Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápNgũ giả tùy hỷ công đức - Thập Hạnh Phổ Hiền

Ngũ giả tùy hỷ công đức – Thập Hạnh Phổ Hiền

-

Vừa qua, nhân Khóa tu thiền tại chùa Từ Tân (số 90/153 – Trường Chinh – P12 – Quận Tân Bình – TP Hồ Chí Minh), TT.Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng về chủ đề NGŨ GIẢ TÙY HỶ CÔNG ĐỨC, với sự tham dự gần 4000 phật tử gần xa.

Bài Pháp thoại rất sâu sắc đã lí giải cho các phật tử hiểu rõ hơn về hạnh “Ngũ giả tùy hỷ công đức”. Nhờ đó, mọi người nhận biết rất rõ về đặc điểm và vai trò của sự “ngưỡng mộ” trong việc tu tập cũng như đời sống của cá nhân mình. Từ đó, ai cũng phải tích cực rèn luyện, trau dồi phẩm hạnh này để đạo đức và phước báu của họ ngày một tăng tiến.

Được biết, nhiều năm nay, Khóa tu thiền chùa Từ Tân đã trở nên quen thuộc với các phật tử yêu thích “Thiền” tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Phật tử các giới đến với khóa tu ngày càng đông, nhất là giới trẻ, giới trí thức. Tất cả đều tận dụng thời gian cho phép của mình một cách thích hợp để cùng mọi người thực tập thiền định, thúc liễm thân tâm, dưới sự hỗ trợ của quí thầy, quý sư cô Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) và TT. Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa đặt một câu hỏi và câu trả lời sẽ đánh giá ai là phàm phu, ai là Bồ tát. Câu hỏi đó là: khi thấy người làm ác thì ta nghĩ gì?

Thường thấy người làm điều ác, ta hay ghét bỏ, khinh bỉ thì đó là tâm lí của phàm phu. Ngược lại, thấy người làm điều ác, rồi thấy luôn được cả quả báo của họ, tâm ta khởi lên sự thương xót thì đây là tâm hạnh của Bồ tát. Hai tâm trạng này cách xa nhau, giống như trời và đất, đỉnh núi và vực thẳm vậy.

Để có thể chuyển từ tâm khinh ghét sang tâm thương xót thì phải tu đàng hoàng, nghiêm túc ít nhất 3 năm. Phải những người rất thông minh mới tu được điều này. Ngoài thông minh, ta còn phải có sự tu tập từ nhiều đời trước. Nhờ đó, giờ thấy người làm sai, ta khởi luôn được tâm thương xót. Người mới tu thì phải cố gắng lắm mới đạt được tâm này.

Người nhận định, chúng sinh làm điều xấu nhiều đến mức vô lượng, vô biên, không thể tính được. Đến chùa, ngồi trong khung cảnh đầy đạo vị với các huynh đệ, ai cũng có đạo tâm, ta thấy cuộc sống này hạnh phúc, bình an. Nhưng thử hình dung, thế giới bên ngoài đang xảy ra bao điều xấu. Mỗi giờ trôi qua là vô số tội ác được hình thành. Vậy tâm thương xót của ta phải bao nhiêu là đủ?

“Không biết bao nhiêu là đủ”, Người nhấn mạnh. Vậy nên, tâm thương xót đó mà động thành cảm xúc thì tim ta không đủ sức chứa. Chính tội lỗi, xấu ác là cái nhân gây nên cảnh khổ.

Còn khi thấy người làm điều thiện lành, ta nghĩ gì? Cái suy nghĩ này cũng chia chúng ta thành 2 loại người: Thứ nhất, thấy người làm điều tốt, ta vui mừng. Thứ hai, thấy người làm điều tốt, ta đố kị và nghĩ không ai tốt bằng mình.

Thượng tọa phân tích, người nào phải mấy ngàn năm qua chăm chỉ đọc kinh Phật, thấy chữ “tùy hỷ”, ( “tùy” là tùy theo, “hỷ” là vui), mới khởi được tâm vui mừng khi thấy người khác làm điều thiện. “Tùy hỷ” không đơn giản là ta thấy vui mừng khi đến chùa làm được chút điều công đức. Ngày xưa chưa có từ “ngưỡng mộ” nên hiểu tạm là vậy.

Người đánh giá, giờ ai hiểu “tùy hỷ” là vui mừng theo thì chỉ được 6 điểm. Ai hiểu “tùy hỷ” ngoài việc vui mừng, còn phải biết ngưỡng mộ trước những hành động đẹp của người khác thì mới được 10 điểm trọn vẹn. Nhưng chúng ta đa số chỉ dừng lại ở vui mừng chứ chưa đến ngưỡng mộ. Đây là bởi phước ta chưa đủ mạnh.

Lại thêm, tùy hỷ cũng là đạo đức nhưng ở mức độ thấp, còn ngưỡng mộ mới là đạo đức ở mức độ cao. Ta phải ngưỡng một thì sau này mới thành nhân để làm được giống như họ. Nếu tùy hỷ thôi thì không đủ, nhân quả tinh tế nằm ở chỗ này.

Tức là khi thấy một hành động tốt, ta chỉ vui mừng thôi thì hãy biết rằng đạo đức mình còn kém. Ngưỡng mộ là điều tốt, là tình cảm mạnh hơn cái vui mừng theo. Để có tình cảm mạnh này, đạo đức ta phải mạnh mẽ, sâu dày. Khi ngưỡng mộ phải ngưỡng mộ một cách sâu sắc thì cái nhân được hình thành, giúp ta sau này có thể làm được việc như thế, biến ta thành những con người vị tha.

Hay khi các phật tử ngồi nghe các vị Giảng sư thuyết Pháp, hãy cố gắng ngưỡng mộ để sau này mình có thể đăng đàn. Ngưỡng mộ thực sự rất quan trọng. Ta khởi được tâm ngưỡng mộ mới thấy cuộc đời này đẹp lắm. Cái đố kị làm ta không thành tựu được công đức như người khác. Chỉ có ngưỡng mộ mới giúp ta làm được những điều tốt đẹp như mọi người.

Nói về bản thân, Thượng tọa khẳng định nhiều kiếp xưa Người cũng từng ngưỡng mộ bậc Thánh nào đó nên giờ mới được ngồi thuyết giảng. Tuy nhiên, muốn thuyết Pháp giỏi thì phải cần cái nhân ngưỡng mộ những người giảng hay nữa.

Quay lại với chủ đề chính, Người khẳng định những ai tu và thực hành theo 10 hạnh Bồ tát này sẽ thành công đức rất lớn. Bồ Tát có vô lượng hạnh nhưng Ngài Phổ Hiền chỉ nêu ra 10 hạnh mà Ngài xem là quan trọng nhất. Vậy nên, trong 10 hạnh này ta thấy có những hạnh rất là lạ bởi nó chỉ là tâm niệm mà Ngài xem đó là cái hạnh Bồ tát rất lớn.

Nói vậy nhưng chúng ta không được coi thường dù chỉ là một ý niệm bởi nó có thể thay đổi cả cuộc đời mình. Ý niệm thay đổi tương lai mình chính là sự ngưỡng mộ. Và “Ngũ giả tùy hỷ công đức” tức là ngưỡng mộ bậc Thánh mà thôi.

Ta học hạnh “Nhất giả kính lễ Chư Phật”, tức là tôn kính Phật tuyệt đối. Đương nhiên, cái hạnh này cũng bao gồm cả tâm ngưỡng mộ. Nhưng ở đây, Ngài Phổ Hiền tách ra, lấy tôn kính Phật tuyệt đối làm một cái tâm hạnh, bởi Ngài muốn chúng ta thành tựu được vô số công đức tốt đẹp như viên kim cương (đẹp tất cả mọi mặt).

Vì lí do đó nên khi ngưỡng mộ Phật, Ngài dùng đạo nhãn của một bậc Bồ tát để nhìn Phật trong vô lượng kiếp xưa, chứ không phải chỉ nhìn Phật trong hào quang của hiện tại rồi mới ngưỡng mộ. Tức là Ngài nhìn thấu hết từ những điều nhỏ nhặt. Trong cái nhìn thấu vào vô lượng kiếp đó, Ngài thấy được vô số công hạnh của Phật. Từ những công hạnh nho nhỏ đó mà Ngài ngưỡng mộ Phật gấp bội.

Không chỉ ở kiếp này, cái tâm ngưỡng mộ của Ngài còn đầy ắp trong cả vô lượng kiếp sau. Phẩm chất của con người từ cái tầm thường trở nên vĩ đại ta không ngờ được. Nó bắt đầu bằng tâm ngưỡng mộ, đây là chìa khóa thay đổi cuộc đời ta đi về nơi cao thượng. Hơn nữa, cái tâm này không tốn một đồng bạc nào. Ai hiểu được điều này rồi hãy quyết tu cái tâm ngưỡng mộ.

Không chỉ bản thân mình, nếu muốn người khác cũng có tâm tốt hơn, ta cũng cố gắng xây dựng tâm ngưỡng mộ cho người đó. Nó cực rẻ mà lại rất hiệu quả. Ngưỡng mộ cũng là một loại tình cảm không định nghĩa được. Ta chỉ hiểu được những biểu hiện của nó thôi. Để có tâm ngưỡng mộ vậy chứ không dễ chút nào.

Thông qua một số ví dụ, Thượng tọa đã chỉ ra sự khác biệt giữa phàm phu và bậc Thánh trong việc ngưỡng mộ. Theo đó, những người phàm phu hay bị mắc cái bệnh ngưỡng mộ người làm việc tốt ở đâu đó nhưng lại ghen tị với người hàng xóm tốt bụng của mình. Đây là lí do vì sao chúng ta chỉ ngưỡng mộ những người đã chết.

Người lí giải, một số nghệ nhân, doanh nhân khi chết rồi mới được loài người vinh danh, ca ngợi, tôn tụng, mục đích là để kiếm lời từ danh tiếng của họ, chứ không đơn thuần chỉ là ngưỡng mộ. Vậy cái tâm này là thiện hay ác?

Chúng ta cũng vậy. Nghe điều tốt của người khác ta rất dễ ngưỡng mộ. Những người sống cạnh ta cũng làm được những điều tốt tương tự vậy và được mọi người khắp nơi rất yêu quý, tại sao ta không khởi được tâm đó giống mọi người? Đó là vì ta ganh tị, đây là một cản trở rất lớn.

Ta phải nhớ, nơi chính mình phải cố gắng xây dựng tình cảm thì ta mới có thể xây dựng được tâm ngưỡng mộ với vô số chúng sinh. Ta biết xung quanh chúng ta điều ác là vô số, điều thiện cũng là vô lượng vô biên. Nếu chúng ta xót thương chúng sinh trong vô số điều ác thì phải tập tâm ngưỡng mộ đối với điều thiện của chúng sinh.

Cái rào cản lớn nhất ngăn không cho chúng ta làm được điều này chính là cái bản chất, bản năng không muốn ai hơn mình. Ta không vượt qua được bản năng ấy vì những người đồng đạo, đồng chí với nhau thì càng ganh tị nhau bởi họ gần nhau quá. Tâm lí mình ngang hàng với họ thì vì sao họ lại hơn mình khiến ta không vượt qua được. Còn lại, những người khác ta ngưỡng mộ được hết.

Tuy nhiên, nếu vượt qua tâm lí đó để ngưỡng mộ được đồng đạo, đồng chí của mình là chúng ta đã mở ra con đường vĩ đại và chúng ta đi theo con đường đó. Bồ tát Phổ Hiền đa hạnh, với cái hạnh “Ngũ giả tùy hỷ công đức” cũng là nhằm mục đích mở cho chúng sinh từ con người tầm thường thành con người vĩ đại mà thôi. Và Ngài mở rồi đó, nhưng chúng ta không làm được, vì bị rào cản bởi bản chất xấu xa là lòng đố kị.

Nói về tâm ngưỡng mộ, người thông minh phải mất 3 năm để thành tựu, người không trí tuệ phải mất 30 năm, người có thượng căn nghe xong thì hiểu liền. Sự thực, khi đi vào thực tế, ta bị cản lại vì bản năng đố kị trong tâm hồn. Chỉ khi tu tập Chánh định, diệt trừ được 5 triền cái thì tâm đố kị mới thực sự chấm dứt. Còn không, ta chỉ kiềm chế nó bằng ý nghĩ mà thôi.

Thực tế, ai kiềm chế được ý nghĩ đố kị của mình là đã tốt lắm rồi. Người này có nhiều công đức để tiến lên, chứ còn sạch đố kị thì không sạch nổi.

Hiểu điều này, ta nguyện lòng ngưỡng mộ Đức Phật, ngưỡng mộ công hạnh của Ngài và các vị Bồ tát từ vô lượng kiếp. Ngoài ra, ta ngưỡng mộ cả công hạnh của những bậc vĩ nhân, doanh nhân, những người thiện bình thường ở khắp nơi trong cuộc sống này. Quan trọng, ta ngưỡng mộ những người tốt đẹp ngang hàng, bên cạnh ta. Đồng thời, ta ngưỡng mộ luôn người ít tuổi hơn ta, nhưng lại có những thành tựu tốt đẹp, xuất sắc.

Người nhấn mạnh, phải vượt qua những rào cản này thì tâm ngưỡng mộ của ta mới tràn đầy, viên mãn, không còn bị lấn cấn bởi những bản ngã nhỏ hẹp. Đây là con đường để ta đi từ thân phận tầm thường thành con người vĩ đại. Hạnh “Ngũ giả tùy hỷ” tuy không tốn tiền nhưng để thành tựu cũng không phải dễ. Nhớ rằng cái khó là bản chất đố kị nơi tất cả chúng sinh và ai cũng bị như vậy. Ngay cả khi chúng ta khen người khác thì trong lời khen đó vẫn có đố kị.

Ai khen được những người còn sống, gần gũi ngay bên cạnh mình thì hẳn là người có đạo đức rất cao. Nhưng không hẳn là dễ vậy. Cứ nhìn người khen xem họ khen ai là biết đạo đức người đó. Có câu nói rằng “Hãy cho tôi biết anh chơi với ai? Bạn anh là loại người gì thì tôi sẽ cho anh biết anh là loại người thế nào”. Ngoài ra, Thượng tọa còn gợi mở rất nhiều yếu tố khác có thể đánh giá đạo đức, nhân phẩm, trí tuệ và lối sống của một người.

Đơn giản như việc vứt rác. Người nào vứt rác lộn xộn, bừa bãi, không có sự phân loại khoa học là người không có trí tuệ, quả báo là sau này sẽ mất hết tài sản. Ngược lại, những người ít tạo ra rác, biết phân loại, tái sử dụng rác cũng là công đức lớn cho đời.

Hôm nay, xem chúng ta khen ai là biết đạo đức của chúng ta đến đâu. Ta khen người đã mất rồi thì đạo đức của ta cũng chỉ thuộc loại vừa vừa thôi. Nghĩa là ta vẫn phàm phu, chỉ hùa theo mọi người. Nếu ta khen những người bên cạnh, thậm chí là khen những người đàn em của mình thì ta bắt đầu đang vĩ đại. Đây là cái mấu chốt. Nó không tốn tiền nhưng đòi hỏi ta phải thông minh và có tấm lòng. Làm được vậy thì muôn kiếp sau ta sẽ trở thành người vĩ đại, cao thượng.

Các bậc cha mẹ nếu muốn con mình thành những người tốt thì hãy dạy cho con tâm ngưỡng mộ người thiện. Khi kể về các tấm gương đó, cha mẹ cũng phải có tâm ngưỡng mộ thì từ tâm mới lây sang tâm. Còn kể bằng giọng đều đều, coi thường thì con ta cũng có thái độ khinh thường giống ta. Hãy nhớ rằng con người giao tiếp với nhau bằng tâm vô hình chứ không phải bằng ngôn ngữ.

Đúng vậy. Ngôn ngữ chỉ là vẻ bề ngoài, tâm vô hình mới là cái thật sự mà con người trao cho nhau. Vậy nên, nhiều khi chưa cần nói, chưa cần hành động, tâm với tâm đã hiểu hết rồi. Do đó, khi kể chuyện vĩ nhân, tâm ta phải thực sự ngưỡng mộ thì con ta mới ngưỡng mộ được. Đây là bước đầu tiên.

Bước thứ hai, ta cố gắng tìm cuộc sống thật của những người gần gũi quanh ta mà con mình cũng biết. Rồi ta kể những câu chuyện gần gũi, từ nhỏ bé cho đến lớn bằng cái giọng và cái tâm đầy ngưỡng mộ. Từ đó, ta truyền sự ngưỡng mộ cho con mình. Giáo dục bằng tâm ngưỡng mộ là cách giáo dục khoa học, đúng đắn nhất.

Thật vậy, chỉ điều chỉnh, kích hoạt tâm ngưỡng mộ thôi là ta có thể thay đổi cả số phận và cuộc đời của một con người. Đầu tiên là bản thân và con cái mình phải làm, phải đạt được trước đã. Dù là một con người bình thường, một hành động nhỏ bé nhưng ta vẫn phải đặt tình cảm sâu sắc trong đó. Đặc biệt, nếu khởi được tâm ngưỡng mộ với những người phía sau mình thì đạo đức của mình rất cao, có thể truyền được đạo đức đó cho con mình.

Tuy nhiên, đa số các bậc cha mẹ chưa đạt được mức độ đạo đức đó nên con họ phải tự thân vận động. Nếu con may mắn, có đạo đức thì gặp được Chánh Pháp. Nếu không may mắn, lại có đứa bạn hư hỏng thì coi như hỏng luôn.

Đạo đức rất mênh mông, vô tận, nói mãi không hết. Nhưng hôm nay, ta nghe cái chìa khóa nhỏ nhỏ, không tốn kém mà cực kì lợi hại. Nó dễ làm nhưng khó thực hiện. Dễ ở đây là không tốn tiền còn khó thực hiện vì ta phải đấu tranh với chính tâm đó kị của mình.

Khi ta ngưỡng mộ rồi thì có nhiều hệ quả xảy ra tiếp sau tâm ngưỡng mộ đó chứ không phải nói miệng rằng ngưỡng mộ quá rồi thôi. Ngưỡng mộ rồi thôi là ngưỡng mộ giả bộ. Ngưỡng mộ thật sự phải thêm một số kết quả tự nhiên xảy ra đằng sau.

Ví dụ, khi ngưỡng mộ một người, ta thường khen ngợi, kể, rồi ủng hộ chuyện tốt mà họ làm. Sau đó là cố gắng làm theo, dù không làm được nhiều thì cũng làm theo chút ít.

Trong cuộc sống, khi gặp bạn bè hay người thân, ta hay nói về đạo lí. Dù nói chuyện này hay chuyện kia, ta cũng khéo léo gài thêm đạo lí. Cách nói đạo lí được chia ra làm 2 loại. Một là khi nói mà có tâm kiêu mạn thì đạo lí ta nói ra có vẻ hơi “thầy đời”, nhiều khi làm người nghe khó chịu. Hai là nói không có tâm kiêu mạn thì đạo lí tự dưng nhẹ nhàng, người nghe cũng cảm thấy rất dễ chịu.

Tuy nhiên, khi có tâm ngưỡng mộ, thế nào ta cũng nói và làm theo đạo lí. Khi học tâm ngưỡng mộ, tâm khiêm hạ rồi hẳn ai cũng hoằng Pháp giỏi. Cái góc độ và phạm vi của ta bé hơn nhưng nếu làm theo thì đều có phước cả.

Suy cho cùng, trên đời này có nhiều điều làm phước, nhiều điều làm tội. Sự khác nhau của cái phước tội này là góp phần xây dựng hay phá hoại đạo tâm của người khác mà thôi. Nếu xây dựng đạo tâm cho người khác thì buộc phải có một nơi để đến, để đi về, đó là cõi trời.

Còn phá đạo tâm của người khác thì chỉ có xuống địa ngục. Vậy nên khi có tâm ngưỡng mộ thì phát sinh 4 kết quả: Một là khen người ta ngưỡng mộ. Hai là kể lại công hạnh của họ. Ba là ủng hộ họ. Bốn là theo họ. Bốn hệ quả này cuối cùng giúp ta phát sinh công đức.

Người lí giải, khi chúng ta làm theo công thức đó thì công đức bắt đầu thành tựu. Có thể ta không làm theo được ngay nhưng cứ làm phước 3 cái đầu trước. Khi cái phước đủ lớn, nó sẽ hóa thành cái nền để ta làm theo được.

Ví dụ, ta ngưỡng mộ một bậc Đạo sư thì không bao lâu ta có thể thuyết Pháp nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ mà thôi. Tức là, nhiều khi ta chỉ nói được cho 1 hoặc 2 người. Nhưng dù là 1 hay 2 người, nếu xây dựng được đạo tâm cho họ thì phước của ta vẫn rất lớn, vì cái phước trên cuộc đời này là xây dựng đạo tâm cho người khác. Nhờ đó, sau này chắc chắn ta lên cõi trời.

Ngược lại của sự ngưỡng mộ là sự đố kị. Đằng sau sự đố kị là các hệ quả: chê bai, phản bác, phá hoại. Khi đến cái phá hoại rồi thì bắt đầu tạo tội. Vậy nên, tâm đố kị dễ làm ta đọa súc sinh, địa ngục là vậy.

Lại thêm, nếu cản trở, dèm pha điều thiện của người khác thì ta không làm thêm điều thiện được nữa. Cho nên, dù cũng nghe Pháp, cũng quy y, biết đạo rồi nhưng hễ muốn làm việc tốt thì lại có chuyện này, chuyện kia ngăn cản. Đây là còn chưa tới mức phá hoại, bởi phá hoại điều thiện của người khác thì ta đọa địa ngục rồi.

Gần đây, Thượng tọa yêu cầu các đạo tràng tổ chức thi kể chuyện kể về cuộc đời Đức Phật dựa vào bộ truyện tranh “Đỉnh Núi Tuyết”. Ai kể hay, hấp dẫn thì được thưởng. Lí do Người phát động cuộc thi này là muốn mọi người cùng nhau tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời Đức Phật, bởi không hiểu về cuộc đời Đức Phật thì thật là một thiệt thòi cho tâm của chúng ta. Đệ tử Phật mà không hiểu cuộc đời Đức Phật là một cái dở rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc ta không hiểu rõ những giáo lí Phật dạy.

Thêm nữa, nếu mọi người kể hay, làm cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn, khiến người nghe thích thú thì được thêm công đức. Tức là khi ta làm mọi người khởi lên được tâm ngưỡng mộ với Phật thì ta được cái phước lớn. Cuối cùng, thế giới sẽ thay đổi bởi những người kể chuyện giỏi.

Vậy kể chuyện giỏi có khó không? Người trả lời là không vì câu chuyện đã có sẵn rồi. Cái khó là phải kể sao cho thật hấp dẫn thì mới có công đức. Thế nên, trước khi thuyết Pháp, nói vô số điều trên đời thì phải khởi đầu sự nghiệp thuyết Pháp đó bằng cách kể chuyện các vị Thánh, các vị Bồ tát trước đã. Làm đúng điều này ta sẽ được thành công rất lớn.

Không chỉ thuyết Pháp hãy khởi đầu sự nghiệp chỉ bằng cách kể chuyện, dù là lĩnh vực nghề nghiệp nào cũng vậy, ta sẽ thấy cuộc đời ta hanh thông, may mắn. Rút kinh nghiệm từ sự nghiệp thuyết giảng của mình, Thượng tọa khẳng định kể những câu chuyện của bậc Thánh, vĩ nhân, doanh nhân thì cuộc đời ta có nhiều cơ hội để thành công. Nó không chỉ gói gọn trong việc thuyết Pháp mà còn mở ra nhiều lĩnh vực khác. Và những câu chuyện hay thật sự là một gia tài, là chìa khóa để mở ra sự thành công.

Nguyên tắc là khi ca ngợi những người cao quý, nhất là bậc Thánh thì ta nhận được quả báo là sự may mắn. Không biết lĩnh vực nào nhưng cái may mắn, thành công thì giống nhau hết.

Kể chuyện tốt về các bậc Thánh không chỉ là cái nhân tạo nên sự thành công mà nó còn giúp diệt sạch hoàn toàn tâm đố kị tiềm tàng trong vô lượng kiếp của ta. Nhờ đó, ta được cái phước để cuộc đời dễ dàng thành công về sau.

Với bản thân mình, Người không hy vọng các phật tử ngưỡng mộ mà chỉ muốn mọi người ủng hộ mình bằng cách là rủ thêm thật nhiều người cùng đi nghe Pháp để đạo tràng và hội chúng được thêm long trọng. Ủng hộ không phải giành giật mà là đứng đằng sau để người mình ngưỡng mộ được thành tựu. Hạnh Bồ tát thích người đứng sau để ủng hộ cho người phía trước làm được việc.

Người nào mà rất nhiều kiếp đứng sau, ủng hộ cho người khác làm việc thì một kiếp nào đó buộc phải đứng đằng trước. Tức là, khi ta gieo cái nhân ngưỡng mộ những người tốt thì đến một kiếp nào đó ta sẽ được đứng lên cao để mọi người ngưỡng mộ. Đó là nhân quả.

Bồ tát đã dạy rằng khi ta ngưỡng mộ, đứng đằng sau để ca ngợi, ủng hộ Phật thì một kiếp nào đó, nhân quả buộc ta phải làm Phật. Có điều, kiếp đó hơi lâu.

Trong cuộc sống này, người khôn ngoan đừng giành chen lên đứng trước vì nó chỉ hao công, tổn phước mà thôi. Nếu khôn thì cứ hỗ trợ người tốt rồi nhân quả sẽ đẩy ta lên. Muốn đứng đằng sau hỗ trợ ta phải có tâm ngưỡng mộ, phải yêu quý thật lòng chứ đừng gỉa vờ rồi âm thầm chống đối, phá hoại. Ngược lại với “Tam giả quảng cúng dường” tốn kém, thì “Ngũ gỉa tùy hỷ công đức” lại không tốn kém chút nào, nó lại còn là chìa khóa mở ra chân trời mới tươi sáng.

Nói cho cùng, chúng ta nguyện làm người đứng sau để mọi người làm nên những công đức lành, cứ thanh thản, nhẹ nhàng, đừng bon chen, ham quyền lực rồi sẽ thấy nhân quả vận hành. Tiếc là ta không có đạo nhãn để thấy từng công hạnh của Phật trong vô lượng kiếp như Bồ tát Phổ Hiền, nên ta chỉ nói trên lí thuyết. Lòng ta vì thế mà cũng chưa khởi lên sự ngưỡng mộ tuyệt đối với Đức Phật được. Thật là một thiệt thòi lớn của chúng ta.

Ngưỡng mộ là căn bản của đạo đức. Ta chưa ngưỡng mộ tuyệt đối được vì chưa tận mắt chứng kiến công hạnh mà Phật đã thực hiện đối với chúng sinh trong Pháp giới. Nhưng ta hiểu, ta tin rồi gửi lên Phật lòng tôn kính tuyệt đối. Nguyện lòng theo Bồ tát Phổ Hiền, ngưỡng mộ các bậc Thánh, các bậc vĩ nhân, doanh nhân, những người tốt, kể cả đàn em của mình. Từ đó, ta kể lại, ủng hộ và làm theo những con người tốt đẹp đó.

Bằng những ngôn từ hài hước, dí dỏm, gần gũi, Thượng tọa đã mang đến cho mọi người một không khí hết sức vui vẻ. Vì thế, dù bài Pháp khá dài nhưng không ai thấy mệt mỏi. Các phật tử hết sức tập trung để ghi nhớ từng đạo lí Người nói. Từ đó, làm cơ sở để học tập, vận dụng cho bản thân.

Tóm lại, bài Pháp thoại ngoài việc làm rõ những đạo hạnh cao quý của các vị Bồ tát, còn đề cập đến một hiện thực nhức nhối của xã hội, đó là thái độ coi thường những bậc vĩ nhân, doanh nhân, người tốt của nhiều người trong thời đại ngày nay. Vì thái độ này mà cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn, khổ sở. Nếu không thay đổi suy nghĩ, thái độ này thì cuộc đời chúng ta thật khó mà thành công lâu dài được./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh buổi pháp thoại:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất