Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Sống nhanh và sống chậm

-

Vừa qua, tối ngày 13/8/2019, (nhằm ngày 13/7/năm Kỷ Hợi), Thượng tọa Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN đã có buổi nói chuyện thân mật về chủ đề “SỐNG NHANH VÀ SỐNG CHẬM” với hơn 2.000 Phật tử tham gia công quả, bao gồm Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang 3 miền, cùng sinh viên thuộc các trường Đại học (tại TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Tiền Giang) và Phật tử các Đạo tràng trực thuộc Tổng Đạo Tràng Phật Quang.

Bài Pháp thoại đã chỉ ra khái niệm, đặc điểm, vai trò, mối quan hệ biện chứng giữa sống nhanh và sống chậm. Từ đó, mọi người biết luyện tập, thực hành để dung hòa được hai lối sống đó. Một mặt, vừa bảo đảm năng suất, chất lượng lao động. Mặt khác, lại có thể xây dựng, bảo vệ nội tâm, tình cảm của bản thân theo hướng tốt đẹp lên.

Trước khi bắt đầu bài Pháp, Thượng tọa gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Chúng thanh niên, sinh viên, Phật tử, đã không quản đường xá xa xôi, lặn lội mưa gió, gác bỏ công việc cá nhân để về chùa, phụ giúp quý Thầy Cô chuẩn bị các công tác hậu cần cho Đại Lễ Vu Lan. Thượng tọa khẳng định, nói là công tác hậu cần, nhưng có khi nó còn quan trọng hơn cả Đại lễ chính, bởi hậu cần có tốt thì mọi việc mới thuận lợi, suôn sẻ.

Thêm nữa, việc áng chừng số lượng Phật tử về tham dự cũng thật không dễ dàng gì. Những năm gần đây, số lượng Phật tử về chùa tham dự các hoạt động Phật sự ngày càng đông. Đây là một điều rất đáng mừng, nhưng đi kèm với nó là yêu cầu công tác phục vụ, tiếp đón phải chu đáo, cẩn thận hơn. Tức là ta phải đáp ứng được đầy đủ nhu cầu tu học, sinh hoạt của mọi người. Chữ “đủ” ở đây phải được chú ý đặc biệt. Nếu thiếu thì ta mắc nợ, nếu thừa là ta lãng phí. Cho nên, mọi thứ đều phải lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận.

Dẫu biết là công việc cực nhọc, nhưng Thượng tọa hy vọng mọi người cùng cố gắng, san sẻ, giúp đỡ nhau. Làm sao để những người về chùa được phục vụ chu đáo nhất, giúp họ có được niềm tin, sự an lạc và tăng trưởng đạo tâm. Sau khi rời chùa, mỗi người tự biết sống tốt hơn cho bản thân và xã hội. Nhờ đó, bản thân ta cũng được tăng trưởng đạo tâm, dần dần trở thành mô phạm cho chúng sinh học tập theo.

Ngoài ra, khi đến chùa mọi người còn được nghe Pháp để củng cố, nuôi dưỡng đạo tâm của mình. Đây là việc làm quan trọng, cần thiết, giống như ta ăn cơm hằng ngày vậy. Cơm mà không ăn thì sẽ đói, Pháp mà không nghe thì sẽ quên.

Đi vào nội dung bài Pháp, Thượng tọa giải thích sống nhanh và sống chậm còn được hiểu là tốc độ sống trong một thời gian nhất định, ta làm được bao nhiêu việc. Ví dụ, người sống nhanh thì 1 tiếng viết được 4 trang giấy, hay trong 1 tiếng vừa thể dục, đọc báo, ăn sáng xong. Người sống chậm thì 1 tiếng chỉ viết được 1 đến 2 trang giấy, có khi cả tiếng còn chưa đọc báo xong.

Từ ví dụ trên, Thượng tọa khẳng định sống nhanh là trong một khoảng thời gian nhất định, ta thay đổi được trạng thái sống của mình qua nhiều giai đoạn. Ngược lại, sống chậm là cũng trong khoảng thời gian ấy, ta không thay đổi được gì. Nếu có thì cũng chỉ là rất ít. Vậy sống nhanh và sống chậm, cái nào tốt, cái nào có lợi hơn.

Để trả lời cho câu hỏi ấy, chúng ta nên phân tích ở nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, trong khi các nước tiên tiến đã có thể bay tới mặt trăng thì nước ta vẫn chưa biết máy đốt của xe máy, ô tô là gì, được chế tạo thế nào hay lắp đặt ở đâu. Không phải chúng ta ngu, mà bất kì dân tộc nào cũng đều thông minh như nhau. Có điều, sự thành tựu, đời sống văn minh và cách cư xử khác nhau mà thôi.

Dịp này, Thượng tọa phân tích ở nước văn minh, phát triển, sự thông minh biểu hiện rõ ràng nhất là những yếu tố nào, và ở nước chậm phát triển, sự thông minh cũng biểu hiện ra nhưng nó lại đi chệch hướng ra sao.

Dân tộc Việt Nam ta cũng thông minh, cũng có rất nhiều thương hiệu máy móc nổi tiếng. Tuy nhiên, đó chỉ là ta đi vay mượn của nước bạn mà thôi. Đa số máy móc, xe cộ đều được sản xuất ở nước ngoài rồi mới chuyển về Việt Nam để lắp ráp. Chất lượng máy móc được sản xuất tại nước ngoài cũng rất tốt, rất ít khi bị hư hỏng. Trong khi đồ của ta sản xuất ra độ bền không cao, có khi đụng cái là hỏng, hỏng cái là phải bỏ. Nghĩa là, ta đang bị chậm hơn rất nhiều so với các nước khác về mặt khoa học công nghệ. Tại sao có chuyện này trong khi con người được đánh giá là thông minh như nhau?

Thượng tọa lý giải, vấn đề cốt lõi chính là ở cách chúng ta sống nhanh hay chậm. Tức là ta làm việc thiếu tập trung, không năng xuất, giống kiểu nông dân trồng ruộng. Ta cứ chăn nuôi, gieo trồng rồi ngồi không chờ ngày thu hoạch, không hề có chút áp lực nào về mặt thời gian. Do đó, khi bước vào cuộc cạnh tranh kĩ thuật với thế giới, do chậm chạp nên nên ta lập tức bị thua.

Không có tinh thần khẩn trương nên cùng một khoảng thời gian, ta chỉ làm được một ít, trong khi họ làm được vô số việc. Đây chính là lí do mà ta thua thế giới. Tuy nhiên, trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, ta lại chiến thắng tất cả các thế lực xâm lược. Đó bởi ta có tinh thần yêu nước, biết đoàn kết, tập trung sức mạnh dân tộc. Nghĩa là, nếu biết khẩn trương, sống nhanh thì lĩnh vực nào ta cũng có thể chiến thắng.

Sống nhanh đòi hỏi ta phải tập trung sức lực và trí tuệ để làm việc. Tuy mệt mỏi, nhưng ta có cơ hội phát huy hết tinh thần, năng lực của mình. Nhờ đó, ta dần dần giỏi lên, thoát ra được cái vỏ chậm chạp trước đây. Vậy nên, nhiều khi muốn những người xung quanh trở nên giỏi, ta phải đẩy họ vào khó khăn, nguy hiểm, buộc họ phải tự xoay sở, phát huy hết tiềm lực của mình. Thoát được nguy hiểm, chúng ta mới thấy bản thân mình đã trưởng thành hơn và có nhiều năng lực.

Quả thực, khi bị buộc đương đầu với khó khăn, phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, phải tự mình xoay sở, ta sẽ giỏi lên. Đó là nguyên tắc. Do đó, thay vì oán thán, trách móc, ta hãy cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những người đã đẩy ta vào khó khăn, cho ta cơ hội rèn luyện nội tâm, biết kiềm chế mình bằng mọi cách. Mỗi lần vượt qua thử thách, ta lại tiến thêm một chút trên con đường tu hành, dần trở thành người tốt hơn.

Hiện tại, kĩ năng làm việc khẩn trương nhưng kĩ lưỡng, năng xuất là cái ta đang thiếu, cần phải rèn luyện thường xuyên, hễ có cơ hội là phải làm ngay.

Có một điều rất đặc biệt là khi ta làm việc nhanh, ta sẽ thấy tinh thần trách nhiệm của mình cao hơn. Ngược lại, làm chậm thì rõ ràng tâm ta rất tệ, rất kém đạo đức. Cho nên, dù làm gì, ở đâu, chúng ta cũng cố gắng làm cho khẩn trương, nhanh chóng. Hiện tại, theo đánh giá thống kê về năng suất lao động, Việt Nam đang ở vị trí rất thấp. Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến điều này là bởi ta chưa rèn luyện được lối sống khẩn trương. Do vậy, ta phải tìm cách rèn luyện hợp lý, khoa học khác.

Thực tế cho thấy, người nào làm việc nhanh nhẹn thì rất có phước, sau này làm việc gì cũng dễ thành công. Người làm việc chậm chạp ngoài thiếu trách nhiệm, còn thiếu luôn cả phước đức, tu kiểu gì cũng khó tiến bộ. Đây là sự công bằng của nhân quả. Hôm nay về chùa phục vụ, cũng là cơ hội tốt. Tuy nhiên, rèn luyện như thế này vẫn chưa đủ. Khi trở về nhà, bước ra ngoài xã hội, mọi người cần phải tốc độ hơn nữa để rèn cả kĩ năng sống của mình.

Theo Thượng tọa, sống nhanh vừa là yếu tố thành công, vừa là yếu tố đạo đức. Hiện tại, ta đang bị chậm hơn thế giới là 300 đến 400 năm. Cho nên, ta phải tăng tốc độ, làm gì cũng khẩn trương, làm bằng lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của mình. Và phải làm thực sự chứ không phải “làm màu” hay khoe mẽ, bởi khi làm việc nhanh, ta sẽ cống hiến được nhiều. Cống hiến được nhiều thì ta có phước, tự nhiên điều may mắn sẽ đến trong cuộc đời. Vậy nên, ta cố gắng rèn luyện liên tục, ít nhất là 3 năm để điều đó thành bản chất suốt đời luôn. Sau này, hễ làm chuyện gì ta cũng hoàn thành rất nhanh.

Ngược lại, sống chậm khiến ta trở nên ít phước. Sống chậm mà lại chỉ lo hưởng thụ, đòi hỏi cho bản thân thì dần dần sẽ hết phước. Thượng tọa khẳng định, ta chỉ được quyền sống chậm khi trước đó ta đã lao động với năng suất cao, cống hiến được nhiều. Sống chậm lúc này không phải để hưởng thụ, mà là để giữ cho tinh thần thư thái. Đây là cái quyền của con người sau khi đã thực hiện nghĩa vụ của mình với cuộc đời.

Trong cuộc sống này, nhiều người nghĩ ngủ là sống chậm nhất, nhưng không phải, bởi trong ngủ còn có mơ. Ngồi thiền mới là sống chậm nhất, bởi khi đó ta lắng tâm không suy nghĩ. Kiểu sống chậm này giúp ta mở ra một cánh cửa để bước vào đẳng cấp khác, thế giới khác, đó là trí tuệ.

Ta thấy rằng, bao lâu nay, thế giới công nhận và bảo vệ quyền con người là để chúng ta sống chậm, tu tập vào thiền định. Nhiều người không hiểu, lại dùng quyền đó để hưởng thụ, dẫn đến mất phước. Cuộc đời vì vậy mà đầy rẫy khổ đau. Chỉ có thiền định, nuôi dưỡng nội tâm mới giúp ta thoát được cuộc sống đó.

Thêm nữa, thiền còn giúp ta thoát được sự kiểm soát của thế giới robot trong tương lai. Robot là những cỗ máy siêu việt, hơn hẳn con người về mọi mặt, ngoại trừ tâm linh, đạo đức. Mà để có được tâm linh, đạo đức đó, ta phải ngồi thiền, sống thanh thản, chậm lại, chứ đừng hấp tấp, vội vàng hay tham lam. Cái hấp tấp, vội vàng, tham lam ngược với lối sống nhanh, làm việc năng suất. Nên một người hoàn hảo trong tương lai cần phải có đầy đủ hai kỹ năng sống như vậy.

Thượng tọa hy vọng, giới trẻ ngày nay ai cũng tu tập được hai phương diện sống này. Làm sao để nó song hành, hỗ trợ cho nhau. Nếu chỉ sống nhanh thì dễ sinh ức chế, căng thẳng. Nếu chỉ sống chậm, dễ sinh lười biếng, ỷ lại. Vậy nên, ta phải tu luyện hai lối sống đó sao cho thành thục.

Trước khi kết thúc bài Pháp, Thượng tọa nhắc nhở Chúng thanh niên, khi bị áp lực rồi thì phải tìm cách giải tỏa. Với người nước ngoài, để giải tỏa áp lực, họ đi du lịch. Chúng ta không có tiền, thì chúng ta trồng cây, phóng sinh, giúp người, làm phước. Khi có tiền rồi, ta làm phước tiếp để có thể bước lên một đẳng cấp khác. Hoặc ta cũng có thể sống chậm lại thông qua phương pháp thiền định, tụng kinh, tập khí công để giải tỏa áp lực, chứ đừng khờ dại mà dùng tiền đi chơi.

Bằng cách nói hài hước, dí dỏm, Thượng tọa đã mang lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người sau những giờ lao động vất vả. Nhờ có bài Pháp thoại này, giới trẻ được tiếp cận với những khái niệm, đạo lý hoàn toàn mới mẻ. Có lẽ, mọi người đã từng nghe thấy từ sống nhanh, sống chậm rồi, nhưng hôm nay mới hiểu rõ hơn về nó. Nhờ đó, mỗi người tự biết xây dựng một triết lý sống cho bản thân, vừa cân đối được cuộc sống lao động, vật chất, vừa bảo đảm được đời sống tình cảm, tinh thần.

Ngoài ra, bài Pháp cũng đề cập đến căn bệnh mà hầu như cả xã hội đang mắc phải, đó là “sống chậm”. Chính lối sống này đã kéo cả xã hội ta lùi lại sau thế giới gần nửa thế kỉ. Để bắt kịp với thời đại, ta phải thay đổi, sống nhanh hơn, làm việc tập trung, có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, ta cũng đừng chỉ biết tập trung vào công việc mà quên nuôi dưỡng nội tâm, yêu thương, san sẻ, giúp đỡ mọi người. Chỉ có cân đối, dung hòa được hai lối sống ấy, chúng ta mới bắt kịp, rồi dẫn trước thời đại được. Đây cũng là điều mà Thượng tọa mong mỏi, gửi gắm ở nơi lớp trẻ – những vị chủ nhân tương lai của đất nước./.

Tổ truyền thông

Dưới đây là 1 số hình ảnh buổi nói chuyện:

 

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất