Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápPháp thoại của TT. Thích Chân Quang tại chùa Tịnh Nghiêm nhân...

Pháp thoại của TT. Thích Chân Quang tại chùa Tịnh Nghiêm nhân chuyến viếng tang HT. Thích Chơn Thiện

-

Vừa qua, giữa tiết trời mưa phùn se lạnh của xứ Huế, cả GHPGVN nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung đã cùng hướng tâm về nơi mảnh đất này khi một Bậc tu hành Đạo cao đức trọng, một vị Tăng tu hành chân chính, một đời phạm hạnh đã dừng chân trong kiếp sống này để bước tiếp trên Đạo lộ giải thoát vô tận. Khắp cả nước từng đoàn, từng đoàn người từ khắp các tổ chức Tôn giáo Chính trị Xã hội đã trở về với Tổ đình Tường Vân để viếng tang cố Hòa Thượng Thích Chơn Thiện – Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN, trú trì Tổ đình Tường Vân trong niềm kính tiếc vô hạn.

b7_24-11-2016

Nhận được tin HT Thích Chơn Thiện viên tịch, ngày 9/11/2016, HT Thích Viên Giác – UV Ban  Hoằng Pháp; Trưởng ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TP. HCM; viện chủ Chùa Từ Tân (TP. HCM) và TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN; trú trì Thiền tôn Phật Quang (BR-VT) cùng phái đoàn Tăng Ni, Phật tử Thiền Tôn Phật Quang đã đến viếng tang – tưởng niệm cố Hòa Thượng trong niềm kính ngưỡng vô biên đối với vị Cao Tăng phạm hạnh đã dâng hiến cả cuộc đời cho Đạo Pháp và Dân tộc.

b8_24-11-2016

Nhân chuyến viếng tang cố Hòa thượng, nhị vị Tôn túc đã dành chút thời gian quý báu quang lâm đến chùa Tịnh Nghiêm (Thôn Tây Thượng – Xã Phú Thượng – Huyện Phú Vang – Tỉnh Thừa Thiên Huế) và có buổi Pháp thoại với ý nghĩa rất sâu sắc để tưởng niệm Ôn – Hòa thượng Thích Chơn Thiện.

b13_24-11-2016

Buổi Pháp thoại còn có sự quang lâm chứng minh của TT Thích Thường Chiếu – Phó Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Bình; Trụ trì chùa Ba La Mật Huế; Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhu – Trú trì chùa Từ Đức Huế và Ni sư Thích Nữ Tịnh Hoa – Trú trì chùa Tịnh Nghiêm Huế. Ngoài ra đã có hơn 400 phật tử gần xa đến tham dự.

Lời mở đầu của TT Thích Chân Quang cất lên, cả hội trường im phăng phắc không một tiếng động, mọi người như lắng tâm hồn mình lại bởi Thầy đã chia sẻ rằng: “Tâm tư của quý Thầy về đây dồn hết vào việc viếng tang cố Hòa thượng Thích Chơn Thiện. Tất cả chúng ta – Tăng Ni và phật tử đều hướng về Ôn – Một bậc Hòa thượng Đạo cao đức trọng, cả một đời vì Đạo Pháp non sông. Nên chỉ việc Ôn thôi cũng đã cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá. Dù có nghĩ gì hay nói gì cũng chỉ nói về Hòa thượng. Qua đó, chúng ta có thêm nhiều bài học để tu và sống trong cuộc đời này.”

b25_24-11-2016

Tiếp theo, Thượng Tọa đã giới thiệu HT Thích Viên Giác – một người học trò đã từng được thân cận và học hỏi ở Ôn biết bao điều, để nghe Thầy nói về công hạnh của Hòa Thượng Tường Vân, để biết rằng Phật giáo Huế của chúng ta có nét sâu sắc, đậm đà như thế nào.

Trên tinh thần đó, HT. Thích Viên Giác đã có những dòng chia sẻ hết sức cảm động, và niềm xúc cảm ấy lan rộng đến mỗi phật tử trong Pháp hội bởi sự kính thương trong Đạo tình Pháp lữ của HT. Thích Viên Giác đối với Ôn Tường Vân.

Thầy chia sẻ rằng: Chúng ta vừa mất đi một vị Hòa thượng khả kính và rất quý báu đối với Giáo hội, đối với Phật Pháp, đối với đồng bào. Riêng bản thân của thầy từng là Tăng sinh trường Cao cấp Phật học tại Việt Nam, cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh, là khóa đầu tiên của GHPGVN.

Đã trải qua 35 năm, Hòa Thượng Chơn Thiện lúc đó còn trẻ, Hòa thượng ở Thiền viện Vạn Hạnh để nghiên cứu chứ chưa giảng dạy. Ngài đã biên soạn những bài kinh Nguyên thủy, đồng thời cũng trước tác thêm những ý nghĩa, tư tưởng của kinh Đại thừa. Trong đó có những bộ kinh như là tư tưởng kinh A Di Đà, tư tưởng kinh Pháp Hoa, v.v… Hòa Thượng Chơn Thiện có đặc điểm là Ngài thông suốt cả 2 nguồn tư tưởng của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa phát triển.

b26_24-11-2016

Khi Thầy học thì Hòa Thượng vẫn chưa dạy. Bốn năm sau, Hòa Thượng mới giảng, nhưng sau khi Thầy ra trường rồi thì giống như người có bằng lái nhưng lái xe chưa được giỏi, rất dễ bị tai nạn. Thầy cũng vậy, có bằng ra trường nhưng mà về tư tưởng Phật pháp, Phật học cũng chưa được rõ hay nói cách khác là mình chưa hệ thống hóa được kiến thức tư tưởng của Phật Pháp. Cho nên Thầy đã vào gặp Hòa Thượng Chơn Thiện xin được nghe những lời dạy của Ngài.

Lúc đó Hòa thượng giảng về tư tưởng Phật học và hệ thống của nó xoay quanh những tâm điểm về giáo lý Phật Giáo là giáo lý “Duyên khởi”, “Vô Ngã”. Cho nên, sau một thời gian lui tới, trao đổi với tư cách mình là người học trò thành tâm học đạo và Hòa Thượng cũng rất thiết tha, hết lòng trong việc giảng giải từ những điều nhỏ nhặt cho đến những điều to tát, bao quát nhất trong sự hăng say không biết mệt mỏi. Và niềm hạnh phúc bừng vỡ khi tâm của người Thầy lan tỏa vào tâm của người học trò, nhiều tư tưởng được thông suốt, nhiều vấn đề được chỉ bày rõ ràng từ đó.

Sau này, thầy đi dạy thì thầy đã nắm được hệ thống cơ bản Phật học. Từ khi nắm được hệ thống Phật học thì nó mở bung cho chúng ta được một cái nhìn xuyên suốt từ Nguyên Thủy cho đến Đại Thừa và hiểu được từng chặng đường phát triển của tư tưởng Phật giáo, đáp ứng cho nhu cầu gì của con người thời đại…

Do thầy đã thiết tha như vậy mới hiểu được có những điều mà khi ở nhà trường mình không học được. Có những tư tưởng, quan điểm khi học ở trường đôi khi mất vài ba năm, nhưng khi đến học với Hòa thượng, chỉ cần trong vòng 5-10 phút, hoặc chỉ nửa giờ là mình thâu tóm được những tư tưởng, những tri thức tương đương với cả năm học ở nhà trường, đặc biệt như vậy.

Khi Thầy đi dạy, qua trải nghiệm đi dạy rồi mình tự tu luyện thêm. Mỗi lần có trục trặc những chỗ nào về mặt tư tưởng thì Thầy đến gặp Hòa thượng. Và mỗi lần gặp Hòa thượng là mỗi lần được đàm đạo một cách rất thiết tha, rất hứng khởi. Cho nên hai Thầy trò cùng nhau sống với Phật Pháp như vậy rất là hạnh phúc. Hòa thượng đã có câu nói dành cho thầy rất cảm động: “Chỉ có thầy là tới vì Phật pháp, chỉ có Phật pháp mà thôi, không có gì khác.”

Thật sự, Thầy chỉ có một tâm thiết tha muốn học hỏi, và trong quá trình tu tập, tìm kiếm, trải nghiệm… nếu chỗ nào bế tắc là tức khắc thầy tìm tới Hòa thượng. Mỗi lần được học với Hòa thượng là một lần sáng ra. Tâm hồn mình thoải mái hẳn, rất hạnh phúc! Vì ta có người “Thầy” thực sự đúng nghĩa.

Có những người Thầy độ mình, có những Thầy lo cho mình cơm ăn áo mặc, có những Thầy dạy mình, nhưng có những người Thầy đả thông được tư tưởng của mình, tạo cho mình một cảm hứng xuyên suốt, thấu rõ trên con đường đi. Đó là điều khó để có được. Cho nên, với  thầy cái ân tình đối với Hòa thượng rất lớn.

Mỗi  lần nói về Hòa thượng, thầy cứ nghĩ đến những giá trị đó và trong quá trình sinh hoạt cũng như đàm đạo, trao đổi với Hòa thượng thì chính bản thân của thầy cũng có những điểm làm cho Hòa thượng cảm thấy thích thú. Bởi lẽ ở Thầy cũng ưa cải cách, ưa đổi mới, rồi cũng thích lật lại những vấn đề nào chưa rõ. Có những vấn đề làm thế nào để làm rõ hơn ý nghĩa của tư tưởng Phật Pháp và làm thế nào để ý nghĩa đó có thể ứng dụng được, hiểu được trong đời sống của con người bình thường. Đây là những vấn đề mà Hòa thượng rất tâm đắc.

Hòa thượng cũng là người rất hiện đại và những định nghĩa của Hòa thượng về các từ Phật học rất chuẩn, bởi vì Hòa thượng giỏi cả Pàli, giỏi cả chữ Hán và giỏi cả tiếng Anh. Vì vậy, Ngài có thể đối chiếu được nhiều văn bản khác nhau. Có những định nghĩa, có những bậc Thầy dịch ra mình không hiểu, nhưng Hòa thượng định nghĩa thì mình hiểu được ngay. Từ những cơ bản Phật học đó làm cho mình hạnh phúc là vậy.

Ngẫm lại, có lần thầy tham gia giảng dạy cho chương trình Phật học Hàm thụ của Ban Hoằng Pháp T.Ư GHPGVN thì thầy và một số thầy khác cũng viết một số bài trong đó. Nội dung bao hàm từ vấn đề Phật học căn bản cho đến các chủ đề giáo lý chuyên sâu, nhằm giúp người học có một số kiến thức cơ bản về Phật giáo. Đó là quyển Phật học Hàm thụ hay còn gọi là Phật Pháp Căn bản của BHP T.Ư. Lúc ấy, Hòa thượng vẫn theo dõi các bài được đăng lên báo. Khi thầy về thăm Hòa thượng, Hòa thượng đã nói thế này:

“Các thầy đều bị lầm khi nói về Bát chánh đạo, về Thất giác chi, về Ngũ căn Ngũ lực… khi nói về Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc. Và Hòa thượng đã chỉ ra cái lầm đó như sau: 37 phẩm trợ đạo là những tiến trình hợp lý trong tiến trình tâm linh Thiền định, chứ không phải là lý thuyết để mình giảng như một cuốn sách giáo khoa. Hòa thượng khẳng định “Những người có kinh nghiệm về Thiền định thì sẽ thấy điều này”. Cho nên, các thầy nói hơi bị nhiều, đi hơi bị lạc. Ví dụ: Trong Bát chánh đạo mình nói về Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh niệm, Chánh tinh tấn, Chánh định, khi mình nói những từ đó mình diễn tả như Chánh kiến là thấy việc đúng đắn; Chánh ngữ là đừng nói bậy; Chánh nghiệp là đừng có làm bậy; Chánh mạng là đừng có mưu sinh nghề nghiệp không chính đáng, v.v… Những điều như vậy gọi là đạo đức, những luân lý có tính xã hội. Đó không phải là cái lõi của  Bát chánh đạo. Mà cái lõi của Bát chánh đạo là một lộ trình của sự giác ngộ, chứ không đơn giản là những chuyện bình thường đó.

Từ đó, cho thấy cố HT Thích Chơn Thiện đã định hình lại nền tảng giáo dục Phật giáo, đặt lại con đường tu tập. Giáo dục Phật giáo trước đó là đi theo con đường gọi là Kinh – Luật – Luận. Là đi dàn trải như kiểu dàn hàng ngang vậy, làm cho sự hiệu quả của con đường học Phật không cao. Cần thiết lập lại là thực hiện con đường Giới – Định – Tuệ, đây mới là con đường mà người tu hành cần phải thực hành trong thời gian dài. Và Hòa thượng còn chỉ dạy rằng: Muốn tu, muốn có được con đường giác ngộ giải thoát thì cần phải thực hành từng bước … từng lộ trình với công thức như vậy.

Sau này, trên bước đường hành đạo, còn rất nhiều vấn đề khác nữa biểu hiện ở trình độ tâm linh của Ngài, khiến ta cảm nhận được kho tàng tâm linh ở Hòa thượng không bao giờ cạn hết. Những tưởng đến lúc Hòa thượng bớt việc rồi, khi đó mình sẽ có thời gian để học hỏi thêm nhiều vấn đề trong hành trình tâm linh sâu thẳm. Không ngờ rằng đến đây thì Hòa thượng không đi nữa. Hòa thượng không còn giúp cho mình. Đó là điều đáng tiếc vô cùng. Điều mà quý Thầy ngưỡng trông nơi Hòa thượng chính là sự giác ngộ, chính là đời sống tâm linh siêu việt và những phong cách, biểu hiện của Hòa thượng trong đời sống hằng ngày, kể cả khi Ngài làm việc trong Quốc hội cũng như trong Giáo hội, Ngài vẫn giữ phong thái giải thoát nhẹ nhàng của Bậc giác ngộ.

Nghe đến đây, ai nấy đều xúc động khi nghĩ về Ôn, về sức sống tâm linh mãnh liệt, về đạo phong cao vút của Ngài, về những tác phẩm tư tưởng mà Ngài để lại cho muôn đời sau ngưỡng vọng, noi theo, để phát triển dòng tâm linh của mình. Thiết nghĩ, những di sản quý giá của Hòa thượng sẽ còn tồn tại mãi trong cuộc sống này.

Giờ đây, công hạnh của Hòa Thượng đã viên mãn, báo thân sinh diệt của Hòa Thượng đã vĩnh viễn từ giả cõi đời, nhưng pháp thân bất diệt của Hòa Thượng vẫn luôn luôn hiện hữu trong mọi sinh hoạt của Phật giáo và dân tộc. Điều này khiến chúng ta có thêm niềm cảm xúc đối với Đạo. Chúng ta rất tự hào về vùng đất Phật giáo truyền đời (Huế) có nhiều vị danh Tăng, có nhiều bậc cao Tăng thạc đức – những con người chân tu, những con người sống như một vị Thánh. Từ đó, chúng ta có niềm tin tưởng mãnh liệt vào phẩm giá cao cả của con người và khả năng của con người có thể đạt đến sự hoàn thiện viên mãn.

Kế đến, TT Thích Thường Chiếu tiếp nối buổi Pháp thoại với những cảm xúc của mình khi đã được nhiều lần phụ giúp Hòa thượng trong nhiều dịp Phật sự. Thầy chia sẻ về sự hành Thiền miên mật của Ôn vào lúc 2h sáng và sau đó soạn bài, viết lách. Ngài như hoàn toàn đắm mình trong dòng Pháp của Phật. Ngài là mạch sống, đạo nguồn tâm linh của Đạo Pháp và Dân tộc, là một nguồn Đạo đức vô hành. Vì thế chúng ta đừng vội đánh giá qua hình thức bên ngoài.

Trong tổ chức Phật giáo hay Giáo hội, nếu quá nhiều người hành mà thiếu đạo đức vô hành thì tổ chức sẽ lộn xộn, không đoàn kết, không bền vững. Cái cốt yếu ta cần là đạo đức tu hành cốt lõi bên trong hơn hình thức danh nghĩa bên ngoài. Cho nên, chúng ta đừng bao giờ nhìn bề ngoài mà đánh giá. Ôn Chơn Thiện và các vị Tôn túc họ không nói gì, không làm gì nhưng đó là nguồn mạch tâm linh của một dân tộc.

Lại nữa, TT Thích Chân Quang cũng nói lên sự kính ngưỡng của mình đối với cố Hòa thượng Trụ trì Tổ đình Tường Vân. Mới đây thôi, khi được tin Hòa thượng đang nằm dưỡng bệnh tại Bệnh viện Vinhempich, Thượng tọa đã cùng với HT Thích Viên Giác đến thăm viếng đảnh lễ Người, và biết đó là lần đảnh lễ cuối cùng trong đời của hai huynh đệ đối với Hòa Thượng.

Dịp này, TT Thích Chân Quang chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng cốt lõi sâu bên trong đời sống tu hành của các vị cao đức có trí tuệ vẫn là Thiền định. Điển hình là Ôn Chơn Thiện – một bậc thạch trụ thiền môn. Chính đức hạnh – công phu – trí tuệ của Ôn đã góp phần làm rạng danh cho thiền môn xứ Huế, tiếp nối tông phong Tường Vân vốn nổi tiếng với những bậc cao Tăng xuất chúng, có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam, trong đó có cố Trưởng lão HT Thích Minh Châu. Do vậy, Thượng tọa nhận định rằng Huế như một thành trì của Phật Pháp bởi vì quý Thầy tu tập rất kỹ lưỡng và Người nhấn mạnh sự tu tập kỹ lưỡng của các vị là “Thiền.” Và Thượng tọa đã dẫn chứng nhiều câu chuyện cho thấy các vị Tôn túc giữ được đạo phong cao vút của một bậc chân tu đều xuất phát từ sự hành trì Thiền định sâu sắc.

Do đó, khi chúng ta nghe nói Phật Giáo Huế đa phần tu Tịnh Độ thì mình đừng hiểu nhằm. Đó chỉ là vẻ bề ngoài để độ cho số đông quần chúng, giữ được duyên Phật Pháp cho họ, chứ còn lõi tu hành bên trong của các vị đều là Thiền cả.

Dịp này, Thượng tọa khuyến khích các phật tử phải biết đi sâu vào Thiền định tâm linh – cái gốc cốt tủy của đạo Phật mà con người đã quên lãng hàng bao lâu nay. Để mai này ta không bị tụt hậu so với thế giới thì các phật tử hãy bắt đầu tu ở một tầng khó hơn, bởi vì thời đại ngày nay có nhiều điều kiện cho chúng ta đi sâu vào cái lõi của Phật Pháp, chứ không được dừng tại pháp môn Tịnh độ.  

Ngày nay, trong thế kỉ 21 (thế kỉ của tâm linh), thì những nhà khoa học, tri thức hiện đại khắp nơi trên thế giới, họ tìm đến đạo Phật là họ tìm đến cái cốt lõi (tức tìm đến thiền định). Đối với họ, đạo Phật là đạo của trí tuệ, đạo của lí trí chứ không phải đạo của niềm tin. Vào cái thời mà con người ta không biết gì thì bắt buộc phải tin, nhưng ngày hôm nay phải hiểu cho hết rồi mới thực hành, mới chấp nhận. Đó là lý do nhà Bác học vĩ đại Albert Einstein khi nhận định về tôn giáo cũng khẳng định rằng: “Đạo Phật rất khoa học và còn cao hơn khoa học! Thời đại sau này, nếu một tôn giáo lý giải được khoa học thì người ta mới theo và đạo Phật làm được điều đó.”

Để giúp mọi người hiểu rõ hơn, Thượng tọa đã giải thích cho thấy sự khác nhau giữa chữ “tin” mà không cần lí giải và chữ “chấp nhận” sau khi được giải thích rõ ràng là thế nào. Và Thượng tọa khuyến khích người đệ tử Phật phải tu tập tới cái lõi khó nhất của đạo Phật là “Vô ngã” thông qua con đường Tâm linh Thiền định. Ngày nay, các chùa phải mở lối để cho phật tử cùng bước vào chứ không đóng cửa lại. Chính Tăng Ni phải tu Thiền và dạy Thiền cho phật tử – Đây là con đường mà ngày xưa Đức Phật ngồi dưới cội cây Bồ đề thực hành.

Bằng nhiều lập luận logic, chặt chẽ, cộng với dẫn chứng từ quan điểm mới của các vị Giảng sư, các vị Tôn túc và lối tư duy của những người trí thức trong thời đại mới, Thượng tọa cho rằng: Giờ đây, đạo Phật chúng ta phải sang trang, phải bước vào thế giới Thiền định, khi Tịnh độ đã hoàn thành được sứ mệnh của mình, sau khi giữ gìn được đạo Phật đi qua những giai đoạn bóng tối của đất nước, khi mà chữ nghĩa con người còn ít. Trong thời đại này, khi người phật tử được tiếp xúc với kinh điển, trình độ văn hóa lên cao thì người phật tử phải sẵn sàng bước lên một tầng khó hơn trong sự tu tập là Thiền định. Điều này sẽ giúp cho người phật tử có cơ hội đi sâu vào Phật Pháp, vào tâm linh, có thể đạt được sự giác ngộ và góp phần giữ gìn đạo Phật trường tồn. Theo Thượng tọa “Giữ gìn đạo Phật cũng chính là giữ gìn đạo đức, trí tuệ, tình yêu và những điều tốt đẹp. Đây chính là tài sản quý giá nhất mà ta có thể để lại cho các thế hệ sau.” 

Đến đây, buổi Pháp thoại kết thúc, nhưng trong lòng người ai ai cũng lắng đọng. Đây thật sự là một nhân duyên hiếm có để phật tử Huế được tưởng niệm Ôn trong một sự xúc động, ý nghĩa như thế này. Để rồi những ngày Huế tiễn bước chân Người, lòng người hòa trong nỗi tiếc thương vô hạn về sự mất mát lớn lao của Giáo Hội và của cả Dân tộc Việt Nam.

Từ hôm nay, hy vọng mỗi phật tử trở về với những hành trang mới, sẽ nỗ lực hơn trên con đường Đạo, trên lộ trình đi về Vô ngã, giải thoát. Cùng nhau gìn giữ Phật Pháp, phát triển những giá trị cốt lõi của đạo Phật trong thời đại mới nơi mảnh đất cố đô này./.

Ban truyền thông CTN Huế

Những hình ảnh khác của chuyến viếng thăm cố đô Huế:

b1_24-11-2016 b1a_24-11-2016 b1b_24-11-2016 b2_24-11-2016 b3_24-11-2016 b3a_24-11-2016 b4_24-11-2016 b5_24-11-2016 b6_24-11-2016 b7_24-11-2016 b8_24-11-2016 b9_24-11-2016 b10_24-11-2016 b11_24-11-2016 b12_24-11-2016 b13_24-11-2016 b14_24-11-2016 b15_24-11-2016 b16_24-11-2016 b17_24-11-2016 b18_24-11-2016 b19_24-11-2016 b20_24-11-2016 b21_24-11-2016 b22_24-11-2016 b23_24-11-2016 b24_24-11-2016 b25_24-11-2016 b26_24-11-2016 b27_24-11-2016

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất