Thứ Tư, Tháng Tư 17, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápHộ pháp trong thời đại ngày nay

Hộ pháp trong thời đại ngày nay

-

Từ thời Đức Phật đến nay, đạo Phật chưa bao giờ được bình yên, trái lại luôn phải đối diện với sự tấn công ngấm ngầm hoặc công khai. Tuy nhiên, đa phần người đệ tử Phật đều chưa ý thức về vấn đề này, để cho ngày hôm nay đạo Phật dần suy tàn biến mất tại rất nhiều vùng miền và chân lý vô giá của nhân loại bị lụi tắt uổng phí. Đây là sự thật rất đau lòng. Đó cũng là lý do mà Thượng Tọa Thích Chân Quang đã trăn trở và quyết định thuyết giảng loạt bài với chủ đề HỘ PHÁP.

Vừa qua, vào ngày 30/6/2019 (nhằm ngày 28/5/ Kỷ Hợi), nhân khóa tu Thiền hàng tháng tại chùa Từ Tân (số 90/153 đường Trường Chinh, P.12, Q.Tân Bình, TP. HCM), TT. Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã quang lâm thuyết giảng cho hơn 1.500 thiền sinh và hơn 1.000 Phật tử từ các tỉnh thành hội tụ về. Đây là bài giảng tiếp nối loạt bài về HỘ PHÁP.

Bài Pháp thoại này đã giúp thính chúng nhìn rõ tầm quan trọng, đặc điểm, tính chất của việc Hộ Pháp trong thời hiện đại. Đồng thời, bài Pháp cũng vạch những bước đi cơ bản, giúp Quý Phật tử có đủ trí tuệ, bản lĩnh để vừa có thể Hộ Pháp vừa có thể gìn giữ, đóng góp vào sự hòa bình, an vui của Thế giới.

Trước khi bắt đầu, Thượng tọa khẳng định HỘ PHÁP là công việc rất khó, để không mắc sai lầm, ta phải có bản lĩnh tu hành và trí tuệ lớn. Bởi ta phải đương đầu với những kẻ ác tâm đầy mưu kế, có thế lực, có tiền bạc, có tổ chức trong khi đạo Phật hầu như không có phương pháp hay lực lượng nào để tự bảo vệ mình. Vì thiếu kỹ năng này mà Phật Pháp ở nhiều nơi trên Thế giới đang bị lụi tàn, thậm chí là đã biến mất. Kết quả này là do ta thiếu sự truyền bá.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn hơn là do đạo Phật lúc nào cũng bị chống phá. Cái thanh bình, an vui chúng ta thấy chỉ là vẻ bề ngoài. Thực tế, đạo Phật từ lúc xuất hiện cho đến nay chưa lúc nào bị ngưng chống phá. Nếu không có những người giỏi hoằng Pháp, hộ Pháp thì đạo Phật đã biến mất rồi.

Phật giáo hôm nay đang dần bị suy tàn mà ta không biết lý do tại sao? Khôi phục, phát triển đạo Phật đang là việc cấp bách và là trách nhiệm chung của cả cộng đồng bởi đạo Phật còn thì mọi người còn được lợi ích. Đạo Phật mấtthì lợi ích của mọi người cũng không còn. Vì lý do này, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã và đang phát động phong trào “khóa tu mùa hè tại chùa cho trẻ em”. Đây là điều rất cần thiết, bởi vì các em bây giờ đang thiếu đạo đức trầm trọng và cần có sự giáo dục, bổ sung sớm. Và trách nhiệm của Phật giáo là đóng góp vào mảng này.

Thực tế cho thấy, khi tham gia các khóa học đạo đức, các em có cơ hội học tập, hoàn thiện bản thân mình. Đồng thời, các em được tiếp cận với Phật giáo và những đạo lý tốt đẹp, thiện lành. Khi trưởng thành, nếu các em giữ được đạo tâm, các em sẽ là những người tiếp nối, giữ gìn mạng mạch Phật Pháp. Nếu không gấp rút mở rộng hoạt động này, chúng ta khó có thể kéo đạo đức của các em đi lên được.

Hiện nay, việc thiếu hụt, suy đồi đạo đức ở trẻ em thể hiện rõ ràng nhất là số lượng trẻ em phạm tội ngày càng tăng (đánh nhau, ăn cắp, hiếp dâm, thậm chí là giết người). Do Pháp luật có điều khoản giảm nhẹ tội cho trẻ chưa thành niên nên các đối tượng xấu lợi dụng, biến các em thành tay sai, có khi là nhận tội thay cho mình trong các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống từ gia đình cũng là nguyên nhân khiến người phạm tội là trẻ em tăng nhanh. Chúng ta đang sống trong thời văn minh thì phải dạy con theo đúng thời đại. Càng sớm nghiêm khắc giáo dục thì càng giúp con sớm nhận thức được điều hay lẽ phải, tránh xa được tội ác và bảo vệ đạo đức, nhân cách cho trẻ. Đây là trách nhiệm của gia đình, xã hội và người con Phật càng phải đi tiên phong để đóng góp vào công cuộc xây dựng đạo đức cho thế giới.

Quả thực, chưa Tôn giáo nào mà có hệ thống đạo đức hoàn chỉnh như Phật giáo. Chính sự tinh tế từng chút một của Phật giáo đã khiến Liên Hợp Quốc lay động, quyết định chọn đạo Phật làm Tôn giáo tiêu biểu cho văn hóa và Tôn giáo của thế giới. Nói cách khác, tính nhân bản sâu sắc của Phật giáo đã được cả thế giới công nhận kể cả những tín đồ của Tôn giáo khác. Họ đã khách quan, thoát ra khỏi Tôn giáo mình mà đồng ý rằng, đạo đức của đạo Phật thật đẹp. Do đó, việc ta cố gắng tu tập, truyền bá, bảo vệ Phật pháp là trách nhiệm hết sức thiêng liêng.

Đầu tiên, nói về Hộ pháp chúng ta phải tránh hai cực đoan, thứ nhất là hoang tưởng, nhìn đâu cũng nghi kị thành ra tự tạo nghiệp. Thứ hai là hời hợt tức là dửng dưng không ý thức về các mối nguy cơ đe dọa Phật pháp, lúc nào cũng chỉ nghĩ người xu nịnh, chiếm tình cảm của mình là người tốt. Vậy, chúng ta làm thế nào để tránh được 2 căn bệnh này?

Trong bảo vệ Phật pháp, nguyên tắc đầu tiên là phải biết mình, biết người thì trăm trận mới trăm thắng. Muốn vậy, ta đừng hoang tưởng, cũng đừng hời hợt, như thế tâm lý mới ổn định, sáng suốt. Tức là ta cần tu tập chuẩn mực, nhất là tu Thiền mà tu Thiền thì phải tuân thủ theo Bát Chánh Đạo. Tóm lại, để trở thành người Hộ Pháp, ta buộc phải là những người tu hành chân chính.

Thượng Tọa khẳng định, những người không tu nhưng cứ mở miệng ra nói mình là người hộ đạo thì chắc chắn họ muốn phá đạo. Để Hộ Pháp, ta buộc phải đi qua 4 bước: Học – Hành – Hoằng – Hộ. Nghĩa là ta phải học cho hiểu, thực hành cho thấu, biết hoằng truyền đạo thì mới là chiến sĩ bảo vệ đạo chuẩn mực. Ta cần những con người đủ bản lĩnh và sáng suốt, những người có nội lực tu hành, bằng không, người kém tu mà bảo vệ đạo pháp thì chỉ làm cho mọi chuyện rắc rối thêm, dễ trở thành kẻ nóng nảy, thô lỗ, gây thêm chia rẽ, bất an.

Tiếp theo bài giảng, Thượng tọa phân tích về những yếu tố, những thế lực nào đang âm thầm đánh vào Phật giáo và lý do vì sao họ lại nuôi ác tâm quyết diệt Phật giáo như vậy?

Sau đó, Thượng tọa nhấn mạnh: người hộ đạo phải khôn khéo, sáng suốt, cái hay của ta là bảo vệ đạo Pháp dựa vào trí tuệ, đạo đức, chứ không phải là thù hằn, bạo lực. Dù biết rõ ai đang phá đạo Phật nhưng ta không căm ghét họ. Dù quyết liệt bảo vệ Phật Pháp, chúng ta vẫn khéo léo không biến họ thành kẻ thù của mình, bởi vì thế giới này, đất nước này cần sự đoàn kết. Và chỉ những người có tu, có Thiền định, có giác ngộ mới là những vị hộ pháp chân chính. Những vị ấy mới có thể hộ trì Phật pháp mà không gây thêm oán thù, không để lại sự chia rẽ dân tộc, đúng như chủ trương của Nhà nước: “Việt Nam muốn làm bạn với Thế giới”. Bảo vệ làm sao mà không gây thù – điều này trên thế giới chỉ Việt Nam ta làm được. Do cái gốc từ bi, nhân văn này khiến đạo Phật đi đến đâu cũng mang lại lợi ích cho nơi đó. Đây chính là tiền đề để sau này, thế giới cùng đoàn kết với nhau, cùng ngồi lại bên nhau trong niềm hạnh phúc vô bờ.

Ngày nay, các hình thức chống phá của ngoại đạo đã trở nên tinh vi, khó đoán hơn trước. Sự phá hoại có nhiều mức độ từ thô thiển đến tinh vi. Thô thiển nhất là ra mặt dùng lời chửi bới, gươm đao, súng đạn giết chết người tu mà sự kiện Hồi giáo đánh vào xóa sổ Phật giáo Ấn Độ ở thế kỷ XIII là dẫn chứng đau lòng.

Không chỉ thực hiện nhiều chiêu trò rỉ tai, dựng chuyện, chúng còn thực hiện nhiều hành động “ném đá giấu tay” khiến Phật tử hoang mang, dao động rồi dần dần mất niềm tin vào Phật pháp. Tu mà không có niềm tin thì không thể tu được. Ví dụ, họ thả người vào chùa giả làm người xuất gia rồi tác động vào tâm lý của Tăng Ni khiến Tăng Ni dao động hoang mang mất niềm tin với Thầy tổ. Thế là người ta bỏ chùa, bỏ tu dần dần hoặc họ giả làm Phật tử để nói xấu những vị Thầy uy đức khắp nơi. Hoặc họ mượn tay chính quyền địa phương cản trở đạo Phật phát triển.Hoặc họ mua chuộc những Tăng Ni biến chất rồi xúi những người này chống qua chống lại, hoặc cản trở những Tăng Ni tốt không để các vị này giáo hóa được. Cuối cùng đạo Phật bị suy yếu lúc nào không hay. Vậy nên, chúng ta phải hết sức cẩn thận.

Nhân dịp này, Thượng tọa nhắc nhở thính chúng hãy bảo vệ đạo Phật bằng phước của chính mình. Vì phước là nền tảng vững chắc và quan trọng của một người làm công tác hộ Pháp. Nếu những người đệ tử Phật quá kém phước, đạo Phật sẽ không chống đỡ nổi trước những kẻ có thế lực, có kinh tế, có lực lượng rất mạnh. Vì thế, mọi người phải tự nâng cái phước của mình lên bằng cách siêng năng phụng sự, cống hiến, đóng góp cho xã hội, cho thế giới.

Bên cạnh việc có phước lớn, ta còn cần sự hỗ trợ của Nhà nước và sự gia hộ của Phật, nếu ít phước quá thì Nhà nước và Chư thiên cũng không hỗ trợ, bảo vệ nổi mình. Do đó, căn bản vẫn là phải có phước trước. Mỗi người đệ tử Phật phải là nguồn phước bao la mênh mông góp vào cái phước chung cho Phật pháp. Có như vậy, chúng ta mới mong Phật Pháp được bình yên vững vàng trước sự phá hoại điên cuồng của kẻ ác tâm.

Tuy nhiên, chúng ta làm phước trong tư thế không chấp công, không cầu lợi, không mong thụ hưởng cho mình. Lúc nào cũng có tư tưởng hộ quốc, hộ đạo, hộ dân, vậy mới đúng lời Phật dạy. Cuối cùng, Thượng tọa đặt những câu hỏi cho thính chúng tự suy ngẫm về cách thức hộ Pháp đối với các lĩnh vực khác nhau.

Tóm lại, bằng những dẫn chứng sát thực, lý luận sắc sảo, Thượng tọa đã chỉ rõ đặc điểm, tính chất và những yếu tố quan trọng, cần thiết trong việc Hộ Pháp. Nhờ đó, Quý Phật tử có được cái nhìn tổng quan, rõ ràng, biết nâng cao cảnh giác cũng như  trách nhiệm của mình trong việc hộ đạo. Những đạo lý này sẽ là hành trang, giúp  tất cả mọi người vững vàng cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng quan trọng này.

Bên cạnh đó, bài Pháp thoại cũng chỉ rõ vai trò của đạo Phật trong quá trình đoàn kết Thế giới. Quả thực, Thế giới nhìn từ bên ngoài rất yên bình, an vui. Nhưng thực tế, chiến tranh, áp bức, dịch bệnh, đói nghèo chưa biết bao giờ mới kết thúc. Nếu ai ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân thì ngày thế giới biến mất sẽ rất gần. Chỉ có yêu thương, bao dung, từ bi, hi sinh quyền lợi bản thân để bảo vệ lợi ích chung cho mọi người đúng như Phật dạy thì thế giới mới được hạnh phúc. Vậy nên, bảo vệ, lan tỏa những đạo lý từ bi của Phật là cách tốt nhất để bảo vệ và đoàn kết thế giới này.

Ngưỡng mong sao tất cả đệ tử Phật chúng ta, vì lòng thương kính Đức Phật, vì lòng thương yêu chúng sinh mà hãy phát nguyện sẽ dõng mãnh bảo vệ Phật Pháp mãi trường tồn cho muôn đời sau, dù bao thử thách khó khăn đang chờ phía trước vẫn không sờn lòng./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa thiền:

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất