Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Những trụ cột tu hành

-

Chiều ngày 06/10/2018 (nhằm ngày 11/08/ năm Mậu Tuất), nhân khóa tu thiền hàng tháng tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP.Vĩnh Long), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã chia sẻ bài Pháp thoại có tựa đề “NHỮNG TRỤ CỘT TU HÀNH”, với sự tham dự của hơn 300 thiền sinh, và khoảng 800 phật tử xa gần tại thành phố Vĩnh Long và các tỉnh lân cận đồng tham dự.

Buổi Pháp thoại có sự chứng minh tham dự của TT Thích Phước Hạnh – Phó ban thường trực BTS Phật giáo Vĩnh Long và Chư tôn đức tại Bổn tự, Chư tôn đức Thiền Tôn Phật Quang và Chư Ni Trụ trì các Tự viện vùng lân cận.

Trong phạm vi đề tài này, Thượng tọa tuần tự giải thích từng vấn đề một cho quí phật tử hiểu và ứng dụng tu. Bởi chính những trụ cột này mà ta đồng nhất sự tu hành trong đạo Phật lại.

Theo Thượng tọa, trải qua hơn 2000 năm, lời Phật dạy không còn được hiểu đúng, giáo lý đã bị thêm thắt, biến đổi và chúng sinh lạc lối giữa muôn trùng lý thuyết, đường lối, quan điểm tu hành sai biệt nhau. Vì vậy trong bài giảng này Thượng tọa sẽ trình bày về những trụ cột của Phật pháp, là những đạo lý căn bản cốt tủy mà chúng ta có thể dựa vào đó để cân nhắc về những lý thuyết xuất hiện sau Phật.

Phải hiểu rằng lời dạy của thầy mình, của những Tổ sư, Thiền sư có thể bị lệch lạc theo kinh nghiệm, kiến giải riêng của vị ấy, nhưng lời Phật dạy là chân lý muôn đời. Vì vậy chúng ta đừng bao giờ rời xa lời Phật dạy. Những lý thuyết xuất hiện sau Phật ta cũng cung kính, cũng tìm hiểu, nhưng không bao giờ mang cả trái tim, cả cuộc đời mình đặt vào đó, để từ từ suy xét lại. Nếu ai cũng hiểu như vậy thì đạo Phật sẽ thống nhất lại, hướng về nơi Đức Phật duy nhất.

Để giúp mọi người hiểu rõ hơn, Thượng tọa đi sâu vào trình bày những trụ cột căn bản của đạo Phật:

+ Trụ cột thứ nhất là Giới – Định – Tuệ:

Nói về ý nghĩa của Giới – Định – Tuệ, Thượng tọa giải thích:

“Giới” mang lại đời sống thanh tịnh, trong sạch, không nhiễm ô. Đặc biệt trong thời đại ngày nay khi vật chất tràn ngập, mạng internet đi vào mọi ngõ ngách thì người tu càng bị vật chất, bị đời sống thế tục vây quanh, do vậy đòi hỏi bản lĩnh giữ giới phải gấp nghìn lần thời xưa. Rất khó chứ không phải dễ. Đây là vấn đề lớn của đạo Phật.

“Thiền định” là yếu tố cốt lõi để nội tâm được thanh tịnh định tĩnh.

“Trí tuệ” gồm rất nhiều khía cạnh, trong đó có cái “không chấp công”, nhưng chính yếu là trí tuệ hiểu về vô ngã. Ví dụ khi ta nhắc mình “Thân này không phải ta/ tâm này không phải ta/ chẳng có gì là ta”, đó cũng gọi là tuệ. Khi người tu thanh tịnh rồi thì họ có cái tuệ này để họ đi cho tới sự giải thoát, tại vì tâm vào định rồi có khi cũng bị lạc hướng.

Sau khi phân tích kỹ về ý nghĩa, và công năng của Giới – Định – Tuệ, Thượng tọa nhắc nhở thêm, mặc dù giáo pháp Phật có nhiều pháp môn tu, nhưng không ngoài ba điều chính yếu là giới, định và tuệ. Nếu tông phái nào không nhấn mạnh giữ giới, không nhấn mạnh thiền định, không nói đến trí tuệ… thì không đáng tin lắm dù có nói hay đến đâu.

+ Trụ cột thứ hai là Luật nhân quả.

+ Trụ cột thứ ba là lòng từ bi yêu thương chúng sinh.

+ Trụ cột thứ tư là mục tiêu vô ngã, tức “không còn gì là ta”. Ở trụ cột thứ tư này Thượng tọa phân tích cho thấy trên đường tu khi tâm vào định sâu hơn, bắt đầu những điều thù thắng hiện ra thì bản ngã dấy lên là như thế nào… Nhờ vậy, từ bây giờ mọi người đã biết trước lộ trình tu hành có những rào cản là vậy để luôn nhắc mình không bao giờ lãng quên lý tưởng vô ngã, nhằm tránh chủ quan vì còn bản ngã mà không thấy. Có thế ta mới đạt được vô ngã hoàn toàn để giải thoát.

Có thể thấy, trên đây là những trụ cột để chúng ta đồng nhất sự tu hành trong đạo Phật. Dù thờ Phật, dù cạo tóc, mặc áo cà sa mà nếu không nói đến những trụ cột này thì vẫn không phải đạo Phật.

Cuối bài giảng, Thượng tọa còn trình bày về 4 điều lớn lao sẽ xuất hiện nếu ta tu đúng đường, giữ vững những trụ cột đó.

Bài Pháp thoại đến đây kết thúc nhưng âm hưởng của Pháp vị như vẫn còn đọng lại, khiến người nghe cảm nhận mỗi lời Pháp có thể đem lại hạnh phúc thật sự cho họ bởi một điều đơn giản “Họ đã tìm được con đường xác thực dẫn tới sự giải thoát”.

Có thể thấy rằng ai cũng tự cho đường lối tu hành của mình, của Thầy mình, của tông phái mình là chuẩn xác nhất, đâu ngờ đã sai biệt ít nhiều so với lời dạy ban đầu của Đức Phật, thậm chí còn ra khỏi đạo Phật. Hệ quả là không chỉ mình tu sai mà cái sai còn lan ra rất nhiều người khác, làm cả đạo Phật suy yếu.

Cho nên vì lòng thương yêu chúng sinh, và lòng thương kính Đức Phật, chúng ta phải vượt qua cái duyên với thầy mình, vượt qua cái chấp nơi tông môn mà tìm lại một đạo Phật chung đồng, đi đúng với lộ trình Phật đã chỉ dạy từ nghìn xưa.

Và trên con đường tu hành của đạo Phật, nếu ta đi đúng đường ta sẽ chuyển hóa 4 điều nhỏ thành 4 điều lớn lao cho thế giới này. Bốn điều đó là gì? Thượng tọa đã trình bày, phân tích rất rõ, rất thuyết phục ở phần cuối bài Pháp thoại, để đại chúng thấy rõ con đường tu tập như thế nào cho đúng với tinh thần Phật dạy, để ánh sáng giác ngộ được mãi tỏa sáng và lan xa./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 3 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 3 năm 2024 (update 26/3/2024): 1. Thứ 7 ngày 9/3/2024 (29/1 AL): 19h00 chia sẻ đạo lý tại...

Tin mới nhất