Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangTin tức Phật Quang"Đại sự nhân duyên" - Những cảm nhận sâu sắc

“Đại sự nhân duyên” – Những cảm nhận sâu sắc

-

Bộ truyện tranh song ngữ Việt – Anh “Đỉnh Núi Tuyết” do Thượng tọa Thích Chân Quang biên soạn, với nét vẽ của họa sĩ Hữu Tâm và ban biên tập, xuất bản bởi Nhà xuất bản Tôn giáo đã dần dần trở thành một trong những quyển sách truyện không thể thiếu trong kệ sách của người Phật tử. Những chi tiết, sự kiện, những bí ẩn, những điều sâu xa, tinh tế trong cuộc đời Đức Phật hiện lên trên trang truyện một cách sinh động, gửi gắm rất nhiều thông điệp cho người đọc, và đặc biệt là những cảm xúc lớn trong trái tim, trong tâm hồn mỗi người khi được đọc và xem những tập truyện này.

"Đại sự nhân duyên" - Những cảm nhận sâu sắc

Cầm trên tay tập 22 với tiêu đề “Đại sự nhân duyên” của bộ truyện tranh Đỉnh Núi Tuyết, lật lại từng trang truyện, đọc lui đọc tới, chúng tôi lại càng cảm thấy sự vĩ đại lớn lao của tập truyện này. Và khi viết những điều cảm nhận về tập truyện, chúng tôi còn cảm thấy run run, trong lòng bồi hồi khó tả, khó đặt bút bởi trí tuệ còn nông cạn và trái tim không đủ lớn để chứa hết nổi tất cả những điều vĩ đại mà tập truyện mang lại. Nhưng hy vọng rằng, những chia sẻ dưới đây sẽ góp phần khơi mở điều gì đó trong lòng mọi người và mỗi người sẽ có thể có thêm nhiều cảm nhận, cảm xúc hơn nữa từ tập truyện này để biết đâu được rằng, sau tập truyện: cuộc đời sẽ thay đổi!

Đại sự nhân duyên” bắt đầu từ hình ảnh của những kẻ ngoại đạo. Hằng đêm, trong ánh lửa lập lòe bên bờ sông họ dùng những chiêu thức thủ thuật để thể hiện “thần thông” nhằm kêu gọi, thu hút tín đồ theo giáo phái của mình. Bọn họ còn ra lời hết sức công kích Đức Phật – Ngài Gotama và Tăng Đoàn của Ngài. Vẽ nên hình tướng của những kẻ ngoại đạo đầy thủ đoạn mà thời nào cũng có. Trước thế lực chống phá của ngoại đạo, Ngài Nan Đà đã hướng dẫn cho Ngài La Hầu La bảo thám tử đi tung tin là thử thách ngoại đạo thể hiện thần thông vào ban ngày. Nhân duyên có trưởng giả Maluta thách đố bằng chiếc bát quý bằng bạc treo cao 20 thước, nếu ai lấy được chiếc bát thì ông mới tin. Nhưng bọn ngoại đạo, trước “ánh sáng”, nháo nhác tìm mọi cách để xoay xở. Cuối cùng họ cũng nghĩ ra một cách rất hèn nhát và hợm hĩnh, đó là giả vờ để Đạo sư tính bay lên nhưng đệ tử thì ngăn lại vì chiếc bát bằng bạc đó không đáng để Đạo sư mất công bay lên lấy. Và họ kéo nhau đi về khiến trưởng giả Maluta có những lời chê bai chỉ trích đối với những sa môn, đạo sĩ và không tin vào thần thông. Nhân duyên này, Ngài Tân Đầu Lư Phả La Đọa xin phép Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông để lấy chiếc bát. Và việc này khiến cho cả kinh thành đều chấn động, kinh ngạc, sững sờ trước thần thông kỳ diệu của vị đệ tử của Thế Tôn. Những người theo ngoại đạo dần dần quy ngưỡng về Trúc Lâm Tinh Xá. Nhưng khi vua Bình Sa xin gặp Phật và trình bày về việc sau khi đệ tử Phật dùng thần thông lấy chiếc bát khiến dân chúng xôn xao không yên, Đức Phật quở việc này và dạy đệ tử mãi về sau không được dùng thần thông để thể hiện như vậy, chỉ dùng thần thông để giáo hóa chúng sinh chứ không ngoài mục đích khác. Nhân chuyện này, ngoại đạo lại xuyên tạc, bóp méo sự thật, đi loan tin là chính việc đệ tử Thế Tôn làm bị Thầy mình khiển trách, còn các Đạo sĩ đã hành xử đúng khi không lên lấy cái bát vì phẩm hạnh của mình, rồi hung hăng chửi bới và thách thức cả Phật. Lúc này nhiều người dân thấy lập luận rêu rao của ngoại đạo cũng hợp lý rồi lại trở nên hoang mang. Hình ảnh này cho thấy bản tính của con người chúng ta rất dễ tin và không có chính kiến, suy xét, nghe ai nói điều gì cũng vội tin theo. Và việc dùng thần thông lúc này cũng chưa đạt đến cái gốc là giáo hóa, xác lập Đạo tâm trong lòng mọi người nên mọi người vẫn dễ lung lay. Đức Phật biết rõ đệ tử mình làm như vậy nhưng bình thản để việc diễn ra, nhân duyên này Đức Phật dạy cho đệ tử muôn đời sau. Và Đức Phật đều đã nhìn thấy rõ mọi chuyện như lòng bàn tay, để rồi đưa đến Đại sự nhân duyên trong cuộc đời của Đức Phật. Đức Phật sẽ thị thiện đại thần thông lực tại cây xoài Ganda, ở kinh thành Xá Vệ, vương quốc Kiều Tát La, trước mùa an cư. Tất cả mọi chi tiết Đức Phật đã biết trước hết và đợi đến khi Nhân duyên đến. Chúng ta có thể thấy hình ảnh của Phật trong mọi tin tức báo về nét mặt của Phật đều rất bình thản. Khi vua Bình Sa hỏi có khi nào việc ngoại đạo sẽ rêu rao rằng Thế Tôn cấm đệ tử mình nhưng lại tự mình thi triển thần thông, như thế là bất nhất lời nói. Đức Phật đã điềm tĩnh trả lời: “Này Đại vương Bimbisara, có những nơi trong hoàng cung cấm người ngoài vào… nhưng Đại vương không cấm chính mình vì đó là đặc quyền của một bậc đế vương. Như Lai cũng vậy, có những điều Như Lai không cho phép các đệ tử làm nhưng với trí tuệ của một Bậc giác ngộ, một Bậc đạo sư Như Lai biết rõ phải cần làm điều gì cho thích hợp…”. Ở đây, chúng ta thấy trí tuệ vĩ đại của Phật.

"Đại sự nhân duyên" - Những cảm nhận sâu sắc

Khi Đức Phật cùng Tăng Đoàn bước đi hướng về kinh thành Savathi, giống như một nhân duyên có sức hút lạ thường, một sự kiện nghìn năm có một trong đời của một vị Phật giác ngộ. Như một nam châm cực mạnh từ sự giác ngộ của Phật và tăng Đoàn cũng như niềm háo hức, hiếu kỳ, tò mò và ngưỡng mộ của những người dân đi theo đoàn, cứ thế đoàn đông lên cho đến hàng vô số người từ nhiều giai cấp, tôn giáo… đổ về đi theo đông nghịt, nối dài tít tắp.. để chờ đón sự kiện vĩ đại này…

Đức Phật dừng lại tại bãi đất trống nơi có những gốc cây xoài bị chặt. Đức Phật gọi cây xoài có tên Ganda. Thực ra Phật đã thấy trước được, nếu loại xoài Ganda có mặt trên lãnh thổ, người dân sẽ biết đó là loại xoài gì? Nhưng không ai biết Ganda là loại xoài gì. Bọn ngoại đạo cứ thế mà đi chặt hết cây xoài. Đột nhiên có một anh thanh niên có tên Ganda đến xin gặp Phật, Người đã gieo hạt giống của sự giác ngộ trong Ganda, thay đổi cả cuộc đời của Ganda trong một lần anh đến nghe thuyết Pháp ở Tinh Xá Kỳ Viên, anh có trồng một cây xoài rất ngon, nhưng bất ngờ ra trái sớm đầu tiên. Khi đó mọi người đều giật mình nhìn sững…

Đây là nhân duyên hội tụ, trái xoài Ganda trồng mọc thấp nằm ở góc tường, trong vườn riêng, bọn ngoại đạo đi chặt mà không thấy, lại bất ngờ ra trái sớm để đưa đến cho Phật đúng vào thời điểm này khi mọi cây xoài đã bị đốn ngã. Tất cả xâu chuỗi lại là một sự kiện vô cùng logic, hợp lý mà trí tuệ của Phật đã nhìn thấy thấu suốt chi tiết mọi việc. Quả xoài Ganda là một quả được gieo từ nhân thiện lành, giác ngộ, thơm ngon để dâng cúng lên Đức Phật. Đến điểm nhân duyên này, Phật để cho tôn giả A Nan gọt xoài nhưng bảo để lại hạt xoài, Đức Phật nạp thọ để cho thí chú Ganda thêm phần công đức lớn. Rồi Đức Phật bắt đầu thi triển thần thông của mình bằng việc gieo hạt giống xoài xuống đất. Mầm xoài rồi đến cây xoài vươn lên cao lớn trước sự kinh ngạc của mọi người. Hình ảnh của việc gieo hạt giống thiện căn xuống sẽ trổ ra biết bao điều từ lá cây, tán cây, cao lớn đến quả xoài, gieo một nhân mà quả muôn nghìn… rễ cây mọc dài ra làm rung động mặt đất như gốc bám sâu rộng của nhân quả. Hình ảnh vài chiếc lá vàng rơi theo gió như sự vô thường của vạn vật, vốn không có bản ngã vạn vật trong đó. Nét vẽ khuôn mặt của Phật khi thực hiện thần thông rất bình thản, từ bi và uy nghiêm, đĩnh đạc. Cây xoài ra hoa kết trái chi chít rồi rơi nhẹ cho mỗi người một quả xoài chín vàng thơm phức, như giáo lý của Phật chan rải khắp nơi nơi, ai cũng có thể thưởng thức được hạnh phúc đó. Đức Phật dùng thần thông tác động vào sự sinh trưởng của cây thực vật, cho ta biết bao điều đạo lý.

Hình ảnh con đường bằng ánh sáng dẫn lên cõi trời hiện ra, chư thiên tấu nhạc, cho chúng ta con đường sáng mà Phật bước đi, con đường lung linh đẹp đẽ hướng lên cao, vượt thoát những điều thấp hèn, khổ đau của cõi chúng sinh đang trôi trong vô minh tăm tối, cho chúng ta niềm tin về con đường mà Phật dẫn lối để đi đến đỉnh cao của sự giải thoát mà không hề sai khác.

Thân Ngài hiện ra mưa như sương nhuyễn phun đều ra khắp mọi hướng khiến đất trời mát dịu, mọi người hân hoan dễ chịu. Hình ảnh giọt mưa từ thân Phật rơi xuống đất thì đất mọc lên bãi cỏ xanh mướt hoa nở ra, khe đất xuất hiện nước chảy, một cõi địa đàng xinh đẹp… như lòng từ bi của Phật tỏa trùm khắp nơi nơi, tình thương ấy lan tỏa đến khắp chúng sinh, từ loài người cho đến mọi chúng sinh trong cõi giới, cả những loài thú vật, đến cỏ cây hoa lá, đến sông núi đất trời. Một tình thương không điều kiện, không biên giới phủ trùm của Phật. Đức Phật hóa hiện những đóa sen khổng lồ giữa hư không, mỗi đài sen Phật phân thân ngồi lên trên trong tư thế tọa Thiền với sự định tĩnh uy nghiêm bay khắp bầu trời, và bay đến đâu thì trời ửng hào quang đến đó. Một cảnh tượng thật kỳ vĩ và huy hoàng. Như hình ảnh của Niết Bàn, không có gì là ta cả, Phật đã trở thành tất cả, là trăng sao, là cả vũ trụ này…

"Đại sự nhân duyên" - Những cảm nhận sâu sắc

Trời tối dần, trên con đường ánh sáng Phật đứng, Chư thiên đến đảnh lễ, từ nơi thân Phật hiện ra vô số đốm lửa bay tỏa ra sáng rực cả bầu trời đáp xuống giữa mọi người để sưởi ấm cho mọi người. Hình ảnh đốm lửa như trí tuệ của Phật soi sáng trong đêm tối vô minh, sưởi ấm con người trong cái lạnh giá, và Đức Phật thắp lên trong mỗi người ánh sáng của sự giác ngộ. Ánh sáng của Phật chiếu xa tít khiến cho các vì sao hiện rõ dần, các thế giới xa xăm hiện ra trước mắt. Để thấy rằng trí tuệ vĩ đại của một Bậc Chánh đẳng Giác đã chứng ngộ hoàn toàn và cái biết phủ trùm khắp vũ trụ, thấy tất cả những cõi sống khác cũng đầy những điều như cõi người chúng ta.

Phật dang tay đưa cả vùng đất nâng cao lên ngút trời như ngọn núi. Phật cho mọi người nhìn thấy vạn vật đất trời, nhìn thấy đại dương, sông núi, thấy con người thật nhỏ bé như hạt bụi bay và trôi dạt giữa vụ trụ mênh mông này, giữa sự sinh hóa muôn vạn tướng của vũ trụ, thấy tất cả đều là sự kết hợp của mọi nhân duyên, biến chuyển, xoay vần…

Phật đưa tay, từ lòng bàn tay vọt lên vầng ánh sáng, bay lên cao rồi biến thành sấm sét, chạy ngoằn ngoèo nổ ấm ầm khắp cả bầu trời khiến cả đất trời kinh động, mây ngũ sắc xoay vòng, gió ầm ầm như cuồng phong, trời đổ mưa to như hạt ngọc thơm như hoa nhài, mưa trút xuống ướt đầm khiến mọi người được sạch sẽ mát mẻ vô cùng. Mưa vừa dứt thì từ bàn chân Phật tỏa ra làn khói ấm và thơm tuôn ào ào xuống khắp mặt đất khiến mọi người chìm rong khói mờ, làn khói đó thấm vào từng người làm hong khô áo quần lập tức. Phật đưa bàn tay vô số đốm lửa tỏa ra khắp nơi đáp xuống sưởi ấm mọi người”. Những chuỗi thần thông đẹp đẽ tuyệt vời, nối tiếp liên tục với nhau, cứ thế mà người chứng kiến đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, và lòng kính ngưỡng đến Đức Như Lai cứ tăng dần cho đến tuyệt đối trước thần thông nhiệm màu và vĩ đại của một vị Phật giác ngộ.

Đức Phật bắt đầu thuyết Pháp, lạ thay ai cũng có cảm giác Phật đang thuyết pháp cho một mình mình mà thôi. Phật giảng cho nhiều giai cấp trong xã hội, từ người bần nông, đến người thương gia giàu có, người tu sĩ, tầng lớp Bà La Môn với những đạo lý cốt lõi. Khi thuyết cho nông dân Pagumba: “Hãy nhanh chóng khi còn mạnh khỏe, hãy cày xới tâm hồn, diệt trừ cỏ dại, gieo giống từ bi, ươm mầm thiện phúc, gặt hái thiền định để có thể vượt thoát sinh tử trầm luân này”. Khi Phật thuyết cho thương nhân Lasati: “Có khi nào ông nghĩ vô thường đến bất ngờ khi ông vẫn còn trên xe chở đầy hàng, thân xác ông ngã gục, mọi tiền của không đem theo được… hãy dành nhiều thời gian để tu tập, hãy biết vừa đủ cho cuộc sống , hãy diệt trừ tham sân…” Và chúng ta mới thấy những gì Phật nói chỉ như nắm lá trong tay nhưng những gì Phật biết là như lá trong rừng. Trí tuệ của Phật không thể nào chúng ta nghĩ bàn nổi.

"Đại sự nhân duyên" - Những cảm nhận sâu sắc

Hình ảnh Đức Phật vị tha, vì chúng sinh mà hóa độ. Hình ảnh của Người hiền từ, nhẹ nhàng thể hiện mọi việc cũng như mọi thứ là nhân duyên, mưa rồi đến lửa sưởi ấm, đến hơi mát hong khô, rồi sấm chớp, mây kéo đến, rồi mưa… các chuỗi nhân duyên cứ thế diễn ra.

Ở đây tác giả đã đưa một đoạn hội thoại của ngài Ma Ha Ca Diếp vào trong chuỗi sự kiện đang diễn ra về Đại sự nhân duyên, đây là một chi tiết rất hay. Đạo lý gửi gắm trong đó về việc luôn gieo nhân chứ không ỷ vào phước và việc giữ gìn phước bằng phẩm hạnh cho trọn vẹn. Hình ảnh của Phật, một người Phước đức vô biên đến như thế, có thể chiến thắng Ma Vương, có thể vượt qua mọi cản trở để đi đến sự giác ngộ tuyết đối, thấu suốt cả vũ trụ như thế, vẫn đi khất thực, ai cúng gì dùng đó, vẫn đến hóa độ từng người khi có duyên. Vẫn vô cùng khiêm cung, vẫn làm phước, vẫn dùng phước của mình để làm lợi lạc cho chúng sinh không hề ngơi nghỉ. Đức Phật là một tấm gương vĩ đại, chứ không phải ngồi một chỗ để đệ tử bưng đến tận nơi hay chỉ nhận sự cúng dường. Đạo Phật hiện ra rất thật, rất gần, là chân lý mãi muôn đời vì không phải là lý thuyết mà là cả một đời thực hành, trải nghiệm, chiêm nghiệm… và cũng nói lên công hạnh của Ngài Ca Diếp – Bậc khổ hạnh đệ nhất, để thấy niềm hạnh phúc của Ngài quá vĩ đại, một người xuất gia sống đời hạnh phúc khi được sống giản đơn với tấm áo rách vá lại rồi giặt phơi khô, với những thức ăn mà mọi người chia sẻ, sống không kết tình thân với riêng ai, đó là điều hạnh phúc. Và câu hỏi của Ngài cũng cho chúng ta điều suy ngẫm: “Vậy vì sao tôi phải sống ngược lại để không được hạnh phúc?”

Trong tập truyện này, chúng ta thấy những hình ảnh đứng sau Đại sự nhân duyên của Phật cứ thấp thoáng, ẩn hiện, luôn quan sát, lo lắng, sắp xếp để mọi duyên sự của Phật được diễn ra trôi chảy, thuận tiện. Vừa cho Đại sự của Phật mà cũng vừa cho Tăng Đoàn, cho mọi người tham gia. Đó là hình ảnh của Ngài La Hầu La với mật hạnh vĩ đại của mình. Ngài luôn theo dõi các tin tức báo về từ thám tử, hóa trang đi vào trong các hoàn cảnh khác nhau. Hệ thống thám tử được triển khai để hỗ trợ từ chi tiết nhỏ nhất như thực phẩm, chăn mền, nơi vệ sinh, lu đựng nước, đựng rác để chuẩn bị cho Đại sự của Phật. Mọi việc được định hình và chuẩn bị trước. Ngài tự tập võ một mình, đôi khi có người thám tử tới Ngài mời đối luyện chung. Và hình ảnh chân chính của Võ đạo thể hiện khi Ngài La Hầu La chặn đường bọn cướp giật của người dân, dùng những đòn đánh hạ gục bọn cướp nhưng Ngài không báo lên quan nha để tử hình mà dạy cho họ những điều đạo lý: “Các người không chịu làm ăn lương thiện, cứ đón đường cướp giật của người dân lành… các ngươi ác độc như thế này thì nghiệp báo cũng phanh thây các ngươi”. Ở đó chúng ta thấy tinh thần nhân văn thượng võ, dũng cảm khiêm cung của vị Thái Tổ sư của môn phái Phật Quang Quyền mới được thành lập. Để tinh thần đó bước vào thời đại hôm nay, vừa dạy võ nhưng cũng vừa dạy Đạo. Con người vừa có Đạo tâm lớn, sống và phụng sự với những điều chân chính, dùng võ thuật để cảm hóa, giúp đỡ và hóa độ chúng sinh.

Hình ảnh Ngài Nan Đà hiểu được thâm ý của Phật, ở bên cạnh hướng dẫn cho Ngài La Hầu La cụ thể địa điểm nơi Phật sẽ thị hiện thần thông, hỗ trợ cho Ngài trong nhiều sự việc… Rồi hình ảnh của tỳ kheo Ni Da Du Đà La cũng âm thầm hỗ trợ Phật, phân thân ở lại để trông coi Tinh Xá Trúc Lâm cho Đức Phật trong đại sự này cũng như những duyên sự khác cho thấy sự đoàn kết, hỗ trợ trong Tăng Đoàn để Đại sự nhân duyên được diễn ra.

"Đại sự nhân duyên" - Những cảm nhận sâu sắc

Hình ảnh của sự hộ trì Chánh Pháp cũng cho chúng ta nhiều sự liên hệ. Đó là mối liên quan chặt chẽ giữa Đạo Phật và dân tộc. Giữa Giáo hội và chính quyền. Hình ảnh các cư sĩ Phật tử cũng làm công tác hộ Đạo tích cực, khi nghe tin như vậy thì mặc dù vua Bình Sa vẫn trăn trở trước vận mệnh của đất nước khi thế lực phía nam đang nhòm ngó, đức vua phải ở lại để trông coi đất nước nhưng vẫn cho người chuẩn bị để hỗ trợ cho đoàn đi, bảo vệ đoàn đi, cúng dường vật thực.

Nhân duyên lần đầu Đức Phật thị hiện thần thông ở thành Ka Tỳ la Vệ khiến cả kinh thành đi xuất gia gần hết. Trong sự lo ngại của vua Pasenadi khi nghe tin Đức Phật về thành Savathi để thi triển thần thông có ảnh hưởng gì đến quốc gia không, thì tế sư Bhaggava gieo quẻ nói rằng không có ảnh hưởng xấu, cũng sẽ có người xuất gia nhưng tiếng tăm của quốc gia cũng được thơm lây. Phật đi đến đâu, giáo lý của Người đi đến đâu, có người xuất gia, đất nước có Đạo Phật sẽ phát triển sẽ ngày một tiến tới và nổi lên hàng đầu so với các nước xung quanh và người dân cũng được nhiều hạnh phúc. Vợ của vua Pasenadi cũng khuyên Ngài hỗ trợ ăn uống nghỉ ngơi cho mọi người đi xem Thế Tôn biểu diễn thần thông.

Những chi tiết của truyện cũng cho ta những đạo lý như hình ảnh 2 anh em của Ngài Xá Lợi Phất là Upasena và Maha Cunda khi đến thăm tinh xá Trúc Lâm, được gặp Phật, được gặp Chư Tăng, nghe Phật thuyết giảng thì lập tức xin được xuất gia để sống trong Pháp và luật của Thế Tôn. Đó cũng là một ước mơ chân chính và lý tưởng thiêng liêng của người Phật tử. Rồi trước sau, ai cũng sẽ ước mơ được trở thành một người xuất gia chân chính, tìm cầu con đường giác ngộ hạnh phúc thoát khỏi những khổ đau buộc ràng này.

Hình ảnh Ngài La Hầu La triển khai mọi việc cho thám tử và không quên sau đó về thăm Bổn sư của mình tại Tinh Xá Kỳ Viên là Ngài Xá Lợi Phất. Hình ảnh cho ta lòng biết ơn đối với người Thầy đã dạy dỗ mình dù rất bận việc nhưng nghĩa kính thầy luôn có trong tâm của Ngài.

Câu trả lời khi Ngài La Hầu La hỏi về nội lực của Ngài Nan Đà: “Vậy bây giờ Tôn giả có thể ra sức nhiều hơn không ạ?” thì Ngài trả lời: “Bây giờ ta không còn là ta nữa thì ra sức làm gì”cũng cho ta một đạo lý đẹp.

Và nhiều chi tiết nho nhỏ khác đều gửi gắm những điều đạo lý Đạo Phật trong đó mà tác giả đã khắc họa, xây dựng bàng bạc khắp trong truyện.

Cảnh tượng kết thúc buổi thuyết Pháp, Chư thiên tung hoa trời cúng dường, che lọng, hương trời thơm ngào ngạt khắp cõi đất, Ngài bước đi theo con đường ánh sáng lên cõi trời thuyết Pháp cho Chư Thiên và thăm Thánh Mẫu Maya trong 3 tháng. Hình ảnh của bậc thầy cõi trời và cõi người hiện lên uy nghi lộng lẫy và ở đây cũng cho chúng ta bài học về lòng biết ơn đến người mẹ, người đã có nhân duyên cho chúng ta bước vào kiếp sống này. Đến cả Đức Phật vĩ đại cũng không quên điều thiêng liêng này huống gì là chúng sinh nhỏ bé tầm thường như chúng ta.

"Đại sự nhân duyên" - Những cảm nhận sâu sắc

Một chi tiết cũng thú vị nữa là khi trưởng giả Anathapindika đến hỏi Ngài Xá Lợi Phất Thế Tôn ở đâu, thì Ngài Xá Lợi Phất chỉ sang Ngài Mục Kiền Liên. Khi trưởng giả sang hỏi Ngài Mục Kiền Liên thì Ngài lại chỉ sang Ngài Anuruddha – Thiên nhãn đệ nhất. Ở đây thì Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên đều biết nhưng lại dành cho Ngài Anuruddha trả lời, thể hiện sự hòa hợp, nhường nhịn, một hình ảnh đẹp của Tăng Đoàn.

Và rồi Đại sự nhân duyên, một lần Đức Phật hiện thần thông trong cuộc đời của mình đã hóa độ cho vô số chúng sinh cả cõi trời và cõi người. Ai ai cũng được một lần trong vạn kiếp chứng kiến Nhân duyên này. Hình ảnh cảm động của một đạo tràng lớn đã được hình thành khi những người tham gia hô vang: “Chúng ta ở lại chờ Thế Tôn 3 tháng, dù đói chết cũng không đi đâu!!!” “Hôm qua chứng kiến thần thông quảng đại của Thế Tôn thì bây giờ con có đem thân xác này chết muôn nghìn lần để phụng sự Thế tôn và Chư Tăng con cũng mãn nguyện”. Và rồi hình ảnh Chúng tăng luân phiên giảng dạy thuyết Pháp cho mọi người tu học trong suốt 3 tháng… Tất cả hiện lên sự nhiệm màu của Phật Pháp, giá trị sự hiện diện của Chư Tăng, những người xuất gia chân chính theo Phật.

Gấp tập truyện lại trong lòng chúng tôi cảm thấy xúc động nghẹn ngào, nước mắt rơi trên trang sách lúc nào không hay và cứ thế lòng kính Phật trong lòng cứ dâng trào, dâng trào… Lòng từ bi bao la, với trí tuệ sâu xa tuyệt vời và sự khiêm hạ của Phật, chưa một lần trong tập truyện, Đức Phật thể hiện mình là người đứng trên cao nhất, hưởng sự cung phụng của mọi người, mà Người tiếp đón từng người đến với mình trong sự trân trọng dù Đức Phật đã quá vĩ đại rồi. Hình ảnh Đức Phật thuyết Pháp cho mọi người, hình ảnh Người ôm bình bát lặng lẽ đi khất thực, hình ảnh Ngài từ tốn lắng nghe và chia sẻ trước sự lo lắng của vua Bình Sa, hình ảnh Phật dạy 2 vị đệ tử đã chứng Tam Quả A Na Hàm và Tứ quả A La Hán khi đến xin Phật thể hiện thần thông, hình ảnh Phật bình thản khi thực hiện thần thông, hình ảnh bóng dáng Phật bước từ từ trên con đường ánh sáng trong hoa trời và sự cung đón của Chư Thiên rồi mất hút… Với tất cả những điều này vẽ nên trong truyện đã làm cho tâm người rúng động, đứng lại mọi suy nghĩ tầm thường, vô nghĩa khác, chỉ còn trong tâm tưởng hình ảnh vĩ đại của Phật, của Pháp, của Tăng. Hình ảnh Tam Bảo lớn lên trong tim hơn bao giờ hết, để suốt kiếp này và mãi muôn kiếp sau vẫn tha thiết được gặp Phật Pháp và nương tựa Tam Bảo để kiên định bước đi trên con đường hạnh phúc tuyệt đối mà Phật dạy. Tất cả, niềm tin vào Nhân quả, tình thương yêu đối với con người, lòng biết ơn đối với những ân nghĩa trong đời, lòng thương yêu đối với vạn vật, những cái nhìn rộng lớn về các hành tinh, về kiếp nhân sinh của con người, của vũ trụ… để rồi mỗi người thấy được điều thiện lành mà Phật dạy để thực hành, thấy con đường thiền định vi diệu để tinh tấn, nhẫn nại, kiên trì, dù có bao nhiêu khó khăn cũng vượt qua để thực hành con đường thiền định ấy. Để rồi một ngày chúng ta có ước mơ, sẽ bước vào dòng của các vị Thánh, thoát ra khỏi thân phận tầm thường và đau khổ của chúng sinh, sớm có ngày giác ngộ. Và gần nhất là những thay đổi từ những việc nhỏ trong cuộc sống, gieo tạo từng chút việc lành để vun bồi phước đức và rồi cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi!

Xin dành sự biết ơn vô vàn đối với tác giả, người đã dùng trí tuệ và cả đời tu của mình xây dựng một tập truyện sâu sắc, đầy ẩn ý, để lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Xin dành sự biết ơn đối với họa sĩ, người đã có những nét vẽ tuyệt vời về nét mặt của Phật, về hình ảnh của Chư Tăng, nét vẽ phản diện lột tả những thói xấu của ngoại đạo, cũng có những nét vẽ không kém phần hài hước, khiến cho người đọc có những nụ cười khi đọc truyện. Xin dành sự biết ơn đối với ban biên tập đã sắp xếp những câu thoại hình ảnh để truyền tải tốt nhất kịch bản của tác giả. Và xin dành lòng biết ơn đến mọi nhân duyên đã làm nên tập truyện này cũng như bộ truyện Đỉnh Núi Tuyết. Thật sự khi cầm quyển truyện, chúng tôi thấy quyển truyện nặng như núi vì biết bao nhiêu trí tuệ, công sức, mồ hôi, nước mắt của bao người nằm trong đó. Nên tuy giá quyển truyện chỉ có 60.000đ nhưng giá trị của nó vượt hơn mọi giá trị. Và chúng tôi mong rằng, cứ mỗi một người cầm quyển truyện này trong tay sẽ có những cảm xúc lớn đối với Đức Phật, với Phật Đạo và rồi ai cũng sẽ thay đổi tâm hồn mình, trở thành những cây xoài thơm ngon, chín ngọt dành tặng cho đời từ những hạt xoài thiện lành, như hình ảnh cây xoài Ganda trong tập truyện 22 này. Một lần nữa xin cám ơn mọi người đã đọc hết những chia sẻ còn nhiều thiếu sót này của chúng tôi. Kính chúc mọi người sẽ có một mùa xuân mới đẹp tươi với tập truyện này!

Kính bút

                                                                                    Phúc Tín Giác

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất