Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024
Trang ChủThư việnChia sẻNhân quả của sự giết hại

Nhân quả của sự giết hại

-

NHÂN QUẢ CỦA SỰ GIẾT HẠI

NHÂN QUẢ GIẾT NGƯỜI – 1

Đa số con người đều cho rằng giết người là tội lớn nhất trong các tội, thế nên tử hình là hình phạt cao nhất trong các hình phạt. Điều này khá đúng. Để được gọi là một sinh vật đúng nghĩa, loài đó phải có bản năng sinh tồn. Bản năng sinh tồn là sự thôi thúc bí mật khiến cho sinh vật đó luôn luôn muốn duy trì sự sống của mình. Nhìn sự lam lũ vất vả của đàn kiến tìm mồi, của con giun trườn trong lòng đất, chúng ta mới thấy loài vật đều thiết tha muốn sống. Nhìn những người nghèo khổ không mái nhà để ở, sống vất vưởng ở hè phố, chúng ta càng thấm thía ai cũng yêu cuộc sống. Sự sống là một cái gì quý giá vô cùng. Thế nên hành vi tước đoạt mạng sống của con người được xem là một tội ác nghiêm trọng.

Theo ý nghĩa công bình, nếu một kẻ giết người, chắc chắn quả báo chờ đợi cho hắn là bị giết hại trở lại. Đôi khi luật pháp xã hội chỉ phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, nhưng luật Nghiệp Báo vẫn không dễ dàng tha thứ.

Tuy nhiên, không phải luôn luôn nạn nhân ở đời này sẽ đích thân trả thù ở đời sau. Nếu trong khi bị giết, nạn nhân khởi niệm căm thù và muốn trả oán. Tư tưởng đó sẽ biến thành hành động, chắc chắn nạn nhân đời này sẽ trở thành thủ phạm ở đời sau.

Trước kia ở Mỹ có một câu chuyện khó hiểu. Hai người bạn da đen và da trắng ở chung với nhau và rất thân tình. Một lần người bạn da đen cầm dao giết bạn mình rồi đến cảnh sát tự thú. Khi được hỏi động cơ giết bạn, anh đau khổ trả lời là không biết tại sao vì anh không có động cơ nào cả.

Thật ra họ đã có mối thù sâu kín từ kiếp trước. Người bạn da đen đã khởi tư tưởng trả thù, rồi lại bỏ qua. Anh cứ ngỡ rằng nếu đã khởi ý mà không làm thì chẳng có ảnh hưởng gì. Nhưng ý tưởng đó đã biến thành hành động ở kiếp sau trong lúc không ai ngờ được.

Chúng ta hãy cẩn thận với tư tưởng của mình, đừng cho rằng những ý tưởng, những tham muốn sẽ trôi qua mất. Không! Nó sẽ biến thành hành động ở đời sau khi nhân duyên đã đầy đủ.

Còn trường hợp khi bị giết mà nạn nhân không có ý niệm trả thù bởi vì họ mải lo nghĩ đến người thân, của cải… hoặc do họ đạt được hạnh nhẫn nhục cao độ, thì đời sau thủ phạm sẽ bị giết bởi một người khác, hoặc bị một tai nạn rủi ro như lật xe, rơi máy bay, sét đánh, cành cây khô rơi phải…

Nếu kẻ đã giết người khá nhiều, quả báo dành cho hắn là thường xuyên bị giết hại ở nhiều kiếp về sau. Thậm chí chưa ra khỏi thai mẹ đã bị trục bị nạo bỏ rất nhiều lần.

Chưa hết, khi giết một người chồng, tức là người vợ và người con sẽ bơ vơ, côi cút, nghèo khổ. Quả báo còn để dành cho tên sát nhân là đời đời sinh ra bị bỏ rơi, nghèo khổ, lang thang ít học.

Chưa hết, khi giết một người tức là làm đổ vỡ những sự nghiệp của người đó đang ôm ấp xây dựng. Quả báo dành cho tên sát nhân là thường xuyên gặp thất bại ở đời sau.

Chưa hết, một người bị giết tức là rất nhiều người thân đau khổ. Quả báo dành cho tên sát nhân là thường xuyên rơi vào tâm trạng tuyệt vọng đau khổ giống như bị bệnh hoang tưởng tâm thần.

Chúng ta thấy, một nghiệp nhân chính luôn luôn tạo ra chung quanh nhiều nghiệp nhân phụ. Luật Nghiệp Báo sẽ sắp xếp để kẻ phạm tội phải trả sòng phẳng mọi tội lỗi của hắn. Dĩ nhiên, việc đền trả tội lỗi này không dễ chịu chút nào.

NHÂN QUẢ GIẾT NGƯỜI – 2

Tuy nhiên, không phải hễ giết người là tội bằng nhau. Tùy theo giá trị của người bị giết mà tội của kẻ sát nhân nhiều hay ít. Nếu người bị giết là một công dân lương thiện làm được nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời, thì sự giết hại một người như vậy tội rất nặng. Nếu sự có mặt của anh là niềm vui cho nhiều người thì sự vắng mặt của anh là nỗi khổ lớn lao. Giết người này tên sát nhân khó lường hết hậu quả phải gánh chịu ở đời sau.

Nếu người bị giết là một vĩ nhân thánh thiện đã từng đem lợi ích lớn lao cho nhân loại. Sự ra đi của vị này là sự mất mát to lớn của thế giới. Quả báo mà thủ phạm phải đền trả là cực kỳ đau khổ. Hắn sẽ bị đày đọa hành hạ ở vô số kiếp, khi làm thú bị đánh đập giết hại, khi làm người bần tiện khốn cùng bị giết chết. Phải cộng nỗi đau khổ của mọi người lại để tính ra con số đau khổ mà hắn phải đền trả ở nhiều kiếp. Đó là sự công bình không thể thay thế.

Ngược lại, một nhân viên trong đội săn bắt cướp đã bắn chết một tên cướp nguy hiểm đang gây án. Tên cướp đã từng giết người cướp của gây kinh hoàng cho mọi người. Cái chết của hắn làm cho mọi người thở phào nhẹ nhõm vui mừng. Giết tên cướp này, tội của người nhân viên không đáng kể, trái lại, khi cộng tất cả niềm vui của mọi người, anh được một số phước kha khá. Đây là sự công bình không thể nói khác đi được.

Rồi trường hợp người chiến sĩ chiến đấu ở tuyến đầu để bảo vệ sự bình yên cho người dân ở hậu phương được sống yên lành. Trong quá trình chiến đấu ngăn chặn quân địch, sự bắn giết là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cái tội đó có thể bù đắp bởi công lao đã giữ gìn cho rất nhiều người dân được yên ổn phía sau. Chỉ khi nào người chiến sĩ nằm trong một quân đội đi xâm lăng rõ rệt, tội của anh ta mới lớn.

Như vậy tùy theo giá trị của người bị giết mà luận thành phước hay tội cho kẻ giết chứ không cố định một chiều.

NHÂN QUẢ GIẾT HẠI ĐỘNG VẬT

Thấp hơn con người là thú vật. Giết thú vật cũng là hành vi tước đoạt sự sống, thế nên trước hết nó cũng là một tội. Tuy nhiên, tùy theo giá trị của con vật mà tội và phước sẽ được phân biệt cụ thể.

Ví dụ người ta giết một con chó để lấy thịt đãi bạn bè. Cái phước ở đây là làm cho bạn bè một bữa ăn ngon miệng (nhưng nếu có uống rượu quậy phá thì tính sau). Cái tội ở đây là giết một con vật trung thành và thông minh. Cái phước kia không bù nổi cái tội này. Rồi cái đau khổ của con vật bị giết sẽ trở thành cái đau khổ của người giết ở mai sau.

Trường hợp con người nuôi súc vật để chuyên lấy thịt như bò, heo, gà… cái phước ở đây là tạo ra thực phẩm cho con người. Còn cái tội ở đây là sự giết hại mạng sống của con vật, gây đau khổ cho con vật khi mổ thịt, đồng thời thịt của súc vật cũng dễ gây bệnh cho người dùng như tim mạch, ung thư, nhiễm thú tính. Cái phước kia không bù nổi cái tội này.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công thịt nhân tạo và nhiều xí nghiệp đã chế biến cung cấp cho nhà hàng. Đây là điều đáng khuyến khích. Hơn nữa, các nhà kinh tế cũng tính toán rằng để thu được một ký thịt, người ta phải cho con vật ăn một số ngũ cốc đủ cho nhiều người dân Phi Châu sống qua mấy ngày. Như vậy, rõ ràng sử dụng thịt súc vật làm thực phẩm không có lợi cho con người bao nhiêu.

NHÂN QUẢ SÁT HẠI THỰC VẬT

Có một số người cho rằng người ăn chay cũng đã sát sinh, vì cây cỏ, rau quả cũng có sự sống.

Điều này đúng! Cắt một ngọn rau cũng là xâm phạm đến sự sống của sinh vật. Chúng ta đã biết rằng thực vật cũng có bản năng sinh tồn, có vùng không gian tâm linh bao phủ, có phản ứng tâm linh đơn giản khi bị nguy hiểm… nói chung cây cỏ dường như cũng có tâm hồn.

Tuy nhiên, cấu trúc tâm linh của cây cỏ thì đơn giản. Khi bị cắt tỉa, cây cỏ có “biết” mình bị cắt tỉa, có phản ứng, nhưng không có cảm giác đau đớn. Thế nên khi cắt cây, tỉa cành, hái rau, chúng ta có phạm tội, nhưng không nhiều, vì cây cỏ không đau đớn. Tuy nhiên, một người suốt đời ăn chay, tiêu thụ rất nhiều rau quả, cộng lại cũng thành một số nghiệp kha khá. Nhưng người này thường tu hành, làm việc phước thiện, giáo hóa đạo đức… như vậy cái phước này quá dư để bù lại cái tội kia.

Những tiều phu chuyên vào rừng đốn cây, mặc dù có phước là làm ra gỗ ván, chất đốt cho xã hội, nhưng đã gây nạn phá rừng làm xáo trộn sinh thái địa cầu, tước đoạt đời sống của cây lớn, nên tích lũy thành tội cũng nặng. Cây càng lâu năm có năng lực tâm linh càng mạnh. Có những cây sao lâu năm – mấy trăm năm mọc ven đình chùa, có năng lực tâm linh rất mạnh. Khi có người đến muốn đốn, phản ứng tâm linh của cây đủ sức làm người kia mang bệnh rồi chết. Người dân không hiểu điều này đã gán cho có thần linh ở trên cây. Ông bà ta có câu:

“Nhất phá sơn lâm

Nhì đâm hà bá.”

Hai nghề này không bao giờ khá giả. Người làm nghề này luôn luôn cực nhọc vất vả suốt đời mà không bao giờ có dư. Có lẽ do quả báo sát sinh nhiều quá. Tùy mỗi loại cây, tùy theo tuổi cây mà phản ứng tâm linh của cây khác nhau. Với chiếc lá của Backster thì phản ứng chỉ đủ làm cho kim của đồng hồ đo nhảy. Nhưng phản ứng tâm linh của một cây cổ thụ có thể gây chết người tức khắc khi người đó muốn đốn nó.

Như vậy, nếu đốn cây là một tội nặng thì việc trồng cây, bảo vệ rừng là một phước lớn. Mỗi cây trồng được xem như một tế bào phổi cho toàn hành tinh của chúng ta. Toàn bộ cây trồng, cây rừng hợp thành một bộ phổi cho cả thế giới. Cây lọc không khí, hấp thu bớt nhiệt độ, giữ độ ẩm lâu dài cho đất, giữ mạch nước vào mùa nắng, cản lũ lụt vào mùa mưa, tạo thức ăn cho ong và các thú vật hoang dã, cân bằng sinh thái của toàn cầu…

Tuy nhiên, vì nhu cầu sử dụng gỗ ván và chất đốt, con người đang tàn phá rừng không thương tiếc. Mặc dù các quốc gia kêu gọi phát triển trồng rừng, nhưng việc trồng rừng không đáp ứng kinh tế cấp bách cho con người, đồng thời, những khu rừng nhân tạo không thể sánh bằng các khu rừng thiên nhiên cả nghìn năm, hơn nữa, đa số người trồng rừng đã chuẩn bị đón khai thác sau mười hoặc hai mươi năm trồng.

Rừng, một bài toán nan giải!

(Trích sách “Nghiệp và kết quả” – TT. Thích Chân Quang.)

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 19/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1): 19h00 chia sẻ đạo lý tại Quảng trường...

Tin mới nhất