Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024

Không đi đường khác

-

Vừa qua, sáng ngày 29/06/2019, nhân Khóa tu Thiền tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN đã quang lâm Pháp tòa chia sẻ bài Pháp thoại có tựa đề “KHÔNG ĐI ĐƯỜNG KHÁC”, với sự tham dự của Chư tôn đức Tăng tại Bổn tự, Chư tôn đức Thiền Tôn Phật Quang trong Ban giám Thiền, cùng hơn 800 thiền sinh và đông đảo quý Phật tử tứ các tỉnh thành lân cận câu hội về.

Bài Pháp thoại đã chỉ ra những khó khăn mà quý hành giả gặp phải khi tu Thiền. Đồng thời chỉ rõ cách thức giúp người tu có thể  vượt qua được những trở ngại, những khó khăn, thử thách đó. Nhờ vậy, mọi người có được tâm thếvững tin vào con đường tu tập của mình để bước vào những hành trình trong tương lai dù vài mươi kiếp, vài trăm kiếp, thậm chí cả nghìn kiếp.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa khẳng định: ngồi thiền rất khó vì thiền đi ngược lại những thói quen, tập khí và bản năng của con người, đó là thân không được nhúc nhích, tâm không được suy nghĩ, ngồi bắt chéo chân theo tư thế kiết già  nên chân lúc nào cũng tê và đau. Nhưng khi chiến thắng những thói quen đó, nhiếp tâm được trong thanh tịnh, ta mới thấy việc ngồi Thiền rất hạnh phúc.

Trong giai đoạn đầu tiên, lúc mới bước chân theo con đường của Phật, vì không vượt qua được cái khó khăn, khổ sở khi tu thiền mà nhiều người đã bỏ tu. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người kiên trì, cố gắng để vượt qua những khó khăn đó.

Hẳn mọi người ai cũng ngạc nhiên rằng tại sao mới bước vào đạo đã gặp lối tu khó quá vậy. Bởi nếu không khó thì sự giác ngộ không bao giờ là vĩ đại. Tại sao ta phải lễ Phật với tất cả lòng tôn kính? Bởi Phật đã đi qua con đường khó đó và thành tựu được kết quả tuyệt đối, vô hạn.

Giả sử, con đường tu của Phật dễ dàng, chắc chắn đạo quả Ngài đạt được cũng bình thường, không có gì đặc biệt. Vì con đường giác ngộ quá khó nên quả giác ngộ của Ngài hết sức cao siêu. Điều này lí giải tại sao Ngài thấy quả Thánh của mình và trình độ của chúng sinh cách nhau xa quá. Để rút ngắn khoảng cách ấy, Ngài đã chịu cực khổ trong suốt 45 năm thường du hành khắp nơi để tiếp độ giáo hóa chúng sinh. Chính bản thân Ngài cũng thấy con đường tu này khó đi, nên hôm nay ai dám đi con đường này mới là đệ tử chân truyền của Phật.

Thật vậy, chúng ta thờ Phật trong tư thế tọa Thiền. Ngài lúc nào cũng ngồi Thiền, lúc nào cũng dạy đệ tử mình phải Thiền. Nhưng vì khó quá, ta không tu Thiền thì mình thật có lỗi với Phật. Nếu ta không quyết tâm vượt qua những khó khăn đó, mà lại rẽ theo con đường tu khác dễ dàng hơn, đây thực sự là điều rất nguy hiểm. Ta cứ tự hào mình là đệ tử Phật, vậy mà cái ta hành trì lại không phải con đường Phật dạy, chết là ở điểm này.

Nguy hiểm hơn, nhiều người biện minh, dựng lên và thờ một Đức Phật khác, không phải Phật Thích Ca, trong khi Người lập ra đạo Phật là  Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Việc này làm đạo Phật bị chia rẽ thành nhiều đạo Phật khác, đệ tử Phật vì vậy mà cũng người tu tông này, người tu phái kia.

Nhận thấy các tông phái không được đoàn kết, thống nhất, nhà nước mới vận động, yêu cầu các tông phái ngồi lại với nhau. Dù mọi người tu gì thì cũng phải yêu thương, đoàn kết, hỗ trợ nhau. Nhờ đó, dù đạo Phật của ta có nhiều tông phái nhưng mọi người đều hòa hợp. Đây là điều mà chỉ Việt Nam ta có.

Theo quan điểm của Thượng tọa, để đạo Phật được đoàn kết thì chúng ta cố gắng cùng nhau đi đúng con đường mà Phật dạy ngày xưa (tức cố gắng tìm lại cội nguồn xưa) và Thượng tọa đã dùng nhiều ví vụ thực tế có thật để chứng minh cho tính đúng đắn của quan điểm này.

Quả thực, việc hiểu và thực hành cho đúng lời Phật dạy cách đây hơn 2.500 năm là rất khó. Do đó, ta mới dùng chữ “cố gắng” ở đây. Mà việc phải cố gắng chính là tìm đúng cội nguồn. Có những cái sai chính là hệ quả tự nhiên của thời gian và bổn phận của chúng ta là tìm lại cho đúng. Nếu ai cũng tìm lại điểm chung đó thì đệ tử Phật trên khắp thế giới sẽ đoàn kết, yêu thương nhau.

Ở đây, ta muốn nói rằng thiền rất khó. Vậy nhưng, không chỉ đạo Phật mà ngoại đạo họ cũng tu thiền. Chỉ khác là tư thế, tâm thế tọa thiền khác nhau mà thôi. Đa số chúng ta hiểu sai, dẫn đến thực hành sai lời Phật dạy. Nếu ta hiểu và thực hành đúng lời Phật dạy thì điều gì sẽ xảy ra? Việc tu của ta sẽ có kết quả.

Thượng tọa khẳng định, nhiều người sẽ có suy nghĩ đó. Nghĩa là tu đúng thì tâm ta được thanh tịnh, an lạc, đạo đức, sự từ bi sẽ xuất hiện trong tâm ta. Có khi ta còn đắc đạo luôn. Tuy nhiên, suy nghĩ này đúng mà lại không đúng. Lại thêm một luận cứ khó hiểu, nhưng Thượng tọa đã phân tích rõ ràng mạch lạc, cùng lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú, nhằm khẳng định tính đúng đắn của nó cho mọi người hiểu.

Quả thực, những người kiên trì với thiền định, lúc nào cũng được Chư Thiên gia hộ. Tuy nhiên, con đường này rất khó khăn, nhiều người không kiên trì nổi, chưa đến nửa đường đã rẽ sang lối tu khác. Thượng tọa khẳng định, dù chúng sinh có đi theo con đường nào cũng không thể đến cái đích giải thoát giác ngộ như con đường thiền định được.

Chúng ta phải hiểu rõ rằng, thiền định là con đường của Phật, nó đòi hỏi phải có kết quả ngay trong cuộc sống này, trong từng thời thiền định. Nếu tâm chưa thanh tịnh, ta không thể đi tiếp được. Do đó, cho ta biết kết quả ngay trong đời sống là đặc điểm riêng biệt chỉ có ở thiền.

Trong khi đó, những pháp môn tu khác không đòi hỏi kết quả trong kiếp này mà hứa hẹn một kết quả trừu tượng, mơ hồ ở đâu đâu. Chính điều này khiến ta không thể cố gắng, không thể tinh tấn, lúc nào cũng bất an, bứt rứt, đến khi chết đi cũng không có kết quả. So sánh 2 con đường đó, ta thấy người nào chọn tu thiền sẽ có ý chí, nghị lực hơn. Nhưng cái ý chí đó hiện ra ở chỗ nào?

Câu hỏi trên của Thượng tọa nhận được rất nhiều câu trả lời từ phía các Phật tử. Mỗi câu trả lời đều có ý đúng, nhưng chưa ai đưa ra được câu trả lời chính xác, trọn vẹn. Tổng hợp, bổ sung thêm cho các ý kiến đó, Người chỉ ra 3 điều:

Đầu tiên, thiền định thúc giục ta có kết quả trong hiện tại. Nghĩa là nó bắt ta cứ ngồi thiền, định hay không định là biết liền. Cái phải cố gắng nữa làm cho mình trở thành người có ý chí, và cái ý chí đầu tiên chỉ là tu thiền thôi. Nhưng không ngờ ý chí đó lại hiện ra nhiều diệu dụng, diệu lực đi vào cuộc đời này như: có người muốn hoằng Pháp, có người muốn siêng năng phụng sự, gây dựng công đức, có người trở nên can đảm, bình thản trước mọi khó khăn, có người hiện ra sự trung thành, v.v… và Thượng tọa bổ sung thêm cái ý chí này mạnh đến mức mà quỷ thần cũng phải lắng nghe, nể phục.

Thứ hai, ý chí tu thiền ảnh hưởng vào sự tinh tế, tạo nên kỉ cương, nề nếp trong đạo, trong đời, tạo thành uy đức, khiến ta phải nghiêm chỉnh chấp hành, không được lộn xộn, bừa bãi. Lúc nào chúng ta cũng phải trung thành, nhu thuận.

Thứ ba, khi đạo tâm ta mạnh, nó không còn ở nơi mình nữa, mà tràn cả vào tâm của những người xung quanh. Lúc đó, tự nhiên ta thích kéo mọi người đi tu thiền, thích động viên mọi người cùng vượt qua những khó khăn, kiên trì, trung thành với con đường Phật dạy, cùng đặt mục tiêu đi đến sự giác ngộ cao siêu. Nhờ công đức này, ý chí của ta cũng được bảo vệ, bản thân ta không cảm thấy lạc lõng, mệt mỏi hay cô đơn nữa.

Những lời dạy chân tình của Thượng tọa khiến hội chúng hết sức xúc động. Dù mọi người đã tọa thiền, tụng kinh vất vả cả ngày nhưng ai cũng chăm chú lắng nghe. Qua bài Pháp thoại này, mọi người đã thấy rõ được những khó khăn phía trước mà mình phải đương đầu. Từ đó, có sự chuẩn bị tốt cả về tâm thế, tinh thần, sức lực để vượt qua được hết những khó khăn đó, sớm đi đến mục tiêu vô ngã, giác ngộ. Và cái kết quả gần là giúp mọi người học hỏi những kinh nghiệm quý báu làm hành trang tâm linh trong cuộc sống, cũng như ngày càng hoàn thiện đạo đức, có khả năng nhận diện những hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại hơn.

Ngoài ra, bài Pháp cũng bày tỏ quan ngại của Thượng tọa trước thực trạng nhiều người quy y đạo Phật nhưng lại không đi đúng con đường Phật dạy. Hay nhiều người đi đúng con đường Phật dạy nhưng vì gặp chút khó khăn mà lại nhụt chí, bỏ ngang chừng. Chính những điều này đã tạo cho các thế lực thù địch có nhiều cơ hội chống phá, đẩy đạo Phật đến nguy cơ suy tàn, biến mất vĩnh viễn. Người hi vọng dù gặp phải khó khăn gì, các Phật tử cũng quyết kiên trì, đoàn kết, chung tay bảo vệ thiền định, bởi còn thiền thì còn đạo Phật, mất thiền thì đạo Phật cũng không còn./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa thiền:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Cảnh báo: Các trang và group Facebook giả mạo

0
Kính thông báo đến toàn thể quý Phật tử! Hiện nay, trên Facebook đang xuất hiện các trang và group Facebook giả mạo Thượng tọa...

Tin mới nhất