Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápNhững ân nghĩa của đời người

Những ân nghĩa của đời người

-

Vừa qua, tối ngày 12/8/2019, (nhằm ngày 12/7/ năm Kỷ Hợi), tại Giảng đường Chánh Trí chùa Phật Học Xá Lợi (89, Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, TP.HCM) đã diễn ra buổi thuyết Pháp do TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đảm trách, cùng với sự tham dự của hơn 2.000 người bao gồm những cư sĩ trí thức Phật giáo, đông đảo Phật tử tại thành phố HCM và các vùng lân cận.

Bài Pháp thoại đã chỉ ra nguồn gốc, ý nghĩa của ân nghĩa. Từ đó, nhắc nhở mọi người phải biết đền ơn, góp phần bảo vệ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và duy trì mạng mạch Phật Pháp cho hậu thế muôn đời.

Được biết, chùa Phật Học Xá Lợi có truyền thống học Phật. Đây là nơi sinh hoạt giáo lý hàng tuần của tín đồ và những người muốn tìm hiểu đạo Phật. Mỗi sáng ngày chủ nhật, Giảng đường luôn mở cửa để mọi người đến nghe thuyết Pháp.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa khẳng định Vu Lan có nhiều nghĩa, bao gồm cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Nghĩa hẹp là ngày báo hiếu mẹ, nghĩa rộng hơn chút nữa là ngày báo hiếu cả cha và mẹ. Và nghĩa lớn nhất là ngày báo hiếu những ân nghĩa đã thọ nhận trên cuộc đời. Ví dụ, ơn công nhân quét đường, ơn những người lái xe tập trung từng chút để chuyến đi được an toàn, v.v…

Những ân nghĩa được đề cập đến trong kinh Phật cho thấy đạo Phật luôn đặt nặng vấn đề biết ơn và đền ơn. Theo đó, ta lúc nào cũng nghĩ đến việc đền ơn mới là người đạo đức. Và người có đạo đức thường bị nặng lòng là vậy. Nghĩa là, họ sống không vô tư, thanh thản được, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc tìm cơ hội để đền ơn.

Thường người sống vô tư họ thanh thản, không bận tâm điều gì xung quanh. Những người này rất gần với người không có đạo đức. Do vậy, nhìn nét mặt thanh thản, đừng nghĩ họ tu giỏi, coi chừng lại là người kém đạo đức. Những người mặt nặng trĩu trách nhiệm, có khi là người rất đạo đức.

Nói đến đây, ta phải cắt nghĩa, làm rõ từ thanh thản. Đạo Phật hướng ta về mục tiêu vô ngã giải thoát, tức là đạt được sự thanh tịnh trong tâm hồn. Vậy sự giác ngộ hư vô cao siêu này với cái thanh thản kiểu thiếu đạo đức kia liệu có trái nhau không?

Thượng tọa lý giải: trong cuộc đời này, nếu ta vội vã đi tìm cái hư vô thanh tịnh, lập tức sẽ trở thành người ích kỉ. Mà ích kỉ, thiếu đạo đức rồi thì đừng nghĩ đến chuyện làm Thánh, bởi  bậc Thánh ngộ đạo luôn nặng lòng lo cho chúng sinh. Nhờ công đức vô lượng này, họ nhiếp tâm được trong thanh tịnh, phá vỡ được vô minh, sinh tử luân hồi để giải thoát. Tuy nhiên, thanh tịnh được hay không là một bài toán cực khó, mấy nghìn năm qua chưa có lời giải. Có những lúc, tưởng chừng ta phải buông tay chịu thua.

Thật vậy, ta có thể hiểu, có thể nói kinh điển lưu loát, nhưng không đủ sức nhiếp tâm cho thanh tịnh. Bởi quá khó nên đã có những giai đoạn tu tập, người ta rẽ qua hướng khác, khiến đạo Phật bị biến dạng kể từ đó. Tức là con người khước từ nội tâm thanh tịnh để tìm con đường tu khác dễ dàng hơn.

Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở: nội tâm thanh tịnh là con đường chính để đi đến sự giác ngộ. Trên con đường này, ta phải biết nhớ ơn, nặng lòng lo cho chúng sinh. Vậy đền ơn đáp nghĩa có phải là động tâm, ngược với nội tâm thanh tịnh mà ta phải tìm trên con đường tu hành đạo Phật không? Ta phải tìm hiểu, xử lí đúng điều này để tránh sự hiểu lầm, nếu không, ta sẽ rơi vào tà kiến.

Sự biết ơn được Phật nói rất rõ trong Tăng Chi Bộ Kinh. Ngài lo ta mải mưu sinh đi tìm cuộc sống, không một lúc nào dừng lại để biết ơn và đền ơn nên đã lập ra ngày Vu Lan để ta tu hạnh biết ơn. Đây quả là một điều hết sức tuyệt vời. Vậy nên, ngoài bày tỏ lòng biết ơn, Vu Lan còn là ngày để chúng ta đo lại đạo đức của mình.

Thượng tọa nhấn mạnh, đền ơn không phải là đáp lại những ân nghĩa mà người khác đã cho mình một cách sòng phẳng, vì sòng phẳng quá thì không phải đạo đức. Việc đó chỉ giúp ta nhẹ nhõm, không bận tâm nữa thôi. Còn cái đền ơn nó sâu sắc hơn nhiều. Nghĩa là, ai đã giúp ta dù chỉ một lần thì đó cũng trở thành ân nghĩa suốt cả cuộc đời, phải biết ơn mãi mãi chứ không chỉ trả nợ bằng một số tiền là hết được. Cái khó là vậy, nên ta mới gọi nó là đạo đức.

Đền ơn là hạnh vô tận rồi. Vậy đền ơn theo cách nào là tối ưu nhất, có phải cứ mua đồ ăn ngon, quần áo đẹp cho bố mẹ là đã báo hiếu tốt rồi không? Không phải, bởi điều đó chỉ khiến bố mẹ mình nhanh hết phước. Nhìn bên ngoài thì thấy có hiếu nhưng hóa ra lại bất hiếu. Cho nên, ta phải hết sức cẩn thận vì trong cuộc đời này, nhân quả tội phước khó mà kết luận vội vàng.

Cách đền ơn tuyệt vời nhất là làm cho bố mẹ biết tôn kính và cúng dường Tam Bảo, hiểu rõ nhân quả, chủ động làm phước, thấy được lí tưởng giác ngộ,… Vô số ân nghĩa trong cuộc đời này cũng vậy. Ta có thể đền ơn bằng vật chất hoặc lễ nghĩa, nhưng cuối cùng, cái đền ơn quý nhất vẫn là Phật pháp. Ta phải để ân nhân của mình giác ngộ đạo, biết nhân quả, vậy mới là đền ơn trọn vẹn.

Nói vậy nhưng làm không dễ chút nào bởi muốn nói Phật Pháp cho người khác, ta phải có kinh nghiệm. Rồi khi ta nói, có người nghe, có người không, có khi còn chống phá. Nguyên nhân có thể do lời nói của ta không đủ sức nặng hoặc bản thân họ không có duyên với đạo Pháp. Vì những điều này mà ta không đem Phật pháp đến cho mọi người được.

Việc lời nói của ta không đủ sức nặng có thể do đời trước ta mắc nợ nên giờ ta phải đền ơn họ. Khi nào, họ mắc nợ ngược lại với ta thì họ mới nghe ta nói. Thêm nữa, đã không có duyên với Phật Pháp thì họ chỉ hứng thú với chuyện không đâu, còn chuyện nhân quả, tội phước họ làm ngơ liền. Do đó, muốn mở cánh cửa Phật vào trái tim họ, phải cực kì khéo léo và vất vả. Vậy, khéo léo là gì?

Khéo léo là biết lợi dụng những cánh cửa có sẵn như: du lịch, ẩm thực,… sau đó đưa dần Phật Pháp vào. Phải kiên nhẫn, khéo léo, mất thời gian, tử tế với họ, ta mới đem đạo đến trái tim của những người chưa từng có duyên với Phật Pháp.

Thực sự, đưa Phật Pháp đến với mọi người chính là cách đền ơn tối ưu nhất bởi nó đem đến cho cuộc sống của ta nhiều món quà vô giá, chẳng hạn như thiền định. Trước đạo Phật, nhiều giáo phái cũng tu tập thiền. Tuy nhiên, họ chỉ đạt được sức định có thần thông, chết được lên cõi trời chứ không chứng Thánh quả. Chỉ khi Đức Phật đến với trần gian, Ngài dạy cho ta chứng được 4 Thánh quả. Ngoài đạo Phật, không có chuyện tu thiền định mà chứng Thánh quả.

Thế giới hôm nay, lối làm việc thong thả, chậm rãi không thích hợp nữa. Ai chậm tay, chậm chân, làm việc ít năng suất sẽ bị loại bỏ liền. Để tồn tại, tất cả phải chạy đua khẩn trương. Trong cuộc chạy đua đó, đầu óc ta trở nên căng thẳng. Lúc này, ta mới nhớ đến thiền định – món quà Đức Phật mang đến cho thế giới. Thiền định giúp tâm ta trở nên thanh tịnh, hóa giải bớt sự căng thẳng đầu óc, từ đó trở nên khỏe mạnh, bớt bệnh tật. Đó là sự tương quan giữa thân và tâm nên đừng coi thường tâm thanh tịnh.

Có thể nói, thiền là chìa khóa giữ gìn sức khỏe, ai không biết thiền là một thiệt thòi rất lớn. Là đệ tử Phật, trái tim ta đã mở cửa với món quà đó rồi, vấn đề là ta có nhận nó hay không mà thôi. Trước đây, ta tập thể dục vì cho rằng làm vậy sẽ giúp ta khỏe mạnh hơn. Nhưng sắp tới, thế giới biết một điều nữa, cái đầu là sức khỏe của toàn thân. Lúc đó, cả thế giới phải tập thiền. Thiền sẽ được đưa vào tất cả các bệnh viện, công xưởng, cơ quan, thậm chí cả nhà tù.

Hiện tại, một số quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Anh,… đã dò dẫm đưa thiền vào dạy thử chứ không đưa liền, vì họ chưa có kĩ thuật chuẩn về thiền. Thiền là thế giới mênh mông. Trong thế giới đó, chúng sinh hiểu lầm rất nhiều, đặc biệt là những người tu thiền có kết quả. Đây là một quy luật rất nghịch lý trong việc giáo dục kế thừa của xã hội.

Bằng sự tìm tòi, đối chiếu qua kinh sách, qua lời các thiền sư và cuộc đời Đức Phật, Thượng tọa khẳng định, Đức Phật dạy thiền cho ta không phải bằng kinh nghiệm của mình, bởi làm vậy chúng sinh sẽ điên loạn hết, không ai tu nổi. Ngài là căn cơ siêu việt, mà cái căn cơ ấy thì Ngài dạy ai cho được. Ngài chỉ ra gốc cây ngồi cũng chứng sơ thiền. Còn ta, dù tu 30 kiếp chưa chắc đã chứng.

Thật vậy, Phật dạy thiền bằng trí tuệ của khắp Pháp giới này. Ngài nhìn thấy tất cả căn cơ, y lí, nghiệp báo của chúng sinh, sau đó đưa ra lời dạy. Do đó, tuân thủ theo lời dạy của Ngài là an toàn nhất. Lời dạy đó, dù xã hội thay đổi thế nào, đến nay nó vẫn phù hợp. Đây mới thực sự là cánh cửa thiền định.

Thêm nữa, để thực hiện nghiệp vụ sư phạm, không phải cứ người giỏi đã dạy được. Thực tế, rất nhiều người điên loạn sau khi tham gia các khóa học của các vị giáo sư, tỉ phú,… Cũng bởi hai trình độ không tương đồng nên mới dẫn đến kết quả như vậy. Do đó, vị thầy biết đứng trên địa vị của người học, đánh giá được tâm người học, biết được câu này họ hiểu đến đâu, sau đó thả từng câu một mới được. Đây là một tài năng khác và Đức Phật là loại tài năng như thế.

Thật vậy, khi dạy chúng sinh, Đức Phật không đứng ở vị trí của mình mà đứng trên vị trí của chúng sinh, nhìn hết quy luật vũ trụ, quy luật của thân tâm, sau đó đưa ra lời dạy chuẩn xác. Tuy nhiên, mấy ngàn năm qua, không mấy ai hiểu kĩ được lời dạy của Ngài. Chính việc không chịu cố gắng hiểu nên chúng ta mới thực hành sai, ai nói gì cũng nghe theo. Chỉ ai thực sự khôn ngoan, mới biết níu theo áo Phật.      

Ngay cả 2 câu tưởng đơn giản: “Thở vào ta biết ta thở vào, thở ra ta biết ta thở ra”, ta cũng phải 3.000 năm nữa mới hiểu hết nó trong sự thực hành của mình. Mất nhiều thời gian vậy mà nhiều khi tu hoài không có kết quả, tâm không thanh tịnh được, nên mọi người dần bỏ thiền, đổi qua pháp môn khác. Mà  thiền là cốt lõi của đạo Phật, thiền còn thì giá trị của đạo Phật còn, thiền mất thì giá trị của đạo Phật cũng không còn nữa. Do vậy, để bảo vệ đạo Pháp, nếu ai yêu kính Phật, thiết tha với Chánh pháp thì hãy kiên trì, cố gắng ngồi thiền.

Ngoài ý chí của người Phật tử, để tu có kết quả thì công phu dạy thiền của vị thầy cũng rất quan trọng. Vị thầy phải cố gắng hướng dẫn làm sao cho đúng ý Phật nhất, làm sao cho người tu có kết quả. Nếu không, bản thân vị thầy sẽ mang tội với trời đất, với Phật Pháp. Đặc biệt, phải làm sao để mọi người đều biết yêu kính Phật.

Thượng tọa nhấn mạnh, tu gì thì tu, trước hết phải có tấm lòng với Phật rồi Ngài sẽ gia hộ cho ta hiểu được ý của Ngài một cách kĩ lưỡng, chuẩn xác. Đây chính là lí do mà Thượng tọa luôn nhắc nhở Phật tử của mình phải tác ý tâm tôn kính Phật tuyệt đối. Nhờ tâm này, ta hiểu được đúng lời Phật, rồi tu đến đâu, đúng đến đó, dừng mọi suy nghĩ, mở một thế giới mới hạnh phúc, trí tuệ hơn trong tâm ta.

Đặc biệt, ta được thêm cái phước. Cái phước chính là gốc, vừa che chở đời sống vật chất, vừa bảo đảm cho nội tâm ta thanh tịnh. Nó được hình thành từ lòng tôn kính Phật tuyệt đối và tình yêu thương chúng sinh vô hạn. Do vậy, ta cố gắng mở tấm lòng ra chắc chắn sẽ có phước.

Khi có phước, chúng sinh hay mưu cầu nhiều điều. Thế nhưng, cuộc sống này chỉ cần hạnh phúc, trí tuệ là đủ. Chữ hạnh phúc nó gói gọn mọi điều trong cuộc sống này, khi có hạnh phúc rồi ta sẽ có tất cả. Còn trí tuệ là nấc thang giá trị của chúng sinh, người trí tuệ càng cao thì cái giá trị càng cao. Và vượt tầm giá trị con người là bậc Thánh – những người đã tu kĩ thiền theo lời Phật dạy.

Nhắc đến Thiền, ta không thể phủ nhận rằng nó khó đến nỗi nhiều người bỏ thiền, đổi qua tu pháp môn khác dễ hơn. Tuy nhiên đừng lo lắng, chúng ta cứ ngồi thiền đi rồi sẽ có trí tuệ và hạnh phúc. Đức Phật – Đấng Tối Thượng của ta cũng cả đời ngồi thiền. Do đó, Ngài có thần thông, trí tuệ siêu đẳng là vậy.

Ngày nay, rất nhiều người ngoại đạo có hứng thú, nghiên cứu, thực hành thiền của Đức Phật. Là đệ tử Phật mà ta lại từ bỏ thiền thì thật không nên. Dù khó đến đâu, ta cứ cố gắng thực hành đúng theo lời Phật dạy từng chút một, kết quả sẽ hiện ra liền. Lúc đó, ta sẽ có niềm tin để đi hết cuộc đời còn lại. Vậy tu đúng lời Phật dạy là gì?

Đó là tu đúng Bát Chánh đạo. Tức là ta một lòng tôn kính Phật tuyệt đối, hiểu đúng nhân quả, biết làm nhiều việc thiện, đừng để cái đầu có những suy nghĩ bậy bạ… Nhờ đó, hiểu đúng được lời Phật dạy, có phương pháp, dần dần mở cánh cửa thiền định. Lúc này, ta có thể thoát được kinh nghiệm cá nhân, biết phân biệt được đúng sai, yên tâm đi theo trí tuệ của Phật vì biết đó là chuẩn mực chân lí muôn đời.    

Ở thời đại 4.0 này, khoa học công nghệ phát triển chóng mặt, robot thay con người xử lí mọi việc. Không chỉ làm được những việc con người không thể làm, robot còn đọc được suy nghĩ, đoán biết tình trạng sức khỏe của ta,… nếu không tu thiền thì sớm muộn ta cũng trở thành nô lệ của robot. Chỉ có thiền mới giúp ta sống hạnh phúc, an lành, đạo đức, thoát khỏi sự kiểm soát của khoa học công nghệ.

Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa yêu cầu mọi người cố gắng tu thiền để dựng lại thiền từ thời Đức Phật ngày xưa và nhận món quà vô giá của Ngài để truyền lại cho thế hệ sau. Làm sao đừng để thiền và Chánh Pháp của Phật bị gián đoạn.

Bằng các câu chuyện thực tế đầy nhân văn, Thượng tọa đã khéo léo truyền tải những đạo lí tốt đẹp về những ân nghĩa của đời người đến quý Phật tử. Nhờ đó, mọi người thấy được tầm quan trọng của việc đền ơn, biết đền ơn một cách thông minh, nhưng vẫn giữ được đạo đức của bản thân. Đây cũng là bài học quý báu, giúp mọi người có thể đối nhân xử tế đúng đắn và duy trì các mối quan hệ xã hội tốt đẹp của mình.

Đặc biệt, bài Pháp còn chỉ cho mọi người biết cách bảo vệ sức khỏe của bản thân; gìn giữ, phát triển giá trị của đạo Phật thông qua việc tu thiền. Tu thiền rất vất vả nhưng lợi ích nó mang lại thật không thể đo đếm được. Thêm nữa, duy trì, phát triển thiền chính là cách để ta đền ơn đến Đức Phật – vị cha lành bốn loài, bậc Thầy của Trời người. Vậy nên, dù khó khăn thế nào, chúng ta cũng phải duy trì, phát triển thiền cho bằng được./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất