Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
Trang ChủTin tức Phật QuangThuyết phápTT. Thích Chân Quang thuyết giảng "Những chặng đường Thiền"

TT. Thích Chân Quang thuyết giảng “Những chặng đường Thiền”

-

Vừa qua, nhân KHÓA TU THIỀN tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi (TP Vĩnh Long), chiều ngày 14/10/2017, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN nhận lời mời của TT Thích Phước Hạnh – Phó ban thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đã quan lâm hướng dẫn thực tập thiền và chia sẻ Pháp thoại về đề tài NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THIỀN, với sự tham dự của hơn 800 thiền sinh, trong đó có hơn 100 vị Chư tôn đức Tăng Ni tham gia khóa thiền và gần 1500 phật tử xa gần đồng tham dự Pháp hội.

Đến với khóa tu Thiền tại chùa Phật Ngọc Xá Lợi, quý hành giả sẽ được hướng dẫn phương pháp thực hành Thiền định trên ba nền tảng căn bản vững chắc, đó là đạo đức, công đức, và khí công.

Đạo đức là sự thánh thiện trong sạch trong tâm hồn, với lòng tôn kính Phật, thương yêu chúng sinh, và khiêm hạ tột cùng.

Công đức là công lao đem an vui, hạnh phúc, đạo lý đến cho mọi người.

Khí công là để giữ tiềm lực luôn lắng xuống dưới, giúp cho não bộ ổn định trong sự tu tập.

Từ đó, khi ngồi thiền thuần thục, hành giả sẽ dần dần tiến bộ tuần tự về mặt tâm thức rất cụ thể, chứ không rơi vào suy tưởng, đồng thời có thể giữ được tâm bình an mà không cần cố gắng gì cả, đạo đức cũng tăng tiến từng ngày, và tự mình tìm thấy nghệ thuật sống rất ý vị. Đặc biệt hơn, đến với phương pháp thực hành thiền này sẽ giúp hành giả dần diệt trừ bản ngã, chấm dứt vô minh đúng như lời Phật dạy trong kinh tạng Nikàya (kinh Nguyên thủy). Diệt trừ bản ngã là điều quan trọng trong Phật giáo. Nếu không diệt bản ngã thì không bao giờ có giải thoát.

Nói về thiền, TT.Thích Chân Quang khẳng định Đức Phật đắc đạo nhờ thiền định. Suốt cuộc đời, Ngài luôn theo đuổi sự nghiệp dạy thiền cho mọi người. Vậy nên, dạy thiền trở thành biểu tượng của đạo Phật.

Tuy nhiên, thiền là một chặng đường dài, có bắt đầu và có kết thúc. Bắt đầu từ khi ta phát tâm tu tập tìm cầu sự giác ngộ, kết thúc khi bản ngã ta tan biến vào hư vô cùng pháp giới vũ trụ, lúc đó ta được gọi là bậc A La Hán.

Chặng đường này vô cùng lâu xa, có thể đi qua trong rất nhiều kiếp, và vô cùng chông gai.

Nếu không có một bậc minh sư dẫn đường, đa phần chúng ta sẽ lạc lối. May mắn là ta có Đức Phật, người đã chứng ngộ cao siêu, đã để lại kinh điển, tiêu chí, sự ấn chứng, sự xác tính từng mức độ, từng chặng đường rõ ràng thành một công thức, khuôn mẫu cho muôn đời sau. Tuy nhiên qua hơn 2500 năm, con đường mà Phật đã chỉ dạy có khi đã bị hiểu sai, có khi bị vẽ thêm một con đường khác lệch đi. Đây là điều đáng lo.

Vì vậy, hãy vượt qua mặc cảm của tông phái, vượt khỏi thành kiến của tông môn, tất cả chúng ta đều có bổn phận đi tìm lại đúng con đường mà Phật đã chỉ lối. Sự thật những vị Tổ trong tông môn của ta có thể đã vạch ra con đường khác Phật, đó là bệnh chung của tất cả các vị Tông sư, ai cũng nói con đường của mình là hay nhất. Nhưng qua nhiều sự đối chiếu so sánh, qua bao ngày tháng tu hành, ta sẽ thấy rằng con đường Phật đã chỉ dạy mới là khuôn vàng thước ngọc cho muôn đời sau. Từng câu từng lời về sự tu tập mà Phật ấn định thành công thức, nếu ta đi đúng rồi sẽ thấy cả vũ trụ nằm trong lòng bàn tay.

Với đề tài “NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THIỀN”, Thượng tọa sẽ giúp chúng ta trên đường tu luôn biết mình đang ở trình độ nào, không bị hiểu lầm. Bởi sẽ có những cảnh giới, những kết quả nào đó hiện ra làm cho ta lầm tưởng mình chứng rất cao. Dù không cố ý, ta vẫn mắc lỗi kiêu mạn ( lỗi “Tăng thượng mạn”), mà quả báo của cái lỗi này thì thật là nặng nề. Có khi chỉ vì một câu nói khoe khoang thôi mà ta trả quả ba mươi năm chưa hết. Cho nên trên đường tu, ta buộc phải luôn biết chính xác mình đang đi đến đâu.

Xưa nay trong nhà Thiền dễ bị mắc một cái lỗi đó là kiến giải luôn luôn đi trước, đi xa hơn trình độ thực chứng. Ví dụ một người chỉ đạt được chánh niệm tỉnh giác thôi, nhưng vẫn có thể lý luận như một vị A La Hán vậy. Cũng như ta ra tiệm cắt tóc, người thợ cắt tóc cũng nói về đủ chuyện của thế giới không thua gì một lãnh đạo quốc gia. Trong nhà Thiền cũng vậy, tu được đến mức độ thứ nhất thôi, mà kiến giải đã đến mức độ thứ mười rồi. Nên một hành giả tu thiền phải hết sức khiêm tốn và cảnh giác.

Trên những chặng đường Thiền, ta đi qua những bước căn bản sau:
+ Thứ nhất là đạo đức
+ Thứ hai là công đức
+ Thứ ba là khí công.

– “Đạo đức” trong tâm hồn được Phật gọi là giới hạnh. Đạo đức của một bậc Thánh thì hoàn hảo tuyệt đối, gồm ba nghìn oai nghi, tám muôn tế hạnh, con người thế gian không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, Phật gom hết đạo đức trên thế gian này vào trong một lời dạy ngắn, đó là phải “thấy sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt”. Để vỡ ra được câu này thì ta phải tu vài trăm kiếp trở lên.

Thật sự có những khiếm khuyết về đạo đức, thậm chí những ý niệm rất nhỏ nhặt bình thường mà quả báo lại vô cùng thê thảm, ta không lường được. Mà khi đó thì đường tu chắc chắc bị chướng ngại. Cho nên, xây dựng đạo đức là căn bản ban đầu của hành trình tu Thiền. Bao lâu thì ta làm xong bước căn bản này? Ba mươi kiếp chưa chắc xong.

– Bước thứ hai là tạo “công đức” bằng việc cống hiến, phụng sự, giúp đỡ ai được điều gì, tử tế được chút nào thì ta không bao giờ từ chối. Có cơ hội làm điều phước nhỏ như một hạt cải cũng không bỏ qua.

Sự thôi thúc giúp đời, phụng sự Tam Bảo, xây dựng Phật pháp phải là ngọn lửa bừng cháy trong tâm ta không gì dập tắt được. Nhờ như vậy ta mới tạo thành vô số công đức. Mà trên con đường Thiền, ta tạo công đức bao nhiêu là đủ? Không bao giờ đủ, công đức phải đến vô biên.

Tuy nhiên, để bắt đầu tu thiền được thì ta chỉ cần ba năm, ba năm trau dồi đạo đức, ba năm tạo công đức, ba năm tập khí công nghiêm túc. Khi ấy tâm linh ta bắt đầu chuyển biến, tâm thức bắt đầu rạn vỡ, những kết quả đầu tiên của Thiền dần hiện ra.

Nhưng tại sao phải có bước thứ ba là “khí công”? Trước tiên, vì rèn luyện sức khỏe cũng là đạo đức. Sống trên đời, phải có sức khỏe thì ta mới phục vụ, cống hiến, mới có cơ hội giúp đời được, còn nếu yếu ớt thì ta phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Cho nên ai lười rèn luyện sức khỏe, đó là người chưa đạo đức.

Trong các động tác khí công có Âm Dương khí công, ngoài việc chữa được một số bệnh về cột sống, đĩa đệm, mất ngủ, làm trẻ hóa cơ thể v.v.. Còn tạo ra khí lực tiềm tàng cho cơ thể, củng cố luôn cho bộ não, làm ta sáng suốt, thanh tịnh và thông minh hơn.

– Khi có nền tảng đạo đức, công đức, khí công rồi ta bắt đầu ngồi kiết già tọa thiền, hai chân khóa vào nhau, thẳng lưng, vai xuôi, hai bàn tay đặt lên nhau. Lúc đó hai lòng bàn chân, hai lòng bàn tay và bụng (đan điền) của chúng ta như tụ lại một chỗ. Ngồi như vậy ban đầu rất khó chịu, nhưng về sau lại tạo ra sự an ổn cho nội tâm. Ba đời chư Phật, mười phương chư Phật cũng chỉ ngồi tư thế đó. Tại sao như vậy, hãy thực hành theo rồi dần dần ta sẽ hiểu.

Ta ngồi đúng tư thế và giữ thân mềm mại mà bất động. Tại sao như vậy? Bởi thân và tâm là một. Nếu thân gồng cứng thì bộ não căng thẳng, còn thân loay hoay nhúc nhích thì tâm cũng xao động theo. Do đó phải giữ thân vừa mềm mại, vừa bất động. Khi bị vọng tưởng kéo đi, ta cũng trị vọng tưởng bằng cách trở lại biết rõ toàn thân, cảm giác toàn thân, giữ thân mềm mại bất động.

Tuy nhiên không phải ai cũng điều phục vọng tưởng được. Vậy điều gì làm cho sực nhớ quay lại biết rõ toàn thân, quay lại an trú toàn thân?

Chính là ba nền tảng đạo đức, công đức và khí công. Nhờ cái phước từ đạo đức, công đức làm ta quay trở lại biết rõ toàn thân, cảm giác toàn thân, giữ thân mềm mại bất động. Đó là nhờ cái phước. Tuy nhiên thật sự vẫn có chư Phật, chư Bồ tát, chư Hộ Pháp đang giữ gìn cái tâm cho ta, nếu mỗi ngày ta đều lễ Phật, sám hối, tụng kinh. Khi bắt đầu vào ngồi Thiền, ta có tác ý ba tâm hạnh: nguyện tôn kính Phật tuyệt đối, nguyện yêu thương chúng sinh vô hạn, nguyện giữ tâm khiêm hạ tột cùng như cỏ rác và tụng bài kệ vào Thiền:

Xin Phật độ cho con
Luôn nhớ và hiểu rằng
Thân này không phải ta
Tâm này không phải ta
Chẳng có gì là ta
Trong từng hơi thở vào
Trong từng hơi thở ra
Trọn niềm tôn kính Phật”

Khi có tác ý này rồi thì Phật che chở ta trong lòng bàn tay của Ngài, dù nhìn thì thấy như ta đang ngồi đơn độc.

Kế tiếp nữa ta bắt đầu quán thân vô thường, đây là căn bản không thể bỏ qua. Trong bài kinh Thân Hành Niệm Phật dạy về pháp quán thân rất kĩ, phải quán từ lúc thân già, xấu, bệnh, không làm chủ được, phải lệ thuộc, sau đó là chết, chết rồi thân căng phồng, sình trương, chảy các loại dịch, bốc mùi, xương khô mục, rã thành bụi trong đất…

Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao Phật dạy kĩ quá, không ngờ lòng từ bi, trí tuệ, sự nghiêm khắc, kĩ lưỡng của Phật là không gì sánh được. Vì nếu quán thân còn sót điều nào thì trong thẳm sâu tiềm thức ta vẫn còn cái chấp về thân, chẳng hạn nếu chưa quán rằng xương sẽ mục rã thì thẳm sâu ta vẫn còn chấp cái xương chứ chưa buông xả hoàn toàn, đây là chỗ cực kì vi tế.

– Nếu ngồi thiền cứ quán thân như vậy thì tâm có động không?

Có động đôi chút, nhưng thời gian đó rút ngắn dần. Ban đầu ta phải quán mất 15 phút, dần dần chỉ mất 3 phút, 1 phút… rồi chỉ còn một sát na thôi, trong một tích tắc ta đã đi hết tiến trình quán thân vô thường.

Thời gian còn lại chính là lúc tâm ta rơi vào trạng thái “trống không mà tỉnh giác” (chứ không phải trống không mà mê mờ). Nhưng ta không giữ được lâu, rồi vọng tưởng lại nổi lên kéo ta đi. Khi này ta lại an trú toàn thân, biết thân vô thường.

Khi thuần thục trong thiền, thời gian trống không tỉnh giác của ta sẽ dài hơn, và ta bắt đầu có cảm giác hỷ lạc của thiền. Lúc này “hơi thở” hiện ra. Ta bước vào giai đoạn tu tập hơi thở: hơi thở vào ta biết hơi thở vào, hơi thở ra ta biết hơi thở ra.

Và người nào an trú được toàn thân, biết rõ được toàn thân, giữ thân mềm mại bất động, quán thân vô thường và biết luôn hơi thở thì tâm bắt đầu vào an định.

Giai đoạn an định này vẫn chưa phải là Sơ thiền, nhưng bắt đầu xuất hiện nhiều kiến giải, nhiều ảo giác. Có người thấy như cơ thể mình rỗng suốt, có người thấy mình lơ lửng giữa hư không, có người thấy phát hào quang v.v… Những lúc đó phải có một bậc thầy sáng mắt hướng dẫn, bằng không ta bị hoang mang, đứng lại giữa đường, có khi phát điên luôn, hoặc tưởng mình chứng rất cao (rơi vào lỗi “Tăng thượng mạn”) và chịu quả báo nặng nề.

Cho nên khi tu chưa có kết quả thì không sao, còn hễ có kết quả rồi thì hãy tìm một bậc minh sư để được tham vấn, đừng tự đi một mình.

– Trong giai đoạn này, cái chánh niệm tỉnh giác bắt đầu hiện ra trong đời sống của chúng ta lúc đi đứng nằm ngồi, lúc nói chuyện, lúc lắng nghe, lúc làm việc, lúc nghỉ ngơi, lúc xem phim, lúc đọc sách, ăn cơm, uống nước, tắm rửa vệ sinh v.v… Khi chánh niệm đủ sâu rồi, ta vẫn lắng nghe, vẫn trả lời, vẫn làm việc, nhưng thẳm sâu vẫn biết rõ toàn thân, biết thân vô thường. Người như thế được gọi là một thiền giả đúng nghĩa, vì họ chánh niệm trong từng giây phút cuộc sống.

Cái chánh niệm này sẽ không liên tục, khi được khi mất. Tuy nhiên nếu ta cố gắng tu tập mãi, giữ gìn đạo đức, gây tạo công đức, thiền tọa đều đặn, siêng năng lễ Phật sám hối v.v… thì chánh niệm tỉnh giác sẽ đầy dần, lấp dần trong cuộc sống cửa ta, cho đến chỗ không còn chỗ trống, lúc nào tâm cũng vằng vặc tỉnh giác. Đó gọi là thành tựu được chánh niệm tỉnh giác.

– Và giá trị của chánh niệm tỉnh giác là ở chỗ phá được “năm triền cái”. Phá được rồi ta mới tạm gọi là đi xong giai đoạn chánh niệm tỉnh giác, để chuẩn bị nhập vào Chánh định, tức là chứng Sơ thiền.

+ Triền cái thứ nhất là “tham”. Khi ta an trú chánh niệm được một thời gian rồi thì lòng tham bị bứng sạch, tiền muôn bạc vạn không bao giờ làm ta động tâm nữa.

+ Triền cái thứ hai là “sân”. Dù ta có bị mưu hại, nhục mạ đến mức độ nào, lòng ta không bao giờ còn giận hờn thù ghét nữa.

+ Triền cái thứ ba là “hôn trầm”. Ngồi thiền không bị hôn trầm, năng lực não bộ mạnh lên, trong đời sống nếu cần phải thức thì cứ tỉnh táo một cách dễ dàng (không như người bình thường hễ thiếu ngủ là sinh bệnh).

+ Triền cái thứ tư là “nghi”, phá được triền cái này rồi thì không còn hồ nghi trước điều đúng sai của cuộc đời, của đạo lý. Cái khó nhất của triết học, của đạo học là cái gì đúng cái gì sai. Trên đời này không có ai là người có quyền định đoạt, xác lập, nắm giữ cái đúng sai cả. Chỉ trừ người tu thiền đến phá được triền cái thứ tư là hồ nghi thì tự nhiên đạt được cái đỉnh của trí tuệ, và người ấy biết được mọi điều đúng sai trên cuộc đời này. Nghe một lời nói, một đạo lý biết nó đúng chỗ nào, nó sai chỗ nào, không hồ nghi, do dự. Và người này đã bắt đầu làm thầy của thiên hạ được, vì không bao giờ còn sai lầm giữa đúng và sai nữa.

+ Triền cái thứ năm là “trạo cử”. Khi ngồi thiền thân không còn nhúc nhích lay động nữa, thân cứ vững vàng bất động. Đó là nhờ sức mạnh của thân, tự nhiên thân tuôn trào nội lực.

Năm triền cái này được phá theo đúng thứ tự như Phật dạy, không ai được nói khác đi. Nếu ta có tu thì ta cũng sẽ thấy cái con đường mình đi đúng thứ tự đó, không đi ngược lại được.

Cho nên khi tu cẩn thận kĩ lưỡng rồi ta mới thấy Phật là bậc tối tôn, tối thắng, bậc “Thầy” của trời người không gì bằng được. Phật nói những câu nhiều khi nghe đơn giản, nhưng chứa được cả bầu trời chân lý mênh mông ở trong đó. Còn thật sự đã có những lời nghe thì cao siêu hoa mỹ nhưng dẫn ta đi lạc lối rồi.

– Người phá được triền cái tham, đó là người mà Phật nói là “không có đôi bàn tay nắm lại”, trong lòng cứ bị thôi thúc bởi sự yêu thương, muốn sống giúp đỡ, tử tế với mọi người. Đó là cái đạo đức tự nhiên thành tựu.

Và một bậc Thánh thì phải gồm hai yếu tố: một là thiền định, hai là đạo đức. Người nào chỉ nói về Thiền, chỉ nói về sự tự tại của Thiền mà không nói sâu về đạo đức thì vẫn chưa phải là Thánh. Còn người chứng Thánh thì phải cả hai, vừa đạt được cái tự tại của Thiền, vừa đạt được đạo đức. Đó là con đường thiền mà Phật đã chỉ dạy.

– Điểm cuối của con đường Thiền là “Vô ngã”. Nghe thì đơn giản nhưng chưa một Giáo chủ nào nói lên được trừ Đức Phật, chưa một đạo giáo nào vạch ra được mục tiêu này trừ đạo Phật. Và nhiều người đã thấy sợ khi nghĩ đến việc tu cho đến chỗ không còn chính mình nữa, bởi ai cũng còn chấp ngã. Ai cũng thấy mình là quan trọng. Ai cũng muốn mình được vinh quang, vượt lên.

Cho nên khi nghe rằng tu theo Phật để đi đến chỗ vô ngã, tức là “không còn mình nữa”, ta khó lòng chấp nhận. Đó là đặc tính của phàm phu. Còn ai nghe về mục tiêu vô ngã mà lòng thấy hân hoan thì phải biết rằng đó là người đã có chủng tử tu tập, là bậc thượng căn, tích lũy công đức sâu dày, đi đúng chánh pháp của Phật trong rất nhiều kiếp rồi.

Tuy nhiên, có một quy luật là ta càng xem mình không là gì, càng trốn chạy bản ngã chừng nào thì vinh quang càng ập đến chừng nấy. Ta càng thấy mình là cát bụi chừng nào thì càng được khen ngợi chừng nấy… Tức là ta càng xem mình như hư vô thì cái phước lại càng ngập tràn. Cho nên ta phải xem mình như không, những việc thiện mình làm được là không, cả cái phước ngập tràn của mình cũng như hư vô, đó là ứng dụng đạo lý trong kinh Bát Nhã. Có như vậy ta mới giữ được lời hứa với Phật, mới đi được đến tận cùng mục tiêu vô ngã được.

Tóm lại, ai đến với khóa tu Thiền do Thượng tọa hướng dẫn sẽ được học hỏi hết lòng theo trình tự thực hành thiền một cách dễ hiểu, đầy đủ căn bản để mỗi người tự ứng dụng được dễ dàng mà hiệu quả. Từ đó, ai cũng có thể khám phá sức mạnh của thế giới nội tâm mình.

Thượng tọa chuyên giảng thuyết, chuyên dạy cho phật tử tu tập thiền định, và Người cũng từ trong cửa thiền mà ra. Chỉ vì Người có sống được, có thể nghiệm trong thiền đó, mới cảm sâu, nhận sâu, và truyền đạt lại thật tỉ mỉ, có hệ thống, có logic từ những quan điểm tu tập rất lớn tới những kiến giải rất nhỏ. Giống như một người phải thực sự ăn thì mới cảm nhận hương vị món ăn đó, biết kỹ món ăn đó ngon dở thế nào, hơn là chỉ nghe nói lại, hay đọc trên sách vở, hoặc nghiên cứu qua trung gian. Không cần nói gì, thông qua hơn 1000 chủ đề Pháp thoại của Thượng tọa, chúng ta cũng đã cảm nhận được giá trị tâm linh cao nơi Người.

Cũng vậy, chúng ta hãy đến với thiền để được trải nghiệm, để biết sự phong phú của đời sống tâm linh là thế nào. Nếu mọi người tu tập đều có năng lực thì nhất định sẽ làm lợi lạc cho chính mình, cho tha nhân, cho xã hội và cho toàn thể nhân loại./.

Tuệ Đăng

Dưới đây là hình ảnh của buổi thuyết giảng:

Ấn phẩm mớispot_img

Thông báo

Thông báo lịch giảng – khóa thiền tháng 4 năm 2024...

0
Lịch khóa thiền và thuyết giảng tháng 4 năm 2024 (update 19/4/2024): 1. Thứ 6 ngày 5/4/2024 (27/2 AL): 19h00 thuyết giảng tại chùa Pháp...

Tin mới nhất