Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
Trang ChủTổng Đạo TràngChùa Viên Quang - Nghệ AnNghệ An: Khóa tĩnh tu chùa Viên Quang tháng 12

Nghệ An: Khóa tĩnh tu chùa Viên Quang tháng 12

-

Vào hai ngày 1 – 2/12/2018 (nhằm ngày 25 – 26/10/năm Mậu Tuất, chùa Viên Quang, xã Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An đã tổ chức thành công Khóa tĩnh tu – tham vấn. Khóa tu đã diễn ra trong niềm hạnh phúc khi được đón Thượng Tọa Thượng Chân Hạ Quang – Phó ban Kinh tế Tài Chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (Bà Rịa – Vũng Tàu) về thăm và thuyết giảng.

Khóa tu đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và đây cũng là dịp để Phật tử tụ hội về mái già lam Viên Quang. Hàng trăm Phật tử đã không quản đường xa từ Hà Nội, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế và Thành Phố Hồ Chí Minh tìm về với Khóa tĩnh tu.

Trong suốt các thời thiền, niềm hân hoan và an lạc luôn hiện rõ trên gương mặt của tất cả Thiền sinh. Bao mệt nhọc đường dài, bao nỗi muộn phiền trong cuộc sống đã bị xua tan, lắng lại trong quá trình thực hành thiền định. Dù chân đau, thân mỏi, nhưng mỗi thời thiền đi qua, là một lần tâm linh được gột rửa, ý chí được mài giũa, tiềm lực trong cơ thể được củng cố, và đặc biệt, qua từng quán niệm trong đạo lý Phật dạy, đạo đức Thiền sinh được âm thầm tăng trưởng.

Đặc biệt nhất, vào 9h sáng chủ nhật ngày 2/12/2018, hàng ngàn Phật tử đã được tắm mát trong bài Pháp thoại vô cùng sâu sắc, thiết thực và ngập tràn trí tuệ của TT. Thích Chân Quang với đề tài “Chánh Pháp khó tìm”.

Tham dự buổi giảng có ông Lưu Công Vinh – Phó giám đốc kiêm trưởng ban tôn giáo tỉnh Nghệ An, ông Ngô Quang Hùng – Phó chủ tịch UBMTTQ huyện Nam Đàn và đại diện Đảng ủy, UBND xã Nam Thanh cùng các xã trên khu vực huyện Nam Đàn tới tham dự.

Mở đầu, Thượng Tọa đề cập đến khái niệm của tôn giáo và tín ngưỡng, vị trí – ý nghĩa của nó trong quốc gia và lý do mà tôn giáo – tín ngưỡng ngày càng phát triển. Thượng Tọa khẳng định, nếu trong khoa học có những tồn tại mà ta phải công nhận, mặc dù không nhìn thấy như sóng điện từ, thì những hiện tượng tâm linh trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy. Hiện tượng đầu thai tái sinh là một trong số đó. Không ai tận mắt nhìn thấy quá trình, nhưng những bằng chứng về việc có những con người đã tái sinh, mang theo trí nhớ kiếp trước trùng khớp đã được kiểm chứng trên toàn thế giới.

Thượng tọa cũng đã nêu ra một sự thật, rằng trong thâm tâm một con người, nếu không có ai tác động và sống bằng trí tuệ khách quan của mình, thì những hiện tượng siêu nhiên hay trải nghiệm gặp phải trong đời, người ta rồi sẽ có khuynh hướng tin là có thần thánh hoặc ít ra cũng lờ mờ nhận ra một quy luật khách quan nào đó chi phối cuộc sống này.

Mỗi con người sẽ có một lựa chọn về niềm tin khác nhau, nhưng nếu ta chọn sai lầm thì ta sẽ kết thúc cuộc đời trong ê chề, tuyệt vọng và đau khổ. Còn nếu đặt niềm tin vào điều đúng thì cuộc đời ta sẽ hạnh phúc. Vì vậy, đứng trước rất nhiều ngưỡng cửa của tín ngưỡng, lựa chọn về Tôn giáo, tại sao chúng ta đã lựa chọn Đạo Phật làm nơi gửi gắm tâm linh của mình?

Thứ nhất, Đạo Phật chủ trương cân bằng “Đạo Pháp trong dòng chảy quê hương – Thế giới trong tình yêu dân tộc”. Khi ta đến với đạo Phật, ta càng có trách nhiệm với tình yêu Tổ quốc, lòng yêu nước ta được phát triển lên, ta trung thành và sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc.

Thứ hai, biết Phật pháp, ta biết đến luật nhân quả, để ta sống có giá trị, khát khao và nỗ lực làm điều tốt, làm phước, yêu thương, phụng sự và cống hiến cho cuộc đời này, nhân loại này.

Thứ ba, đến với Đạo Phật, ta sẽ vươn mình trong tình cảm cao thượng, đó là lòng tôn kính Phật tuyệt đối. Khi ta biết tôn kính một bậc đáng kính: Đức Phật, các vị Thánh, các bậc danh nhân, người lớn tuổi,… nội tâm ta sẽ mạnh lên, để ta vượt qua những chướng ngại sau này.

Thế nhưng, không phải cùng gọi là đạo Phật thì đều giống nhau, đều đúng với ý Phật. Nhân đây, Thượng Tọa đã liệt kê ra năm kiểu Đạo Phật của ngày nay:

Một là, Đạo Phật đó nhìn thì chỉ còn là hình thức, nhưng bên trong tràn ngập sự mê tín.

Hai là, Đạo Phật mà trong đó sử dụng những thủ đoạn mưu mô, kết bè, kết phái, kêu gọi quần chúng, nhưng không đem lại đạo đức cho quần chúng.

Ba là, một Đạo Phật mà bên trong người tu chịu tu, nhưng lại tu sai đường, họ tu mãi nhưng không có kết quả, vì niềm tin của họ không đúng và điều họ tin không có thật.

Bốn là, Đạo Phật mà trong đó người tu rất tinh tấn tu tập Thiền định và họ kể ra những kết quả của Thiền định rất hấp dẫn, thu hút nhiều nguời, nhưng con đường này chỉ đưa đến chứng Thiền chứ không chứng Thánh.

Và năm là, Đạo Phật mà trong đó người tu đi tìm con đường chứng Thánh. Đòi hỏi sự hoàn thiện trong đạo đức “thấy nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt” như lời Phật dạy. Ta phải làm phước phụng sự giúp đời và tinh tấn Thiền định giữ gìn đạo đức để chứng Thánh.

Rõ ràng, Đạo Phật thứ 5 là Đạo Phật chân chính nhất, bởi Đạo Phật này xây dựng một môi trường tu lành mạnh, dạy Phật tử đường lối hướng đến quả vị Thánh – những bậc đạt được sự thánh thiện, đạo đức hoàn mỹ và yêu cầu ba yếu tố: Đạo đức – Công đức (làm phước giúp đời) – Thiền định. Trong nền Đạo Phật chân chính này, chúng ta càng tu thì càng đi về vô ngã, càng vị tha, càng phụng sự giúp đời. Như vậy, để tu cho đúng thì cần có 3 yếu tố “Đường lối tu hành đúng – Có người chân tu chân chính – Hội chúng tu chân chính.”

Kết thúc buổi giảng, Thượng tọa đã trả lời những tham vấn của Phật tử với nội dung xoay quanh về quá trình tu tập, các phong tục nghi thức tâm linh thường ngày, những thắc mắc về các vấn đề trong học tập, công việc và cuộc sống.

Hạnh phúc thay, giữa dòng đời đầy xô bồ, hỗn tạp, những dòng Pháp nhũ trong lành mà Thượng Tọa mang đến như làm sống dậy trong lòng người nghe biết bao lý tưởng cao đẹp. Những chân lý Phật dạy là suối nguồn đạo lý tươi đẹp, được Thượng Tọa mang đến nuôi lớn mầm xanh đạo đức trong lòng mỗi người Phật tử.

Giữa thời mạt Pháp này, để tìm được một nguồn đạo lý chân chính thật khó khăn. Vì vậy, khi đã được sống trong môi trường Đạo Phật chân chính rồi, chúng ta càng phải biết trân quý, giữ gìn, siêng năng làm Phước, tu tập Thiền định, thực hành lời Phật dạy.

Nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho ai ai cũng tìm về được những mái già lam nơi có nguồn giáo lý đạo Phật chân chính như thế này.

Tổ truyền thông CTN Nghệ An

Dưới đây là 1 số hình ảnh khóa tu:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất