Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangLễ hội - Nghi lễHơn 3 vạn lượt người tham dự Đại lễ Vu Lan tại...

Hơn 3 vạn lượt người tham dự Đại lễ Vu Lan tại Thiền Tôn Phật Quang

-

Vừa qua, trong 2 ngày 14 & 15/07/năm Quý Mão (nhằm ngày 29 – 30/08/2023), tại Thiền Tôn Phật Quang (núi Dinh, ấp Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã diễn ra Đại Lễ Vu Lan PL.2567 – DL.2023 thật trang nghiêm, nhằm phát huy truyền thống báo hiếu tứ ân của người con Phật. Và cũng không quên nhắc nhở đến nhiều khía cạnh tình nghĩa ở đời, trong đó, đạo Phật đã mở ngõ đầu tiên bằng lòng hiếu đạo, với sự tham dự của trên 3,3 vạn người đến từ khắp mọi miền trên cả nước.

Được biết, trong hai ngày diễn ra đại lễ với một chương trình Vu Lan bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như: cầu an; cầu siêu; Quy Y Tam Bảo; giao lưu; thuyết Pháp; tọa thiền; văn nghệ; v.v… đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, góp phần làm tăng trưởng đạo tâm, khơi lại các giá trị tinh thần và văn hóa cho hàng vạn Phật tử gần xa về dự Lễ.

Đến tham dự buổi lễ có: Chư tôn đức Tăng Ni tại Bổn tự, Chư tôn đức Tăng, Ni trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, còn có hơn 3,3 vạn lượt người bao gồm tín đồ Phật giáo, các Phật tử trực thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang trong cả nước, cùng với 4.000 thanh niên từ các Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang và các sinh viên đến từ các trường Đại học cũng như hơn 1.000 Phật tử trong Đạo tràng Phật Quang đồng về chùa công quả phục vụ cho lễ Vu Lan.

Thể theo chương trình Vu Lan, đúng 09h00 sáng ngày 14/07 (al), tại ngôi Chánh điện đã diễn ra Khóa lễ cầu an, cầu cho mọi người được bình an, cầu cho quốc thái dân an, thế giới được hòa bình và ông bà cha mẹ còn hiện tiền được tăng phước tăng thọ.

Tiếp đến, tại nhà linh Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra Khóa lễ cầu siêu, nguyện cho hương linh người thân trong gia đình, cùng hơn 11 nghìn hương linh đang an vị tại chùa, các chiến sĩ trận vong, các oan hồn uổng tử chưa siêu thoát sẽ được siêu sinh về cảnh giới an lành. Tại đây, không khí buổi Lễ diễn ra thật trang nghiêm, với bài Kinh tụng cầu siêu được việt hóa hoàn toàn, hướng đến cứu độ cho chúng sinh đang trôi lăn trong vòng sinh tử, khiến ai cũng xúc động theo từng lời Kinh tụng.

Nghi lễ tuy không phải là pháp môn, không phải là cứu cánh, nhưng lại là phương tiện dẫn dắt người về nương tựa Tam Bảo. Cho nên nghi lễ phải đảm bảo tính trang nghiêm, phù hợp với hoàn cảnh, tâm tình của con người ở mỗi thời đại, mỗi quốc độ thì chúng sinh đó mới thật sự được lợi ích, được chuyển hóa.
Kế đến, Chư tôn đức Tăng tại Bổn tự thay mặt Thượng tọa trụ trì tác lễ, thực hiện nghi thức Quy Y Tam Bảo cho gần 1.500 Phật tử mới trong 3 ngày liên tiếp từ 13 – 15/07

Dưới sự hướng dẫn của Quý thầy, Quý Phật tử được sám hối trước khi làm Lễ Quy Y. Sau đó Quý thầy chia sẻ, giải thích cặn kẻ về Tam Bảo, về năm giới cấm cần phải giữ gìn để tăng trưởng nhân cách đạo đức khi trở thành người đệ tử Phật. Ngoài ra, để giúp người Phật tử tăng trưởng nhiều công đức lành, Quý thiện nam tín nữ còn quỳ trước Phật đài, phát 9 lời nguyện như: tập ăn chay, siêng năng học hỏi giáo Pháp, mỗi ngày lễ Phật, tọa Thiền, sống vị tha, tận dạ trung thành, kiên cường hộ đạo, và tham gia tu tập cùng Đạo tràng tại địa phương của mình.

Khi Lễ Quy y hoàn mãn, Quý Phật tử được nhận một “Lá phái” Quy Y Tam Bảo song ngữ Anh Việt . Từ đây, họ chính thức trở thành người đệ tử Phật,

Tiếp theo chuỗi hoạt động Đại lễ Vu Lan, đúng 14h00 cùng ngày, tại Lễ đài đã diễn ra chương trình giao lưu với vị khách mời là Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa – Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền TP. HCM, Chưởng môn Môn phái Thanh Long Võ Đạo.

Buổi giao lưu có sự chứng minh tham dự của:

TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang; TT Thích Huệ Thông – Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN huyện Long Thành, Trụ trì Chùa Thanh Nguyên, tỉnh Đồng Nai; cùng Chư Tăng Ni các tự viện trong và ngoài tỉnh và Chư Tăng Ni tại Bổn tự.

Cùng với đó là sự hiện diện vô cùng quý báu của: Võ sư Hà Thị Yến Oanh – Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền TP. HCM, Tổng quản Môn phái Thanh Long Võ Đạo; Võ sư Nguyễn Bá Thọ – Phó Chủ tịch Hội Võ cổ truyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài ra còn có: nghệ sĩ Quốc Thuận, diễn viên Hiếu Hiền, ca sĩ Chế Phong; Tuyển thủ Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia Việt Nam: cầu thủ Nguyễn Phong Hồng Duy, cầu thủ Châu Ngọc Quang; các cầu thủ bóng đá CLB Hoàng Anh Gia Lai: cầu thủ Phan Du Học, cầu thủ Nguyễn Kiên Quyết, cầu thủ Phạm Công Kha, cầu thủ Huỳnh Tiến Đạt, cầu thủ Bạch Văn Đạt. Và hàng vạn người đang xem trực tiếp tại kênh YouTube Pháp Quang Sen Hồng.


Trên tinh thần giao lưu, MC đã thay mặt khán giả Phật tử đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến sự nghiệp gắn liền với tên tuổi của vị khách mời. Buổi giao lưu này đã giúp cho các thính giả hiểu rõ vai trò, giá trị của võ thuật cổ truyền Việt Nam, cùng những quan điểm sống về lòng tri ân, báo ân thật thú vị, sâu sắc.

Võ cổ truyền là di sản văn hóa phi vật thể quý giá của Việt Nam. Nó mang một nét đẹp không môn phái nào trên thế giới có được. Môn võ này đã gắn bó với dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Suốt chiều dài lịch sử vì dân tộc, võ cổ truyền đã hy sinh, đổ biết bao xương máu để đến nay, nó vẫn tồn tại, được nối tiếp bởi nhiều thế hệ đi sau. Nên đây không chỉ là môn võ nhằm rèn luyện thể chất và kỹ năng tự vệ mà còn là một phương tiện để khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và tính nhân văn của người Việt.

Trong số những người đã góp phần giữ lửa cho Võ cổ truyền Việt Nam, Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hoà chính là một ngọn cờ đầu. Ông đã cống hiến cả cuộc đời để gìn giữ và phát huy, bảo tồn bản sắc văn hoá nền võ học dân tộc với tâm niệm Võ cổ truyền không chỉ để dạy kỹ thuật võ học mà còn giúp người học rèn luyện đạo đức.

Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hoà đã thành lập ra môn phái Thanh Long Võ đạo, đến nay đã trải qua hơn 50 năm tuổi, là một trong những phái võ đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của Võ cổ truyền Việt Nam. Chẳng những là người có công trong việc gìn giữ và phát triển Võ cổ truyền trong nước, ông còn mang võ Việt đến với bạn bè các quốc gia trên thế giới. Hiện tại, võ thuật Việt Nam đã đang được giảng dạy và tập luyện ở 45 quốc gia trên khắp 5 Châu lục. Những công lao của Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa sẽ mãi mãi được ghi nhận và truyền lại cho các thế hệ sau.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, Đại võ sư cho biết bản thân mình rất đam mê võ cổ truyền, lại may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống võ thuật. Vậy nên, người sớm bén duyên với con đường võ học. Năm 20 tuổi, Võ sư đã thành lập môn phái Thanh Long Võ Đạo. Với mục tiêu lấy giáo dục con người làm nền tảng căn bản nên Đại võ sư rất coi trọng các tiêu chí rèn luyện và tu dưỡng.

Thanh Long Võ Đạo được thành lập trong bối cảnh rất khó khăn. Việc quản lý, đào tạo võ sinh cũng gặp không ít gian khó. Nhưng nhờ cái tâm muốn phụng sự cho nền võ thuật, muốn bảo tồn, truyền bá những công đức cha ông để lại mà Đại võ sư đã có động lực, vượt qua tất cả, xây dựng Thanh Long Võ Đạo phát triển ngày một lớn mạnh. Sau hơn 50 năm, Thanh Long Võ Đạo giờ đã có một vị trí vững chắc trong làng võ thuật Việt Nam, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hoà khẳng định, ai cũng nên học võ cổ truyền, kể cả phụ nữ hay các em học sinh. Gần đây, Nhà nước có chủ trương đưa võ cổ truyền vào giảng dạy tại các trường học, điều này đã khẳng định rõ vai trò, giá trị của võ thuật cổ truyền. Nếu thực hiện thành công, nó còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Ông cho biết, nền tảng của một dân tộc bao giờ cũng bắt nguồn từ giới trẻ. Muốn giới trẻ phát triển cả “văn” và “võ” thì phải có sự đầu tư. Từ quá trình tự học của mình, Đại võ sư khẳng định, nếu võ thuật được đưa vào dạy một cách bài bản, đúng quy trình từ thấp đến cao tại các trường học, chắc chắn sẽ góp phần phát triển thể chất, tinh thần cho các em. Sau này, nhất định các em sẽ trở thành người mạnh mẽ, biết đầu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công lí, lẽ phải.

Không chỉ ở Việt Nam, thế giới hiện nay cũng rất đam mê võ thuật bởi nó có rất nhiều giá trị. Thứ nhất, nó là phương tiện để xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa người với người. Thứ hai, nó là phương tiện để lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thứ ba, nó dạy con người biết hướng về nguồn cội, gốc rễ. Thứ tư, nó là phương pháp tích cực để rèn luyện thể lực, trí lực…

Thực sự, từ xưa đến nay, võ cổ truyền chưa bao giờ mất đi sức hút với người học. Ngay cả khi khoa học kĩ thuật phát triển, nhiều loại vũ khí tối tân ra đời, cũng không thể thay thế được võ thuật.

Trong võ thuật cổ truyền của Việt Nam, ngoài mang tính thực chiến thì nó còn có tính triết lý phương Đông, tính nhân văn, tinh thần võ đạo sâu sắc. Nhiều người cứ nghĩ học võ là để đánh nhau, khiến xã hội rối loạn, thực ra không phải. Ai học thuần thục, đàng hoàng chắc chắn họ rất vị tha, biết nhẫn nhịn. Dù có bị tổn hại đến danh dự, họ cũng không bao giờ làm hại đến người khác. Đặc biệt, khi đạt đến đỉnh cao của võ thuật, họ sẽ có những nhận định, cách giải quyết đúng đắn trước các cuộc tranh chấp, cãi vã. Thay vì dùng võ thuật để gây sự, ức hiếp người khác, họ biết đưa võ thuật lên biến nó trở thành một nghệ thuật, một phương tiện để giúp người, giúp đời.

Nhân kỉ niệm ngày thành lập võ phái Phật Quang Quyền (ngày 9/12/2015), hai môn phái: Thanh Long Võ Đạo và Phật Quang Quyền đã tuyên thệ kết nghĩa và cam kết cùng nhau hướng đến phương châm: Học võ để tu dưỡng đạo đức – giúp đời – giúp người. Sự kiện này đã gây chấn động trong làng võ lúc bấy giờ. Chỉ bởi Ông Lê Kim Hoà đã không ngại hạ mình, gạt qua vị thế của một Đại võ sư Quốc tế, bắt tay với một võ phái non trẻ như Phật Quang Quyền khi ấy. Dù thành lập cách nhau gần nửa thế kỷ, tuy nhiên, với lòng đam mê võ thuật, và mong muốn góp sức phát triển võ cổ truyền của dân tộc, hai môn phái đã kết nghĩa cùng nhau, tạo nên sự gắn bó bền chặt. Nếu nói để môn phái này bắt tay với môn phái kia là một việc rất khó. Đây lại là kết nghĩa một cách trọn vẹn, không hề có một sự tính toán nào thì thật là trân quý.

Lại thêm, Đại võ sư rất mến mộ đạo Phật, bởi đạo Phật luôn hướng con người đến những giá trị chân thiện mỹ, giúp mọi người tìm thấy niềm vui trong cuộc sống đầy đau khổ. Vì vậy Ông đã quyết định Quy Y Tam Bảo tại Thiền Tôn Phật Quang, có pháp danh là Nghiêm Huy. Từ đây, Ông đã trở thành đệ tử của Thượng tọa thượng Chân hạ Quang và là một vị huynh đệ khả kính của hệ thống Tổng Đạo tràng Thiền Tôn Phật Quang.

Sau cùng, Đại võ sư nhắc nhở mọi người đã là con Phật thì phải cố gắng trau dồi giáo lý để có thể truyền dạy lại cho mọi người xung quanh. Đồng thời, tu dưỡng bản thân, rèn luyện võ thuật, tự nâng cao sức khỏe, trí tuệ cho chính mình. Như vậy, mới có thể đủ sức lực, trí lực cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Nghe những lời chia sẻ của Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hòa, TT TS Thích Chân Quang rất tâm đắc. Người khẳng định Đại võ sư là một vị thầy uy tín, nhiệt huyết; một người công dân gương mẫu, yêu nước; một Phật tử thuận thành, khiêm cung, từ bi. Cả cuộc đời của Đại võ sư luôn vì võ thuật nước nhà, vì môn sinh mà nỗ lực, cố gắng nhưng lại chưa bao giờ tự mãn, kể công dù bản thân đã đạt được rất nhiều thành tích, đứng ở vị trí rất cao, được nhiều người ngưỡng vọng. Lúc nào, Đại võ sư cũng nặng lòng vì cái chung.

Để kết thúc chương trình giao lưu, TT TS Thích Chân Quang thay mặt toàn thể Tăng Ni và Phật tử của Bổn tự tặng hoa cho vị khách mời cùng MC và trao Kỷ niệm chương vinh danh Đại võ sư quốc tế Lê Kim Hoà danh hiệu “NGỌN CỜ ĐẦU VÕ HỌC” . Đây chính là sự ghi nhận những nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ của Đại võ sư dành cho nền võ thuật nước nhà. Đồng thời, cũng là sự khích lệ, động viên đến tất cả những người đang cố gắng học tập, rèn luyện để bảo vệ, duy trì nền võ học cổ truyền của dân tộc.

Tiếp tục chương trình, đúng 18h30” cùng ngày là Khai hội Vu Lan PL.2567 – DL. 2023 Trong không khí trang nghiêm và thành kính nhất, ĐĐ.Thích Khải Tạng đại diện cho BTC đọc lời khai mạc.

Sau đó, tại Lễ đài, toàn thể Hội chúng tọa thiền 30 phút dưới sự hướng dẫn của ĐĐ.Thích Khải Tạng.

Để mở đầu đêm khai mạc Đại lễ Vu Lan, vào lúc 19h00” TT TS Thích Chân Quang đã chia sẻ bài Pháp thoại với chủ đề “CÓ NHỮNG ĐIỀU TA KHÔNG NHÌN THẤY” với sự tham dự của hơn 30.000 Phật tử trong và ngoài nước.

Thoạt đầu, Thượng tọa tản mạn những triết lý về “Tứ trọng ân”. Đó là bốn ơn nghĩa lớn trong cuộc đời mà người đệ tử Phật phải ghi nhớ như: ơn cha mẹ; ơn Sư trưởng; ơn quốc chủ; ơn Tam bảo. Và còn một ơn nghĩa thứ năm rất mênh mông trừu tượng đó là ơn của chúng sinh vạn loài.
Từ xưa, biết ơn cha mẹ và Sư trưởng đã được ca ngợi như một đạo đức căn bản nhưng thực trạng đáng buồn hiện nay là trên thế giới đang tồn tại những xu hướng văn hóa, lối sống thực dụng khiến người ta lãng quên, xem nhẹ hai ân nghĩa lớn này.

Ơn quốc chủ càng dễ quên, nhất là trong thời đại dân chủ hiện nay. Tuy nhiên, trong bài pháp thoại này, Thượng tọa nhấn mạnh về ơn Thiên chủ (tức vua cõi trời).

Mở đầu, Thượng tọa diễn giải những câu chuyện trong kinh điển, đi kèm với những ví dụ minh họa gần gũi, đã giúp hội chúng hiểu thêm được những kiến thức vô cùng mới mẻ thú vị về cõi trời, về cấu trúc thời gian của các cõi giới trong vũ trụ.

Cõi trời là ước mơ của nhiều tín đồ tôn giáo trên thế giới, nhưng chỉ có giáo lý đạo Phật mới phân tích về các cõi trời một cách thật kỹ lưỡng và sâu sắc theo đường đi của Luật Nhân quả. Thượng tọa còn phân tích các vị vua cõi trời vì có phước lớn nên địa vị cao mãi, mà địa vị càng cao thì trách nhiệm cũng nặng nề hơn, phải vất vả quản lý sắp xếp vô số việc, kể cả việc của cõi trời lẫn cõi người.

Dịp này, Thượng tọa nhắc nhở: người đệ tử Phật dù mong cầu giác ngộ giải thoát, tôn thờ đấng giáo chủ vô ngã nhưng phải hiểu rằng các tầng trời, đặc biệt các vị Thiên chủ cũng rất vĩ đại. Họ có phước lớn để làm vua cõi trời nhưng nội tâm là các vị Bồ tát chứng quả Thánh cao siêu.

Sau bài Pháp thoại, BTC nhường sân khấu lại cho MC Như Yến điều khiển chương trình văn nghệ thật hoành tráng, mang đậm màu sắc văn hóa của nơi diễn ra Lễ hội và đem đến cho người thưởng thức nhiều cảm xúc theo từng cung bậc khác nhau khi nhớ về ân cha nghĩa mẹ, về tình yêu thương giữa con người với nhau, cũng như tình yêu quê hương đạo pháp.
Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như: ca sĩ, nhạc sĩ Tạ Quang Thắng; ca sĩ Thu Trang; ca sĩ, nhạc sĩ Trần Vũ; ca sĩ JB Thanh Hưng. Đặc biệt, có tiết mục biểu diễn của hai hoàng tử xiếc Việt Nam: NSƯT Quốc Cơ và NSƯT Quốc Nghiệp cùng ba thiên thần nhỏ đã khiến hàng vạn người theo dõi vô cùng hồi hộp và cảm phục khi chứng kiến những tiết mục về “Sức mạnh đôi tay điêu luyện và màn biểu diễn chồng đầu leo lên – xuống những bậc thang”.
Sáng hôm sau (15/07AL), đúng 5h30 sáng, toàn thể Phật tử đã trang nghiêm Đạo tràng, bắt đầu thời Thiền 30 phút. Sau đó, quý Phật tử tập khí công, điểm tâm sáng và BTC chuẩn bị cho buổi Lễ Vu Lan chính thức diễn ra lúc 9h00”.
Sáng ngày 15/07/Quý Mão có hơn 3,3 vạn Phật tử, nhân dân và du khách thập phương tham dự lễ Vu Lan chính thức.
Mở đầu là nghi thức Niệm hương, bạch Phật và TT Thích Chân Quang đọc lời cảm niệm Vu Lan.
Tiếp theo nghi thức giới thiệu thành phần tham dự, toàn thể đại chúng cùng hát vang ca khúc “Theo Mẹ lên núi, theo Cha xuống biển” với giai điệu hùng tráng, truyền tải thông điệp về lòng biết ơn, niềm tự hào về cội nguồn dân tộc thiêng liêng.
Theo đó, trong tâm tư đã lắng đọng của thính chúng, Thượng tọa trụ trì đã thuyết giảng tiếp nối đề tài “CÓ NHỮNG ĐIỀU TA KHÔNG NHÌN THẤY”

Vu Lan về, nói đến đạo hiếu Thượng tọa chia sẻ: khi nhắc về đạo hiếu người Phật tử cần hiểu rằng phải báo hiếu trong trí tuệ chứ không phải cảm tính. Tức là ta biết cha mẹ mình chưa hoàn hảo, còn phải tu tập nhiều nên lúc nào cũng tạo điều kiện cho cha mẹ được tu hành, tạo phước và chính mình cũng làm các công đức hồi hướng cho cha mẹ, không làm điều gì khiến cha mẹ tổn phước.
Ngày Vu Lan đến chùa, mọi người được tắm mát trong lòng từ bi của Phật, đồng thời cũng được che chở trong sự gia hộ của chư thiên hộ pháp. Vì vậy trong bài giảng này Thượng tọa nói về sự kết nối giữa con người với thần thánh.
Đối với thế giới siêu hình, chúng ta nên tránh hai cực đoan. Cực đoan thứ nhất là phủ nhận sự tồn tại của thần thánh, khi đó ta mang tội, có thể dẫn đến đọa lạc trong vị lai. Cực đoan thứ hai là tin một cách mù quáng, rơi vào mê tín, bị dẫn dắt lừa gạt.

Thượng tọa phân tích về sự kết nối với thần thánh bằng tâm linh giác ngộ thật sự chứ không phải bằng tưởng tượng. Bài giảng còn đề cập đến các thiên chủ trên cõi trời là vị có phước rất lớn, đã chứng Thánh quả nào đó, gần như một vị Bồ tát. Các vị cai quản, sắp xếp vô số việc cho thế giới cõi trời lẫn cõi người.

Ở những giai đoạn mà con người tạo ác nhiều, chúng sinh bạc phước sẽ có một bạo chúa xuất hiện, còn giai đoạn người ta sống hiền lành tạo phước thì sẽ có vị minh quân sáng suốt lên ngôi. Vì vậy muốn thay đổi thế giới này chúng ta phải thay đổi mình trước – mỗi người cần biết tu hành cũng như khuyến khích mọi người đều tu hành, tạo phước.

Bài đạo lý này rất tinh tế, sâu sắc đến từng chi tiết nhỏ, góp phần làm đẹp cuộc sống cho mỗi người. Chúng ta hãy cảm nhận bằng tất cả trí tuệ, tình cảm của mình để thực hành và trải nghiệm theo để thấy Phật pháp đã thật sự đến gần hơn với cuộc đời mình.
Tiếp theo, toàn thể hội chúng tụng bài SÁM VU LAN để gửi những lời ước nguyện cao quý thiêng liêng vào đất trời, nguyện cầu cho âm siêu dương thới, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Đồng thời, nguyện cầu cho Tam bảo trường tồn, Tăng già hòa hợp.
Sau cùng, đại lễ Vu Lan hoàn mãn bằng nghi thức lễ Phật và mỗi Phật tử được quý thầy tặng một huy hiệu cài áo xinh xắn tượng trưng cho sự bình an may mắn.
Có thể nói tại Thiền Tôn Phật Quang cứ mỗi kỳ lễ lớn của Phật giáo nhà chùa tổ chức rất chuyên nghiệp, hội đủ mọi điều kiện cả về nội dung và ý nghĩa, xứng đáng là một Lễ hội cho tất cả mọi người cùng hướng về.

Tổ Truyền Thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất