Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức và sự kiệnTin tức Phật GiáoHT. Bảo Nghiêm giảng pháp về chuyển hóa tu tập

HT. Bảo Nghiêm giảng pháp về chuyển hóa tu tập

-

Nhận lời thỉnh mời của ĐĐ. Thích Tâm Thuần- Trụ trì TV Sùng Phúc, vào ngày 28 tháng Giêng năm Qúy Tỵ, HT. Thích Bảo Nghiêm- Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS THPG TP. Hà Nội đã quang lâm dự chứng minh và với kinh nghiệm của một tu sĩ tu tập lâu năm, Hòa thượng mong muốn chia sẻ với đại chúng quá trình chuyển hóa tu tập thông qua hình thức lễ sám hối và phát nguyện tu trì, coi như đây là một món quà đầu năm mới mừng tuổi đời cũng như tuổi đạo cho hơn 5.000 thính chúng tại lễ khai Pháp đầu năm. Dưới đây chúng tôi xin đăng tải toàn văn bài thuyết giảng của Hòa Thượng tới đọc giả của trang tin.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Thưa các chư tôn đức Tăng, thưa các quí vị Phật tử, hôm nay, chúng tôi rất hoan hỷ được nhận lời mời của TT. Thích Tâm Thuần, Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung Ương GHPG Việt Nam- Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc đến dự lễ khai pháp đầu năm Quý Tỵ của Thiền viện. Hàng năm, sau Tết nguyên đán, thiền viện tổ chức lễ Khai pháp, tập hợp tăng ni cùng Phật tử của thiền viện Sùng Phúc và các thiền viện lân cận, đây đã trở thành truyền thống từ ngày TT. Thích Tâm Thuần, Thích Tâm Chánh khai mở thiền viện ở đây cho tới ngày hôm nay, tinh thần tu học của tăng ni, Phật tử càng ngày càng phát triển và Tôi cũng có nhân duyên được sang vui chung với ngày Khai Pháp và được ban tổ chức ưu ái để có thời gian nói chuyện với quí Phật tử ngày hôm nay. Đây là một chuỗi nhân duyên đặc biệt và cũng là tình cảm mà chúng tôi vô cùng trân trọng đối với chư tôn đức tăng và quí vị Phật tử và sau đây chúng tôi xin bắt đầu buổi nói chuyện, mời toàn thể đại chúng an tọa.

HT. Bảo Nghiêm giảng pháp về chuyển hóa tu tập

Mỗi năm lại có những đề tài khác nhau, năm nay, Tôi thấy đại chúng đều là những người tu tập đã nhiều nên tôi muốn bàn luận hai vấn đề chính, đó là chuyển hóa quá trình tu tập thông qua hình thức lễ sám hối và phát nguyện tu trì.

 Chư tổ khi dạy đã lập luận quan điểm của ngài về cuộc sống con người qua hành động của Thân, Khẩu, Ý đó là ba nghiệp với sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhất cử nhất động đều có lỗi cả. Nhưng đức Phật dạy rằng nếu biết nhìn nhận cái lỗi rồi tránh lỗi theo phương thức sám hối thì sẽ có an lạc. Tổ có dạy rằng “Hà nhân vô độ, Hà đả vô kim”, đã là người mang thân tứ đại, người nào dám nói là mình không có tội, người nào dám nói là mình không có lỗi. Khác với một số tôn giáo cho rằng con người không có tội lỗi gì cả, mặc dù họ có lập luận riêng của họ nhưng trong đạo Phật nhìn sự chuyển hóa từ gốc rễ của nó.  

Chúng ta thường đọc “xưa kia gây ra bao ác nghiệp, đều vì ba độc thâm sân si”. Ba nghiệp thân khẩu ý, mắt tai mũi lưỡi thân ý tạo nên tội không chỉ một đời mà là từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, có thể cố ý, có thể vô tình, trong kinh có dạy, hoặc mình làm, hoặc xui bảo người khác làm, hoặc thấy người khác làm mà đồng tình tán thưởng thì cũng phạm tội như nhau. Ngày nay, nhà nước cũng có quy định xử lí người phạm tội, và cả người bao che, che giấu, không tố cáo mà bị phát hiện thì bị xử cùng tội. Đây cũng là tinh thần Phật pháp. Trực tiếp tạo ra hay gián tiếp đều có tội cả. Như các vị đã biết, thời khóa thiền môn nhật tụng của các thiền viện phía Bắc bao giờ khi vào làm lễ cũng có nói “Đệ tử con xin dốc lòng sám hối”.

 

HT. Bảo Nghiêm giảng pháp về chuyển hóa tu tập

Khi ta giãi bày lòng sám hối, lời đó không chỉ đọc được từ miệng chúng ta mà khi chúng ta đọc, chúng ta phải kiểm điểm, kiểm soát ba nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý, xem chúng ta có làm chủ được sáu căn hay không, muốn làm chủ tương lai, không muốn bị sáu căn chi phối thì phải quán chiếu cho sâu sắc. Các quí vị nhìn thấy bức tượng Phật di lặc với sáu đứa trẻ tượng trưng cho sáu căn, gọi là lục tặc nhưng ngài vẫn tự tại, không bị chi phối, sáu căn tiếp xúc sáu trần mà không tác ý.

Khi sám hối nghiệp thân, chúng ta là người Phật tử cần phải quán chiếu ngay từ oai nghiêm, đi đứng đã thẳng chưa, đi trong chính niệm, không nhìn ngang sang trái hay phải, luôn hướng mặt về phía trước, khi ngồi, đặc biệt khi chúng ta tu thiền thì ngồi một cách vững chãi, thảnh thơi, ngồi như cột trụ, chúng ta làm thiền sinh, không ngồi nghiêng, ngả, ngồi còng mà ngồi thẳng, khi nằm, lưng phải như cánh cung, đứng như cột trụ, ngồi như quả chuông, đi như gió. Mình kiểm soát được bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi như vậy tức là bắt đầu kiểm soát nghiệp thân của mình.

 – Thân có ba nghiệp: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Xét xem thân mình có phạm vào những lỗi này không, tay mình có đánh ai không, chân mình có đá ai không, kiểm soát từng hành động cơ thể của mình, tôn trọng cuộc sống người khác. Đạo Phật là đạo từ bi, từ là ban vui, bi là cứu khổ, như vậy mình là người Phật tử mà mang lại đau khổ cho người khác là không được, người Phật tử sẵn sàng nhận điều đau khổ về mình, thay cho chúng sinh, mang lại an vui, luôn có lòng thương xót chúng sinh. Chúng ta nói đạo Phật là đạo từ bi, vậy chúng ta thử kiểm soát xem chúng ta có đúng là đã từ bi hay chưa, đã tôn trọng bảo vệ quyền sống của muôn loài,muôn vật, cho cả cỏ cây, hoa lá hay chưa. Vậy điều thiện thứ nhất là không sát sinh.

Điều thiện tiếp theo là tôn trọng tài sản của người khác cũng chính là tôn trọng tài sản của mình. Tài sản của người khác ở đây bao gồm cả tài sản của cá nhân và tài sản của tập thể. Cuối cùng, kiểm soát thân mình xem là đã đảm bảo hạnh phúc cho gia đình của người khác, không xâm phạm vào gia đình người khác hay chưa? Đây là nguyên tắc cơ bản để giữ gìn một cuộc sống hạnh phúc cho gia đình người Phât tử.

Hàng ngày luôn luôn quán chiếu xem mình có bị mắc vào ba tội này không, oai nghi đã đúng mực chưa, nhất là các Phật tử khi đã mặc áo tràng là đã tượng trưng cho nếp sống của người Phật tử đã tu tập, không thể khi đã mặc áo vào rồi mà vẫn còn nô đùa đuổi nhau; không thể khi mặc áo vào rồi mà vẫn còn một tay chống hông, một tay tựa vào người khác. Tất cả chúng ta khi đã khoác áo lên mình đều phải nhớ rằng chúng ta đã là một người Phật tử.

Tiếp theo là đến khẩu nghiệp, kiểm soát khẩu nghiệp cũng khó vô cùng, ông cha ta cũng đã từng dạy về khẩu nghiệp:

“Miệng ăn miệng nói miệng cười

Miệng đi nói chuyện cho người ta yêu

Có khi miệng lại nói điêu

Làm cho người khác nhà xiêu khổ cùng”

Kinh Dược sư có nói “mặt trăng nóng lên, mặt trời lạnh đi, nhưng lời nói của Như Lai là lời nói chân thật, không bao giờ sai”. Trong một lần thuyết giảng, đức Phật cầm một nắm lá trên tay, ngài giơ lên và hỏi đại chúng. “Lá trên tay ta nhiều hay lá trên rừng nhiều”. Đại chúng liền thưa “Bạch đức thế tôn, lá trên rừng nhiều hơn lá trên tay ngài rất nhiều”. Ngài liền nói “những điều ta biết thì như lá trên rừng nhưng những gì ta nói với các thầy chỉ như lá trên tay.” Tức là những gì thiết thực đem lại lợi ích cho chúng sinh, mang lại an lạc giải thoát cho chúng sinh, tùy theo căn cơ, chủng tính của từng người mà đức Phật chỉ dạy.

Là người Phật tử, điều đầu tiên là phải nói chân thật, không nói dối. Nếu chúng ta làm được điều này thì đi đâu ai cũng quý, đi đâu ai cũng mến, nói gì ai cũng tin. Thứ hai là không nói nước đôi để đảm bảo hạnh phúc, đảm bảo sự đoàn kết, nhất là khi chúng ta đang tu tập trong đại chúng, tránh việc người này nói xấu người kia, người kia nói xấu người này. Thứ ba là không nói lời thêu dệt, có như thế nào thì nói như vậy, sai thì nói là sai, đúng thì nói là đúng. Thứ tư là nói lời ái ngữ, không nói lời độc ác, nguyền rủa, đặc biệt không nói tục, nói bậy.

Nếu đại chúng đến đây mà mỗi người đều giữ được khẩu nghiệp thanh tịnh thì sẽ giữ được cho đạo tràng thanh tịnh. Không chỉ có đạo tràng ở đây mà cả đạo tràng Pháp hoa, đạo tràng tịnh độ tôi đều phải nói đến vấn đề cảnh giác giữ gìn khẩu nghiệp. Miệng này có lúc thì giữ dễ lắm, chỉ cần một tiếng chuông thỉnh lên là tất cả đại chúng yên ngay, nhưng cũng có những cái miệng thì không thể kiểm soát được, đại chúng hiểu tôi nói đến cái miệng nào không? Trước đây ở đạo tràng Pháp Hoa, đại chúng thường giữ tịnh khẩu nhưng bây giờ bắt buộc phải dùng một cái miệng Pháp để luôn luôn nhắc nhở tắt điện thoại, “cái miệng” này vô ý thức lắm, nó kêu bắt cứ lúc nào, kể cả đang tụng kinh, kể cả đang ngồi thiền, kể cả đang nghe Pháp.

Trong điều thứ 4 Tổ dạy là nói lời ái ngữ, đại chúng chú ý suy nghĩ và thực hành. Trong giờ mình đang tu cùng đại chúng, đang ngồi thiền, nghe giảng, đang lễ Phật mà có một tiếng điện thoại lên là mất trang nghiêm. Mà không chỉ một người mà còn nhiều người cùng mất trang nghiêm. Vậy nếu khi tôi có điện thoại đổ chuông ở đây thì bạn bên trái đừng nhìn sang tôi, bạn bên phải đừng nhìn sang tôi, bạn đằng trước đừng ngoái lại phía tôi, bạn đằng sau đừng với lên nhìn tôi, hãy để tôi tự giải quyết việc của mình. Lúc đó tôi sẽ bình tĩnh tắt máy nhưng nếu ngay lúc đó mà bốn người xúm vào nói, tôi cuống lên và không suy nghĩ kịp, nhất là những người lớn tuổi.

Vấn nạn này, tôi đã từng nói và đã từng chiêm nghiệm. Không chỉ có con trẻ mà ngay cả các bác, các ông bà già cũng có lỗi nặng lắm, không chỉ có dân tộc Kinh mà cả các dân tộc khác trên miền ngược, như vậy cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến đại chúng tu tập.

Chúng ta phải thực tập làm sao tới cửa từ bi lòng trần nhẹ bẫng, khi đã bước vào cửa chùa, tất cả những điều phàm trần bỏ hết.

Ví dụ: Như quí vị hôm nay đến đây dự lễ Khai pháp, có quí vị nào đi đến Thiền viện hôm nay mà gia đình không biết không? Chắc là rất ít. AI cũng biết hôm nay mẹ, bố, anh, chị, ông bà mình đến thiền viện Sùng Phúc ở phường Cự Khối để nghe pháp, vậy thì chỉ khi có việc gì rất khẩn gấp, người ta sẽ gọi điện đến thiền viện để báo. Nên chúng ta phải có sự dứt khoát buông bỏ mọi thứ vướng bận khi đến chùa.

HT. Bảo Nghiêm giảng pháp về chuyển hóa tu tập

Cuối cùng là ý nghiệp, Ý nghiệp vô cùng quan trọng, bao gồm tham, sân, si bởi do vô minh che lấp. Học mà không tín tâm suy nghĩ, quán chiếu thì dễ thành nghiệp ngay. Có câu chuyện: Khi xưa có một ông quan đại thần phát tâm học đạo rất chuyên cần nhưng cứ học mãi học mãi mà ông vẫn không hiểu vô mình là gì. Bởi thế, một hôm ông đến với bậc thầy của mình để tham vấn: “bạch ngài, ngài là bậc cao tăng dạy bao nhiêu đại tràng, bao vua quan giữ chức cao trong triều đình, con cũng có diễm phúc được học ngài mà bây giờ chỉ có từ vô minh là con không hiểu, xin ngài dạy bảo cho?”. Lúc đó ông Tổ quắc mắt nói: “ngươi ngu”. Mà cũng là ngu thật, học bao nhiêu mà đến bây giờ vẫn chưa hiểu chữ ngu là gì?” . Lập tức ông quan đó cũng nổi khùng luôn : “à ông là gì? Ông chỉ là một ông sư, ta đây là viên quan đại thần mà ngươi dám bảo ta ngu”. Lúc đó Tổ mới nói: “con ơi, vô minh, vô minh, vô minh”. Thế là viên quan lúc ấy mới tỉnh ngộ ra, tại sao mình lại gọi thầy mình là ông, tại sao lại tự xưng mình là quan đại thần, tất cả đều là giả huyễn cả, đúng là vô minh. Lúc đó ngộ được thì hết vô minh, không ngộ được thì đó là vẫn còn vô minh.

Ở đây, chúng ta phải luôn quán chiếu nó, khi tất cả các niệm tham, sân, si khởi lên thì chúng ta hãy tu theo bát chính đạo, nó chưa sinh thì không cho nó sinh, nếu đã sinh rồi thì tinh tấn tu tập để diệt trừ.

Ví dụ: Cái điện thoại trước mặt tôi đây, nhìn quanh không biết là của ai, liền khởi niệm lấy trộm nhưng nếu ngay lúc đó, thấy niệm tham khởi lên thì phải dập tắt nó ngay. Mình lấy của người ta, người ta cũng đau khổ lắm, nhỡ bị bắt được thì mất hết danh dự, danh dự đối với con người quan trọng vô cùng, thôi dứt khoát không lấy, như vậy, niệm tham sân si mà chưa sinh thì không cho nó sinh, nếu nó đã sinh rồi thì dập tắt nó ngay, không cho nó sinh ra nữa. Điều thiện chưa sinh thì cho nó phát sinh, nếu nó đã sinh ra rồi thì phải tiếp tục nuôi dưỡng để nó được tăng trưởng hơn nữa.

Thưa quí vị, chuyển mười điều ác thành mười điều thiện cũng là rất khó rồi. Chúng ta nhớ ngày xưa, Sư tổ Trúc Lâm, khi ngài bắt đầu bước vào dân gian hóa độ, bây giờ ngài chỉ là một tu sĩ, ngài cũng không dạy triết lí gì cao siêu, chỉ có những điều căn bản để sống thánh thiện với nhau là quý nhất.

Vì vậy, ngài dạy đầu tiên là chánh tín, lúc đó nhân dân ta còn thờ đạo giáo, thờ tự nhiên nhiều, ngài khuyên người ta nên bỏ và chỉ tu theo thiền, chuyển mười điều ác thành mười điều thiện, mười điều ác như tôi vừa nói là thân nghiệp: sát sinh, trộm cắp, tà dâm thì nay không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Nói dối, nói lời hai chiều, nói lời độc ác, nói lời thêu dệt thì nay không nói dối, không nói lời độc ác, không nói lời đôi chiều, không nói lời thêu dệt. Tham sân si thì chuyển hóa thành không tham không sân không si. Chúng ta cần làm được hàng ngày, rồi sẽ làm được trong nhiều đời nhiều kiếp, sám hối là ăn năn những tội lỗi đã gây ra và quyết thệ nguyện không bao giờ tái phạm.

Có ba cách sám hối: Một là thực hiện lễ sám hối hàng ngày, hai là nói trước một vị thầy để sám hối, và cuối cùng là sám hối theo bồ tát đạo.

Chúng ta phải chuyển hóa hàng ngày, ngay như việc tôi đã nói về sử dụng điện thoại, không có việc gì làm thì đem điện thoại ra nghịch chơi, đem điện thoại ra nhắn tin và buôn chuyện với nhau, thì bây giờ phải chuyển hóa điều này.

Lúc này chúng ta đang có phước lắm, vì có được thân người, một khi đã mất thân người này thì muôn kiếp mới có lại được. Các vị thường hay xem bói toán, đoán mộng nhưng thực ra các vị có thể ngồi nhìn lại để tự đoán cho mình trong ba kiếp.

Các vị sẽ thấy kiếp quá khứ mình đã tu tập tốt nên kiếp này mới được làm người, không những thế lại còn đủ thân tướng, không ai bị dị tật mù điếc, rồi chúng ta lại được sinh ra ở đất nước hòa bình, độc lập ổn định, lại được sống nơi phồn hoa đô thị, lại được học đạo, được gặp Phật, nghe Pháp, gần gũi chư tăng, gần với Tam Bảo, điều này khó lắm các vị ạ. Các vị ngồi đây thì thấy có vẻ dễ dàng lắm nhưng không cần phải đi đâu xa, chỉ cần lên Điện Biên, hay các vùng miền khác cách khoảng 100 cây số hoặc vùng nông thôn muốn tìm một vị sư cũng khó, muốn nghe đạo cũng khó.

Các vị cần biết để tự hào vì đang ở một thiền viện trong dòng thiền Trúc Lâm, hàng ngày các vị được gặp các bậc chân tu, được tu tập hàng tuần, mỗi ngày chúng ta đều đang thực tập hạnh xuất gia, xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất sinh tử gia, một ngày tu tập đều có công hạnh rất lớn.

Cuộc sống này đáng trân trọng lắm, có của báu trong tay đừng để mất, trong nhà có báu đừng đi kiếm đâu xa. Thân ta còn tốt thì phải biết giữ gìn nó, nếu như một người bị liệt thì còn có thể đi đâu được nữa, lúc đó mới thấy hối hận.

Tôi luôn thông cảm với câu chuyện của một bà Phật tử tại gia, tôi có đến thăm, lúc đó bà đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, không thể đi đâu được, bà nắm tay tôi rất chặt, rồi nói: “Thầy ơi, thầy ngồi cạnh con đi”, rồi bà nằm im một lúc, như là đang tĩnh tâm tu thiền, rồi bà nói: “Bạch thầy, từ nay con vĩnh viễn không đi được đến đạo tràng này nữa”. Vậy mà bây giờ chúng ta đang khỏe mạnh, được đến đạo tràng này, các vị có thấy hạnh phúc không? Tôi chỉ nói câu chuyện này để các vị quán chiếu, nếu một ngày chúng ta còn thân khỏe mạnh, trí còn sáng, tâm còn an thì hãy thực hành cho tốt, đừng để một khi mất muôn kiếp cũng khó thấy.

Chúng ta càng hối tiếc, ăn năn thì chúng ta càng mong chuyển hóa. Chúng ta phải luôn luôn lấy sự sám hối để kiện toàn mình, trong lúc tu tập, kể cả từ trong những việc nhỏ các quí vị cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi, nhưng cần có đức tính tinh tấn để vượt qua tất cả.

Tôi muốn kể câu chuyện này với quí vị để muốn các vị hiểu rằng ban đầu bao giờ cũng khó khăn, ngồi thiền ban đầu cũng đau lưng, đau chân lắm, chỉ mong chuông hết giờ, vào chùa tu một ngày cũng thấy mệt đấy, đói bụng lắm rồi mà vẫn chưa được ăn, vẫn còn phải cúng, phải xếp hàng, lấy cơm, nhận cơm rồi đợi. Ngày xưa, khi tôi còn lười biếng trong tu tập, trời rét quá không muốn dậy sớm, Thầy tôi liền nói: “lật cái chăn ra ngay đi, khi nghe tiếng chuông báo thức chúng thì đừng ngần ngại, hãy mạnh dạn lấy tay mà lật chăn ra thì sẽ dậy được, chứ chỉ nằm trong chăn mà ngó cổ ra thì không thể dậy được đâu.”

Chúng ta mạnh dạn nhìn nhận và vượt qua khó khăn, không có gì dễ dàng cả, quân tử mà va vấp nhiều thì có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, người tu cũng vậy, nhưng phải biết vượt qua bằng cách phát nguyện.

Chúng ta nhìn nhận lại chúng ta xem đã thực hiện được lời chư tổ phát nguyện không, đức Phật khi còn tu hành khổ hạnh, cũng phải phát nguyện tu hành qua bao nhiêu kiếp, có kiếp ngài là đại đạo sư, có kiếp ngài là vị tướng tài, có kiếp ngài là người con có hiếu nhưng cũng có kiếp ngài là người con không có hiếu, nhưng tất cả đều được chuyển hóa.

Bây giờ mình tốt là vì trong quá khứ mình tốt, vậy thì bây giờ mình phải tiếp tục cái tốt đó để mai sau gặp kết quả tốt. Đó là kết quả giáo lý nhân quả ba đời, quả hiện tại là nhân quá khứ và nhân hiện tại sẽ trở thành quả tương lai.

Vậy muốn có kết quả tương lai tốt đẹp, mình phải phát nguyện như Đức Thích ca cũng phát nguyện; Đức Phật A Di Đà khi còn là tỳ kheo cũng phát 48 nguyện; Đức Dược sư khi còn tu bồ tát đạo cũng phát 12 lời nguyện; Bồ tát Quán thế âm cũng có 12 điều thệ nguyện; Bồ tát Phổ Hiền cũng có 10 điều thệ nguyện. Tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, các đại tổ sư đều có lời phát nguyện, vậy các vị Phật tử khi tu tập theo đường lối tu thiền này cũng cần phát nguyện, không làm thì thôi, đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Cho nên trong lễ hàng ngày, chúng ta sám hối thì phải phát nguyện.

Muốn độ cho chúng sinh thì trước hết phải biết cách độ cho mình, tu tập thì phải tự giác rồi mới giác tha, mình và người cùng tiến tới giải thoát. Tôi chắc chắn rằng dù tu pháp môn nào, cuối cùng mục đích vẫn là thành Phật, tu là phương tiện thôi, trong các phương tiện, mỗi người tùy theo căn cơ của mình nhưng mục đích cuối cùng vẫn là giác ngộ thành Phật.

Hôm nay là buổi đầu tiên khai pháp, ta nhìn lại trong quá khứ, điều gì đã tu tốt, điều gì chưa tốt thì cần sám hối.

Ví dụ như: con xin sám hối trong một năm qua, có những lúc ngồi trong nhà giảng nghe thầy giảng mà tâm hồn con bay bổng; con xin sám hối có những lúc đang tu cùng đại chúng mà tâm con lại kẹt vào chiếc điện thoại, có những hành động con gây ra mà không có ý thức, con xin phát nguyện trong năm nay con sẽ khác, những lỗi con đã nhận ra con xin nguyện hết sức tránh và nguyện tinh tấn tu tập trong đạo tràng này.

Tổ đã dạy: “cơm có canh, tu hành có chúng”, gặp được nhau là mừng lắm. Tôi rất vui mừng trong những ngày tu tập như thế này, bởi vậy, tôi thường ăn cơm cùng Phật tử, lễ Phật cùng Phật tử, tu tập cùng Phật tử, một ngày gặp nhau là nhân duyên ngàn đời kiếp.

Chúng ta cùng phát nguyện rằng trong các thời khóa tu tập bây giờ, chúng con sẽ cố gắng và dù con đang ở nhà thì con vẫn thấy hình ảnh Phật trong tâm con, giáo pháp Phật soi rọi đường con đi, lời thầy dạy vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của con như đó là một người Phật tử chân chính. Với kinh nghiệm của một tu sĩ tu tập lâu năm, tôi cũng mong muốn được chia sẻ với đại chúng hai vấn đề này, coi như đây là một món quà đầu năm mới mừng tuổi đời cũng như tuổi đạo cho tất cả đại chúng.

Kính chúc Hòa thượng, chư tôn Thượng tọa, Đại đức Tăng ni pháp thể khinh an, Phật sự được viên thành, chúng sinh dễ hóa độ. Chúc quý Phật tử luôn tinh tấn tu tập, gia dình được bình yên, tất cả cùng nhau tu tập để đến được bờ chánh giác.

theo : phattuvietnam.net

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất