với nhau, tạo thành công đức cho chính chúng ta.

Lòng biết ơn trong đạo Phật thật là đặc biệt, sâu xa, đi đến tuyệt đối, không ngôn từ nào có thể ca ngợi hết. Ngoài ra, lòng biết ơn cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay cần được giữ gìn và phát huy. Cho nên, mỗi chúng ta dù là bất kỳ ai, ở lứa tuổi nào hay ở hoàn cảnh nào cũng cần phải có lòng biết ơn.

Trong Tăng chi bộ kinh 2.118, Đức Phật dạy: “Có hai hạng người khó tìm ở đời. Hai hạng người đó là gì? Một hạng người biết thi ân trước và một hạng người là biết ơn và đền ơn”. Vậy chúng ta hãy cố gắng thể hiện rằng mình có thể trở thành một người trong số những người hiếm hoi biết thi ân và tri ân đó, chỉ bởi vì chúng ta là những người con Phật./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất