Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápLời cầu nguyện cao thượng

Lời cầu nguyện cao thượng

-

Cầu nguyện là một trong rất nhiều hoạt động ngưỡng đầu năm của mọi người. Vậy nên, ngay từ sáng mùng 1 tết, rất nhiều gia đình đã sắm sửa lễ vật, đi đến chùa, miếu, đền để cầu nguyện. Ai cũng tâm niệm rằng lễ vật càng lớn thì lời cầu càng dễ linh ứng. Vì điều này mà không ít hoạt động kinh doanh, cúng bái trái phép, phù phiếm xuất hiện, lừa lọc, chặt chém tiền của người đi lễ.

Để các Phật tử có cái nhìn đúng đắn, toàn diện hơn về việc cầu nguyện này, ngày mùng 5 Tết, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN đã chia sẻ bài Pháp thoại có chủ đề “LỜI CẦU NGUYỆN CAO THƯỢNG” đến với hơn 7.000 Phật tử xa gần giữa không khí mùa xuân và lòng người rộn rã mong chờ.

Bài Pháp thoại tập trung phân tích hai yếu tố xoay quanh lời cầu nguyện. Đồng thời gợi ý cách cầu nguyện thế nào để vun đắp, xây dựng tâm hồn, không để lời cầu nguyện níu kéo ta trở lại quẩn quanh trong vòng vị kỉ.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định ai đến chùa đầu năm đều rất có lòng thành nên luôn được Phật chứng giám. Và một trong rất nhiều việc mọi người thực hiện tại chùa là gửi lời cầu nguyện lên cao. Yếu tố này không thể thiếu trong tín ngưỡng tôn giáo và đạo nào cũng có cả. Thậm chí, có tôn giáo coi đây là hoạt động chủ chốt. Riêng Phật giáo không cho đó là tất cả, mà cầu nguyện chỉ là một mảng rất nhỏ, bởi ngoài cầu nguyện, người Phật tử còn phải nỗ lực tu tập, siêng làm công đức, và tu dưỡng đạo đức.

Như vậy, cách tu trong đạo Phật rộng hơn, nhiều hơn và khó hơn các tôn giáo khác. Nhưng bài Pháp hôm nay chỉ tập trung vào 2 yếu tố chính: lời cầu nguyện và những yếu tố xung quanh nó. Cụ thể, chúng ta cầu nguyện cái gì và gửi lời cầu nguyện đó cho ai.

Đi vào nội dung chính, Thượng tọa khẳng định yếu tố đầu tiên của lời cầu nguyện là “nội dung” cầu nguyện. Có câu nói rằng: “Hãy cho tôi biết anh cầu nguyện điều gì, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào”, bởi lúc cầu nguyện, ta bộc lộ hết con người mình ra.

Trong những lời cầu nguyện đó, có những lời ta cầu cho mình, càng cầu càng ích kỉ, cũng có những lời ta cầu cho mình, càng cầu càng cao thượng. Ví dụ, ta cầu mình đẹp trai, giàu có,… thì càng cầu tâm càng ích kỉ, càng kém đạo đức. Nhưng nếu cầu xin Phật gia hộ để diệt được tâm ích kỉ, biết tinh tấn tu hành, có tâm vị tha rộng lớn, cả đời biết phụng sự, hi sinh, đi đúng hướng về vô ngã thì càng cầu tâm càng tốt, càng cầu tâm càng cao thượng, khiến thần Thánh cảm động, Chư thiên yêu mến.

Lời cầu nguyện cũng là một điều bí mật mà ta gửi gắm đến một vị nào đó. Dù đó là điều cao thượng hay ích kỉ thì các vị ấy cũng không nói cho ai. Biết điều này nên ta thoải mái khẩn cầu, bộc lộ mình một cách ung dung mà không lo ai biết bản chất, con người thật sự của mình.

Cũng bởi có đạo đức quan trọng là biết giữ bí mật giúp người khác nên các Ngài được muôn người yêu quý. Chúng ta cần phải học cái đạo đức này của các vị ấy. Biết bí mật của người khác mà giấu được thì có phước. Ngược lại, biết rồi đem nói cho nhiều người nghe thì vừa mất đạo đức, vừa mang tội. Đây là điều phúc hay tội còn tùy thuộc vào thái độ, cách xử lí và khả năng kiềm chế, giữ bí mật trong lòng mỗi người.

Nói vậy chứ giữ bí mật cho người khác là một việc rất khó bởi bản năng của chúng ta là thích kể chuyện của người. Một khi đã biết bí mật, khuyết điểm của người khác, chúng ta rất thích nói ra. Điều này dẫn đến việc ta bị mất đạo đức. Vậy nên, khi lỡ biết bí mật của người khác ta phải giữ kín suốt đời.

Lại nữa, lời cầu nguyện có thể thay đổi theo năm tháng. Những lời cầu nguyện thành tựu rồi thì ta sẽ chuyển sang lời cầu nguyện khác. Chọn lựa làm sao để tâm ta ngày càng tốt đẹp, tránh rơi vào ích kỉ, độc đoán. Ví dụ, sợ mình giải đãi, lười biếng, ta cầu xin Phật cho mình được tinh tấn tu tập. Sau 3 năm, cái tinh tấn trở thành bản chất, vĩnh viễn không bao giờ còn giải đãi. Nói chung, ta xem mình còn khuyết điểm gì thì xin Ngài gia hộ để sửa dần. Ta cứ chọn lọc, bổ sung những lời cầu nguyện, làm sao cho bản thân trở nên tốt hơn. Sau đó, chia sẻ giúp đỡ những người xung quanh để họ cũng thay đổi được.

Tức là ta vừa cầu nguyện, tu tập; vừa rải lòng yêu thương, phụng sự mọi người. Có thế, tinh thần ta mới trở nên nhẹ nhàng, ước nguyện cũng được thành tựu. Chỉ cần là lời cầu nguyện cao thượng, chắc chắn Thần thánh sẽ lắng nghe. Vậy nên, ta cố gắng chọn nội dung sao cho tốt đẹp, hướng vào mục tiêu tu sửa bản thân, phụng sự cộng đồng.

Tuy nhiên, lời cầu là một lẽ, điều quan trọng là có linh ứng hay không? Việc này phụ thuộc rất lớn vào đối tượng ta hướng về. Ở phần tiếp theo bài giảng, Thượng tọa phân tích sự khác nhau giữa các đối tượng, theo đó cái lợi – hại khi ta cầu xin nhờ vả là gì.

Bình thường, ta gửi lời cầu nguyện với người khuất mặt, khuất mày. Đây là các vong trong nhà, được chúng ta cúng nên họ cũng phù hộ. Nhưng các vong này ít phước nên hiếm khi giúp ta được trọn vẹn. Nếu lời cầu của ta có linh ứng thì ta mắc cũng nợ họ. Cái nợ này thực sự khó trả, bởi không còn cách nào khác, ta phải nuôi nó, kính nó như bố mẹ mình. Thực sự, các vong này rất nguy hiểm bởi họ không phải Thánh. Nếu cho đi thì họ cũng đòi lại rất nặng. Do vậy, với những vong này, ta chỉ tụng kinh, niệm Phật, cho ăn chứ dứt khoát không cầu xin, nhờ vả điều gì.

Ngoài các vong đó, chúng ta còn hay gửi lời cầu nguyện lên các vị ở đền, miếu. Nên nhớ rằng các vị này tuy có công nên được tôn thờ nhưng cũng không phải Thánh, không tồn tại lâu trong cõi tâm linh, sớm muộn họ cũng đi đầu thai, không còn trong những miếu, đền đó nữa. Chỉ những bậc Thánh chứng đạo, không trở lại hiện đời, mà ở cõi trời rất cao thì ta cầu nguyện mới linh ứng. Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở mọi người phải thận trọng, bởi nếu cầu xin một đối tượng nào đó tầm thường, không phải Thánh sẽ khiến cuộc đời ta xuống thấp trở lại. Đó là lý do khi Quy y rồi, Phật không cho ta cầu tại các đền, miếu là vì vậy.

Ngoài ra, một số tôn giáo hay cầu nguyện Thượng đế. Với họ, khái niệm Thượng đế rất lớn, đó là vị toàn năng tạo ra trời đất, tạo ra muôn loài. Do vậy, họ đặt niềm tin mãnh liệt, tuyệt đối vào Thượng đế. Vũ trụ thực sự rộng lớn, mênh mông, ta không đủ sức để tưởng tượng, lường trước hết được. Liệu Thượng đế có thể tạo ra, chi phối tất cả được hay không? Nếu đúng thì lời cầu nguyện của ta sẽ rất linh ứng. Nếu không, chẳng phải lời cầu nguyện của ta đi vào hư vô hay sao?

Chúng ta chỉ được kết quả tốt đẹp khi cầu nguyện một bậc Thánh thật sự. Cho nên ai may mắn được làm đệ tử Phật, đó là niềm hạnh phúc thật lớn lao, bởi Đức Phật là đấng giác ngộ, là bậc Thánh tuyệt đối của vũ trụ này. Ta cung kính lễ bái một bậc Thánh như thế nghĩa là đang gieo nhân cao thượng trong dòng luân hồi của mình, và cũng được cái phước rất lớn.

Ai tu cho đến ngày mạnh mẽ khởi được niềm kính Phật tuyệt đối, ngay đó nội tâm họ thành tựu nguồn sức mạnh kì lạ. Ngay đó, giàu nghèo, khổ vui, thịnh suy đối với họ không quan trọng nữa, họ thanh thản trước mọi điều trong cuộc đời này, chỉ còn lòng kính Phật để sống và để chết mà thôi. Và cũng ngay đó nội tâm họ mở ra thênh thang, bước vào dòng Thánh, chứng sơ quả Tu Đà Hoàn.

Được làm học trò, làm con, làm hạt bụi dưới chân Đức Phật, đó là niềm hạnh phúc vô biên vô tận cho chúng ta. Hạnh phúc là khi có Phật trong đời. Bài giảng được khép lại bằng bài thơ:

          “Đầu năm xin nguyện muôn vàn

          Khắp trong thế giới ngập tràn yêu thương

          Ngập tràn giác ngộ ánh dương

          Hành tinh thành một thiên đường an vui”.

Đây quả là một bài Pháp giản dị nhưng chứa đựng rất nhiều đạo lí quan trọng. Nếu Thượng tọa không đề cập đến, chắc chắn chúng ta không biết việc cầu nguyện lại phức tạp nhưng đầy thú vị đến thế. Nhờ có bài Pháp thoại này, chúng ta hiểu rõ hơn về việc tu hành trong đạo Phật. Đặc biệt, biết cách xây dựng nội dung cao thượng cho mỗi một lời cầu nguyện, biết chọn đấng tối cao để gửi gắm ước nguyện. Đây quả là một điều hết sức vui mừng. Từ đây, chúng ta xin quỳ dưới chân Đức Phật với thiết tha thương kính, và dâng lên Người những nguyện ước chân thành, cao đẹp, vị tha.

Ngoài ra, bài Pháp đã đề cập đến một thực trạng nhức nhối của xã hội, đó là việc con người lạm dụng tín ngưỡng để cầu lợi cho bản thân, nói và làm những việc không đúng đắn, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, không những làm ảnh hưởng xấu tới Phật giáo mà còn vi phạm pháp luật. Phải chăng, từ đây, mọi người biết thay đổi suy nghĩ, hành vi của mình, làm sao để giữ gìn được văn hóa tâm linh, giúp mọi người biết đến những đạo lí cao đẹp, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, và làm rạng rỡ mạch sống của đạo pháp./.  

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi pháp thoại:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất