Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Khóa hè 2018: Tôn sư trọng đạo

-

Thời đại này, tình thầy – trò đã phần nào đổi thay, nhiều khi được xem như một cuộc mua bán kiến thức, không còn thiêng liêng sâu đậm như xưa nữa. Tuy nhiên, đây là một tình nghĩa rất đẹp mà chúng ta không được quyền để cho phai nhạt, dù xã hội có thay đổi ra sao. 

Vì thế, hàng năm, học sinh tại khóa hè Thiền tôn Phật Quang luôn được nhắc nhở về đạo đức này. Năm nay các em được tìm hiểu về chủ đề “Tôn sư trọng đạo” dưới sự dẫn dắt của SC Thành Duệ và SC Pháp Thiện.

Mở đầu, Sư cô Pháp Thiện đọc lại một đoạn trong bài thơ “Vào lớp đi con” do Thượng tọa trụ trì sáng tác:

“Vào lớp đi con, và hết mực kính yêu người thầy trong đó.

Người viết vào tim con điều lớn nhỏ thiêng liêng.

Người dắt con đi chập chững bước chân nghiêng.

Mang thế giới vào tận miền tươi sáng…”

Quả thật, cha mẹ đã sinh thành, đã cho con cuộc đời, nhưng thầy cô là người cho con cả bầu trời mênh mông rộng lớn. Cái ân nghĩa này lớn đến nỗi mà ngày xưa, người ta dành sự kính trọng theo thứ bậc Quân – Sư – Phụ, nghĩa là vua trước, đến người thầy rồi mới đến người cha. 

Đầu tiên, sư cô đặt câu hỏi cho các em: Em hiểu thế nào là tôn sư trọng đạo? Kế tiếp, cô yêu cầu các em phát biểu nguyên nhân tại sao ngày nay học sinh thiếu lòng kính trọng thầy cô. Nhiều cánh tay đưa lên, mỗi em nói theo cách nhìn của mình. Và sư cô đã rút ý lại: Đó là do được nuông chiều, cái “tôi” lớn, không chấp nhận bị rầy la quở phạt, không hiểu được tấm lòng thầy cô, do chính cha mẹ cũng không tôn trọng người thầy v.v.. Đương nhiên, không thể phủ nhận còn có những trường hợp nhà giáo đã phạm lỗi làm mất niềm tin của xã hội.

Nhưng đó là một số rất nhỏ. Còn lại ai làm nghề giáo cũng có cái tâm với nghề, cũng thương yêu học trò. Rất nhiều người thầy đã hi sinh thời gian, tiền của, sức lực, niềm vui, thậm chí sinh mạng của mình vì học trò. Họ là những tấm gương về người thầy người cô đáng kính, không ít những mối quan hệ thầy trò tốt đẹp. Tuy nhiên, thực trạng học sinh vô lễ với thầy cô đang là vấn đề nhức nhối cả xã hội. 

Do không thể áp đặt suy nghĩ cho các em. Bằng những câu chuyện của chính mình, những chia sẻ ân cần, hai cô giáo thọ đã tạo cho các em sự tin tưởng để các em nói lên những tâm sự sâu kín trong lòng. Theo đó, những ân hận, những lời hối lỗi đều được các em mạnh dạn chia sẻ trước lớp học.

Dịp này, sư cô Thành Duệ xoáy sâu vào nhân quả, nhắc nhở các em: Nếu các em biết kính trọng thầy cô thì sẽ được những lợi ích như:

1. Học giỏi, được mọi người yêu mến

2. Thành công, có địa vị trong xã hội

3. Đạo đức tốt, được nhiều người vị nể, kính trọng.Chỉ những ai biết thương kính thầy cô đúng mức thì mới được quả báo có uy tín, được kính trọng, biết ơn, và nhiều kiếp thường gặp những người thầy tốt. Hơn thế nữa, nếu ai có lòng tôn kính tuyệt đối dâng lên bậc đạo sư cao cả là Đức Phật – người Thầy vĩ đại của cả Trời người thì quả báo lớn gấp nhiều lần.Ngược lại, ai gieo nhân bất kính sẽ gặt lại quả báo bị xem thường, gieo nhân hời hợt vô ơn sẽ gặt lại quả báo dễ bị quay lưng phụ bạc, rồi nhiều kiếp không gặp được thầy cô tốt, có thể bị thất học.

Tiếp theo, sư cô Pháp Thiện giải thích cho các em hiểu về một khía cạnh của việc giáo dục dùng đòn roi. Hiện nay, xã hội có khuynh hướng cho rằng đòn roi là xấu. Tuy nhiên, các em phải hiểu rằng đòn roi chính là món quà, là điều quý giá trong cuộc đời mình. Các em phải tập cho mình bị đánh đau mà vẫn không giận, vẫn thương kính cha mẹ, thầy cô.

Được như vậy, các em sẽ thành tựu được đạo đức nhẫn nhục và bản lĩnh rất lớn. Mai này ra đời, trước những thử thách đắng cay, các em vẫn bình thản, tha thứ, chịu đựng, vượt qua được, vì đã được rèn luyện từ bé rồi. Trên tất cả, có một tình cảm rất thiêng liêng là tình thầy trò trong đạo. Trong đạo, người Thầy tuy không sinh thành, không nuôi nấng nhưng cũng đã nuôi đệ tử mình trong dòng nước mát chánh pháp, dìu dắt đệ tử trên con đường đạo cao thượng để vượt thoát luân hồi, cho nên ân nghĩa là cao vời, không thể tính kể. 

Tóm lại, người càng có đạo đức thì càng hiểu về tình thầy trò sâu sắc. Bài học kết thúc bằng bài thơ:

“Thương sao hình bóng người thầy

Sớm trưa lặng lẽ từng ngày trôi qua

Trao nguồn kiến thức bao la

Với bao tâm huyết thiết tha tấm lòng

Mở đường đi đến thành công

Để con vươn tới ước mong trong đời

Tháng năm bụi phấn cứ rơi

Tóc thầy thêm bạc theo thời gian trôi

Truyền trao cặn kẽ từng lời

Dắt dìu con trẻ không ngơi ươm mầm

Dù cho thầy có lỗi lầm

Nhưng đừng vì thế vô tâm hững hờ

Với thầy cứ mãi tôn thờ

Sau này mới đạt ước mơ đẹp ngời

Làm sao nói hết bằng lời

Ơn thầy ghi khắc trọn đời không quên”

Cuối cùng là phần hội thảo cùng liên quan đến chủ đề “Tôn sư trọng đạo”.Sau bài đạo đức này, các em sẽ tiếp tục được học những bài học bổ ích khác. Chương trình giảng dạy khá dày nhưng việc học của các em rất nhẹ nhàng bởi mỗi bài giảng đều được xây dựng giáo án kĩ lưỡng, nội dung phù hợp với lứa tuổi, các ví dụ lại hết sức gần gũi, quen thuộc với học sinh. 

Hơn nữa, bên cạnh việc học theo cách truyền thống, các quý thầy cô còn áp dụng cả phương pháp học hiện đại, sử dụng hệ thống loa đài, máy chiếu khiến việc truyền tải thêm sinh động, hấp dẫn. Ngoài việc tự suy nghĩ, trải nghiệm, các em còn được thảo luận nhóm, chơi trò chơi nên giờ học nào cũng diễn ra hết sức sôi nổi, vui vẻ./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi học:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất