Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủThiền Tôn Phật QuangKhóa hè đạo đứcKhóa hè 2018: Kịch lịch sử lập quốc - Tầm nhìn triệu...

Khóa hè 2018: Kịch lịch sử lập quốc – Tầm nhìn triệu năm

-

Theo chương trình hoạt động ngoại khóa, tối ngày 01/07/2018, các em Khóa sinh Thiền Tôn Phật Quang đã có buổi hội thi “Diễn kịch Lịch sử” rất thú vị. Đề tài năm 2018 là TẦM NHÌN TRIỆU NĂM. Chỉ luyện tập trong thời gian rất ngắn, vậy mà các em thể hiện vai diễn rất tốt. Suốt buổi diễn đã đem đến cho người xem từng cung bậc cảm xúc theo diễn biến câu chuyện.

Việc tái hiện lịch sử bằng chân dung những nhân vật anh hùng trong những sự kiện lịch sử là một cách học lịch sử mang tính giáo dục hiệu quả ở Khoá sinh hoạt hè trong nhiều năm nay tại Thiền Tôn Phật Quang.

Có thể nói từ đầu khoá học đến giờ, thường trong giờ sinh hoạt Chánh hay các hoạt động ngoại khoá, các em luôn được sống trong không khí của hơn 1000 năm lịch sử, sôi sục với khí thế của quân dân nhà Trần qua từng ca từ của bài hát “ĐẠI VIỆT OAI HÙNG” – một sáng tác của TT Thích Chân Quang, rằng:

“Trời đất vang dậy kinh hoàng; Tàn ác vó ngựa quân Nguyên; Lớp lớp vung gươm xông pha quật cường; Giữ lấy non sông uy linh Đại Việt; Một lòng đem thân hy sinh máu xương; Nghìn đời dâng cho quê hương mến thương…

Rừng sâu núi cao bày quân; Triều dâng sóng lên gài chông; Chương Dương vùi thây quân cướp; Thăng Long xóa sạch giặc thù.…

Bài hát này thay cho nổi niềm muốn nói của người dân Việt về tình yêu quê hương đất nước.

Năm nay, thông qua vở kịch TẦM NHÌN TRIỆU NĂM do các em khóa sinh Chánh nam và Chánh nữ biểu diễn, chúng ta thấy được tầm nhìn đầy trí tuệ cũng như sự hi sinh cao cả của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ trong việc gây dựng và bảo vệ đất nước cho các con cháu thế hệ ngày hôm nay. Từ đó, khích lệ, nhắc nhở các em hiểu được trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước.

Được biết, mỗi vở kịch đều có sự đầu tư về trang phục, đặc biệt là sự đầu tư về nội dung. Các em đã được quý thầy, quý sư cô tư vấn để nắm rõ lịch sử lập quốc của ông cha ta.

Người Việt Nam ta ai cũng tự hào rằng mình được sinh ra ở một đất nước Việt Nam anh hùng, tự hào rằng mình thuộc dòng giõi Rồng Tiên, con Lạc cháu Hồng mà mấy ai đã đọc, mấy ai đã thấm nhuần về truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Thực sự, một câu chuyện chứa đựng nhiều bài học lịch sử, nhiều triết lí nhân sinh, nhân văn sâu sắc, đáng lí ta phải lan truyền rộng rãi nhưng ngược lại, chúng ta đang dần lãng quên nó.

Nguyên nhân cũng thật đơn giản. Khi mà khoa học phát triển quá nhanh, nhu cầu của con người vì thế cũng thay đổi. Những trò game bạo lực, những mẩu chuyện câu like rẻ tiền, những thú vui hưởng thụ khiến ta không còn thời gian để đọc hay suy nghĩ về những câu chuyện lịch sử Việt Nam hay mà thuở bé ông cha ta từng đọc nữa. Bởi vậy, tâm tính, nhân cách con người ngày nay cũng trở nên thô lỗ, cộc cằn, độc ác, không hiền lành, nhẫn nhịn, thương người như con người ngày xưa.

Trong hoàn cảnh ấy, cần lắm sự giáo dục nhận thức, nhân cách cho các em học sinh, giúp các em định hướng lại sở thích, sự quan tâm, lòng yêu nước của mình. Và vở kịch lịch sử lập quốc lần này, phần nào đáp ứng được yêu cầu bức thiết như thế.

Thông qua vở kịch, vẻ đẹp, tài trí cũng như tấm lòng bao dung, yêu thương con người của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đã được tái dựng. Câu chuyện tình duyên hay câu chuyện nuôi dạy con cái của hai người, hoặc Mẹ Âu Cơ cùng những người con đi rải rác khai khẩn đất hoang, dạy cho cư dân bộ tộc cách trồng trọt, chữa bệnh bằng cây cỏ, v.v.. cũng được đề cập rất rõ ràng, sinh động. Cái hay nhất, sâu sắc nhất, xuyên suốt toàn bộ vở kịch chính là sự trăn trở, lo nghĩ của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ cho việc lập quốc.

Theo đó, từng phân cảnh tái hiện lại câu chuyện của 4000 năm về trước, cha Lạc Long Quân là một vị thần Long đầy thần thông khi du tuần về vùng Bắc Ninh đã gặp mẹ Âu Cơ là một Tiên nữ giáng thế. Sau này hai vị nên duyên với nhau, sinh ra những người con và truyền lại năng lực tâm linh siêu phàm cho con. Thời đó vùng đất Bắc Ninh quá nhỏ bé không xứng với các con, nên hai vị mới bàn đến chuyện lập quốc gia cho con mình.

Lạc Long Quân và Âu Cơ chia 50 con xuống biển, 50 con lên núi. Tức là từ ngàn xưa, cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đã xác định lãnh thổ không phải chỉ là vùng đồng bằng Bắc bộ nhỏ bé, mà còn là trên núi non rất cao và vươn ra vùng biển đảo rất xa. Chưa có dân tộc nào lập quốc mà có “Tầm nhìn triệu năm” như vậy cả.

Chúng ta thấy rằng vợ chồng khi đã lớn tuổi cái nghĩa tình với nhau rất đậm đà, nhưng hai vị vẫn chấp nhận rời xa nhau vì sự nghiệp lập quốc cho con mình, rồi 100 người con đó cũng chia nhau cái trách nhiệm giữ gìn bảo vệ đất nước, vì sự nghiệp lập quốc cho anh mình.

Cho nên trong lịch sử lập quốc của chúng ta, đã có những con người hi sinh tình riêng vì đại nghĩa. Không có quốc gia nào có lịch sử lập quốc đậm đà, lãng mạn, thông minh, sâu sắc, thiêng liêng như thế. 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển – đó thật sự là tầm nhìn triệu năm vĩ đại của tổ tiên.

Trước phút chia tay nhau, Lạc Long Quân và Âu Cơ  đã dặn các con khi đặt chân đến bất cứ nơi đâu cũng cho đúc trống đồng, lấy biểu tượng linh vật này để nhận ra nhau, biết mình có chung nguồn gốc tổ tiên, cội nguồn. Điều này trùng khớp với các phát hiện khảo cổ về “Trống đồng Ngọc Lũ” được tìm thấy rất nhiều ở Việt Nam. Đồng thời nhiều nước khác như: Indonesia, Thái Lan, Myanma, Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Nhật Bản cũng có trống đồng, nhưng số lượng không đáng kể.

Đây có thể là lần đầu các em tham gia diễn kịch, mà lại là diễn kịch lịch sử nên từng lời thoại, từng phân cảnh, đạo cụ, trang phục đều được chăm chút kĩ lưỡng, công phu. Mỗi em như sống trong nhân vật mà mình đảm nhận. Bằng tất cả khả năng của mình, các em đã biểu diễn vở kịch thành công ngoài mong đợi của BTC, truyền đạt đầy đủ những thông điệp có trong câu chuyện đến cho người xem, khiến người ngồi dưới cũng rưng rưng xúc động.

Trong đó thông điệp cốt lõi nhất: chính bằng năng lực siêu nhiên mẹ Âu Cơ đã dẫn con cháu mình đến tận Myanmar ngày nay và cha Lạc Long Quân dẫn con cháu mình đi ra tận Philiipines và những quốc đảo xa xôi. Vì vậy, ngày hôm nay những con người Việt Nam nào đang quyết giữ biển đảo cho quê hương mình thì chính người đó đang thực hiện tầm nhìn của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ cho triệu năm về sau…

Thật sự, chúng ta cần nhiều thời gian suy ngẫm, chứ nghe một lần, thật khó mà hiểu thấu đáo hết được. Câu chuyện đã cho chúng ta thấy một nền văn hóa độc đáo được hình thành từ 4000 năm trước; thấy công lao to lớn của cha mẹ Lạc Long Quân – Âu Cơ trong việc gây dựng đất nước cho con cháu ngày hôm nay. Từ đây, mỗi chúng ta thêm tự hào về nguồn cội, niềm thương kính tổ tiên và niềm tin vào chính nghĩa của dân tộc.

Hi vọng, các khóa sinh hôm nay sẽ giữ mãi những tình cảm thiêng liêng này, để mai đây dù đi về phương trời nào thì trong tim các em vẫn mãi là tình yêu nước cháy bỏng đậm đà thiêng liêng.

Thêm nữa, hoạt động diễn kịch này giúp các em được tắm mình trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Không cần thụ động ngồi nghe giảng, không cần ghi chép, cũng chẳng cần giáo án nhưng các em vẫn hiểu rõ được quá trình hình thành và phát triển của đất nước; thấy được lịch sử lập quốc của ông cha ta. Có lẽ, từ hôm nay các em có một thái độ tích cực hơn khi học lịch sử. Các thầy cô chắc cũng có thêm một cách thức giảng dạy lịch sử mới cho mình.

Cuối buổi giao lưu, Thượng tọa Trụ trì đánh giá cao về khả năng diễn xuất cũng như việc chuẩn bị cho vở kịch từ nội dung đến hình thức. Đồng thời cũng góp ý cho một vài phân cảnh mà các em cần dàn dựng sao cho hợp lý hơn, làm nổi bật thông điệp mà mình muốn truyền tải cho mọi người.

Để lưu lại những ấn tượng đẹp của cuộc thi diễn kịch lịch sử lần này với sự góp mặt của 100 diễn viên nhí, không chuyên, Thượng tọa Trụ trì đã chụp ảnh lưu niệm cùng các em và tất cả khóa sinh./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi diễn kịch lịch sử:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất