Thứ Bảy, Tháng Năm 4, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangTin tức Phật QuangĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp...

ĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp Hoa

-

Tối ngày 09/05/2013 (nhằm ngày 30/03/Quý Ty), nhận lời mời của ĐĐ Thích Quảng Hiền – UV. HĐTS GHPGVN – Phó ban thường trực BTS PG tỉnh Đăknông – Trụ trì chùa Pháp Hoa (đường Hùng Vương, xã Quảng Thành, thị xã Gia nghĩa, tỉnh Đăk Nông), TT Thích Chân Quang (BRVT) đã viếng thăm và chia sẻ Pháp thoại cho các Phật tử Đạo tràng chùa Pháp Hoa về đề tài CẨN THẬN VỚI NIỀM TIN TRONG TÔN GIÁO.

Khởi nguyên, chùa được xây dựng đơn sơ vào năm 1957 trên diện tích khoảng 800m2, trải qua bao đời Trụ trì tiếp nối từ năm 1960 đến năm 1975. Tuy nhiên, sau năm 1975, quý thầy trở về quê, chùa không có người quản lý. Chính quyền địa phương mượn khu đất hơn 5.300 m2 của chùa làm trường cấp III Đak Nông. Năm 1992, chùa được trả lại mặt bằng cho bà con Phật tử địa phương sinh hoạt. Và đến năm 2002, ĐĐ Thích Quảng Hiền về Trụ trì đã vận động xây dựng lại ngôi chùa khang trang, gồm: chánh điện, tháp 05 tầng, hội trường, tăng xá, đài Quan Âm, cổng tam quan, vườn Lâm Tỳ Ni… Kiến trúc được thiết kế theo phong cách nhà vườn Huế kết hợp với kiến trúc nhà sàn Tây nguyên tạo nên một không gian thanh tịnh cho bà con Phật tử quy tựu về tu tập cũng như khách thập phương đến vãn cảnh.

Ngày nay, chùa Pháp Hoa là Trung tâm Phật giáo và Hoằng pháp của tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra, đây là di tích lâu đời còn lại vào thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước của người dân bản địa vùng Tây nguyên. Được biết, Pháp Hoa là ngôi chùa nổi tiếng ở Tây Nguyên không những về mặt cảnh quan mà Đại đức Trụ trì còn làm rất tốt về công tác hoằng pháp, từ thiện tại địa phương. Chùa thường tổ chức các kỳ Lễ lớn của Phật giáo như Lễ Phật Đản, Lễ Vu lan, Lễ Phật Thành Đạo, v.v… với sự tham dự cả nghìn Phật tử.  Và trong các dịp lễ lớn cũng như tết đến, nhà chùa đều tổ chức tặng quà cho đồng bào nghèo. Đặc biệt, vào mùa hè chùa Pháp Hoa tổ chức Khóa học rèn luyện đạo đức và kỷ năng sống cho thanh thiếu niên trong thời gian 1 tuần.

Ở vùng đất mới, Phật giáo Đắk Nông còn nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng vì Đạo pháp – Dân tộc, chư Tăng Ni và Phật tử tại đây rất nhiệt huyết năng nỗ với các hoạt động Phật sự, cố gắng vươn mình hòa chung vào sự phát triển chung của Phật giáo cả nước, thật đáng tán dương.

Đi vào nội dung bài Pháp thoại CẨN THẬN VỚI NIỀM TIN TRONG TÔN GIÁO, Thượng tọa Giảng sư định nghĩa “Niềm tin”gồm 2 phần, đầu tiên là ta chấp nhận một điều gì đó, sau nữa vì tin nên ta đặt lên đó một tình cảm mạnh và cả cuộc đời ta dâng hiến cho niềm tin đó. Ví dụ người nào chấp nhận có ma thì mới có tình cảm sợ ma và ngược lại. Hoặc chúng ta tin trong vũ trụ này có Luật Nhân Quả chi phối chặt chẽ tất cả mọi sự mọi vật. Đó là giáo lý cơ bản của đạo Phật, nếu không tin thì là ngoại đạo. Trong khi chờ chứng minh được là có Luật Nhân Quả thì người nào không tin Nhân quả họ sẽ làm điều xằng bậy, ỷ mình khôn ngoan mạnh mẻ nên hiếp đáp người khác. Còn ai tin làm việc gì đều có quả báo tương xứng, lúc đó người ta phải suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận trước mọi hành động, lời nói của mình. Người hiểu Luật Nhân Quả càng tinh vi chừng nào thì đạo đức người đó càng sâu sắc chừng ấy.

Tin Nhân quả sẽ đem lại nhiều điều có lợi cho đạo đức của chúng ta. Khi ta chấp nhận quan điểm Đức Phật là một bậc Thánh tột bậc trong vũ trụ này, không ai có thể hơn được thì ta xuất hiện tình cảm tôn kính đối với Đức Phật. Và nhân quả đối với việc kính trọng một bậc Thánh, ta sẽ được những thánh tính trong lòng mình, và trên con đường để trở thành Thánh ta sẽ thánh thiện  từ từ. Còn người nào không có lòng tôn kính Đức Phật thì là người không có đạo đức và trí tuệ. Thường ta thấy người đạo đức, họ có trái tim nhạy cảm, xúc động được những điều cao thượng trên đời này. Với Đức Phật mà ta tôn kính thì ta là người có đạo đức, còn nếu ta tôn kính tuyệt đối thì ta là người có đạo dức hoàn hảo.

Cho nên cái đạo đức đầu tiên là ta kính được những người đáng kính. Như vậy tình cảm đi theo niềm tin, và một khi có niềm tin, có tình cảm, ta có sức mạnh trong cuộc sống. Ngày xưa khi đất nước bị xâm lăng, có những thanh niên trai tráng lẽ ra họ được ăn học thành tài, nhưng họ tin vào tình yêu đối với tổ quốc, tin vào đất nước này phải được độc lập, hoà bình, nên bỏ hết cuộc đời của họ để ra đi chiến đấu và có khi chết giữa sa trường.

Do đó, khi niềm tin đúng rồi là định hướng cả cuộc sống của ta. Nếu người có niềm tin sai (ta tưởng đây là đúng, là vinh quang, là tốt đẹp nhưng sự thật nó ngược lại hoàn toàn) thì sẽ rơi vào vực thẳm, vì đi sai đường mà ta lỡ tin. Để rồi quả báo tới, kiếp này và những kiếp sau, ta chỉ nhận lấy đau khổ. Còn khi ta chọn một niềm tin đúng, có động lực đúng, có hướng đi đúng, ta có sức mạnh để đem hết cuộc đời đi về nơi cao thượng, tốt lành, an vui, hạnh phúc; nơi mà những kiếp sau nữa ta đạt được rất nhiều phước báu. Vì vậy việc chọn niềm tin ban đầu rất quan trọng với cuộc đời của ta. Và việc ta cứu người, giúp người cũng là chỉ cho họ niềm tin đúng để họ có động lực đi trên con đường đúng. 

Sống trên đời có 2 tai họa, một là chẳng có niềm tin gì cả, hoặc là rất có niềm tin mà tin sai. Người nào vướng vào 2 trường hợp này thì cuộc đời họ mất phương hướng, rỗng tếch, làm bậy và đau khổ. Hạng người thứ nhất không có niềm tin nên không có tình cảm, chẳng yêu thương một điều gì cả và cứ thế họ sống một đời vô nghĩa, con đường tương lai phía trước không có lối đi. Ngược lại, người nào sống trên đời tin rằng sống là con người phải tử tế yêu thương nhau, phải có tình yêu đất nước, nhân loại, phải kính những Bậc đáng kính thì trong ánh mắt, gương mặt của họ tràn đầy sức sống, nó biểu hiện từ bi, hiền lành, sâu sắc, tận tụy, siêng năng, chịu khó. Và niềm tin đó thành sức mạnh đẩy họ đi tới. Ta thấy phía trước con đường của họ là sự vinh quang. Kiếp này nội tâm họ an vui, vững chắc, khi bỏ thân sẽ về một nơi cao quý, tốt lành, no đủ, ấm áp. Như vậy, không có niềm tin hoặc niềm tin sai là một bất hạnh của cuộc đời này. Đến đây, Thượng toạ nhắc nhở mọi người xem lại mình đã có niềm tin và niềm tin đó đã đúng chưa. 

Cái may mắn trong đời ta là có niềm tin để sống, có động lực để đi tới và niềm tin đó đúng. Khi xác định ta đã có niềm tin đúng rồi, phần còn lại hãy xem chừng những người chung quanh mình, nếu người nào chưa có niềm tin, ta nên cho họ một niềm tin để sống trên đời, còn người nào niềm tin họ sai ta phải giúp họ sửa niềm tin đó lại. Tuy nhiên để đủ sức dù trao hay sửa sai niềm tin cho người khác, ta phải rất giỏi, rất có uy đức mới thực hiện điều đó được. Đây cũng là trách nhiệm mới mà Thượng toạ muốn trao truyền cho các Phật tử trong Pháp hội này.

Một nhận định khác, muốn người khác đi theo thì chính ta phải làm gương trước, vì thế hãy chắc chắn rằng niềm tin của ta đã đúng rồi. Do vậy, Thượng toạ nhắc nhở, mỗi người Phật tử hãy xem điều gì là niềm tin sai trong lòng mình để sửa. Bước tiếp theo, tại buổi Pháp thoại Người đặt ra nhiều câu hỏi, thực hiện một cuộc trắc nghiệm tâm lý dành cho các Phật tử đang thính Pháp và theo sự trải nghiệm của cá nhân, Thượng toạ đã chia sẻ, gợi ý và khuyến khích những ai mắc phải sai lầm hãy thoát ra bằng câu nói khẳng định “Niềm tin của ta được soi sáng bởi trí tuệ chứ không phải đụng gì cũng tin, chấp nhận một cách dễ dàng”.

Trong cuộc sống có thể có những cái “bẫy” mà ta không nhận ra, nhưng cũng chính vì thế mà ta lại sa vào lúc nào không hay. Chúng ta mắc bệnh dễ tin, vì vậy khi đến với đạo Phật hãy sửa bệnh này trước. Tập xét lại tất cả mọi điều mình được nghe, vì khi ta đặt niềm tin rồi sẽ đem hết cả cuộc đời đi theo. Hãy đem tất cả quyết tâm để sống cuộc đời có ý nghĩa chứ không sống dật dờ từng ngày với niềm tin không đem lại tương lai tốt đẹp. Chúng ta đi trong tôn giáo là đi theo con đường của “Niềm tin”, cho nên niềm tin của ta phải hết sức trân trọng, quý giá, bảo vệ cẩn thận, đặt đúng chỗ như chọn mặt gửi vàng, vì khi ta gửi rồi là cả cuộc đời đi theo. Suốt cuộc đời còn lại, bài học đầu tiên khi đến với đạo là tập bản lĩnh không dễ tin. Chỉ có niềm tin đúng, mới đem lại cho ta cuộc sống mới tràn đầy trí tuệ và đạo đức.

Nên nhớ, trước khi ta chọn một tôn giáo – một tín ngưỡng – một lý tưởng  để sống thì phải hết sức cân nhắc và khôn ngoan, nhưng không dừng lại ở đó,  trong suốt quá trình ta tu theo Phật vẫn có người kéo đi làm ta lạc đường. Chỉ khi nào ta chứng được sơ quả Tu Đà Hoàn thì niềm tin đối với Phật pháp mới là tuyệt đối, và niềm tin đó sẽ kiên định bất hoại, đưa ta đi qua nhiều kiếp cho đến khi ta chứng A La Hán.

Lại nữa, đạo Phật là đạo của sự thật và đúng với nhân quả, vậy sao có chuyện cầu nguyện Quan Âm Bồ Tát thì được kết quả. Đây là niềm tin lớn trong đạo Phật, đến nổi hầu như người nào trong đời cũng đã từng có kinh nghiệm này. Để tránh tà kiến cho mọi người, Thượng toạ đã phân tích, chứng minh cho thấy sự linh ứng của Bồ tát Quan Âm, trong đó có sự phù hợp với Luật Nhân Quả. Đồng thời khuyến khích mọi người đừng nên cầu xin cho mình nhiều quá thành ra đi lạc đường, mặc dù điều đó không sai. Mà khi đến với Phật ta chỉ dâng lên lòng tôn kính, cúng dường Phật bằng giới hương – định hương – huệ hương, như vậy là đẹp nhất. Cái ta cần thì mọi người cũng cần, cho nên nếu phải cầu xin thì hãy cầu xin cho mọi người. Ví dụ ta cần sống trong hoà bình và nghĩ mọi người trên thế giới cũng cần điều đó và ta xin Phật hoà bình cho thế giới; hoặc ta cần đạo đức nên cầu nguyện cho thế giới này ai cũng đạo đức để sống yêu thương tử tế với nhau, đừng ai hại ai, ghét bỏ ai…Những lời cầu nguyện như vậy mở lòng của ta, dù kết quả chưa thấy nhưng phải cầu vì hai điều: thứ nhất để diệt trừ cái tâm ích kỷ ngàn đời của ta; thứ hai khi ta cầu như vậy thì sẽ sinh về cái cõi mà cả một cõi giới đều hoà bình, mọi người sống yêu thương nhau, đủ ăn đủ mặc, đó là cõi trời – cõi Phật. Tuy vậy, còn lý do thứ ba, ngày nào chúng ta còn sống nơi cõi người, nơi thế giới này thì từ trái tim vô hình của ta, làm sao cuốn mọi người đi theo để sống cuộc sống vị tha, phải yêu thương lẫn nhau bởi lời nguyện ngày hôm nay. Niềm tin là vậy! Lý tưởng là vậy! Ta tin vào một thế giới sẽ hoà bình, ta tin vào cuộc đời con người sẽ yêu thương nhau.

 

Con người không được đánh mất niềm tin vào một thế giới tốt đẹp ở ngày mai. Cái gì có thể mất, vô thường có thể cuốn trôi, mặt trời có thể đốt cháy tất cả ngày nào đó, nhưng ta cứ phải có niềm tin “Tâm con người đều có thể chuyển hoá từ xấu trở thành tốt”.

Ta tin rằng dù con người có xấu ác nhưng nếu họ được đi đúng hướng,  được dạy dỗ đúng mức thì sẽ thay đổi tâm hồn, trở nên tốt. Chính niềm tin đó làm cho ta có sức mạnh để sống với nhau. Còn người mất niềm tin rồi họ không sống nổi, người ta chưa xấu mình đã ghét họ trước do mất niềm tin với cuộc sống. Thậm chí có người khi mất niềm tin rồi thì tránh né, không tiếp xúc với ai. Riêng chúng ta không mất niềm tin với con người vì ta cầu nguyện Phật hàng đêm, cầu cho thế giới hoà bình, cầu cho con người yêu mến nhau. Chính lời cầu nguyện cao đẹp đó giữ tâm hồn, sự lạc quan, niềm tin của ta, để ta vui sống, đủ sức mạnh để đi tới, vượt qua mọi trở ngại.  Người nào không biết quỳ trước Phật cầu nguyện cho thế giới, cho loài người thì khi đụng tới những chướng ngại trên đường đời là sụp đổ, mất niềm tin vì chỉ cầu nguyện cho mình, nên không có sức mạnh, lạc quan, tin yêu để truyền cho mọi người trong cuộc sống.

Muốn biết cái gì là đúng thì phải nghe lý thuyết cho kỹ, rồi phân tích đối chiếu cho kỹ, sau đó thực hành; đồng thời đối chiếu giữa lý thuyết với thực hành thấy trùng khớp nhau mới chấp nhận, vậy mà nhiều khi ta còn lầm. 

Có những người truyền cho ta niềm tin sai lầm. Lý do, một họ là người nói dối và biết rõ mình nói dối để đạt được mục tiêu riêng tư; hai họ không nói dối nhưng tin một người nói dối trước đó. Họ tin quá nên truyền niềm tin đó cho ta, mà nếu ta tin sẽ tiếp tục truyền cái điều dối trá cho bao nhiêu người khác nữa. Do đó, khi một người nói với ta điều gì, ta phải đánh giá xem họ thuộc loại người nào để quyết định có tin theo hay không, vì ngay niềm tin ban đầu mà sai lầm thì cuộc đời ta đi sai luôn. Ngoài ra, còn nhiều cái li ti mê tín trong cuộc sống mà có người lôi kéo, dụ dỗ, nếu ta bị lừa đi theo sẽ rớt vào con đường mê tín, hãy cẩn thận với loại ngườinày. Và ngay trong đạo Phật vẫn có những điều sai làm ta tin sai, vì cách Phật quá xa, ngót hơn 2500 năm rồi. Ở khoảng giữa đó đã có nhiều sự thêm thắt, có những điều nghe danh nghĩa là đạo Phật nhưng bên trong không phải vậy. Ta phải cẩn thận đi từng bước, không phải ai nói gì là tin. Sự chuẩn xác của chân lý, của đạo lý (chánh kiến duy nhất của đạo Phật) vừa bằng đầu chấm bút chì. Chúng ta phải vững chãi để bước đi trên con đường tu hành, không sai lầm.

Tóm lại, qua bài Pháp thoại này, Thượng toạ đã giúp các Phật tửxác tín lại niềm tin của mình bằng sự cân nhắc, dặn dò là “Niềm tin ta đặt phải suy xét cẩn thận, không bao giờ được dễ dải trao niềm tin của mình cho mọi người, vì niềm tin đó là tài sản, trái tim, tấm lòng, là sức mạnh của cuộc đời mình, nếu ta đi sai thì tất cả biến mất. Còn làm sao biết điều gì đúng điều gì sai là vấn đề lớn, phải suy xét, đối chiếu, cẩn thận. Và chung quanh ta còn biết bao con người chưa có niềm tin với cuộc sống, bao nhiêu con người đã tin sai lầm thì bổn phận còn lại của người Phật tử là giúp cho họ có niềm tin vào điều cao đẹp. Nếu họ tin sai thì ráng chỉnh sửa cho họ, nhưng đi kinh qua cả quá trình bản thân của ta, tức là chính ta đã có niềm tin đúng để sống rồi thì ta mới đủ uy đức khuyên bảo mọi người chung quanh mình.

Thượng toạ là vị chân Sư có tầm nhìn, có kiến thức và kinh nghiệm tu hành, chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người nghe. Gần 90 phút chia sẻ trước những lời cảnh báo của Thượng toạ đối với niềm tin, mọi người đã lắng nghe một cách tôn trọng về những truyền đạt chân chính, rõ ràng và cởi mở đó. Sự  truyền cảm hứng này, giúp cho người Phật tử nhận ra nhiều điểm trọng yếu mà họ cần phải hiểu rõ để không bị lầm lẫn. Phải chăng, sự hiểu biết chân chánh cũng giúp cho Phật tử có một niềm tin vững mạnh để tiếp tục đi và vượt qua đoạn đường dài của tu học. Đặc biệt là thành tựu viên mãn công đức trong đời này và đời sau.

Dưới đây là một số hình ảnh về quang cảnh buổi thuyết Pháp của TT Thích Chân Quang tại chùa Pháp Hoa – tỉnh Dăknông:

ĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp HoaĐăkNông : TT.Thích Chân Quang thăm và thuyết giảng tại Chùa Pháp Hoa

TUỆ ĐĂNG.

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất