Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngChùa Viên Quang - Nghệ AnNghệ An : 1,2 vạn người tham dự lễ Cầu Quốc Thái...

Nghệ An : 1,2 vạn người tham dự lễ Cầu Quốc Thái Dân An tại Chùa Viên Quang

-

Được sự đồng thuận của các cấp Chính quyền, Ban Hộ Tự Chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đã cung thỉnh TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sỹ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT) chủ trì đại lễ cầu Quốc thái Dân an đầu năm Quý Mão.

Sáng ngày 02/02/2023 (nhằm ngày 12/01/ năm Quý Mão ) Chùa Viên Quang đã long trọng tổ chức đại lễ cầu Quốc thái Dân an với sự tham dự của 1,2 vạn tín đồ Phật tử xa gần. Đặc biệt, nhiều Cán bộ Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và xã Nam Thanh cũng đồng tham dự đại lễ này.

Kể từ ngày UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định phục hồi chùa Viên Quang cho đến nay. Cứ vào dịp đầu xuân năm mới Chùa Viên Quang đều tổ chức đại lễ cầu Quốc thái Dân an trong không khí thật trang nghiêm, với nhiều hoạt động phong phú tràn đầy đạo lý, đậm nét văn hóa Lễ hội hòa lẫn trong những bài hát, bài kinh tụng, bài văn khấn, bài thuyết Pháp… Tất cả đều hàm ý giáo dục cao.

Nói về Lễ cầu an đầu năm, TT TS Thích Chân Quang cho biết: đây là hoạt động thường niên của các chùa nhân dịp đầu xuân năm mới. Nhiều chùa và Phật tử có cái tâm rất lớn, không chỉ cầu an cho mình mà còn cầu cho tất cả chúng sinh. Việc làm này cho thấy đạo Phật thực sự có ý nghĩa khi mọi người dần dần buông bỏ sự quan tâm đến cá nhân, mà hướng đến cho tất cả mọi người. Đồng thời, khẳng định tinh thần đạo Pháp đang đồng hành cùng dân tộc, khi ta lấy cái uy linh của của đạo Pháp để cầu nguyện cho đất nước. Điều này nhắc nhở mọi người rằng khi ta đi theo đạo Phật, không được phép quên quê hương, đất nước, đồng bào, nghĩa là cái tình với đạo Phật gắn liền với cái tình đối với quê hương, đất nước. Đây là nét đẹp đặc biệt của buổi lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an.

Quang lâm chứng minh và tham dự đại lễ có: ĐĐ Thích Thiện Tuệ – Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An, Trưởng BTS Phật giáo huyện Nam Đàn; ĐĐ Thích Nhuận Hiển – UV Thường trực,  Phó ban Pháp chế BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An; ĐĐ Thích Minh Cảnh – Trụ trì chùa Bát Nhã (Quỳnh Lưu); ĐĐ Thích Khải Tạng – Chúng trưởng Chúng Tăng Thiền Tôn Phật Quang; ĐĐ Thích Nghiêm Giám – Chúng phó Chúng Tăng Thiền Tôn Phật Quang, Tổng Thủ lĩnh Chúng Thanh Niên Phật tử Phật Quang; Sư Cô Thích Nữ Tường Phổ – Chúng trưởng Chúng Ni, Phụ trách Tổng Đạo tràng Thiền Tôn Phật Quang; cùng chư Tôn đức đến từ Tổ Đình Thiền Tôn Phật Quang.

Đồng thời còn có sự tham dự của các Phó Tổng Đạo Tràng 3 miền (Bắc – Trung – Nam), các Chúng trưởng/ Chúng phó thuộc Đạo tràng miền Bắc, miền Trung, miền Nam; Hội trưởng/ Hội phó Hội Từ Thiện Phật Quang 3 miền; Thủ lĩnh/ Phó Thủ lĩnh CTN Phật tử Phật Quang Bắc – Trung – Nam và CTN Phật tử Phật Quang nước Nhật, Đức, Đài Loan.

Về phía đại biểu chính quyền cấp tỉnh có:  Ông Phan Anh Đoài – Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An; Ông Nguyễn Đức Thành – Phó Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh Nghệ An; Ông Lê Văn Thái – Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An; Ông Trần Văn Vinh – Phó Ban Tôn giáo Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An; Ông Nguyễn Hồng Tuyến – Trưởng phòng PA 02  Công an tỉnh Nghệ An; Đại diện các Ban, phòng, ngành, cơ quan, đoàn thể tỉnh Nghệ An.

Về phía chính quyền huyện Nam Đàn có: Ông Vương Hồng Thái – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; cùng các Ông Bà trong Ban Thường vụ huyện uỷ, Ban Dân vận huyện uỷ Nam Đàn; các Ông, Bà đại diện các Ban ngành đoàn thể, các tổ chức Chính trị – Xã hội của huyện.

Về phía chính quyền xã Nam Thanh có: Bà Trịnh Thị Quỳnh Nga – Huyện Ủy viên, Bí thư Đảng ủy; Ông Trần Đăng Khoa – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh; cùng các Ông/Bà trong Ban Chấp hành Đảng Ủy; Trưởng các đoàn thể, trường học xã Nam Thanh, và phóng viên các Báo đài cũng tham dự đưa tin.

Đi vào buổi lễ, khi 3 tiếng chuông vừa dứt, trong không khí tôn nghiêm và thành kính, tất cả Hội chúng đồng hát bài Tổ Quốc Việt Nam và sau đó dành một phút mặc niệm để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. 

Tiếp đến, TT TS Thích Chân Quang đã khai Pháp đầu năm bằng bài Pháp thoại nói về Ý NGHĨA CUỘC ĐUA GIỮA TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC.

Mở đầu, Thượng toạ tản mạn về ý nghĩa ngày Tết. Tết nguyên đán là một di sản văn hóa độc đáo quý giá của người Việt bởi là dịp cho mọi người về sum họp gia đình, bày tỏ lòng kính trọng với tổ tiên ông bà, bày tỏ tình thân ái với cộng đồng, ai cũng cố gắng mang lại niềm vui cho nhau. Có thể nói, Tết nguyên đán trong mấy nghìn năm qua đã cung cấp thêm sức mạnh cho ta bảo vệ giữ gìn quê hương.

Kế đến, Thượng toạ nói về tính chất giáo dục đặc biệt của buổi lễ cầu Quốc Thái Dân An.

Bên cạnh việc làm mới lại văn hóa đạo đức lối sống, người dân ta trong những ngày đầu năm mới cũng mong ước điều may mắn cho suốt năm còn lại bằng nhiều cách, trong đó có đại lễ cầu Quốc thái Dân an.

Nghi lễ này cho chúng ta cơ hội dành tình cảm yêu kính hướng về Quốc tổ, bao nhiêu đời các vị lãnh đạo, các anh hùng đã đổ xương máu, vắt tim vắt óc để giữ gìn phát triển đất nước; dâng niềm tôn kính Phật; trải lòng yêu thương đồng bào nhân dân; nguyện ước xây dựng đất nước hùng cường để góp vào nền hòa bình hạnh phúc chung cho thế giới… Những ý niệm cực kỳ cao thượng này sẽ nuôi lớn tâm hồn ta.

Tại buổi lễ cầu an thay vì chỉ cầu xin cho bản thân, cho gia đình thì chúng ta mở lòng ra để cùng nguyện cầu cho đất nước. Khi đó cả ‘đạo đức’ và ‘phước đức’ đều tăng lên một bậc. Vì vậy, với những ai tham dự lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an bằng cái tâm chí thành, thường họ sẽ được những may mắn, thành công trong năm. Vì khi ta quên đi cá nhân nhỏ bé của mình để nghĩ cho đất nước, cho cộng đồng thì Luật nhân quả tự khắc sẽ đền bù cho ta một năm may mắn.

Nói về “Ý nghĩa cuộc đua giữa Tôn giáo và Khoa học”, Thượng toạ nhấn mạnh: Nếu Tôn giáo luôn đề cao niềm tin thì Khoa học lại gạc niềm tin qua một bên, chỉ cần lý trí. Các nhà Khoa học cứ mày mò nghiên cứu đi tìm quy luật của mọi thứ.

Trước sự tiến bộ của Khoa học, Tôn giáo ngày càng bị lung lay. Lý luận về một thượng đế đơn giản tạo ra trời đất càng ngày càng lạc hậu. Thế nên Tôn giáo phải xoay sở nâng cấp lý luận của mình để tồn tại và thúc đẩy người tín đồ phải tin.

Điểm khác nhau giữa Khoa học và Tôn giáo là Khoa học thì tạo ra được những sản phẩm cụ thể, lợi ích mang lại rất rõ ràng. Còn Tôn giáo thì không tạo thành sản phẩm mà chỉ có mục tiêu thu hút nhiều tín đồ và tạo thành lực lượng.

Tuy nhiên, cả Khoa học và Tôn giáo đều giống nhau ở chỗ bí lối không giải thích được thỏa đáng về nguyên nhân sự bắt đầu của trời đất vũ trụ.

Tôn giáo cho rằng mọi vật đều do một thượng đế tạo ra, lý luận đơn giản ngây thơ này ngày nay không còn được đề cao. Còn Khoa học thì cho rằng vũ trụ bắt đầu từ vụ nổ Big Bang, điều cũng đã được chứng minh là vô lý.

Còn đạo Phật thì đứng qua một bên không mâu thuẫn tranh cãi. Đạo Phật nói rằng: “Trong phạm vi ngắn thì đúng là mọi thứ có bắt đầu có chấm dứt nhưng ở trên phạm vi vĩ mô toàn thể vũ trụ thì không có cái gì có bắt đầu và vĩnh viễn không có cái gì chấm dứt, tất cả chỉ thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái kia mà thôi”.

Dù Khoa học tiến bộ đến đâu đạo Phật cũng bình thản đứng đợi đến đó, và đã nói trước Khoa học rồi. Chúng ta rất may mắn khi được là con của Phật, đi theo một tôn giáo cực kỳ trí tuệ, cực kỳ chuẩn xác.

Và cuối cùng, bỏ qua mọi lý luận hơn thua, đúng sai… loài người cần một điều chung, kể cả Tôn giáo hay Khoa học đều cần, đó là đạo đức.

Tôn giáo nếu không đạo đức sẽ trở thành một tổ chức mưu tính lợi hại; Khoa học nếu không đạo đức cũng sẽ biến những sản phẩm của mình thành vũ khí giết chóc.

Từng gia đình, từng cộng đồng đều cần đạo đức. Đạo đức là một mẫu số chung, là một ước mơ chung, là một nhu cầu chung để mang lại cho chúng ta một cuộc sống an yên, hạnh phúc. Và trong Phật giáo có một nguồn đạo đức vô tận có thể cung cấp cho mọi người mọi loài. Lòng từ bi mênh mông không biên giới mà Phật đã dạy chính là điều mà Tôn giáo nào, Khoa học nào, Quốc gia nào cũng cần.

Ngoài đạo đức làm nền tảng, Phật giáo còn đưa ta đi đến một mục tiêu cao tột đó là sự giác ngộ. Unesco phải công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng cao quý của nhân loại này.

Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng toạ nhắc nhở: đầu năm ta trở lại với văn hóa cội nguồn của mình nơi hai việc:

– Một là xây dựng lại lễ nghĩa văn hóa của dân tộc.

– Hai là cầu phúc cho nguyên một năm còn lại bằng cách phóng sinh, trồng cây tạo thêm sự sống cho địa cầu, đắp đường, nhặt rác, thăm người già neo đơn…

Như vậy, lễ cầu Quốc thái Dân an ngoài ý nghĩa tâm linh còn có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Thông qua đây, mỗi Phật tử lại là một tuyên truyền viên, một người hướng dẫn cho con cháu và những người xung quanh, để ai ai cũng biết yêu thương, biết có trách nhiệm với đất nước mình.

Tiếp đến là phần nghi lễ tâm linh. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni, cùng đông đảo Phật tử, các vị lãnh đạo và quần chúng nhân dân địa phương thành kính hướng về lễ đàn thực hiện nghi thức cầu nguyện Quốc thái Dân an thật ý nghĩa do TT TS Thích Chân Quang biên soạn.

Đặc biệt, trong bài Sám cầu Quốc thái Dân an với những ngôn từ bao hàm ý nghĩa trưởng dưỡng đạo đức tâm linh cho mọi người khi đến với Lễ đàn cầu nguyện đầu năm khiến ai cũng xúc động khi đọc tụng và đây còn là dịp để mọi người vun đắp, xây dựng, giữ gìn tình yêu nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ trong thời đại này.

               Cúi lạy Phật từ bi tế độ/ Đem đạo mầu giác ngộ chúng sinh

               Cùng chư Bồ Tát quang minh/ Độ trì cõi nước thanh bình yên vui

               Cúi lạy những Vua Hùng dựng nước/ Mười Tám đời uy đức muôn trùng

               Ngày nay con cháu một long/ Mở mang xây dựng non sông phú cường.

               Cúi lạy những quốc vương thánh triết/ Trải bao triều đại rất oai hung

               Núi sông vang dội chiến công/ Đắp nền văn học, lập dòng văn minh

               Cúi lạy những anh linh hào kiệt/ Những hiền tài siêu việt phi thường

               Thanh gươm vung giữa sa trường/ Hay ngòi bút nhẹ mở đường bay xa.

               Như thế đó nước nhà rạng rỡ/ Bởi thần uy từ thuở xa xưa

               Khí thiêng sông núi bây giờ/ Nghìn năm sau nữa tôn thờ ngưỡng trông..

Ấn tượng hơn, trong nghi thức cúng Quốc tổ, trước bàn thờ Quốc tổ, các vị lãnh đạo cấp tỉnh đã tựu vị niêm hương.  

 Tại Lễ đàn, ĐĐ thích Nghiêm Giám khấn to:

– Kính lạy thần uy của Quốc tổ Hùng Vương 18 đời dựng nước.

– Kính lạy thần uy của các vị Vua thánh triết anh minh suốt các triều đại Đinh Lê, Lý, Trần, Lê Nguyễn và Hồ Chí Minh.

– Kính lạy thần uy của các vị quan tướng hiền tài trung nghĩa suốt các triều đại từ xưa đến tận hôm nay.

– Kính lạy thần uy của các anh hùng tài giỏi cang cường xã thân vì Nước suốt các triều đại từ xưa đến tận hôm nay.

– Chúng con gồm những Tăng Ni Tu sĩ, các Lãnh đạo chính quyền tận tụy, các Phật tử thuần thành, quần chúng nhân dân nhiệt tâm khắp nơi câu hội về đây dâng chút phẩm vật và hương hoa lễ tế lên Mười phương Tam bảo, Chư Phật – Chư Bồ tát – Hiền Thánh Tăng, dâng lên thần uy của Quốc tổ và các hiền tài Thánh quân đã làm nên hồn thiêng của Tổ quốc Việt Nam.

Chúng con dâng trọn lòng thành cung kính, ngưỡng nguyện trên Tam Bảo và thần uy của Quốc tổ gia hộ cho đất nước này, cho tất cả chúng con trong năm mới có được nhiều thuận duyên, tránh được nhiều tai kiếp, vượt khỏi những chướng ngại, đạt đến những thành công.

Xin cho những Nông dân bám đất được mùa thu hoạch, Ngư dân bám giữ biển trời Tổ quốc được bình an đi về, những Chiến sĩ ngày đêm canh giữ quê hương lập nên chiến công, những Doanh nhân gặp nhiều thuận lợi để phát triển, ai ai cũng có công ăn việc làm, cũng được học hành tử tế.

Xin cho người Việt Nam chúng con biết yêu quý nhau, giúp đỡ đoàn kết nhau, tất cả chung tay xây dựng một Việt Nam đàng hoàng giàu đẹp để còn góp sức cho hòa bình của thế giới. Xin cho tất cả chúng sinh đều được giác ngộ cao siêu, thoát được trầm luân sinh tử.

Sau đó, các vị lãnh đạo tỏ lòng thành kính với tổ tiên bằng việc dâng đồ cúng (tiến trà, tiến tửu, tiến phạn và tiến bỉnh), tức là dâng trà, dâng rượu, dâng cơm, dâng bánh trái và thực hành nghi thức vái tạ theo lời xướng đọc của thầy chủ lễ. 

Thật sự hình ảnh cảc vị lãnh đạo đất nước biết lễ lạy Tổ tiên để xin anh linh của các vị Quốc Tổ phù hộ cho Tổ Quốc Việt Nam, khiến cho hàng vạn người nhìn thấy thật sự cảm động. Hy vọng với cái lòng thành ấy, với sức mạnh tâm linh này, hòa vào công lao của bao nhiêu người trong đất nước, mong rằng đất nước ta sẽ vững bước tiến lên, vượt qua những khăn khó mà được thới thịnh, được bình an, sẽ từng ngày phát triển đi lên, để đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước, và cũng đễ đóng góp vào sự phát triển văn minh hòa bình chung của thế giới.

Sau cùng, tục lì xì ngày tết được thực hiện. Tất cả Đại biểu được Thượng tọa trực tiếp trao lộc và Phật tử nhân dân tham dự đều hân hoan nhận lộc đầu năm từ quý thầy. Tuy cả vạn người, nhưng không ai chen lấn, xô đẩy để tranh dành lộc, mọi người trật tự xếp hàng, lần lượt vào nhận. Khi ra về, ai nấy đều hoan hỷ phấn khởi bởi lẽ trong tâm khảm của mỗi người đều cảm nhận được một điều gì đó rất tôn nghiêm, rất kính cẩn, hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. 

Tổ truyền thông

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 5 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 5 năm 2024 (update 24/4/2024): 1. Chủ nhật ngày 5/5/2024 (27/3 AL): 9h00 thuyết giảng tại chùa Từ...

Tin mới nhất