Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápNhững vị trí ý nghĩa của đời người - chùa Xá Lợi...

Những vị trí ý nghĩa của đời người – chùa Xá Lợi 9.2019

-

Chiều ngày 14/9/2019 (nhằm ngày 16/8/ năm Kỷ Hợi), nhân khóa tu Thiền đầu tiên tại chùa Phật Học Xá Lợi (số 89, Bà Huyện Thanh Quan, P.7, Q.3, TP. HCM), nhận lời mời của Thượng tọa Trụ trì Thích Đồng Bổn, TT. Thích Chân Quang – Phó trưởng Ban Kinh tế tài chánh TƯ.GHPGVN, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT) đã quang lâm Pháp tòa thuyết giảng về đề tài “NHỮNG VỊ TRÍ Ý NGHĨA CỦA ĐỜI NGƯỜI”. Buổi Pháp thoại có sự tham dự của hơn 1.000 Phật tử xa gần (bao gồm hơn 200 Thiền sinh và hơn 800 Quý Phật tử tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành lân cận) câu hội về.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa đã tản mạn về những nơi khác nhau mà con người phải đi qua vì nghiệp quả, vì ý muốn, vì hoàn cảnh… Nếu chúng ta đến nhầm địa điểm thì ta sẽ bất lợi và đau khổ, còn nếu đến được một nơi đúng đắn thì thật là hạnh phúc, an lạc. Ví dụ, có người đời trước đã đến cúng dường một vị chân sư với lòng thành kính, chính cái phước này làm thành sức mạnh nội tại khiến đời sau người đó luôn được thúc đẩy âm thầm phải gắng nhiếp tâm thanh tịnh, khó khăn mấy cũng không nản lòng.

Còn có những người đời trước đã đến những nơi để vui chơi, đến đền miếu cầu nguyện mê tín thì đời sau họ không có ý chí sâu thẳm để nhiếp tâm, não bộ hoạt động liên tục thúc đẩy họ suy nghĩ không dừng lại được. Đây là những người thiện căn kém vì kiếp trước họ đã chọn nhầm nơi mà họ đến. Qua đó cho chúng ta thấy nơi mà chúng ta đến rất quan trọng. Nhân đây, Thượng tọa cũng phân tích thêm sự khác nhau giữa người tu có thiện căn và người tu không có thiện căn.

Theo Thượng tọa, cuộc đời con người có những nơi quý giá, đó là nơi có cha mẹ thương yêu đợi chờ, nơi ta được học hỏi rèn luyện, nơi ta làm việc kiếm sống, nơi ta lui về an dưỡng tĩnh tâm tu tập sau những tháng ngày vất vả, nơi ta được truyền dạy kinh nghiệm của bản thân cho mọi người,…

Và một ngôi chùa tốt là ngôi chùa có đủ 5 “công năng”: là mái nhà đầm ấm cho mọi người quay về, là một nơi cho mọi người được học hỏi rèn luyện, là nơi mọi người được cống hiến phụng sự, là nơi mọi người được hạnh phúc trong tu tập, là nơi được truyền dạy lại kinh nghiệm cho thế hệ sau.

Ví dụ như ta tới một ngôi chùa chỉ để được công quả, cống hiến; còn lại ta không được thương yêu, không được học hỏi, cũng không tìm thấy sự tĩnh tâm thanh thản thì ngôi chùa đó chưa thực sự hoàn thiện.

Về khía cạnh chùa là nơi để học hỏi, Thượng tọa phân tích rằng: hiện nay rất nhiều chùa không còn là nơi cho mọi người đến để học nữa vì mạng internet đã quá phát triển. Đi đôi với sự phát triển của khoa học kỹ thuật là sự phát triển của các mạng xã hội, nếu thắc mắc điều gì người ta chỉ cần tra cứu trên Google là được giải đáp ngay. Thế là dần dần người ta không còn tìm đến chùa để học hỏi đạo lý.

Vậy để Phật tử thích đến chùa thì trong trái tim của Tăng Ni phải có điều gì đó mà trên mạng xã hội không có, trên website không có. Phải chăng, khi nhìn thấy nụ cười, ánh mắt và nhận được những lời đạo từ trái tim chân thành của vị Thầy, người Phật tử cũng học được điều mới mẻ, hạnh phúc, an vui. Cảm giác an lạc và tin cậy này mạng Internet không có, chỉ có trong trái tim, trong đời sống, trong trí tuệ của người xuất gia. Mà muốn vậy thì người xuất gia phải là một bậc chân tu rất tinh tấn, cả đời cống hiến cho đạo chứ không phải tu hành lay lắt qua ngày.

Chùa phải là nơi phụng sự, cống hiến, hy sinh quên mình. Trong thời đại ngày nay, chúng ta không chỉ phụng sự trong chùa mà phải bước ra xã hội mang lợi ích thiết thực cho cuộc đời. Ví dụ như: chúng ta tổ chức nhặt rác vào mỗi cuối tuần, trồng cây tạo thêm màu xanh, sự sống cho Trái đất, giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên… là rất cần thiết.

Hoặc chùa cũng là nơi mà các Phật tử giới thiệu, tìm kiếm công việc mưu sinh cho nhau, giúp nhau có sinh kế ổn định, bền vững.

Quan trọng chùa phải là nơi tĩnh tâm tu tập, đặc biệt là tu tập Thiền định. Thiền là tài sản vô cùng quý giá của Thế giới này. Có thể thấy, Thế giới văn minh ngày nay đã tìm đến với Thiền rất nhiều. Nhiều công ty, bệnh viện, trường học, nhà tù đã đưa Thiền vào dạy cho nhân viên, bệnh nhân, học sinh, phạm nhân… vì những lợi ích của Thiền mang lại trong việc giảm căng thẳng, nâng cao sức khỏe, thanh tịnh tâm hồn và vực dậy đạo đức. Vậy mà bao nhiêu năm qua trong đạo Phật chúng ta đã có phần giải đãi làm cho Thiền bị mai một – đây là điều rất đáng tiếc và đáng lo. Nếu trong chùa không có Thiền, chúng ta đã lãng phí di sản thiêng liêng mà Thế Tôn đã để lại cho Trái đất. Và đạo Phật sẽ suy yếu dần do thiếu người tu tập Thiền định.

Do vậy, có một nơi quý giá nhất trong cuộc đời mỗi người đó là: “Thiền đường” bởi nơi đó giúp ta chuyển hóa những tâm xấu để đi về cõi Thánh và nâng loài người thành một loài mới cao siêu thánh thiện hơn.

Tóm lại, dưới góc nhìn của Nhân quả, bằng cách so sánh, phân tích, liệt kê, cùng nhiều ví dụ thực tế, Thượng tọa cho thấy có những nơi đến không đem lại kết quả tốt, nhưng vì vô minh con người vẫn duy trì thực hiện. Và cũng có những nơi đến thuận với đạo lý, với cuộc sống thì ta cũng được một kết quả phước đức nào đó. Quả thực, trên nền tảng Luật Nhân quả, chúng ta có chìa khoá để giải đáp tất cả. Và mái chùa là nơi duy nhất để chúng ta sống đời an lành, làm cho phước đức tâm linh giác ngộ ngày một tăng trưởng, nghiệp chướng dần dần tiêu trừ. Vì vậy, chỉ có đạo Pháp mới giúp ta đi hết được cuộc đời đầy vô minh này.

Trong thời đại nào cũng vậy, chùa luôn luôn là nơi cho chúng sinh đến để được thương yêu, được chuyển hóa tâm hồn, được an trú trong chánh pháp, được phụng sự, có đời sống phù hợp với việc tu tập của mình, có kết quả tâm linh, trải đường đi lên đất Thánh v.v… Những điều này lệ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn sâu rộng, trí tuệ và sự tu tập của các vị xuất gia, đôi khi là sự dũng cảm dám cải cách để theo kịp thời đại.

Trong nhiều qua, với tất cả nỗ lực của mình, TT. Thích Chân Quang đã vượt qua bao khó khăn để giảng dạy về Thiền và tổ chức những khóa tu Thiền khắp nơi trên cả nước. Việc làm mang lại lợi ích thiết thực ấy của Người thể hiện ước muốn giúp cho mọi người được thực hành con đường Thiền đúng như lời Đức Phật dạy một cách sâu sắc nhất. Đó chính là việc làm đền ơn Phật ý nghĩa nhất. Từ đó, mọi người có thêm động lực, kiên trì trước mọi khó khăn để tiếp tục duy trì việc tu tập Thiền định để hoàn thiện nội tâm, đồng thời đóng góp năng lượng cho Phật giáo được hưng thịnh, trường tồn.

Mong sao những ngôi chùa trên khắp đất nước Việt Nam luôn là tổ ấm tâm linh thiêng liêng, là nguồn đạo lý không bao giờ vơi cạn và mang lại niềm hạnh phúc chân thật trên thế gian này.

Qua bài Pháp thoại, Thượng tọa cũng gửi một thông điệp: Sự hiểu biết của con người vô cùng hạn hẹp, chỉ có khiêm tốn học hỏi không ngừng thì mới bắt kịp thời đại, không bị tụt lại phía sau. Trong cuộc sống, có những việc chúng ta không đoán trước được, nhưng nếu biết cố gắng phấn đấu, cố gắng yêu thương tử tế với mọi người, lúc nào cũng tận tụy cống hiến, làm thật nhiều điều phúc, cố gắng tu học thì may ra chúng ta còn là người có giá trị, đứng vững được giữa cuộc đời hiện tại và những kiếp sau./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là hình ảnh của buổi giảng:
Tải file bài giảng: NHỮNG VỊ TRÍ Ý NGHĨA CỦA ĐỜI NGƯỜI – tóm lược 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất